Loãng xương: Dấu hiệu, chẩn đoán & cách phòng ngừa bệnh
Bảng tóm tắt
Nhắc đến bệnh loãng xương, người ta thường có suy nghĩ chủ quan rằng chỉ người già mới mắc bệnh. Trái ngược lại với suy nghĩ đó, loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào và có thể để lại biến chứng đến cuối đời.
Loãng xương là gì? Đối tượng có nguy cơ cao mắc loãng xương
Hệ xương khớp đóng vai trò là bộ khung nâng đỡ cơ thể người. Chính vì vậy, xương khớp có khỏe thì con người mới có thể vận động một cách linh hoạt và thoải mái. Loãng xương là một trong những căn bệnh phổ biến hàng đầu khiến bộ khung đỡ này yếu đi, suy giảm chức năng vốn có.
Cơ chế loãng xương được định nghĩa là tình trạng suy giảm mật độ xương – đơn vị đánh giá chất lượng sức khỏe của xương khớp. Mật độ xương là lượng chất khoáng có trong một đơn vị thể tích của xương. Bên cạnh mật độ xương, tình trạng loãng xương còn được xác định thông qua một số các thông số khác như: cấu trúc xương, độ khoáng hóa, tốc độ chuyển hóa xương và mức độ tổn thương nếu có.
Loãng xương là một bệnh lý phổ biến và ngày càng có dấu hiệu gia tăng tỷ lệ mắc. Đây thậm chí còn được xem là một vấn đề sức khỏe xã hội cần quan tâm đặc biệt.
Có thể nói, loãng xương không tập trung vào một đối tượng cụ thể nhất định. Bệnh có thể xảy ra đối với bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi, nghề nghiệp nào. Tuy nhiên, dựa trên những thống kê về bệnh lý, các chuyên gia đã xác định những đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người khác:
- Người cao tuổi: Đây là đối tượng có nguy cơ loãng xương cao nhất. Có thể nói đây là bệnh lý mà hầu như người cao tuổi nào cũng mắc phải với mức độ phổ biến chỉ đứng sau bệnh lý về tim mạch.
- Phụ nữ tuổi mãn kinh: Thực tế, tỷ lệ phụ nữ mắc loãng xương cao hơn nam giới khá nhiều bởi tính chất xương phụ nữ sẽ mỏng và nhỏ hơn. Đặc biệt, khi bước sang thời kỳ mãn kinh, tỉ lệ này càng chênh lệch nhiều hơn.
- Người mắc bệnh về xương khớp, bệnh thận hoặc bệnh nội tiết.
- Những người có gia đình, người thân có tiền sử mắc bệnh loãng xương.
- Những người phải điều trị bằng thuốc corticoid liên tục trong một thời gian dài
Các cấp độ của loãng xương – Nguyên nhân gây bệnh
Loãng xương được phân làm 2 loại: loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát. Tiêu chí phân loại này sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh điển hình.
Loãng xương nguyên phát
Đây là hiện tượng loãng xương do phản ứng lão hóa tự nhiên của cơ thể. Khi cơ thể yếu đi, hoạt động nuôi dưỡng xương khớp cũng theo đó mà suy giảm. Quá trình phá hủy tế bào xương vẫn liên tục diễn ra trong khi các tế bào xương mới lại không được hình thành. Kết cục là xương ngày một “trống rỗng”, yếu và rất dễ gãy.
Loãng xương nguyên phát do 2 nguyên nhân chính gây nên:
- Mãn kinh ở phụ nữ: Quá trình mãn kinh thực sự là một cột mốc quan trọng của người phụ nữ khi toàn bộ cơ thể đều bị ảnh hưởng. Sự suy giảm hormone estrogen, kèm theo giảm hormone tuyến cận giáp và gia tăng quá trình đào thải canxi niệu khiến hiện tượng loãng xương xảy ra. Loãng xương do mãn kinh có thể gia tăng tỷ lệ gãy xương, lún đốt sống ở phụ nữ nếu quá trình vận động hàng ngày không chú ý cẩn thận.
- Tuổi già: Tuổi tác cao là nguyên nhân loãng xương ở cả nam và nữ và dường như là điều tất yếu của của một vòng đời con người. Khi tuổi tác dần một tăng, sự mất cân bằng tạo xương ngày một rõ rệt. Điều này khiến xương ở tất cả vị trí trên cơ thể bị giòn và xốp hơn, đặc biệt là ở vị trí xương chân vì phải liên tục chịu sức nặng của cơ thể.
Loãng xương thứ phát
Là hiện tượng loãng xương do một số tác nhân khác như ảnh hưởng của việc dùng thuốc hoặc do mắc các bệnh lý mãn tính liên quan. Đa phần, những trường hợp được kết luận loãng xương thứ phát là do có liên quan đến các nguyên nhân sau:
- Bệnh khớp: Do ảnh hưởng trực tiếp đến xương khớp nên đa số các bệnh lý mãn tính về khớp đều gây biến chứng loãng xương, thoái hóa xương. Các bệnh lý điển hình như: viêm đau khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn,…
- Bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa: Bệnh dạ dày, bệnh gan, bệnh liên quan đến đường ruột, suy dinh dưỡng,…
- Bệnh về nội tiết: Bệnh cường giáp, bệnh liên quan đến tuyến giáp, bệnh tiểu đường, bệnh suy tuyến sinh dục, bệnh cường vỏ thượng thận,…
- Bệnh ung thư, bệnh di truyền nhiễm sắc tố,…
- Ảnh hưởng của việc dùng thuốc Tây y điều trị: như thuốc Heparin, thuốc Corticoid, thuốc lợi tiểu,…
- Do tính chất công việc (ví dụ: những người làm công việc thám hiểm vũ trụ có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn).
Ngoài các nguyên nhân kể trên, các yếu tố như sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, chế độ ăn nghèo nàn cũng góp phần vào cơ chế của loãng xương thứ phát.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh loãng xương
Để xác định bệnh loãng xương một cách chính xác, người bệnh cần tiến hành đo đạt và thực hiện khá nhiều xét nghiệm. Tuy nhiên, để nhận biết sớm, chúng ta có thể dựa vào một số biểu hiện lâm sàng thường gặp ở người bệnh loãng xương như sau:
- Dáng người bị gù, khom lưng, chiều cao bị giảm đi do sự xẹp lún cột sống, có thể kèm thêm đau lưng cấp tính.
- Đau xương đặc biệt là ở vị trí các đầu xương, các xương dài như xương đùi, xương cẳng chân; thi thoảng có dấu hiệu châm chích toàn thân.
- Đau nhức ở các vùng xương cột sống, xương vùng thắt lưng, đầu gối, hông. Cơn đau có dấu hiệu âm ỉ và kéo dài, khi vận động mạnh hoặc đứng ngồi lâu sẽ đau hơn.
- Đau hai bên sườn, khó cúi người, gập người hay xoay người ra phía sau.
- Đau mỏi cơ bắp, đặc biệt là vùng vai gáy, cánh tay.
- Thường xuyên bị chuột rút.
- Răng yếu, ngả màu vàng, ăn đồ nóng lại đều cảm giác buốt, răng mất đi độ bóng.
- Móng tay mềm, giòn hơn, dễ gãy hơn.
- Dễ cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, tê chân tay.
- Phụ nữ loãng xương thường bị rối loạn kinh nguyệt, rối loạn thời kỳ mãn kinh.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có một vài biểu hiện như suy nhược, căng thẳng, mệt mỏi sau khi ngủ dậy, ngủ không sâu giấc,…
Loãng xương có nguy hiểm không? Biến chứng bệnh loãng xương
Con số tỷ lệ loãng xương ở Việt Nam ngày một tăng lên. Cùng với đó những chấn thương về xương do loãng xương gây nên cũng ngày một nhiều và nghiêm trọng hơn.
Nguy hiểm nhất, bệnh tiến triển âm thầm và chỉ phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng. Nhiều người còn phát hiện khi xương đã có dấu hiệu rạn, nứt. Những trường hợp này, cho dù được điều trị cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống suốt phần đời còn lại của người bệnh.
Bệnh không kịp thời điều trị hoặc có điều trị nhưng lựa chọn sai phương pháp sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề. Nguy hiểm nhất vẫn là nứt rạn xương, gãy xương.
Ở những người bị loãng xương, các tác động nhẹ cũng có thể xương bị gãy, một khi bị gãy xương lại rất khó để bình phục lại. Người bệnh sẽ phải nghỉ ngơi điều trị trong một khoảng thời gian rất dài. Các vị trí xương dễ bị ảnh hưởng do loãng xương nhất là xương đùi, xương cổ tay, xương chậu, xương cột sống, xương cẳng chân,…
Thống kê cho thấy có hơn 75% trường hợp gãy cổ xương đùi ở phụ nữ và 25% ở nam giới trên 50 tuổi có liên quan đến loãng xương. Hậu quả của những trường hợp này là sự suy giảm chức năng vận động về sau, suy giảm tuổi thọ, biến dạng cơ thể,…
Một khi đã bị gãy xương, nguy cơ gãy xương lại tiếp tục tăng lên 2,5 lần so với bình thường. Ở những bệnh nhân gãy xương cổ đùi, 25% sẽ bị lại sau 1 năm, 60% bị hạn chế chức năng vận động và 40% mất đi khả năng di chuyển.
Chưa kể loãng xương còn kéo theo việc gia tăng nguy cơ mắc biến chứng tim mạch, hô hấp và cả viêm phổi.
Chẩn đoán loãng xương
Y học sử dụng các thiết bị hiện đại nhằm đo mật độ canxi nhằm xác định mức độ và chẩn đoán loãng xương. Ngoài phương pháp chụp X Quang loãng xương, sử dụng máy đo chỉ số loãng xương cũng được sử dụng khá phổ biến. Chỉ số T score loãng xương được đưa ra nhằm xác định lượng chất khoáng xương có trong một đơn vị thể tích xương. Cụ thể:
- T-score >= -1: Xác định xương bình thường
- -1 > T-score > -2.5: Xác định thiếu xương hay còn gọi là tiền loãng xương (trường hợp chưa bị loãng xương nhưng có nguy cơ cao bị)
- T-score <= – 2.5: Xác định bị loãng xương, chỉ số này càng thấp mức độ loãng xương càng nặng.
Vậy làm thế nào để biết mình có nên đo loãng xương hay không? Những người có một trong những yếu tố sau đây nên đo mật độ xương sớm để kịp thời phát hiện bệnh nếu có:
- Phát hiện có dấu hiệu giảm chiều cao, chiều cao không tăng lên trong giai đoạn tăng trưởng dậy thì.
- Người trưởng thành có cân nặng dưới 40kg hoặc giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân.
- Phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, phải cắt bỏ buồng trứng. Nam giới trên 50 tuổi bị thiếu hụt androgen.
- Những người có tiền sử mắc bệnh gãy xương trước đó.
- Người có tiền sử hoặc đang sử dụng thuốc điều trị có chứa corticoid liên tục trong vòng 3 tháng.
- Đối tượng thường xuyên dùng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Bị loãng xương phải làm sao? Các phương pháp điều trị
Nguyên tắc của các phương pháp điều trị loãng xương đó là tăng cường chất lượng xương trong giai đoạn xương khớp đang phát triển, ngăn chặn sự mất xương và tập trung phục hồi những cấu trúc xương bắt đầu có dấu hiệu loãng xương. Một số biện pháp điều trị được tin tưởng nhất hiện tại bao gồm:
Điều trị dùng thuốc
Việc dùng thuốc trong những trường hợp cần thiết là biện pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất. Một vài nhóm thuốc Tây y quan trọng trong điều trị loãng xương:
- Nhóm thuốc bổ sung canxi và vitamin D
- Nhóm thuốc chống hủy xương, ngăn chặn sự hoạt động của các tế bào hủy xương: Thuốc Bisphosphonate, thuốc zoledronic, thuốc calcitonine,….
- Thuốc kích thích tạo xương: Strontium ranelate
- Thuốc làm tăng quá trình đồng hóa: Durabolin
Ngoài thuốc Tây y, nhiều bệnh nhân cũng tìm đến phương án sử dụng thuốc Đông y. Đây là một phương pháp an toàn, không gây tác dụng phụ nhưng đòi hỏi một thời gian nhất định mới mang lại hiệu quả:
- Bài thuốc số 1: cây bao kim, cốt toái bổ, mẫu cáp, đảng sâm, sâm nam, củ mài, rễ lông Cu li, ba kích, đương quy, hoàng kỳ, sơn khương.
- Bài thuốc số 2: Cam thảo, nhân sâm, nhục quế, bạch phục linh, thục địa, hoàng kỳ, mộc miên, đương quy, sơn khương, xuyên khung, sâm nam, bạch thược.
- Bài thuốc số 3: Hương phụ, đào nhân, khương hoạt, hồng hoa, đại linh, quy đầu, quy bản, ngưu tất, sâm nam, xuyên khung, cốt toái bổ, cam thảo, ngũ linh chi, mộc dược.
Điều trị không dùng thuốc
Là phương án được chỉ định cho mọi đối tượng bệnh nhân các cấp độ từ nhẹ đến nặng. Những biện pháp này cần thực hiện lâu dài và liên tục kể cả khi triệu chứng loãng xương đã được cải thiện:
- Cung cấp canxi và vitamin D cho cơ thể bằng việc thay đổi chế độ ăn uống hoặc sử dụng các loại viên uống bổ sung.
- Duy trì ổn định trọng lượng cơ thể, tránh thừa cân béo phì.
- Thực hiện tập luyện thường xuyên, ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như aerobic, đi bộ, yoga,…
- Hạn chế việc ăn các đồ uống chứa cồn, nước ngọt có ga, ngừng hẳn việc hút thuốc lá.
- Bấm huyệt, xoa bóp.
Ngoài ra, việc điều trị các biến chứng loãng xương cũng liên tục được các bác sĩ theo dõi và kiểm soát. Bệnh nhân loãng xương sẽ phải theo dõi về mật độ xương sau mỗi 1 – 2 năm để vừa đánh giá kết quả điều trị vừa tiên lượng điều trị giai đoạn tiếp theo.
Phòng ngừa bệnh loãng xương hiệu quả
Loãng xương là bệnh có thể tiên lượng sớm và phòng ngừa được. Nguyên nhân loãng xương được cho rằng là có nhiều yếu tố đến từ sinh hoạt và các thói quen xấu. Do vậy, nếu không muốn mắc loãng xương từ khi còn trẻ và mắc các bệnh xương khớp khi về già, chúng ta nên đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề sau:
- Tăng cường tập thể dục: Đây là một cách rất tốt để duy trì một hệ xương khớp khỏe mạnh. Các bài tập kéo giãn gân cốt cột sống và giúp xương khớp dẻo dai hơn. Khuyến cáo nên chọn những bài tập nhẹ nhàng, tránh vận động chạy nhảy quá mạnh.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Canxi là thành phần thiết yếu cần tăng cường bổ sung nếu muốn có một hệ xương khớp khỏe mạnh. Bên cạnh đó, nên hạn chế việc sử dụng muối trong chế biến, hạn chế đồ uống có ga và các đồ chế biến sẵn.
- Hấp thu vitamin D tự nhiên: Bằng việc phơi nắng vào buổi sáng, chúng ta có thể hấp thụ vitamin D – hoạt chất có tác dụng hỗ trợ hấp thu canxi hiệu quả hơn. Lựa chọn khung giờ từ 6 – 9h đề tận hưởng ánh nắng tốt nhất.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý nội tiết, đặc biệt là ở phụ nữ như bệnh liên quan đến tuyến cận giáp và tuyến giáp.
- Nếu không thật sự cần thiết nên hạn chế việc dùng thuốc có chứa corticoid liên tục nhiều ngày.
- Tránh xa thuốc lá, rượu bia nếu không muốn xương ngày một yếu đi. Thậm chí trà và cafe cũng chỉ nên uống ở một liều lượng vừa phải.
Một khung xương khỏe mạnh ngay từ khi còn trẻ đóng vai trò cực kỳ quan trong trong suốt vòng đời sống của con người. Vì thế phòng ngừa và điều trị sớm bệnh loãng xương không thể chủ quan. Để tránh những biến chứng sức khỏe đeo bám suốt đời, hãy chủ động thực hiện đo loãng xương sớm và nhanh chóng xác định tình trạng của bản thân.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!