Bệnh Viêm Loét Dạ Dày: Nguyên Nhân, Chuẩn Đoán, Cách Chữa

Cập nhật: 18/03/2024

Hệ tiêu hóa là một trong những bộ phận cực kỳ nhạy cảm của cơ thể, vì nó chịu trực tiếp sự ảnh hưởng của thức ăn mà chúng ta tiêu thụ. Viêm loét dạ dày là một trong những căn bệnh phổ biến mà nhiều người mắc phải với những cơn đau làm người bệnh lo âu. Vậy, viêm loét dạ dày do đâu? Có nguy hiểm không? Làm sao để điều trị? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.

Viêm loét dạ dày là gì?

Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc của dạ dày bị tổn thương, viêm sưng và kéo dài dẫn đến hình thành các vết loét do mòn mạch máu, làm lộ ra lớp mô bên dưới và có thể gây ra xuất huyết. Trong số các trường hợp bị viêm loét, khoảng 90% vết loét xuất hiện ở tá tràng, 60% ở dạ dày, và 25% tại bờ cong nhỏ của dạ dày.

Viêm loét dạ dày

Các triệu chứng viêm loét dạ dày

Triệu chứng của viêm loét bao tử đa dạng, và đôi khi người bệnh có thể nhầm lẫn chúng với đau bụng thông thường. Do đó, quan sát kỹ các biểu hiện sau đây là rất quan trọng:

  • Đau ở vùng trên rốn (gọi là thượng vị), có thể xuất hiện đột ngột và cực kỳ dữ dội hoặc âm ỉ tùy thuộc vào tình trạng của bệnh.
  • Cảm giác đầy hơi và khó tiêu.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Cảm giác chướng bụng, luôn cảm thấy no và không muốn ăn, dẫn đến sụt cân.
  • Cảm giác ợ rát, ợ hơi hoặc ợ chua.
  • Khó ngủ hoặc ngủ không sâu do những cơn đau đeo bám.

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào từ danh sách trên, hãy lưu ý và đi khám bác sĩ ngay. Trong trường hợp nôn mửa hoặc phát hiện máu trong phân, đặc biệt là phân đen, bạn cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức, vì đây có thể là dấu hiệu của xuất huyết nghiêm trọng.

Nguyên nhân bị viêm loét dạ dày

Viêm loét bao tử có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo các nghiên cứu tổng hợp thì sẽ có một vài nguyên nhân chính là:

  • Vi khuẩn HP: Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn HP sẽ sống trong lớp nhầy của dạ dày. Vi khuẩn tiết ra độc tố ức chế sản xuất yếu tố bảo vệ niêm mạc và gây ra tổn thương dạ dày.
  • Sử dụng thuốc NSAID: Các loại thuốc này có tác dụng phụ ức chế quá trình tổng hợp prostaglandi, làm giảm hiệu quả bảo vệ niêm mạc.
  • Căng thẳng: Cơ thể vị căng thẳng, lo âu kéo dài sẽ khiến dịch vị ở dạ dày tiết ra liên tục. Lớp niêm mạc tại dạ dày sẽ bị tác động gây ra vết loét.
  • Thuốc lá, đồ uống có cồn: Rượu, bia, thuốc lá sẽ khiến cơ chế bảo vệ dạ dày suy yếu và dễ tổn thương. Bên cạnh đó rượu còn làm cho các vết loét cũ lan rộng và khó lành.
  • Thói quen sinh hoạt chưa hợp lý: Thức quá khuya, bỏ bữa, ăn quá no hoặc quá đói là những thói quen xấu khiến dạ dày phải hoạt động thất thường, co bóp quá tải làm cho các chức năng dần suy yếu.

Biến chứng của viêm loét dạ dày

Các biến chứng thường phát sinh khi bệnh tiến triển vào giai đoạn mãn tính. Viêm dạ dày có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong, cụ thể:

  • Xuất huyết tiêu hóa: Bệnh nhân thường có triệu chứng nôn mửa hoặc đi ngoài có máu. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ mất máu nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
  • Thủng dạ dày: Sự tổn thương từ vết loét kéo dài có thể gây ra thủng dạ dày. Bệnh nhân thường cảm thấy đau bụng cấp tính, với cảm giác bụng căng cứng như bị đâm.
  • Hẹp môn vị: Do viêm loét dài hạn, các mô viêm xơ có thể hình thành ở môn vị, gây cản trở cho quá trình vận chuyển thức ăn. Triệu chứng của tình trạng này bao gồm nôn mửa, đầy bụng, và sụt cân nhanh chóng.
  • Ung thư dạ dày: Biến chứng ung thư là một nguy cơ nghiêm trọng đối với tính mạng của bệnh nhân. Viêm dạ dày có thể tạo điều kiện cho sự hình thành của các khối u ác tính trong niêm mạc, tiềm ẩn nguy cơ ung thư dạ dày.

Chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày

Chẩn đoán viêm loét dạ dày thường được xác định dựa trên một số phương pháp khác nhau, bao gồm:

  • Triệu chứng và tiền sử bệnh: Bác sĩ có thể đặt nghi vấn viêm loét dạ dày dựa trên các triệu chứng như đau bụng trên hoặc giữa, cảm giác cháy rát trong ngực hoặc dạ dày, buồn nôn, nôn mửa, và cảm giác no nhanh sau khi ăn.
  • Kiểm tra lâm sàng: Bác sĩ có thể thực hiện một số kiểm tra lâm sàng như kiểm tra huyết áp, kiểm tra thể trạng và kiểm tra bụng để tìm các dấu hiệu của viêm loét dạ dày.
  • Xét nghiệm máu: Một số xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra các chỉ số biểu hiện của viêm nhiễm hoặc để loại trừ các nguyên nhân khác của triệu chứng.
  • Nội soi dạ dày (EGD): Nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất để xác định viêm loét dạ dày. Trong quá trình này, một ống dẫn ánh sáng và máy ảnh được sử dụng để nhìn thấy bên trong dạ dày và lấy mẫu nếu cần.
  • Xét nghiệm nước dịch dạ dày: Nếu cần, bác sĩ có thể lấy mẫu nước dịch từ dạ dày trong quá trình nội soi để kiểm tra vi khuẩn hoặc xác định nguyên nhân gây viêm.

Dựa trên kết quả của các phương pháp chẩn đoán này, bác sĩ có thể xác định chính xác liệu bệnh nhân có viêm loét dạ dày hay không và đề xuất phương án điều trị phù hợp.

Cách điều trị viêm loét dạ dày phổ biến

Điều trị bằng thuốc

Dưới đây là một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày:

  • Thuốc kháng acid: Các thuốc như Omeprazole, Lansoprazole, Esomeprazole, Pantoprazole được sử dụng để giảm lượng axit trong dạ dày, giúp làm lành viêm loét và giảm nguy cơ tái phát.
  • Thuốc kháng H2: Các thuốc như Ranitidine, Famotidine, Cimetidine cũng có thể được sử dụng để giảm tiết axit trong dạ dày và giảm triệu chứng của viêm loét dạ dày.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Các thuốc như Sucralfate hoặc Misoprostol được sử dụng để bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi các tác động tiêu cực của axit và các yếu tố khác.
  • Thuốc chống vi khuẩn: Nếu viêm loét dạ dày được gây ra bởi vi khuẩn Helicobacter pylori, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh như Amoxicillin, Clarithromycin, Metronidazole kết hợp với PPIs để tiêu diệt vi khuẩn và làm lành viêm loét.
  • Thuốc giảm đau: Trong trường hợp đau do viêm loét dạ dày, các loại thuốc giảm đau như Acetaminophen có thể được sử dụng để giảm cảm giác đau.

Điều trị bằng phẫu thuật

Trong trường hợp bệnh không đáp ứng với thuốc hoặc xảy ra biến chứng sẽ cần can thiệp điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Đa số bệnh nhân bị biến chứng hẹp môn vị, thủng dạ dày, ung thư dạ dày sẽ phải chỉ định cắt dạ dày. Cụ thể:

  • Cắt dây thần kinh phế vị.
  • Cắt 1/2 dạ dày.
  • Cắt 3/4 dạ dày.

Điều trị tại nhà

Viêm loét dạ dày là một tình trạng y tế nghiêm trọng và cần phải được điều trị một cách cẩn thận. Dưới đây là một số biện pháp điều trị tại nhà có thể hỗ trợ trong quá trình chữa trị viêm loét dạ dày:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Ăn những bữa ăn nhỏ và thường xuyên hơn có thể giúp giảm áp lực lên dạ dày. Tránh ăn quá no và tránh các loại thực phẩm gây kích ứng như cà phê, rượu, thực phẩm cay nồng, và các loại thực phẩm chứa acid.
  • Uống nước: Uống nhiều nước để giữ cho cơ thể không bị mất nước và để giảm cảm giác đau do viêm loét.
  • Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đủ và tránh căng thẳng cũng có thể giúp giảm triệu chứng của viêm loét dạ dày.

Cách phòng ngừa viêm loét dạ dày

Để tránh được căn bệnh viêm loét dạ dày, có thể áp dụng một lối sống khoa học và lành mạnh. Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể thực hiện để duy trì hệ tiêu hoá khỏe mạnh:

  • Tránh hút thuốc lá và hạn chế uống bia rượu, thay vào đó nên chọn các loại thức uống khác như nước lọc.
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc như aspirin, Ibuprofen, naproxen (NSAID), đặc biệt là khi không có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Ưu tiên ăn các thực phẩm nấu chín và sử dụng nguồn nước sạch để tránh vi khuẩn gây hại.
  • Tăng cường thực đơn với các thực phẩm có lợi cho sức khỏe như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh giàu chất xơ và vi chất dinh dưỡng.

Câu hỏi thường gặp khi bị viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày nên ăn gì, kiêng gì?

Người mắc viêm loét dạ dày nên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả; thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá, trứng và tránh thực phẩm cay nồng, đồ ăn chứa nhiều chất béo và đồ uống có gas. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh thức ăn gây kích thích dạ dày như cà phê, rượu, và các loại thực phẩm chua.

Viêm loét dạ dày có tự khỏi được không?

Trong một số trường hợp, vết loét dạ dày có thể tự lành. Tuy nhiên, đa phần các triệu chứng viêm loét kéo dài trong nhiều tuần và nhiều tháng. Viêm loét dạ dày không được chẩn đoán và điều trị đúng cách cũng có nhiều khả năng quay trở lại.

Tập thể dục có giúp chữa viêm loét dạ dày không?

Tập thể dục có thể làm giảm tiết dịch dạ dày và tăng cường chức năng miễn dịch, sau đó làm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Hoạt động vừa phải cũng có thể làm giảm sự lo âu của người bệnh.

Bài viết liên quan

EMC Đã kết nối EMC