Phác đồ điều trị loãng xương cho mọi đối tượng hiệu quả cao
Bảng tóm tắt
Loãng xương là một tình trạng suy giảm mật độ, chất lượng xương khiến xương giòn, xốp và dễ gãy hơn. Nếu như nhiều người suy nghĩ loãng xương chỉ xảy ra ở người cao tuổi thì thực tế loãng xương có thể xuất hiện ở cả những người trẻ tuổi, thậm chí là trẻ nhỏ. Chính vì vậy điều trị loãng xương chắc hẳn là vấn đề rất được nhiều người quan tâm.
Bệnh loãng xương và cách điều trị không dùng thuốc
Loãng xương được chia thành nhiều mức độ. Các mức độ này sẽ được xác định thông qua việc đo mật độ xương bằng các thiết bị chuyên dụng. Ở các mức độ nguy cơ loãng xương và loãng xương nhẹ, bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh chủ động điều trị không dùng thuốc.
Về phía người bệnh, đây cũng là sự lựa chọn hàng đầu do việc dùng thuốc có thể gây nên những tác dụng phụ ngoài ý muốn. Một vài phương án điều trị không dùng thuốc được khuyến cáo như sau:
Tập luyện tăng cường thể lực
Việc vận động cơ thể, tập luyện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng tế bào khối xương khi còn trẻ. Đối với người già và người mắc bệnh loãng xương, các bài tập cũng giúp ích rất nhiều, giúp xương dẻo dai và linh hoạt hơn.
Đối với bệnh nhân đã có chẩn đoán loãng xương, việc lựa chọn bài tập vô cùng quan trọng. Bởi khi xương đã yếu hơn bình thường, các bài tập cũng cần nhẹ nhàng hơn, tránh khiến xương phải chịu thêm áp lực.
Nên tránh những động tác mạnh, động tác vặn mình hay cúi người quá sâu có thể khiến xương bị rạn, nứt, thậm chí là gãy xương. Một số lưu ý cho người bệnh khi luyện tập đó là:
- Lựa chọn bài tập theo nhịp điệu, các bài tập giữ thăng bằng như thái cực quyền, dưỡng sinh.
- Người trẻ bị loãng xương có thể thực hiện các bài tập mạnh hơn một chút như đẩy tạ, kéo dây,…
- Người già nên chọn bài tập đi bộ là tốt nhất, không cố gắng tập các bài tập nặng.
- Người bệnh loãng xương có thể chọn bài tập bơi lội vì môn thể thao này không khiến các xương phải chịu áp lực của sức nặng cơ thể.
- Tránh các động tác khiến xương cột sống bị kéo căng, ví dụ gập bụng.
- Tránh các môn thể thao có nguy cơ bị ngã như cưỡi ngựa, chạy, nhảy,…
- Tránh cá môn vận động nhanh như bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông,…
- Chỉ nên tập từ 20 – 30 phút mỗi ngày, tránh tập quá sức.
Ăn uống bổ sung dưỡng chất giúp hỗ trợ điều trị loãng xương
Một chế độ dinh dưỡng có thể quyết định sức khỏe của hệ xương khớp từ khi mới hình thành và cả về sau. Những người có chẩn đoán mắc loãng xương thường gặp phải các vấn đề liên quan đến thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là canxi và vitamin D.
Canxi là một thành phần hết sức quan trọng của xương, 99% lượng canxi trong cơ thể tập trung ở xương, răng,… Bên cạnh chức năng cấu tạo nên xương, canxi còn tham gia vào các phản ứng trong cơ thể và một vài chức năng khác như: làm đông máu, tăng cường khả năng hấp thụ vitamin, điều hòa các cơ co bóp,…
Không phải là thành phần cấu tạo nên xương nhưng vitamin D lại là “bàn đạp” thiết yếu để cơ thể có thể hấp thụ canxi. Điều này có nghĩa là nếu thiếu vitamin D, nếu có dung nạp bao nhiêu canxi vào cơ thể cũng không có tác dụng.
Do vậy, nguyên tắc căn bản trong điều trị loãng xương là chế độ dinh dưỡng giàu canxi và vitamin D. Để bổ sung 2 thành phần này, có thể lựa chọn thực phẩm hằng ngày hoặc ác viên uống chức năng.
- Thực phẩm giàu canxi: Các loại hạt, phô mai, sữa chua, cá mòi, cá hồi, các loại đậu, rau lá xanh, sữa cho người loãng xương,…
- Thực phẩm giàu vitamin D: Cá hồi, cá mòi, cá trích, tôm, hàu, lòng đỏ trứng, nấm,…
Tuy cần thiết nhưng việc bổ sung vitamin D và canxi cũng có giới hạn nhất định. Người bệnh nên tìm hiểu kỹ về liều lượng cần thiết để tránh việc lạm dụng mà mất cân bằng dinh dưỡng.
Tránh các thực phẩm gây ức chế quá trình tạo xương và gia tăng quá trình hủy xương như cà phê, bia rượu, thuốc lá,… cũng là nguyên tắc hàng đầu khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người loãng xương.
Sử dụng dụng cụ chỉnh hình
Trong một vài trường hợp nhất định, khi các vị trí khớp xương bị loãng lại liên tục phải chịu áp lực từ cơ thể như vùng xương cột sống, xương chậu, xương đầu gối,…; biện pháp nẹp xương sẽ được sử dụng. Các dụng cụ này sẽ giúp hỗ trợ xương nâng đỡ phần trọng lượng cơ thể, đặc biệt là những người bị thừa cân, béo phì.
Dùng thuốc điều trị loãng xương
Ở những mức độ cao, việc bổ sung dưỡng chất không đủ khả năng giúp xương phục hồi như cũ. Lúc này việc dùng thuốc là thiết yếu nếu không muốn xảy ra các biến chứng nguy hiểm hơn.
Chữa loãng xương hiệu quả bằng thuốc Tây y
Các bác sĩ kê đơn thuốc theo nguyên tắc ngăn chặn sự mất xương và phục hồi những tổn thương trong cấu trúc xương bị loãng. Các nhóm thuốc thường được chỉ định trong phác đồ điều trị loãng xương Bộ y tế:
- Thuốc chống hủy xương: Công dụng là ngăn chặn các tế bào hủy xương hoạt động. Một vài loại thuốc điển hình: Alendronate, Calcitonine,…
- Thuốc tăng tạo xương và ức chế hủy xương (tác dụng kép): Strontium ranelate,…
- Thuốc tăng quá trình đồng hóa: Durabolin,…
- Thuốc bổ sung canxi và vitamin D
Ngoài ra, một vài loại thuốc khác cũng sẽ được chỉ định trong các trường hợp xuất hiện biến xương đau xương, gãy xương,… Một số khác dùng trong việc duy trì điều trị, cần phải sử dụng lâu dài.
Hướng dẫn điều trị loãng xương bằng thuốc Đông y
Điểm đặc biệt của thuốc Đông y là không sử dụng đại trà cho các bệnh nhân mà gia giảm theo từng biểu hiện bệnh cụ thể. Chính vì thế, khi bốc thuốc Đông y, người bệnh nên đến gặp trực tiếp bác sĩ để được tận tay thăm khám.
Các bài thuốc này về cơ bản cũng sẽ được chia theo các thể bệnh khác nhau. Một vài bài thuốc cơ bản thường được sử dụng:
- Bài thuốc số 1: Thục địa, chích thảo, kỷ tử, nhục quế, sơn thù, nhân sâm, phụ tử, bạch truật, đỗ trọng, cốt toái bổ.
- Bài thuốc số 2: Hoài sơn, viễn chí, bạch linh, hắc táo nhân, đan bì, táo đỏ, thục địa, khởi tử, sơn thù, cam thảo, quy bản, đỗ trọng, đương quy.
- Bài thuốc số 3: Thục địa, chích thảo, sinh địa, nhân sâm, ngưu tất, trần bì, cốt toái bổ, tiểu hồi, quy đầu, phục linh, bạch thược, đỗ trọng, tri mẫu, hoàng bá, quy đầu, bạch thược.
Đông y điều trị loãng xương phù hợp với những trạng bệnh nhẹ, chưa có nguy cơ biến chứng và ưu tiên điều trị duy trì lâu dài. Với những trường hợp loãng xương nặng, chẩn đoán có thể bị gãy xương bất cứ lúc nào không phù hợp với các bài thuốc này.
Điều trị loãng xương bằng ngoại khoa
Như đã đề cập ở trước, biến chứng nặng nề nhất của bệnh loãng xương là rạn, nứt, gãy xương. Trong những trường hợp này, không còn cách nào khác mà phải can thiệp các kỹ thuật ngoại khoa. Tùy vào vị trí xương bị tổn thương mà các chỉ định sẽ khác nhau.
Ví dụ, gãy cổ xương đùi có thể thực hiện thay thế chỏm xương hoặc bắt vis lốp. Gãy, biến dạng cột sống có thể tiến hành thay đốt sống nhân tạo hoặc bơm xi măng vào đốt sống,…
Một khi đã bị biến chứng và phải can thiệp ngoại khoa, phần xương sẽ càng trở nên yếu hơn, nguy cơ tái phát cũng cao hơn rất nhiều. Những trường hợp này đa phần sẽ bị hạn chế vận động suốt đời.
Có thể thấy, loãng xương không phải là một bệnh đơn giản. Phòng ngừa sớm là cách tốt nhất, hiệu quả nhất để đảm bảo sức khỏe xương khớp khi về già.
Phương án phòng ngừa sớm bệnh loãng xương
Không phân biệt tuổi tác, giới tính, bất kỳ ai cũng nên thực hiện các phương án phòng ngừa bệnh loãng xương. Đối với đối tượng trẻ em, các bậc phụ huynh nên đặc biệt lưu ý càng sớm càng tốt.
- Tập luyện và vận động mỗi ngày: Bài tập phòng ngừa ở mỗi đối tượng sẽ khác nhau. Người tập nên tìm hiểu trước khi tập để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.
- Ăn uống đủ chất: Chế độ ăn không chỉ tập trung vào canxi và vitamin D mà phải cân bằng đầy đủ tất cả các dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể cần.
- Tắm nắng: Đây là một cách tự nhiên giúp hấp thu vitamin D và tăng cường hoạt động chuyển hóa trong cơ thể. Khuyến cáo từ trẻ sơ sinh cho tới người già đều nên tắm nắng mỗi ngày. Nên lựa chọn khung giờ trước 9h sáng mỗi ngày là tốt nhất.
- Kiểm soát bệnh lý nội tiết ở phụ nữ: Phụ nữ có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn nam giới do các bệnh nội tiết có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tạo và hủy xương ví dụ: bệnh tuyến giáp, bệnh tuyến cận giáp, bệnh tiêu hóa,…
- Hạn chế tối đa các thói quen xấu: Thức khuya, lười vận động, hút thuốc lá, nghiện rượu bia,… là những “lưỡi dao” khiến hệ xương khớp ngày một yếu hơn.
- Hạn chế việc dùng thuốc có chứa corticoid: Đây là một hoạt chất khiến quá trình hủy xương hoạt động mạnh mẽ hơn. Nếu không thực sự cần thiết, cần hạn chế việc dùng thuốc có chứa thành phần này trong một thời gian liên tục.
Điều trị loãng xương bằng phương pháp nào cũng cần sự hợp tác tuyệt đối của người bệnh. Các cách điều trị loãng xương trên đây đều chỉ mang lại những hiệu quả tương đối. Để tránh tối đa các biến chứng có thể xảy đến, hãy luôn cẩn thận trong từng hoạt động mỗi ngày; chú trọng sống khỏe, sống lành mạnh để khắc phục tối đa các triệu chứng bệnh loãng xương.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!