Ciprofloxacin: Công dụng, liều lượng, tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng

Ciprofloxacin là loại thuốc kháng sinh được dùng khá phổ biến hiện nay để điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, việc chưa hiểu rõ về công dụng, liều dùng cũng như những lưu ý khi sử dụng thuốc ciprofloxacin có thể gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người bệnh. 

Tìm hiểu về thuốc kháng sinh Ciprofloxacin
Tìm hiểu về thuốc kháng sinh Ciprofloxacin

Ciprofloxacin là thuốc gì?

Ciprofloxacin là thuốc thuộc nhóm quinolon. Đây là nhóm kháng sinh phổ rộng, có thể tác động được trên cả vi khuẩn gram dương và gram âm. Thuốc có 3 hàm lượng, bao gồm:

  • Ciprofloxacin 750mg: Là thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Dùng để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn nặng mà thuốc kháng sinh thông thường không có tác dụng.
  • Ciprofloxacin 500mg: Là thuốc thuộc nhóm dược lý chống nhiễm khuẩn, trị ký sinh trùng, với thành phần chính là hợp chất Ciprofloxacin hydrochloride. Loại thuốc này có công dụng trong việc điều trị các bệnh do nhiễm khuẩn, và mang lại hiệu quả cao.
  • Thuốc Ciprofloxacin 250mg: Được sử dụng để chữa trị các bệnh về nhiễm khuẩn tai mũi họng, hô hấp, thận, sinh dục, tiêu hóa, đường niệu, ống mật, xương khớp, nhiễm trùng máu, sản phụ khoa, mô mềm, nhiễm trùng mắt,…

Dạng bào chế và hàm lượng

Thuốc Ciprofloxacin được bào chế ở 2 dạng chính:

Viên nén:

  • Ciprofloxacin 250mg: Loại này có chứa 250mg ciprofloxacin cùng các tá dược bao gồm: Maize starch, microcrystalline cellulose, colloidal silicon dioxide, crospovidone, magnesium stearate, purified water, polyethylene glycol titanium dioxide và methyl hydroxypropyl cellulose 2910-15.
  • Ciprofloxacin 500 mg: Loại thuốc này chứa 500mg ciprofloxacin cùng các tá dược bao gồm: Colloidal silicon dioxide, microcrystalline cellulose, maize starch, purified water, titanium dioxide, crospovidone, magnesium stearate, polyethylene glycol và methyl hydroxypropyl cellulose 2910-15.
  • Ciprofloxacin 750 mg: Có chứa 750mg ciprofloxacin cùng một số tá dược như: Crospovidone, colloidal silicon dioxide, methylhydroxypropylcellulose 2910-15, microcrystalline cellulose, polyethylene glycol, magnesium stearate, maize starch, purified water và titanium dioxide.

Chất lỏng:

  • Trong 10ml thuốc Ciprofloxacin có chứa 1g ciprofloxacin cùng các thành phần tá dược bao gồm: Methyl-hydroxypropyl cellulose, poly (ethyl acrylate methyl methacrylate)-dispersion 30%, magnesium stearate, povidone 25, polysorbate 20.
  • Chất làm loãng chứa strawberry flavour 54267, strawberry flavour 52312, lecithin, sucrose micronized, medium chain triglycerides và purified water.
Thuốc Ciprofloxacin dạng lỏng dùng để nhỏ mắt, tai
Thuốc Ciprofloxacin dạng lỏng dùng để nhỏ mắt, tai

Tác dụng của thuốc Ciprofloxacin

Ciprofloxacin có tác dụng điều trị một số bệnh nhiễm trùng khác nhau bằng cách ngăn chặn vi khuẩn tăng trưởng. Thuốc không có tác dụng trong việc điều trị nhiễm virus mà chỉ dùng để điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra. 

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều loại dược phẩm có thành phần hoạt chất là ciprofloxacin như: Ciprofloxacin 500mg, Ciprofloxacin 0,3%, Ciprofloxacin 250mg. Loại thuốc này được dùng để nhỏ mắt hoặc tai trong các trường hợp:

  • Mắt bị một số bệnh như: Viêm kết mạc bờ mi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm tuyến mi (Meibomius) cấp loét giác mạc, viêm túi lệ và viêm bờ mi đượ gây bởi những chủng vi khuẩn nhạy cảm với ciprofloxacin. 
  • Bên cạnh đó, Ciprofloxacin còn được dùng để phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn mắt sau khi thực hiện ghép kết mạc, giác mạc, mổ mắt và phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn liên quan đến Chlamydia trachomatis hoặc Neisseria gonorrhoeae.
  • Thuốc cũng có tác dụng trong việc điều trị bệnh viêm tai giữa, viêm tai có mủ mãn tính, viêm tai ngoài. Đồng thời giúp phòng ngừa phẫu thuật xương chùm và sau khi phẫu thuật.

Ngoài ra loại thuốc này còn được chỉ định trong những bệnh như sau:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Nhiễm khuẩn ở xương và khớp.
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa.
  • Các bệnh nhiễm khuẩn về đường tiết niệu.
  • Bệnh lậu.
Thuốc có tác dụng với nhiều bệnh lý trong đó có bệnh về đường hô hấp
Thuốc có tác dụng với nhiều bệnh lý trong đó có bệnh về đường hô hấp

Chống chỉ định 

Những đối tượng sau đây không được chỉ định sử dụng thuốc Ciprofloxacin:

  • Không dùng cho những trường hợp có tiền sử quá mẫn với ciprofloxacin và một số loại thuốc liên quan như acid nalidixic, hay các quinolon khác.
  • Thuốc không được dùng cho phụ nữ đang mang thai và đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ, trừ trường hợp bắt buộc phải dùng.
  • Thuốc Ciprofloxacin cần phải được dùng một cách thận trọng ở người lớn tuổi.
  • Với những trường hợp bị tổn thương thần kinh trung ương khác như: Giảm lưu lượng tuần hoàn máu, co giật, đột quỵ, thay đổi cấu trúc não thì chỉ nên sử dụng thuốc khi thấy ích lợi của việc điều trị.

Cách sử dụng thuốc Ciprofloxacin

Đọc kỹ hướng dẫn là yêu cầu đối với bất kỳ loại thuốc nào trước khi sử dụng. Với thuốc Ciprofloxacin thì bạn cần lưu ý cách sử dụng như sau:

  • Sử dụng 2 lần/ngày vào mỗi buổi sáng và tối. Tùy theo chỉ định của bác sĩ mà người dùng có thể kèm hoặc không kèm theo thức ăn.
  • Cần phải lắc đều thuốc trong 15s trước khi rót ra ngoài.
  • Sử dụng thìa đo chuyên dụng để đo liều thuốc một cách chính xác.
  • Người bệnh không nên nhai các thành phần bên ở trong thuốc.
  • Không dùng ống dẫn thức ăn để sử dụng hỗn dịch vì điều này có thể làm tắc nghẽn ống.
  • Mỗi liều thuốc cần cách nhau ít nhất là từ 2 – 6 tiếng.

Sau khi sử dụng cần bảo quản thuốc Ciprofloxacin ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng, tránh ẩm. Không nên để trong phòng tắm, hặc ngăn đá theo hướng dẫn.

Việc dùng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ
Việc dùng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ

Liều dùng thuốc

Với mỗi tình trạng bệnh sẽ có liều dùng ciprofloxacin khác nhau. Vì vậy, người bệnh cần thăm khám để được bác sĩ chỉ định liều lượng phù hợp.

Dưới đây là liều dùng ciprofloxacin thông thường mà bạn có thể tham khảo:

Với bệnh viêm xoang cấp tính:

Trường hợp bệnh Nhẹ hoặc vừa: Sử dụng 500mg mỗi 12 giờ hoặc 400mg mỗi 12 giờ bằng đường tiêm tĩnh mạch trong 10 ngày.

Bệnh nhiễm trùng xương và khớp:

  • Mức độ nhẹ hoặc trung bình: Dùng 500mg mỗi 12 giờ hoặc 400mg mỗi 12 giờ dùng để tiêm tĩnh mạch trong 4 – 6 tuần.
  • TRường hợp nặng hoặc nghiêm trọng: Sử dụng 750mg mỗi 12 giờ hoặc 400mg mỗi 8 giờ tiêm tĩnh mạch trong thời gian 4 – 6 tuần.

Bệnh viêm tuyến tiền liệt bởi vi khuẩn mãn tính:

  • Thuốc ciprofloxacin được chỉ định cho người mắc viêm tuyến tiền liệt vi khuẩn mãn tính được gây ra bởi Proteus mirabilis hoặc Escherichia coli.
  • Ở mức độ nhẹ hoặc trung bình: Người bệnh dùng 500mg mỗi 12 giờ hoặc 400 mg mỗi 12 giờ  tiêm tĩnh mạch trong 28 ngày.

Tiêu chảy truyền nhiễm:

Dùng cho trường hợp bệnh nhẹ, trung bình hoặc nặng: Sử dụng 500mg mỗi 12 giờ trong khoảng thời gian từ 5 – 7 ngày.

Bệnh nhân giảm bạch cầu do sốt:

Trường hợp bệnh nặng: SỬ dụng 400mg mỗi 8 giờ trong khoảng 7 – 14 giờ.

Nhiễm trùng ổ bụng:

Dùng khi gây biến chứng: Liều lượng là 500 mg mỗi 12 giờ hoặc 400mg mỗi 12 giờ tiêm tĩnh mạch trong thời gian 7 – 14 ngày.

Nhiễm trùng đường hô hấp dưới:

  • Nếu bệnh nhẹ hoặc trung bình: Dùng 500mg mỗi 12 giờ hoặc 400mg mỗi 12 giờ tiêm tĩnh mạch trong khoảng 7 – 14 ngày.
  • Trường hợp bệnh nặng hoặc phức tạp: Người bệnh sử dụng 750mg mỗi 12 giờ hoặc 400 mg mỗi 8 giờ tiêm tĩnh mạch trong thời gian từ 7 – 14 ngày.

Viêm phổi bệnh viện:

Trường hợp bệnh nhẹ, trung bình hoặc nặng: Liều dùng là 400 mg mỗi 8 giờ tiêm tĩnh mạch trong 10 – 14 ngày.

Nhiễm trùng cấu trúc da:

  • Bệnh nhẹ hoặc trung bình: Sử dụng 500mg mỗi 12 giờ hoặc 400 mg mỗi 12 giờ tiêm tĩnh mạch trong 7 – 14 ngày liên tiếp.
  • Với bệnh nặng hoặc phức tạp: Sử dụng hàm lượng 750mg mỗi 12 giờ hoặc 400 mg mỗi 8 giờ để tiêm tĩnh mạch trong 7 – 14 ngày liên tiếp.

Nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • Nếu bệnh nhẹ hoặc vừa: Người bệnh dùng 250mg mỗi 12 giờ hoặc 200mg mỗi 12 giờ để tiêm tĩnh mạch trong thời gian 7 – 14 ngày liên tiếp.
  • Trường hợp bệnh nặng hoặc nghiêm trọng: Sử dụng hàm lượng 500mg mỗi 12 giờ hoặc 400mg mỗi 12 giờ dùng trong thời gian 7 – 14 ngày liên tiếp.

Nhiễm trùng cổ tử cung và niệu đạo:

Dùng trong trường hợp không biến chứng: Liều dùng là 250 – 500mg mỗi ngày một lần

Nhiễm bệnh than: Dùng để điều trị sau phơi nhiễm:

  • Trường hợp do hít phải (điều trị dự phòng/sau phơi nhiễm): Người bệnh sử dụng 500mg mỗi 12 giờ hoặc 400 mg mỗi 12 giờ tiêm tĩnh mạch trong khoảng 60 ngày.
  • Nếu bị bệnh qua da: Liều dùng là 500mg mỗi 12 giờ hoặc 400mg mỗi 12 giờ tiêm tĩnh mạch trong thời gian 60 ngày.

Bệnh dịch hạch: 

  • Với trường hợp bệnh này chỉ dùng ciprofloxacin để điều trị và phòng ngừa bệnh dịch hạch do Yersinia pestis.
  • Liều dùng 500 – 750mg mỗi 12 giờ trong thời gian khoảng 14 ngày.
  • Hoặc có thể dùng ciprofloxacin 400mg mỗi 8 – 12 giờ tiêm tĩnh mạch trong 14 ngày.
  • Với liều dùng cho đối tượng trẻ em cần được chỉ định cụ thể bởi bác sĩ. 

Mắt:

  • Trường hợp Nhiễm khuẩn cấp tính: Thời gian đầu nhỏ 1 – 2 giọt mỗi 15 – 30 phút. Sau đó, nếu bệnh đã thuyên giảm thì giảm dần số lần nhỏ mắt xuống.
  • Nếu bị nhiễm khuẩn khác: Người bệnh nhỏ từ 1 – 2 giọt, tần suất 2 – 6 lần/ngày hoặc có thể hơn nếu cần.
  • Với trường hợp bệnh đau mắt hột cấp và mãn tính: Người bệnh dùng 2 giọt cho mỗi mắt, sử dụng khoảng 2 – 4 lần mỗi ngày. Sau đó, tiếp tục điều trị trong 1- 2 tháng hoặc có thể lâu hơn.

Tai: Thời gian đầu, người bệnh nhỏ 2 – 3 giọt ciprofloxacin, mỗi 2 – 3 giờ. Sau đó,khi bệnh đã thuyên giảm thì giảm dần số lần nhỏ.

Tác dụng phụ của thuốc ciprofloxacin

Ngoài những công dụng nêu trên, thuốc ciprofloxacin có thể gây ra một số tác dụng phụ trong quá trình sử dụng mà người bệnh cần lưu ý:

1. Rối loạn tim mạch

Thuốc ciprofloxacin có thể gây ra tình trạng rối loạn tim mạch
Thuốc ciprofloxacin có thể gây ra tình trạng rối loạn tim mạch

Ciprofloxacin có thể gây kéo dài khoảng QT. Vì vậy, người bệnh cần thận trọng khi sử dụng thuốc này cùng với những loại thuốc có thể làm kéo dài khoảng QT như: Thuốc chống loạn nhịp tim loại III hoặc loại IA, các thuốc chống loạn thần, các kháng sinh macrolid, hay thuốc chống trầm cảm ba vòng,…

Với những trường hợp có yếu tố nguy cơ gây xoắn đỉnh hoặc kéo dài khoảng QT cũng phải thận trọng khi dùng thuốc Ciprofloxacin. Đó là các trường hợp như hội chứng khoảng QT dài bẩm sinh, suy tim, giảm kali máu hoặc hạ magnesi máu, nhồi máu cơ tim hoặc nhịp tim chậm,…

2. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Thuốc Ciprofloxacin có tác dụng phụ là làm giảm cảm giác ngon miệng, thèm ăn và có thể gây buồn nôn hoặc tiêu chảy. Với những trường hợp người bệnh bị tiêu chảy nặng hoặc kéo dài nhiều ngày cần tham khảo tư vấn của bác sĩ để có biện pháp xử lý phù hợp. Trong trường hợp này sẽ chống chỉ định với việc dùng những thuốc ức chế nhu động ruột.

3. Hệ gan mật

Nếu người bệnh gặp bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào của bệnh gan (như vàng da, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, căng chướng bụng hoặc ngứa,…), cần phải ngừng sử dụng Ciprofloxacin. Đặc biệt là với những trường hợp bệnh nhân đã có tổn thương gan trước đó.

4. Hệ cơ xương

Cần sử dụng thận trọng thuốc Ciprofloxacin trên các bệnh nhân bị bệnh nhược cơ. Bởi nó có thể khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Người bệnh có thể gặp tình trạng viêm gân và đứt gân khi dùng Ciprofloxacin. 

Ngoài ra, ở những người lớn tuổi hoặc trên bệnh nhân điều trị đồng thời với các corticosteroid thì nguy cơ bệnh lý về gân có thể tăng lên.

Nếu người bệnh có bất cứ dấu hiệu nào của tình trạng viêm gân (ví dụ sưng đau, viêm) thì cần ngưng sử dụng thuốc và tham khảo các tư vấn từ bác sĩ.

5. Hệ thần kinh

Thuốc Ciprofloxacin có thể khởi phát ra các cơn co giật. Đặc biệt là ở những bệnh nhân đã bị rối loạn thần kinh trung ương và động kinh trước đó (ví dụ như: Bị  tiền căn động kinh, ngưỡng động kinh thấp, giảm lưu lượng máu não, đột quỵ hoặc cấu trúc não bị tổn thương,…ị). Trường hợp này, người bệnh cần cân nhắc giữa nguy cơ và tác dụng phụ của thuốc trước khi sử dụng Ciprofloxacin.

Ngoài ra, còn có một số tác dụng phụ hiếm gặp trên hệ thần kinh như trầm cảm hoặc các phản ứng loạn thần. Trường hợp người bệnh có ý nghĩ tự sát hoặc là những hành vi tự gây nguy hiểm cho bản thân thì cần dừng ngay thuốc Ciprofloxacin và áp dụng các biện pháp điều trị tích cực.

Một số người có bệnh lý đa dây thần kinh cảm giác khi dùng Ciprofloxacin có thể dẫn tới loạn cảm, dị cảm, giảm cảm giác hoặc yếu cơ. Vì vậy, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như đau, tê hay,cảm giác bỏng rát, hay yếu cơ, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ biết để có hướng xử lý phù hợp.

6. Ảnh hưởng đến da

Người bệnh có thể bị ngứa, phát ban, nổi mề đay, hoặc phản ứng nhạy cảm với ánh sáng khi dùng thuốc Ciprofloxacin. Vì vậy, bạn nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời quá nhiều. Đồng thời hãy dừng sử dụng nếu có hiện tượng nhạy cảm ánh sáng (chẳng hạn như phản ứng da giống với bị phỏng).

Phát ban, mẩn ngứa là tác dụng phụ dễ gặp phải của thuốc kháng sinh
Phát ban, mẩn ngứa là tác dụng phụ dễ gặp phải của thuốc kháng sinh

Trong quá trình dùng thuốc, nếu người bệnh thấy bất cứ tác dụng phụ không mong muốn nào xảy ra, cần báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và xử lý kịp thời.

Tương tác thuốc

Ciprofloxacin có thể gây tương tác khi sử dụng với một số loại thuốc sau:

  • Nếu dùng đồng thời cùng với các thuốc chống viêm không steroid (như indomethacin, ibuprofen,…) sẽ làm gia tăng các tác dụng phụ của thuốc ciprofloxacin.
  • Nếu dùng cùng một số thuốc gây độc tế bào (như doxorubicin, cytosin arabinosid, cyclophosphamid, vincristin, mitozantrone) sẽ khiến độ hấp thu ciprofloxacin có thể bị giảm đi một nửa .
  • Sử dụng cùng với thuốc chống toan có magnesi và nhôm sẽ làm giảm khả dụng sinh học và giảm nồng độ trong huyết thanh của ciprofloxacin. Vì vậy, người bệnh cần sử dụng ciprofloxacin với các thuốc chống toan cách xa nhau (nên uống thuốc chống toan trước khi uống ciprofloxacin từ 2 – 4 giờ). Tuy cách này cũng chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề.
  • Nếu sử dụng cùng với didanosin, sẽ khiến nồng độ ciprofloxacin bị giảm đi đáng kể. Vì vậy, người bệnh nên uống ciprofloxacin trước didanosin 2 giờ hoặc sau didanosin 6 giờ để đảm bảo hiệu quả.
  • Sử dụng đồng thời sucralfat cũng làm giảm hấp thu của ciprofloxacin. Người bệnh nên uống kháng sinh trước khi sử dụng sucralfat từ 2 – 6 giờ.
  • Nếu dùng đồng thời ciclosporin và Ciprofloxacin có thể gây tăng creatinin huyết thanh nhất thời. Vì vậy, người bệnh nên kiểm tra creatinin huyết mỗi tuần 2 lần khi sử dụng 2 loại thuốc này.
  • Sử dụng ciprofloxacin cùng với theophylin có thể gây ra tình trạng tăng nồng độ theophylin trong huyết thanh. Do đó, người bệnh cần kiểm tra nồng độ theophylin trong máu. Và nếu buộc phải dùng 2 loại thuốc này thì có thể giảm liều theophylin.
  • Sử dụng Ciprofloxacin phối hợp với Warfarin có thể gây hạ prothrombin. Người bệnh cần kiểm tra thường xuyên prothrombin huyết để có điều chỉnh liều thuốc chống đông máu cho phù hợp.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc ciprofloxacin?

Tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng loại thuốc này. Vì vậy, hãy báo cho bác sĩ biết nếu người bệnh đồng thời có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào dưới đây:

  • Nhịp tim chậm.
  • Tiêu chảy.
  • Tiểu đường.
  • Tiền sử bị nhồi máu cơ tim.
  • Bị bệnh tim.
  • Nồng độ magne trong máu thấp và chưa được chữa trị.
  • Người có tiền sử từng bị co giật hoặc động kinh.
  • Bị hạ kali máu và chưa được chữa trị.
  • Có tiền sử bị đột quỵ.
  • Bệnh gan, nặng.
  • Bệnh não (chẳng hạn như bị xơ cứng động mạch).
  • Có tiền sử ghép nội tạng.
  • Bệnh thận nghiêm trọng.
  • Bị nhược cơ – Không sử dụng ở những bệnh nhân có tình trạng này.
  • Người có tiền sử mắc rối loạn về gân (chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp) cũng cần thận trọng vì có thể làm cho các tác dụng phụ trở nghiêm trọng hơn.

Thận trọng/Cảnh báo khi sử dụng thuốc Ciprofloxacin 500mg

Ngoài những tác dụng phụ và tương tác thuốc nêu trên, khi sử dụng Ciprofloxacin, ở một số đối tượng đặc biệt, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:

Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên sử dụng thuốc ciprofloxacin
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên sử dụng thuốc ciprofloxacin

Phụ nữ có thai và cho con bú

Thời kỳ mang thai: Các mẹ bầu chỉ nên dùng thuốc trong những trường hợp nhiễm khuẩn nặng, buộc phải dùng tới Ciprofloxacin mà không có kháng sinh khác thay thế.

Thời kỳ cho con bú: Tuyệt đối không nên dùng thuốc giai đoạn này. Bởi Ciprofloxacin sẽ tích lại ở trong sữa mẹ và nó có thể đạt đến nồng độ quá mức cho phép, từ đó gây nhiều tác hại cho trẻ. Trong trường hợp người mẹ buộc phải dùng thuốc thì nên ngừng việc cho con bú.

Trẻ em

Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy các vấn đề nhi khoa bất thường khi sử dụng ciprofloxacin ở trẻ em. Tuy nhiên, do thuốc có độc tính, nên khi sử dụng ở trẻ em cần hết sức thận trọng. Loại thuốc này ở dạng viên nén hoặc lỏng có thể được sử dụng để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh than sau khi phơi nhiễm ở trẻ em và dùng để điều trị nhiễm trùng thận nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, cũng chưa có nghiên cứu nào chỉ ra tác dụng của viên nén ciprofloxacin dựa trên mối quan hệ về độ tuổi đối với ở trẻ em. 

Người cao tuổi

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy người cao tuổi cần hạn chế sử dụng thuốc ciprofloxacin. Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nhân cao tuổi thường có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, thận hoặc có vấn đề về gân nghiêm trọng (bao gồm đứt gân). Do đó cũng cần thận trọng khi dùng ciprofloxacin.

Dị ứng

Nếu bạn đã từng bị dị ứng hay có bất kỳ phản ứng bất thường nào với thuốc này và kế cả với các loại thuốc khác (chẳng hạn như thuốc nhuộm, thực phẩm, động vật, chất bảo quản,…), hãy nói cho bác sĩ biết để có hướng sử dụng phù hợp. Đối với những sản phẩm không kê toa, người dùng cũng đọc nhãn ghi hoặc thành phần thuốc ghi trên gói để tránh dị ứng.

Ciprofloxacin là thuốc kháng sinh, được sử dụng trong nhiều trường hợp bệnh lý khác nhau. Thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng và luôn tuân theo chỉ định của bác sĩ để có hiệu quả tốt nhất. 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *