Bệnh viêm họng là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, cách chữa
Bảng tóm tắt
Bệnh viêm họng hoàn toàn có thể khắc phục nếu được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời. Ngược lại, nếu để lâu không chữa trị, bệnh có thể tăng nặng thành mãn tính và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm họng hạt, viêm phế quản, viêm phổi hay thậm chí là nhiễm trùng huyết, suy hô hấp. Vì vậy, hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng căn bệnh này, từ đó tìm ra cách chữa trị, phòng ngừa hiệu quả nhất.
Bệnh viêm họng là gì? Đối tượng dễ mắc bệnh.
Bệnh viêm họng tên tiếng anh là Pharyngitis, một căn bệnh phổ biến về đường hô hấp hiện nay. Bệnh xuất hiện khi niêm mạc họng và hầu bị viêm nhiễm, gây ra cảm giác đau rát dữ dội cho người bệnh khi nói chuyện hoặc khi nuốt.
Viêm họng xảy ra ở mọi lứa tuổi nhất là trong thời điểm giao mùa. Thông thường bệnh có thể tự khỏi sau 1- 2 tuần mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời viêm họng cũng có thể để lại những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Đối tượng dễ mắc.
Bệnh viêm họng có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch kém, sức đề kháng yếu là đối tượng dễ mắc căn bệnh này nhất. Cụ thể như sau:
- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ: Đây là đối tượng dễ bị bệnh nhất bởi hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện.
- Bà bầu: Đối tượng này thường bị viêm họng vào 3 tháng đầu và cuối thai kỳ.
- Người cao tuổi: Sức đề kháng suy yếu là nguyên nhân chính dẫn đến viêm họng ở đối tượng này.
- Ngoài ra viêm họng còn có thường xảy ra ở những người cảm lạnh, viêm amidan, viêm mũi…
Phân loại bệnh viêm họng
Hiện nay bệnh viêm họng được chia làm 2 giai đoạn chính là: viêm họng cấp tính và viêm họng mãn tính. Ở mỗi một giai đoạn, căn cứ vào các biểu hiện người ta lại chia thành các thể viêm họng khác nhau.
Các thể của bệnh viêm họng cấp tính
Viêm họng cấp tính là tình trạng viêm nhiễm vòm họng diễn ra trong thời gian ngắn, thường gặp ở thời điểm giao mùa. Bệnh chủ yếu do nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng, trong đó nguyên nhân do nhiễm trùng là chính. Viêm họng cấp tính được chia thành các thể sau:
- Bệnh viêm họng đỏ: Là một dạng của viêm họng cấp tính. Xuất hiện khi niêm mạc vòm họng bị viêm nhiễm, sưng tấy và đỏ. Viêm họng đỏ thường khởi phát độc lập hoặc kèm theo một số bệnh lý. Theo các số liệu thống kê thì trẻ em là đối tượng hay bị bệnh viêm họng đỏ nhất.
- Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn: Là tình trạng liên cầu khuẩn gây ra tình trạng viêm nhiễm niêm mạc họng. Đây là một trong những bệnh viêm họng nặng và có mức độ nguy hiểm hơn cả. Đặc trưng của loại viêm họng này là làm xuất hiện lớp giả mạc màu trắng, chính vì vậy chúng còn được gọi là viêm họng trắng.
Các thể của bệnh viêm họng mãn tính thường gặp
Viêm họng mãn tính là tình trạng niêm mạc họng bị nhiễm trùng trên phạm vi rộng, gây ra tình trạng đau rát dữ dội, ho dai dẳng, thậm chí có đờm. Bệnh viêm họng mãn tính chính là hậu quả khi viêm họng cấp tính không được điều trị kịp thời và đúng cách. Dựa vào các cấp độ tổn thương, người ta chia bệnh viêm họng mãn tính thành các thể sau:
- Bệnh viêm họng mãn tính xuất tiết: Khi bị mắc bệnh này, người bệnh sẽ thấy vòm họng xuất hiện lớp chất dịch nhầy, trong và hơi kết dính.
- Bệnh viêm họng hạt: Là bệnh viêm họng khi tổ chức bạch huyết ở thành sau họng có các hạt nhỏ li ti.
- Bệnh viêm họng teo: Đây là tình trạng niêm mạc họng bị mỏng dần và teo đi. Tình trạng này cần được khắc phục sớm để tránh bệnh để lại các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh viêm họng
Bệnh viêm họng chủ yếu do các nguyên nhân chính sau:
Do vi rút, vi khuẩn: Đây là nguyên nhân chính dẫn đến viêm họng. Theo số liệu thống kê của ngành y tế, khoảng 80% số ca bệnh viêm họng là do các loại vi khuẩn, vi rút gây ra.
- Những loại vi rút gây bệnh viêm họng thường gặp là: virus cúm A, virus cúm B, sởi, ho gà, Adenovirus…
- Các loại vi khuẩn phải kể đến như: liên cầu, phế cầu, tụ cầu đặc biệt là liên cầu khuẩn tan huyết (Vi khuẩn gây ra biến chứng nguy hiểm nếu bệnh viêm họng kéo dài).
Nguyên nhân khác: Ngoài vi khuẩn, virus thì bệnh viêm họng còn do hàng loạt các nguyên nhân.
- Do mắc trào ngược dạ dày: Khi bị trào ngược, người bệnh sẽ thường xuyên bị ợ chua, ợ hơi (acid dạ dày) gây ra tình trạng nóng, rát cổ họng. Điều này chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm họng kéo dài.
- Do ô nhiễm không khí hoặc thay đổi thời tiết đột ngột khiến cơ thể không thích nghi kịp.
- Do các tác nhân gây dị ứng như: phấn hoa, nấm, khói bụi……..
- Do các chất kích thích: rượu, bia, cồn….. làm lớp niêm mạc tại vòm họng bị tổn thương dẫn đến tình trạng đau, rát, nóng tại đây.
- Ngoài ra viêm họng còn do sự tổn thương niêm mạc vòm họng khi ăn đồ cứng, nói hoặc la hét quá nhiều.
Triệu chứng viêm họng dễ nhận biết
Ở mỗi giai đoạn khác nhau bệnh viêm họng sẽ có những biểu hiện tương ứng.
Biểu hiện của viêm họng cấp tính:
Là giai đoạn khởi phát, nên bệnh viêm họng cấp tính có thể tự khỏi sau 1 thời gian ngắn từ 7 – 10 ngày. Bệnh xuất hiện khi có các biểu hiện sau:
- Đau rát họng: Ban đầu người bệnh sẽ có cảm giác khô miệng sau đó thấy nóng trong họng rồi mới thấy đau rát đặc biệt là khi nói hoặc nuốt.
- Sốt cao: Thông thường người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng sốt cao từ 39 đến 40 độ. Đồng thời cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống do cơ thể cần một lượng lớn sức đề kháng để chống lại sự sinh sôi của vi khuẩn gây bệnh.
- Ho khan: Cùng với đau rát họng, sốt cao viêm họng cấp tính còn gây ra tình trạng ho khan (cơn ho thường xảy ra theo từng đợt).
- Ngoài ra người bệnh sẽ còn xuất hiện thêm một số triệu chứng như: ngạt mũi, chảy nước mũi, amidan sưng to, nổi hạch góc hàm……
Dấu hiệu bệnh viêm họng mãn tính
Các biểu hiện của bệnh viêm họng mãn tính cũng khá giống với viêm họng cấp tính, tuy nhiên thời gian bệnh sẽ kéo dài hơn và cấp độ cũng nguy hiểm hơn. Khi bị viêm họng mãn tính người bệnh sẽ thường cảm thấy:
- Đau họng: Đau họng kéo dài trong nhiều tuần, kèm theo ngứa rát, khô khan, vướng và khó chịu ở cổ họng.
- Ho dai dẳng kéo dài, xuất hiện tình trạng khạc đờm.
- Khàn giọng, mất giọng, thay đổi giọng nói.
- Với những bệnh nhân mắc kèm bệnh lý trào ngược sẽ có cảm giác nóng rát vùng xương ức, ợ hơi, ợ chua.
Viêm họng có lây không? Lây qua đường nào?
Theo các chuyên gia, viêm họng không phải là căn bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể lây từ người này sang người khác theo 2 con đường chính là:
Tiếp xúc trực tiếp:
- Bệnh viêm họng có thể lây từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp hoặc giao tiếp hàng ngày. Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc gần với người bị bệnh thì các vi khuẩn, virus gây bệnh sẽ có cơ hội xâm nhập và gây hại cho cơ thể.
- Không gian tiếp xúc càng chật thì tốc độ lây lan càng nhanh. Những người có hệ miễn dịch yếu như: trẻ em, người già, bà bầu là những đối tượng dễ bị lây nhất.
Tiếp xúc gián tiếp:
- Ngoài con đường trực tiếp, bệnh viêm họng còn lây qua đường tiếp xúc gián tiếp. Các vật dụng cá nhân của người bệnh như: bàn chải đánh răng, khăn mặt, cốc, chén…cũng chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Khi bạn sử dụng những vật dụng này, các tác nhân gây hại cũng có thể xâm nhập và gây bệnh.
Vì vậy để hạn chế lây nhiễm bệnh viêm họng, người bệnh nên đeo khẩu trang khi ra đường, tuyệt đối không khạc nhổ nơi công cộng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi…
Bệnh viêm họng có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia, thông thường bệnh viêm họng có thể tự khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên nếu để tình trạng bệnh kéo dài và không được chữa trị kịp thời, đúng cách bệnh vẫn có thể dẫn đến hàng loạt các biến chứng nguy hiểm.
- Biến chứng tại họng: Viêm họng nặng kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng hình thành các khối mủ tại vòm họng khiến người bệnh cảm giác khó chịu khi giao tiếp. Ngoài ra, viêm họng nặng còn có thể gây viêm tấy quanh amidan và hàng loạt các hệ lụy khác tại họng.
- Biến chứng đối với viêm tai giữa: Viêm tai giữa thường đến sau khi viêm họng nếu như bệnh nhân không khắc phục được tình trạng viêm họng sớm. Bởi, vi khuẩn tại vòm họng có thể lan truyền xuống lỗ nhĩ và tai giữa để gây bệnh tại các bộ phận này.
- Biến chứng tại các cơ quan lân cận: Nếu hay bị viêm họng do liên cầu tan huyết,tình trạng viêm họng nặng kéo dài cũng có thể gây thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận.
- Biến chứng tại phổi: Đặc biệt nguy hiểm hơn là tình trạng để cơ thể bị nhiễm lạnh khi đang viêm họng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để vi trùng đường hô hấp nhanh chóng xâm nhập vào phổi gây ra tình trạng viêm phổi, viêm phế quản, khó thở và thiếu oxy cho người bệnh.
Chính vì vậy, khi bị bệnh viêm họng mọi người nên sớm tìm cách khắc phục để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viêm họng có chữa được không? Bao lâu thì khỏi?
Theo các chuyên gia viêm họng hoàn toàn có thể chữa khỏi, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
Thông thường, bệnh viêm họng cấp tính có thể tự khỏi sau 1 tuần, hoặc nhanh hơn nếu có phương pháp điều trị thích hợp.
Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn, viêm họng mãn tính kéo dài thì thời gian điều trị có thể kéo dài đến 1 tháng, thậm chí là hơn.
Cách chẩn đoán bệnh viêm họng
Bệnh viêm họng thường được chẩn đoán theo các cách sau:
- Khám sức khỏe: Thông thường bác sĩ sẽ căn cứ vào các triệu chứng, kiểm tra xem niêm mạc vòm họng có xuất hiện các mảng trắng, sưng tấy, đỏ…để chẩn đoán viêm họng. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể quan sát tai, mũi, bạch huyết dưới cổ để chẩn đoán sơ bộ.
- Cấy trùng cổ họng: Trong trường hợp nghi ngờ bạn bị viêm họng liên cầu khuẩn bác sĩ thường tiến hành cấy trùng cổ họng cho bạn (xét nghiệm mẫu dịch tiết ra từ cổ họng). Phương pháp này thường cho kết quả trong vài giờ, một số trường hợp phải cần đến 24h.
- Xét nghiệm máu: Khi nghi ngờ bạn bị viêm họng bởi những lý do khác, bác sĩ sẽ cho tiến hành xét nghiệm máu. Phương pháp chẩn đoán này sẽ giúp xác định bạn có bị bạch cầu đơn nhân không.
Các cách chữa bệnh viêm họng hiệu quả hiện nay.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp chữa bệnh viêm họng hiệu quả. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh lý, điều kiện tài chính của mỗi người mà chúng ta có thể lựa chọn cho những phương pháp điều trị bệnh viêm họng phù hợp.
Chữa bệnh viêm họng bằng phương pháp Tây Y.
Căn cứ vào các giai đoạn của bệnh viêm họng, các chuyên gia sẽ kê liều thuốc khác nhau đảm bảo hiệu quả nhanh chóng cho người bệnh.
Bệnh viêm họng cấp tính:
Thông thường bệnh viêm họng cấp tính có thể tự khỏi sau 1 thời gian. Tuy nhiên để rút ngắn thời gian điều trị, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, người bệnh có thể tham khảo dùng thêm các loại thuốc giảm đau, giảm ho, viêm ngậm.
- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol, Ibuprofen là nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau được khuyên dùng trong quá trình điều trị viêm họng cấp tính. Các loại thuốc này sẽ giúp người bệnh hạ nhiệt, giảm đau họng, bớt mệt mỏi.
- Nước muối sinh lý: Việc súc miệng bằng nước muối sinh lý cũng là giải pháp hữu hiệu trong quá trình điều trị viêm họng. Việc làm này sẽ giúp đào thảo một lượng lớn vi khuẩn, virus gây bệnh bám trên vòm họng. Đồng thời giúp giảm viêm, giảm kích ứng niêm mạc họng.
- Thuốc corticoid: Nhóm thuốc này thường được bác sĩ chỉ định dùng dưới dạng xịt trực tiếp lên vòm họng để cải thiện vấn đề nghẽn, vướng ở cổ họng.
- Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này thường được dùng trong trường hợp bị bệnh viêm họng do nhiễm trùng.
- Thuốc giảm ho, long đờm: Thuốc này sẽ được kê đơn nếu người bệnh có triệu chứng ho, đờm nhiều.
Bệnh viêm họng mãn tính:
Khác với viêm họng cấp tính, việc điều trị viêm họng mãn tính phức tạp hơn và đòi hỏi sự kết hợp của nhiều nhóm thuốc.
Thông thường khi bị viêm họng mãn tính, người bệnh sẽ thường được chỉ định dùng những loại kháng sinh như: Erythromycin, amoxicillin, cephalexin, penicillin để sát khuẩn, làm sạch vòm họng, điều trị tận gốc.
Bên cạnh các nhóm thuốc kháng sinh được kê, người viêm họng mãn tính còn cần:
- Có một chế độ ăn uống hợp lý giúp nâng cao sức đề kháng
- Khắc phục tốt các vấn đề của trào ngược dạ dày nếu đang mắc bệnh lý này.
- Khắc phục triệt để vấn đề viêm nhiễm amidan, viêm xoang sau, ……
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như: phấn hoa, nấm mốc……
- Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, thuốc lá trong thời gian điều trị để đạt kết quả tốt nhất.
Lưu ý trong quá trình điều trị bệnh viêm họng mãn tính:
- Người bệnh nên uống thuốc đúng, đủ, đều theo chỉ định của bác sĩ; không bỏ giữa chừng khi thấy cải thiện.
- Không tự ý đi mua thuốc điều trị bên ngoài mà cần có sự thăm khám, kê đơn của bác sĩ.
Chữa bệnh viêm họng bằng biện pháp dân gian
Ngoài các biện pháp Tây y, người bệnh viêm họng cũng có thể tự chữa tại nhà bằng các biện pháp dân gian khá đơn giản, dễ thực hiện mà lại an toàn, không tác dụng phụ dưới đây.
Chữa bệnh viêm họng bằng mật ong
Nhờ tác dụng sát trùng, diệt khuẩn, long đờm…mật ong thực sự là một vị thuốc quý không thể bỏ qua trong quá trình điều trị viêm họng.
Cách thực hiện:
- Chanh đào rửa sạch cắt thành các lát mỏng rồi cho vào một cái cốc.
- Thêm 1-2 thìa mật ong rồi đem đi hấp cách thủy khoảng 10 phút.
- Các lát chanh dùng để ngậm trong ngày, nước thì để uống.
- Duy trì trong 1 tuần, mỗi ngày 2 lần để đạt hiệu quả tốt nhất
Chữa bệnh viêm họng bằng rượu tỏi
Chữa bệnh viêm họng bằng tỏi là một trong những phương pháp dân gian được ưa chuộng hiện nay. Theo các nhà khoa học: tỏi có chứa allicin hoạt động như một loại kháng sinh giúp chống viêm, sát khuẩn rất tốt.
Cách thực hiện:
- Tỏi bóc sạch vỏ, rửa sạch, để ráo nước
- Đem ngâm với rượu đến khi chuyển sang màu vàng nghệ thì mang ra dùng.
- Mỗi ngày dùng 2 lần vào sáng sớm và tối để cơ thể hấp thụ tốt.
- Khi dùng bạn sẽ thấy cay, nóng khó chịu nhưng hãy kiên trì nhé.
- Chỉ khoảng 1 tuần là đã thấy tác dụng tuyệt vời của nó rồi.
Chữa bệnh viêm họng bằng gừng
Trong gừng có chứa các hoạt chất giúp tiêu diệt vi khuẩn, virus gây viêm họng, đồng thời giúp cải thiện tình trạng khó thở, long đờm rất tốt. Vì thế hãy sử dụng gừng sớm nếu như bạn đang có các biểu hiện viêm họng:
Cách thực hiện:
- Gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái nhỏ thành lát.
- Đun với nước lọc khoảng 5 phút rồi tắt bếp.
- Chắt lấy nước uống. Ngày uống từ 2- 3 lần để giảm các triệu chứng của bệnh viêm họng.
Chữa bệnh viêm họng bằng cháo tía tô
Tía tô có chứa acid nicotinic giúp phục hồi tổn thương niêm mạc vòm họng cực tốt. Thông thường, người ta thường dùng cháo tía tô để chữa căn bệnh này.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 100g thịt nạc, 100g gạo, 50g lá tía tô.
- Nấu nhừ cháo với với thịt nạc, rồi cho lá tía tô đã được thái nhỏ vào dùng.
- Nên ăn khi cháo vẫn còn ấm để hấp thụ dưỡng chất tốt.
Lưu ý:
- Bà bầu không nên ăn lá tía tô nhiều để tránh ảnh hưởng đến em bé.
- Những người dị ứng với lá tía tô cũng nên hạn chế.
Chữa bệnh viêm họng bằng bạc hà
Bạc hà vốn nổi tiếng với công dụng: thông mũi, trị ho, cảm cúm rất tốt. Hoạt chất Menthol trong bạc hà giúp làm dịu họng, giảm ho, long đờm, khàn tiếng, do bệnh viêm họng gây ra.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: 6g lá bạc hà, 6g hành hoa, 6g kinh giới, 4g bạch chỉ, 5g phòng phòng.
- Đem rửa sạch để ráo nước rồi đun sôi với nước.
- Uống khi còn ấm để hấp thụ tốt đa dưỡng chất.
Chữa viêm họng bằng thuốc Đông y
Với sự chiết xuất từ các thảo dược tự nhiên, an toàn, lành tính các bài thuốc Đông y chữa viêm họng cũng đang được rất nhiều người ưa chuộng. Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc Đông y trị v iêm họng như sau:
Bài thuốc 1:
- Đem sắc 10g cam thảo, 10g nhân sâm, 8g hoàng liên,, 12g ngưu bàng tử, 12g bạch linh, 12g bạch thược, 12g cát cánh, 12g hoàng cầm, 12g phòng phong, 12g thăng ma, chắt lấy nước uống, ngày uống 2-3 lần.
Bài thuốc 2:
- Sắc 16g sa sâm, 6g thiên hoa phấn, 12g hoàng cầm, 4g cát cánh, 12g tang bạch bì, 4g cam thảo, chắt lấy nước uống, ngày uống 2 lần, uống trước ăn 30 phút.
Khi bị bệnh viêm họng nên ăn gì, kiêng gì để bệnh nhanh khỏi.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh nên kết hợp với chế độ ăn uống khoa học. Bạn nên sử dụng nhiều thực phẩm có lợi cho sức khỏe, đồng thời tránh xa những thực phẩm có nguy cơ làm triệu chứng bệnh tăng nặng hơn.
Nên ăn gì khi bị viêm họng
Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp giúp ngắn thời gian điều trị bệnh viêm họng. Khi bị viêm họng người bệnh nên tăng cường bổ sung những thực phẩm sau:
- Thực phẩm mềm, dễ nuốt như: cháo, súp, bột yến mạch… Nhóm thực phẩm này sẽ giúp giảm kích ứng, cọ xát cho cổ họng.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C như: Cam, quýt, bưởi… để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Thực phẩm giàu kẽm như: rau chân vịt, củ cải trắng, tôm, ốc… giúp cơ thể khỏe mạnh, nâng cao khả năng chống lại vi khuẩn, virus
- Thực mềm, dễ nuốt như: canh mồng tơi, canh rau đay… giúp giảm kích ứng, cải thiện các triệu chứng: đau rát, khó chịu
Khi bị viêm họng phải kiêng gì để bệnh không nặng hơn?
Bên cạnh nhóm thực phẩm cần tăng cường bổ sung, người bệnh cũng cần nên kiêng:
- Đồ cứng, khó nuốt như: hướng dương, đồ nướng,… Người viêm họng nên hạn chế những đồ ăn này vì sẽ khiến cổ họng đau rát hơn.
- Đồ cay như ớt, tương ớt… Đây là nhóm thực phẩm người bệnh viêm họng cần tuyệt đối kiêng. Nếu sử dụng nhóm thực phẩm này thường xuyên sẽ khiến niêm mạc vòm họng bị kích ứng, sưng đỏ, tổn thương nặng hơn.
- Đồ ăn và uống lạnh như: kem, nước đá….Đây cũng là những thực phẩm nên hạn chế trong quá trình điều trị viêm họng, nếu không muốn tình trạng bệnh nặng hơn.
- Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá, cafe…
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm họng?
Viêm họng là bệnh có khả năng tái phát rất cao. Vì vậy để điều trị dứt điểm căn bệnh này, người bệnh nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau:
- Rửa tay sạch sẽ khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý giúp loại bỏ vi khuẩn, virus gây bệnh đang ẩn náu trong khoang miệng.
- Đeo khẩu trang khi đi ra đường, hạn chế tiếp xúc với khói, bụi; mặc đồ bảo hộ nếu làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại.
- Không dùng chung đồ với những người đang bị viêm họng, tránh vi khuẩn gây bệnh có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
- Giữ ấm cho cơ thể nhất là vùng cổ khi trời trở lạnh hoặc giao mùa.
Bệnh viêm họng là bệnh về đường hô hấp khá phổ biến hiện nay. Để tránh những biến chứng nguy hiểm mà bệnh gây ra, mọi người nên tăng cường sức đề kháng cho cơ thể thông qua chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, nếu thấy các triệu chứng bệnh có dấu hiệu nặng hơn thì cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!