Rạn da: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả nhất
Bảng tóm tắt
Rạn da là nỗi lo lắng không phải của riêng ai. Tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nó có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti trong giao tiếp, đặc biệt là phái nữ.
Rạn da là gì?
Rạn da (tiếng Anh: Stretch marks) là một loại sẹo hình thành trên bề mặt da khi da bị căng ra hoặc co lại quá mức trong thời gian ngắn. Sự thay đổi đột ngột này có thể khiến các sợi collagen và elastin dưới da bị đứt gãy. Khi da lành lại, các vết rạn có thể xuất hiện.
Giảm lượng fibrillin – một loại glycoprotein cần thiết cho sự hình thành các sợi đàn hồi trong mô liên kết, làm giảm elastin trong da và góp phần xuất hiện các vết rạn. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng sự biến đổi màu sắc của vết rạn tương tự như quá trình chữa lành da và hình thành sẹo thông thường.
Thay đổi nồng độ hormone và yếu tố di truyền là 2 nguyên nhân thường gặp nhất gây rạn da. Nếu gia đình bạn có người bị rạn da thì bạn cũng có nguy cơ bị rạn cao hơn so với những người khác.
Rạn da có thể xuất hiện ở một số vùng da trên cơ thể như:
Đùi, bụng, ngực: Vết rạn thường xuất hiện ở những vùng có cơ hoạt động mạnh hoặc những vùng dễ mất chất béo nhanh trên cơ thể như đùi, bụng, bầu ngực. Tùy thuộc vào nguyên nhân, vết rạn sẽ có các màu sắc khác nhau.
Cánh tay: Rạn da ở cánh tay thường xuất hiện ở trẻ trong độ tuổi dậy thì.
Mông, chân: Ở tuổi dậy thì, trẻ có thể bị rạn ở vùng hông, đầu gối, vai, bụng, chân do tăng cân và tăng chiều cao quá mức.
Nhận biết dấu hiệu rạn da và phân loại
Trước khi các vết rạn xuất hiện, bạn có thể nhận thấy một số vùng da trên cơ thể chuyển sang màu hồng nhạt, cảm giác ngứa ngáy có thể xuất hiện.
Nhìn chung, các chuyên gia da liễu cho rằng có ba giai đoạn của rạn da.
Giai đoạn 1 – giai đoạn cấp tính: Khi mới xuất hiện, vết rạn thường nhỏ, có màu đỏ, tím, hồng, nâu đỏ hoặc nâu sẫm… tùy thuộc vào màu da của bạn. Vết rạn cũng có thể nổi lên như vết sẹo nhỏ và gây ngứa ngáy.
Giai đoạn 2: Vết rạn có thể chuyển sang màu tím hoặc hơi đỏ.
Giai đoạn 3 – giai đoạn mãn tính: Theo thời gian, màu sắc của vết rạn có thể nhạt dần và chìm dưới da. Những vết rạn có thể chuyển sang màu trắng bạc, sáng bóng và trông giống như vết sẹo. Các vết rạn có thể mờ dần theo thời gian nhưng chúng không thể biến mất hoàn toàn. Khi chạm vào, bạn có thể thấy các vết rạn hơi lõm xuống so với các vùng da xung quanh.
Dựa vào màu sắc và hình dáng, rạn da có thể được chia thành hai loại chính:
- Vết rạn đỏ (Striae rubrae) hay còn gọi là vết rạn mới xuất hiện, dễ điều trị. Vết rạn bắt đầu có màu đỏ vì chứa các mạch máu dưới da. Các mạch máu vẫn đang hoạt động giúp các vết rạn da đỏ đáp ứng tốt hơn với việc điều trị .
- Vết rạn trắng (Striae albae) là vết rạn trưởng thành, khó điều trị. Lúc này, các mạch máu dưới da sẽ dần thu hẹp, khó kích thích sản xuất collagen. Bởi vậy, các vết rạn da trắng đáp ứng với việc điều trị thấp hơn so với rạn da đỏ.
Dựa vào nguyên nhân và màu sắc, rạn da có thể được chia thành các loại sau:
- Rạn da do mang thai (striae gravidarum), đây là loại rạn da thường xảy ra ở phụ nữ trong thai kỳ
- Tổn thương da do hội chứng Cushing, hội chứng Marfan cũng có thể gây rạn, loại này gọi là rạn do bệnh lý
- Rạn màu xám đen hoặc đen, vết rạn này thường xảy ra ở những người có màu da tối
- Rạn màu xanh đậm hay tía
Nguyên nhân rạn da và yếu tố nguy cơ
Da gồm ba lớp chính là biểu bì, trung bì, hạ bì. Rạn da thường được hình thành ở lớp hạ bì hoặc trung bì khi các mô liên kết bị kéo căng quá mức vượt quá giới hạn đàn hồi vốn có của nó.
Các nguyên nhân phổ biến gây rạn da:
Tuổi dậy thì: Rạn có thể xuất hiện ở thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì khi chúng tăng cân và tăng chiều cao quá nhanh.
Thời kỳ mang thai: Tăng cân quá nhiều và thay đổi nội tiết tố khi mang thai là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng rạn da ở phụ nữ. Phụ nữ mang thai khi còn quá trẻ có nguy cơ bị rạn cao hơn so với khi mang thai ở độ tuổi trưởng thành.
Giảm hoặc tăng cân nhanh chóng: Tăng giảm cân đột ngột có thể khiến làn da bị kéo dãn hoặc co lại quá mức. Điều này khiến da bị tổn thương và gây ra các vết rạn.
Tăng cơ quá nhanh khi gym: Khi cơ bắp phát triển quá nhanh, da trên cơ thể có thể bị căng quá mức từ đó khiến các vết rạn hình thành.
Lạm dụng corticoid: Sử dụng kem dưỡng da corticoid kéo dài có thể làm giảm mức độ collagen trong da. Khi collagen suy giảm, nó có thể làm tăng nguy cơ bị rạn da.
Ngoài các nguyên nhân trên, bạn cũng có thể bị rạn da khi mắc hội chứng Cushing (bệnh do u tuyến yên tăng tiết hormone kích vỏ thượng thận adrenocorticotropic hormone/ACTH) hoặc hội chứng Marfan (rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết).
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ rạn da của bạn:
- Nữ giới có nguy cơ bị rạn da hơn nam giới, với tỷ lệ lần lượt là 55% và 25%
- Bệnh sử gia đình
- Bệnh mãn tính, như bệnh gan mãn tính, HIV, tình trạng suy nhược và chán ăn tâm thần
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) cao trước khi mang thai
- Mang thai ở độ tuổi càng trẻ, nguy cơ rạn càng cao
Điều trị rạn da như thế nào?
Rạn da có thể được chẩn đoán dễ dàng dựa trên kiểm tra da và xem xét tiền sử bệnh của một người. Tuy nhiên, trước khi áp dụng các biện pháp điều trị rạn da, một sô bác sĩ sẽ đề nghị bạn làm một số xét nghiệm nếu nghi ngờ nguyên nhân gây rạn da là do bệnh lý.
Đến nay, chưa có một phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm rạn da. Để điều trị rạn hiệu quả, bạn có thể phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.
Chăm sóc da tại nhà
Trên thực tế, rạn da thường rất khó chữa vì những tổn thương này thường nằm sâu dưới da. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà để làm mờ vết rạn.
Dùng kem dưỡng ẩm: Da đủ độ ẩm sẽ kích thích quá trình sản sinh collagen, điều này giúp duy trì độ đàn hồi của da, từ đó giúp vết rạn mờ dần. Dưỡng ẩm hàng ngày cũng giúp giảm nguy cơ hình thành các vết rạn mới trên da. Ngoài uống đủ nước, bạn nên dùng kem dưỡng ẩm hàng ngày để giúp da không bị khô.
Tẩy tế bào da chết: Tẩy tế bào da chết thường xuyên giúp loại bỏ da chết dư thừa trên cơ thể và hỗ trợ làm mờ rạn da. Nó cũng được kết hợp với các phương pháp điều trị khác để nâng cao kết quả điều trị rạn da.
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống không tác động trực tiếp tới rạn da nhưng bổ sung một số loại thực phẩm có thể giúp giữ ẩm và cải thiện độ đàn hồi của da, nhờ vậy mà vết rạn da không bị lan rộng ra.
Vết rạn da sẽ xuất hiện nhiều hơn nếu chế độ ăn của bạn thiếu hụt kẽm, vitamin E, vitamin A, vitamin C… Những loại vitamin này giúp tăng sản xuất collagen, cải thiện độ đàn hồi và kích thích quá trình tái tạo mô trên da.
Massage: Để làm mờ vết rạn da, bạn có thể dùng các loại dầu tự nhiên như dầu dừa, dầu olive… để massage vùng da bị rạn 15 phút mỗi ngày. Massage da không chỉ giúp vết rạn da nhạt màu dần mà nó còn giúp ngăn ngừa vết rạn lan động.
Xông hơi: Xông hơi có tác dụng rất tốt với người bị rạn da. Xông hơi thường xuyên sẽ giúp lỗ chân lông thông thoáng, giúp loạn bỏ bụi bẩn trên da và giúp da săn chắc.
Áp dụng Tây y
Ngoài áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà, bạn cũng có thể áp dụng các phương pháp điều trị bằng Tây y. Bác sĩ sẽ lựa chọn cách chữa rạn da phù hợp với từng người dựa trên tình hình sức khỏe, tuổi tác và thời gian xuất hiện vết rạn da.
1. Kem bôi ngoài da
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại kem bôi, lotion và gel giúp điều trị rạn da. Dưới đây là các sản phẩm được dùng để điều trị rạn da:
- Kem retinoid
Đây là một sản phẩm bôi ngoài da dẫn xuất từ vitamin A. Kem bôi retinoid có thể kích thích quá trình sản sinh collagen trên da. Do vậy, tình trạng da của bạn có thể được cải thiện rõ rệt khi bôi retinoid, đặc biệt hiệu quả trị rạn da sẽ tăng lên nếu vết rạn mới được hình thành.
Tuy vậy, retinoid có thể gây một số tác dụng như đỏ da, bong tróc da. Ngoài ra, sản phẩm này cũng không được khuyên dùng cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Hạn chế để da tiếp xúc với ánh nắng khi đang dùng retinoid vì da sẽ dễ bị cháy nắng.
- Acid glycolic
Acid glycolic cũng giúp kích thích quá trình sản xuất collagen trên da, từ đó giúp da đàn hồi hơn. Acid glycolic có thể được dùng để điều trị rạn da khi mang thai. Khi sử dụng acid glycolic, bạn cũng nên tránh để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Nếu bạn muốn thử dùng các loại kem bôi trị rạn da, cần lưu ý một số điều sau:
- Nên sử dụng các sản phẩm khi các vết rạn da mới hình thành. Những vết rạn da được hình thành trong thời gian dài thường không thể điều trị bằng các loại kem bôi.
- Nên massage nhẹ nhàng để các dưỡng chất trong sản phẩm thấm đều vào da để tăng hiệu quả.
- Nên kiên trì sử dụng sản phẩm trong thời gian dài vì các loại kem bôi trị rạn da thường có tác dụng chậm, phải sử dụng trong thời gian mới nhận thấy hiệu quả.
2. Liệu pháp laser
Phương pháp này sử dụng các bước sóng mạnh của ánh sáng để kích thích quá trình sản xuất collagen, elastin hoặc melanin trên da. Phương pháp khá tốn kém. Trong một số trường hợp, vùng da được điều trị bằng laser có thể bị nóng, rát khó chịu.
Tùy vào thời gian hình thành, hình dạng của vết rạn cũng như màu da của bạn mà bác sĩ sẽ lựa chọn liệu pháp laser phù hợp:
- Laser xung nhuộm màu (hay laser mạch máu)
Phương pháp này thường được sử dụng với những vết rạn da mới hình thành. Khi áp dụng laser xung nhuộm màu, các tia laser sẽ phá hủy mạch máu bên dưới da và khiến vết rạn biến mất hoặc nhạt màu đi.
- Laser phân tách (hay laser tái tạo bề mặt)
Đối với vết rạn da bị lồi lõm, bác sỹ sẽ sử dụng tia laser phân tác để tái tạo bề mặt da và giúp chúng mịn màng hơn.
3. Mài mòn da (Microdermabrasion)
Khi áp dụng phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị để thổi các tinh thể nhỏ vào da của bạn. Những tinh thể này sẽ mài mòn hoặc làm nhẵn bề mặt da. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng máy hút để loại bỏ các tinh thể và tế bào chết trên da. Điều này sẽ kích thích các tế bào da mới phát triển.
Mài mòn da là một trong số ít phương pháp được sử dụng để điều trị các vết rạn đã hình thành lâu ngày.
4. Microneedling
Phương pháp này tác động vào lớp hạ bì – nơi hình thành các vết rạn da. Các kỹ thuật viên sẽ sử dụng các mũi kim nhỏ để chích lên nhiều điểm trên da để kích thích sản xuất collagen, thúc đẩy quá trình tái tạo da và giảm rạn da.
Đây là thủ thuật điều trị rạn da hiệu quả, đặc biệt cho những người có da sẫm màu. Tuy nhiên, giá thành cho mỗi liệu trình điều trị khá cao.
5. Phẫu thuật da
Nếu muốn loại bỏ vết rạn da vĩnh viễn, bạn có thể tham khảo phương pháp phẫu thuật da. Tuy nhiên, phương pháp này thường khá tốn kém và nó thể gây ra một số rủi ro về sức khỏe. Do vậy, trước khi phẫu thuật, chị em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Chữa rạn da bằng Đông y
Các bài thuốc chữa rạn da bằng Đông y có nguồn gốc từ các thảo dược thiên nhiên nên khá an toàn, hiếm khi đem lại tác dụng phụ.
Dưới đây là một số cách trị rạn da bằng Đông y:
Bài thuốc nghệ, gừng và rượu gạo
Nghệ và gừng thường được dùng trong y học cổ truyền. Hai loại thảo dược này có nhiều lợi ích với sức khỏe và sắc đẹp.
Cách làm:
- Sử dụng 1kg gừng, 1kg nghệ, thái lát nhỏ hoặc đập dập
- Ngâm với 1 lít rượu gạo
- Đậy chặt nắp bình và để vào nơi thoáng mát
- Nếu có điều kiện, nên hạ thổ rượu gừng nghệ trong 3 – 10 ngày để tăng hiệu quả trị rạn da
Cách áp dụng:
- Bạn có thể dùng rượu gừng nghệ massage nhẹ nhàng lên vùng da bị rạn trong khoảng 15 phút, sau đó rửa sạch với nước ấm
- Nên sử dụng hàng ngày và liên tục trong vòng 1 – 2 tháng để rượu gừng nghệ phát huy tác dụng
Kem bôi thảo dược
Ngày nay, các bài thuốc trị rạn da cổ phương đã được bào chế thành các dạng sử dụng tiện lợi, như kem bôi hoặc cao dạng bôi. Bạn có thể tìm mua các sản phẩm này tại các cơ sở uy tín. Chúng có thể đem đến hiệu quả hỗ trợ điều trị rạn da tương đối ổn định, tiết kiệm thời gian sử dụng với chi phí phải chăng. Có một số dòng sản phẩm kết hợp Đông – Tây y giúp đẩy nhanh hiệu quả điều trị và phục hồi làn da.
Các mẹo trị rạn da
Để làm mờ các vết rạn da lâu năm, nhiều người đã sử dụng nguyên liệu tự nhiên dễ kiếm và an toàn. Dưới đây là các mẹo trị rạn da lâu năm mà chị em có thể áp dụng để thoát khỏi các vết rạn da mất thẩm mỹ.
Sử dụng nha đam
Nha đam là mẹo trị rạn da tại nhà hiệu quả nhất trong việc điều trị rạn da. Nha đam thường được sử dụng để cải thiện các vấn đề ngoài da, nhiều người thường dùng nha đam để chữa các vết cháy nắng.
Cách thực hiện:
- Để sử dụng nha đam khi bị rạn da, bạn có thể lấy gel nha đam thoa trực tiếp lên da hoặc trộn gel nha đam với vitamin A và vitamin E
- Thoa hỗn hợp lên da và massage nhẹ nhàng để các dưỡng chất được hấp thụ hoàn toàn vào da
Sử dụng lòng trắng trứng
Acid amin và protein trong lòng trắng trứng sẽ giúp tái tạo làn da bị hư tổn và giúp giảm rạn da hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Bạn có thể đánh tan lòng trắng trứng sau đó bôi lên vùng da bị rạn
- Để da khô hoàn toàn và rửa sạch với nước
- Khi da khô, bạn nên thoa một lớp dầu olive lên da để duy trì độ ẩm trên da
Sử dụng dầu dừa
Dầu dừa có thể giúp cải thiện tình trạng rạn da bằng dầu dừa. Không chỉ giúp làm mờ vết rạn, dầu dừa còn giúp dưỡng ẩm hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Để giảm rạn da, bạn có thể thoa dầu dừa 2 lần một ngày
- Khi dùng dầu dừa, bạn nên dùng một lượng vừa phải vì dùng quá nhiều nó có thể gây cảm giác bết dính trên da và gây khó chịu
Sử dụng nghệ tươi
Nghệ tươi thường được sử dụng để cải thiện vết rạn da vì nó giúp sáng da và làm lành vết thương.
Cách thực hiện:
- Bạn có thể dùng nghệ tươi giã nát sau đó trộn với sữa chua theo tỷ lệ 1:1 và bôi lên vùng da bị rạn
- Nên để 20 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch
- Nên kiên trì sử dụng 2 – 3 lần/tuần để cảm nhận hiệu quả
Lưu ý: Một số người có thể bị dị ứng với nghệ, do vậy trước khi sử dụng nghệ bạn nên dùng một ít nghệ thoa lên vùng cổ tay và xem vùng da đó có phản ứng gì không.
Sử dụng khoai tây
Trong khoai tây có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, những dưỡng chất này giúp thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng của tế bào da.
Cách thực hiện:
- Để giảm rạn da, bạn có thể cắt khoai tây thành nhiều lát
- Sau đó lấy các lát khoai tây này chà xát nhẹ nhàng lên da nhiều lần
- Sau khi da khô thì xả sạch da bằng nước ấm
Bị rạn da nên kiêng ăn gì? Nên ăn gì?
Chưa có một nghiên cứu nào chứng minh bổ sung một loại thực phẩm hoặc vitamin nào giúp điều trị rạn da. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp làn da luôn khỏe mạnh. Da khỏe mạnh là điều quan trọng để giảm sự xuất hiện của các vết rạn da và giúp chúng nhanh lành hơn.
Thêm vào đó, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cũng giúp duy trì cân nặng hợp lý. Điều này khiến làn da của bạn không bị căng quá mức, từ đó hạn chế nguy cơ bị rạn da.
Ngoài ra, chế độ ăn uống hợp lý cũng giúp tăng cường quá trình sản xuất collagen, elastin trong cơ thể. Cả hai loại sợi này đều có vai trò quan trọng trong việc duy trì cấu trúc, độ đàn hồi của da và hạn chế nguy cơ rạn da.
Những thực phẩm bạn nên ăn khi bị rạn da
Để hỗ trợ tốt cho làn da trong quá trình tự làm lành, tái tạo da, bạn nên tích cực ăn các thực phẩm sau:
Thực phẩm chứa nhiều acid béo omega-6
Các loại acid béo omega-6 (chẳng bạn như acid linoleic, gamma-linoleic, acid arachidonic…) giúp giảm viêm và cải thiện độ ẩm của da. Điều này rất quan trọng trong việc chữa lành tổn thương trên da và ngăn ngừa vết rạn da.
Nếu muốn bổ sung acid béo omega-6 trong chế độ ăn uống của mình, bạn hãy thêm các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn uống như: Trứng, ngũ cốc, bánh mì nguyên hạt, quả óc chó, gia cầm…
Thực phẩm chứa nhiều vitamin D
Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc duy trì hàng rào bảo vệ tự nhiên của da. Nó cũng bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV trong ánh nắng mặt trời và giúp chữa lành vết thương. Tất cả những yếu tố này có thể giúp ngăn ngừa vết rạn da mới hình thành.
Thực phẩm giàu vitamin D bạn nên ăn: Lòng đỏ trứng, dầu gan cá, phô mai, các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá thu, sữa chua, nước cam…
Rau, củ, quả
Đây là những thực phẩm có chứa nhiều vitamin, chất dinh dưỡng và chất xơ thiết yếu cho làn da khỏe mạnh. Da khỏe mạnh có khả năng phục hồi tốt hơn và có thể ngăn ngừa sự phát triển của các vết rạn da.
Những loại rau, củ, quả bạn nên ăn là bông cải xanh, rau bina, ớt chuông, khoai lang, bí đỏ, cam, quả mọng…
Thực phẩm giúp tăng cường collagen
Collagen là một trong những thành phần chính cấu tạo nên làn da của bạn. Protein này có ở khắp mọi nơi trong cơ thể, các mô liên kết, dây chằng, gân và da. Cùng với elastin, collagen giúp duy trì độ đàn hồi và dẻo dai của làn da.
Bạn có thể tăng cường lượng collagen trong cơ thể bằng những thực phẩm sau: Nước hầm xương, thịt gà, động vật có vỏ, cam quýt, rau lá xanh, hạt điều, đậu, cà chua, ớt chuông.
Thực phẩm giàu vitamin A, C, E
Vitamin C giúp dưỡng ẩm cho da, giảm khô da và cải thiện quá trình sản xuất các tế bào sừng trên da. Vitamin E giúp ngăn ngừa quá trình stress oxy hóa trong cơ thể, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương. Trong khi đó, vitamin A giúp ngăn ngừa nếp nhăn và trẻ hóa da.
Để bổ sung đủ các loại vitamin này, bạn nên ăn gan cá thu, trứng, trái cây và rau quả có màu vàng cam, đỏ, quả hạch, bông cải xanh…
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước giúp duy trì độ ẩm cho da khiến chúng không bị khô và mất nước. Ngoài uống nước, bạn cũng có thể ăn các loại rau, củ, quả chứa nhiều nước như: Dưa chuột, bông cải xanh, cà chua, táo, rau bina…
Thực phẩm giàu kẽm
Thiếu hụt kẽm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da và quá trình chữa lành vết thương. Thiếu kẽm cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm da. Để bổ sung kẽm cho cơ thể, bạn có thể thêm các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn uống như: Quả hạch, cây họ đậu, sản phẩm bơ sữa, trứng, động vật có vỏ, các loại ngũ cốc…
Thực phẩm giàu protein
Thiếu protein có thể ảnh hưởng đến làn da của bạn theo nhiều cách. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những người thiếu protein thường gặp các vấn đề về da như mụn, nám, lão hóa da sớm…
Thiếu protein cũng ảnh hưởng đến hàm lượng collagen của da khiến da bị lão hóa và các tổn thương do rạn da khó lành hơn. Các thực phẩm giàu protein bạn nên ăn là: Thịt, gia cầm, trứng, cá, đậu phụ, các loại đậu…
Bổ sung vitamin K
Theo Cẩm nang Điều trị Da liễu châu Âu, vitamin K rất có lợi trong việc điều trị rạn da. Bạn có thể tìm thấy vitamin K trong bồ công anh, cải bẹ xanh, hành lá, cải xoăn, rau chân vịt…
Kiêng ăn gì khi bị rạn da?
Khi bị rạn da, bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm dưới đây:
Thực phẩm nhiều đường
Đường là nguyên nhân làm thoái hoá các sợi collagen trên da, nó cũng làm tăng lượng mỡ trong cơ thể. Do vậy bạn nên hạn chế ăn các thực phẩm nhiều đường như bánh ngọt, kẹo… để vết rạn da không đậm màu lên.
Cà phê
Uống nhiều cà phê có thể khiến da nhăn nheo, xỉn màu và các vấn đề về da khác như mụn trứng cá, lão hóa da… Do vậy, bạn chỉ nên uống 1 cốc cà phê một ngày.
Đồ uống có cồn
Sử dụng đồ uống có cồn, như rượu, bia, cocktail… có thể khiến da bị khô, lão hóa và ngứa ngáy. Điều này có thể khiến vết rạn da lâu lành hơn.
Phòng ngừa rạn da hiệu quả
Ngoài việc tuân theo phương pháp điều trị và có một chế độ ăn uống cân bằng, dưới đây là một số điều bạn có thể làm để bảo vệ da và ngăn ngừa rạn da.
Tập thể dục thường xuyên: Điều này sẽ giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý và cải thiện độ đàn hồi của da. Tập thể dục dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên cũng giúp bạn tăng/giảm cân từ từ, điều này sẽ giảm áp lực lên da và hạn chế rạn da.
Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời: Tia UV trong ánh nắng mặt trời có thể ảnh hưởng đến collagen trên da. Nó cũng có thể làm vết rạn da đậm màu hơn. Do vậy, bạn nên hạn chế đi ra ngoài trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu phải đi ra ngoài nắng, nên bôi kem chống nắng và che chắn cẩn thận.
Giữ ẩm cho da: Điều này hạn chế tình trạng khô da và giảm sự xuất hiện các vết rạn da mới.
Tránh tăng cân quá nhiều khi mang thai: Tăng cân quá nhiều khi mang thai là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng rạn da. Đây là lý do vì sao bạn nên tránh ăn quá nhiều, ăn cho hai người khi mang thai.
Thực tế là tuy không thể hoàn toàn ngăn chặn được các vết rạn da, nhưng bạn có thể giảm cường độ và ngăn rạn da nặng hơn. Các vết rạn da cũng sẽ mờ dần dần theo thời gian. Nếu các biện pháp trị rạn da mà bạn đang áp dụng không hiệu quả, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị rạn da tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!