Tiền mãn kinh: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Bảng tóm tắt
Tiền mãn kinh được xem là giai đoạn chuyển giao giữa tuổi trung niên và tuổi già ở phụ nữ. Đây là thời kỳ chị em phải đối mặt với nhiều thay đổi về tâm sinh lý và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Nhưng nếu được chuẩn bị đầy đủ các kiến thức sức khỏe, chị em sẽ đối diện với giai đoạn này nhẹ nhàng hơn.
Tiền mãn kinh là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu của giai đoạn này
Tiền mãn kinh là thuật ngữ dùng để chỉ giai đoạn trước mãn kinh – khi phụ nữ chính thức bước vào tuổi già (tiền mãn kinh có tên gọi tiếng anh là perimenopause). Đây là thời kỳ buồng trứng bắt đầu suy giảm và hoạt động yếu đi gây ra những rối loạn về tâm lý và sức khỏe chị em.
Tiền mãn kinh ở độ tuổi nào?
Theo số liệu thống kê, tuổi tiền mãn kinh ở phụ nữ Việt Nam từ 40 – 47 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều người bước vào thời kỳ này sớm hơn bình thường, cũng có người muộn hơn. Khi chị em phải đối mặt với những dấu hiệu tiền mãn kinh trước 40 tuổi được gọi là tiền mãn kinh sớm, còn trường hợp tiền mãn kinh muộn là trường hợp chị em bước vào thời kỳ này khoảng ngoài 50 tuổi.
Các chuyên gia cho rằng giai đoạn tiền mãn kinh dài hay ngắn còn phụ thuộc vào nội tiết tố trong cơ thể mỗi người khác nhau. Có trường hợp kết thúc giai đoạn này chỉ trong 2- 3 năm, nhưng cũng có những người chịu đựng từ 7 – 8 năm. Thời kỳ tiền mãn kinh chấm dứt khi chị em bước vào mãn kinh – là khi chị em không có kinh nguyệt liên tục trong 12 tháng.
Nguyên nhân dẫn đến tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh là quy luật tự nhiên của tuổi tác mà bất kỳ phụ nữ nào khi bước vào độ tuổi trung niên cũng sẽ phải đối mặt. Tuy nhiên, trên thực tế, giai đoạn tiền mãn kinh có thể xảy đến “trái tự nhiên” bởi một số tác động khác. Dưới đây là các nguyên nhân khiến chị em bị tiền mãn kinh sớm:
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Nếu chị em cắt bỏ tử cung mà giữ lại buồng trứng thì vẫn còn hiện tượng rụng trứng và sản sinh estrogen, progesterone bình thường. Nhưng khi chị em tiến hành phẫu thuật cắt bỏ cả buồng trứng và tử cung thì chị em sẽ phải đối mặt với những dấu hiệu tiền mãn kinh đột ngột, xảy ra trong khoảng 2 năm.
- Thực hiện xạ trị, hóa trị điều trị ung thư: Sử dụng xạ trị và hóa trị điều trị ung thư cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng, làm rối loạn chức năng của nội tiết tố trong cơ thể, khiến cho thời kỳ tiền mãn kinh đến sớm hơn bình thường.
- Yếu tố di truyền: Các chuyên gia chỉ ra rằng một nguyên nhân chiếm tỷ lệ nhỏ khiến chị em bước vào giai đoạn tiền mãn kinh sớm là do yếu tố di truyền. Bạn có thể sẽ gặp phải tiền mãn kinh sớm nếu bà ngoại, mẹ và các chị gái đều như vậy.
- Yếu tố từ đặc điểm sinh học: Những người phụ nữ có lượng nội tiết tố nữ estrogen trong cơ thể ít hơn người bình thường cũng có thể dễ bị tiền mãn kinh sớm. Những người này thường thiếu nét nữ tính, quyến rũ ở nữ giới như ngực lép, tay chân cơ bắp, hình dáng mạnh mẽ như đàn ông…
- Thói quen sinh hoạt không tốt: Một nguyên nhân tiền mãn kinh sớm mà ít ai có thể ngờ đến chính là ảnh hưởng từ các thói quen không tốt của chị em. Nhiều người thường xuyên sử dụng các chất kích thích, đồ uống chứa nhiều gas như cafe, thuốc lá,.. hay làm việc quá sức, chịu áp lực, stress nhiều trong thời gian dài khiến cho cơ thể mệt mỏi, rối loạn chức năng và suy giảm lượng nội tiết tố trong cơ thể, từ đó khiến chị em bước vào tiền mãn kinh.
Có thể thấy, có khá nhiều nguyên nhân gây nên hội chứng tiền mãn kinh ở phụ nữ. Dù xuất phát từ nguyên nhân gì, khi bước vào thời kỳ này, chị em cũng sẽ phải đối mặt với các dấu hiệu phổ biến.
Tiền mãn kinh có triệu chứng gì?
Nhiều chị em ngoài 30 gặp phải các thay đổi bất thường của cơ thể sẽ bắt đầu lo lắng về giai đoạn này, không ít chị em thắc mắc “tiền mãn kinh biểu hiện như thế nào?”. Theo các chuyên gia, dưới đây là những biểu hiện ở phụ nữ tiền mãn kinh
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Đây là dấu hiệu tiền mãn kinh của phụ nữ thường gặp nhất. Ở giai đoạn này, kinh nguyệt có thể đến sớm hoặc đến muộn, chu kỳ kinh kéo dài hoặc ngắn hơn bình thường khiến chị em không thể kiểm soát được. Thậm chí, một số trường hợp còn mất kinh 2 – 3 tháng mới thấy có kinh lại.
- Cơ thể bốc hỏa và đổ nhiều mồ hôi về đêm: Một số thống kê chỉ ra rằng khoảng 75% phụ nữ khi bước vào thời kỳ này thường gặp những cơn nóng bất thường và đổ nhiều mồ hôi về đêm. Hiện tượng này khiến chị em nóng bừng, tim đập nhanh, khi cơn bốc hỏa kết thúc sẽ cảm thấy ớn lạnh.
- Tình trạng mất ngủ: Tình trạng mất ngủ cũng có thể là biểu hiện của căng thẳng bởi làm việc quá sức, sức khỏe bất ổn, dấu hiệu tâm thần… Đây cũng là một trong những triệu chứng thời kỳ tiền mãn kinh không thể bỏ qua. Chị em hay mơ sảng, thức giấc giữa đêm, khó ngủ lại.
- Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu: Đa phần chị em ở giai đoạn này đều gặp tình trạng hoa mắt, chóng mặt. Bên cạnh đó, chị em có thể gặp thêm một số triệu chứng như mất thăng bằng khi đi lên cầu thang, mệt mỏi, buồn nôn…
- Âm đạo khô rát, mỏng hơn: Khi phụ nữ bước vào thời kỳ bắt đầu lão hóa, lượng nội tiết tố trong cơ thể sẽ suy giảm dẫn đến không đủ để cung cấp cho vùng kín, “cô bé” trở nên khô, thành niêm mạc mỏng hơn. Do đó, chị em có thể cảm thấy ngứa rát, khô âm đạo, đau khi quan hệ tình dục và dễ có nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.
- Thay đổi tâm lý, dễ cáu gắt: Tâm lý chị em trở nên khó đoán, dễ buồn, dễ khóc, nhạy cảm hơn rất nhiều. Thậm chí, chị em có thể nổi giận vô cớ, chán nản, lo âu… tình trạng này kéo dài có thể khiến phụ nữ rơi vào trầm cảm.
- Hiện tượng xuống sắc: Đây chính là dấu hiệu của tiền mãn kinh thể hiện rõ ràng nhất ở bề ngoài: vòng 1 chảy xệ, vòng 2 tăng lên, thậm chí có thể tăng cân, béo phì,… Chị em cũng có thể đối mặt với các vấn đề về da như sạm da, nám, tàn nhang…
- Các vấn đề về xương: Chị em có thể đối mặt với các vấn đề về xương như giòn xương, loãng xương… do ảnh hưởng của sự rối loạn nội tiết tố trong cơ thể.
Các câu hỏi thường gặp về thời kỳ tiền mãn kinh
Xoay quanh chủ đề về thời kỳ tiền mãn kinh ở phụ nữ, trên chuyên trang của chúng tôi nhận được khá nhiều thắc mắc của độc giả về giai đoạn này. Để mang đến thông tin khách quan nhất, chúng tôi đã có buổi trò chuyện trực tiếp cùng bác sĩ Ngô Thị Hằng – Chuyên gia Phụ khoa, sinh lý nữ tại nhà thuốc gia truyền Đỗ Minh Đường, cố vấn y khoa chương trình “Vì sức khỏe của bạn” – Đài truyền hình Hà Nội. Cụ thể:
Tiền mãn kinh có mang thai được không?
Câu trả lời là có. Bác sĩ Hằng cho biết, ở thời kỳ này, buồng trứng suy giảm chức năng, khả năng sinh sản sẽ không còn mạnh mẽ như trước nhưng vẫn hoạt động và có khả năng mang thai. Vì thế, nếu bạn không có kế hoạch sinh con ở độ tuổi tiền mãn kinh thì nên chú ý các biện pháp phòng tránh khi quan hệ tình dục.
Còn nếu bạn đang muốn có em bé ở giai đoạn này thì nên biết rằng, cơ hội thụ thai vẫn có nhưng sẽ thấp hơn bình thường. Trong một số trường hợp đã phải sử dụng đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản để mang thai ở thời kỳ tiền mãn kinh.
Phụ nữ sẽ không còn khả năng có thai cho đến khi bước vào giai đoạn mãn kinh, tức là “tắt” hẳn kinh nguyệt.
Tiền mãn kinh có ảnh hưởng như thế nào đến phụ nữ?
Theo bác sĩ Hằng, lượng nội tiết tố trong cơ thể nữ giới đang ở mức ổn định để duy trì các hoạt động tâm sinh lý, bỗng nhiên bị sụt giảm nhanh chóng ở thời kỳ này sẽ gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến người phụ nữ.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Phụ nữ tiền mãn kinh có thể đối mặt với các vấn đề về sức khỏe như các bệnh về xương (loãng xương, gãy xương, đau nhức xương khớp…), các bệnh tim mạch (xơ vữa động mạch, huyết áp cao, nhồi máu cơ tim, xơ cứng thành mạch…), các vấn đề về da (sạm da, nám da, tàn nhang…), nguy cơ mắc các bệnh ung thư, rối loạn giấc ngủ…
- Ảnh hưởng tâm lý: Bác sĩ Hằng cho biết không ít trường hợp chị em thời kỳ tiền mãn kinh tìm đến bác sĩ trong trạng thái lo lắng, trầm cảm bởi. Sự biến đổi về cả bên ngoài lẫn bên trong khiến chị em thường xuyên lo âu, suy nghĩ quá nhiều hoặc trở nên nhạy cảm ơn với các vấn đề thường ngày của cuộc sống. Điều này khiến tâm lý chị em dễ rơ i vào trạng thái tiêu cực và stress.
- Ảnh hưởng đến hôn nhân gia đình: Sự suy giảm nội tiết tố nữ trong cơ thể ở giai đoạn này khiến nhiều chị em gặp phải các vấn đề về chuyện chăn gối như: lãnh cảm, sợ hãi chuyện “yêu”, đau rát khi quan hệ,.. dần dần khiến chị em không còn mặn mà với chuyện gần gũi chồng. Đây là một trong những nguyên nhận khiến hôn nhân đổ vỡ, tình cảm vợ chồng trở nên lạnh nhạt.
Có thể thấy, tiền mãn kinh ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống của chị em. Vì thế, chị em tuyệt đối không thể làm ngơ trước giai đoạn này, cần phải chuẩn bị cho mình “hành trang” sẵn sàng để đối mặt và vượt qua tiền mãn kinh một cách nhẹ nhàng.
Tiền mãn kinh sớm phải làm sao?
Tiền mãn kinh là thời kỳ sớm muộn cũng phải đối mặt, tuy nhiên, với nhiều chị em, giai đoạn này đến sớm hơn bình thường khiến họ chưa kịp sẵn sàng đón nhận, gây nên những “khủng hoảng” thời kỳ tiền mãn kinh. Khi nhận thấy cơ thể có những thay đổi dấu hiệu của thời kỳ này, Bác sĩ Hằng khuyên chị em nên:
- Đi khám sức khỏe sinh sản: Những dấu hiệu cơ thể gặp phải cũng có thể cảnh báo nhiều bệnh lý khác chứ chưa hẳn là dấu hiệu của thời kỳ này. Vì thế, chị em nên đi khám sức khỏe sinh sản để biết chính xác có phải mình đang trong thời kỳ này hay không. Đây cũng là cách giúp chị em sớm đưa ra được phương pháp điều trị thích hợp.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học: Một chế độ đầy đủ dinh dưỡng và khoa học cũng góp phần làm ngăn ngừa quá trình lão hóa sớm ở phụ nữ. Chị em lưu ý bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trong thực đơn hàng ngày. Đồng thời, hạn chế thức ăn nhiều muối và đường, chất kích thích.
- Giữ trạng thái tâm lý vui vẻ: Nếu bước vào thời kỳ tiền mãn kinh sớm, chị em thường xuyên cáu gắt, nóng nảy. Vì thế, hãy kiểm soát tâm trạng của mình bằng cách giữ tâm lý thoải mái, gặp gỡ bạn bè, nói chuyện nhiều hơn, tham gia các hoạt động giải trí vào cuối tuần. Không nên dành nhiều thời gian 1 mình và suy nghĩ quá nhiều.
Bên cạnh những phương pháp giúp chị em ngăn ngừa quá trình mãn kinh sớm, bác sĩ Hằng cung cấp các thông tin về phương pháp điều trị để chị em hạn chế được những ảnh hưởng của tiền mãn kinh đến sức khỏe.
Chuyên gia tư vấn cách khắc phục triệu chứng tiền mãn kinh
Để giúp thời kỳ tiền mãn kinh trở nên nhẹ nhàng hơn, chị em nên lưu ý khi lựa chọn phương pháp hỗ trợ. Sau đây, BS Hằng sẽ chỉ ra một số phương pháp khắc phục tiền mãn kinh phổ biến hiện nay.
Sử dụng thuốc tây chữa tiền mãn kinh
Sử dụng thuốc tây thường mang lại hiệu quả nhanh chóng, giúp chị em khắc phục được các triệu chứng tiền mãn kinh. Một số loại thuốc thường dùng như:
- Thuốc chống trầm cảm: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng thuốc chống trầm cảm liều thấp. Loại thuốc này rất hữu ích đối với chị em khi không thể sử dụng liệu pháp thay thế hormone.
- Thuốc trị loãng xương: Các loại thuốc về xương khớp giúp chị em ngăn ngừa khả năng loãng xương, gãy xương, đau nhức…
- Viên uống tăng nội tiết tố: Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại sản phẩm giúp phụ nữ tiền mãn kinh có thể bổ sung nội tiết tố nhanh chóng, đẩy lùi các hiện tượng gây nên bởi sự thiếu hụt estrogen trong cơ thể. Các loại sản phẩm này sẽ có nguồn gốc chiết xuất, tỷ lệ thành phần khác nhau, vì thế, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lựa chọn sử dụng.
- Liệu pháp thay thế hormone (HRT): Liệu pháp này có thể giải quyết các vấn đề ở thời kỳ tiền mãn kinh như các hiện tượng về xương khớp, rối loạn giấc ngủ…Tùy vào tình trạng ảnh hưởng của giai đoạn tiền mãn kinh và thể trạng cơ thể của bạn mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng sử dụng hormone thay thế. Tuy nhiên, liệu pháp này chứa nhiều rủi ro gây nguy hiểm cho sức khỏe, chị em cần tuân thủ nghiêm liệu trình của bác sĩ khi sử dụng.
Điều trị tiền mãn kinh bằng đông y
Theo bác sĩ Hằng, nhiều chị em phụ nữ hiện đại ngày nay đang có xu hướng chuyển sang điều trị tiền mãn kinh bằng phương pháp đông y bởi sự lành tính. Điều trị bằng đông y tập trung đi sâu cân bằng cơ thể, ổn định nội tiết tố, củng cố và tăng cường chức năng của các tạng. Chữa tiền mãn kinh bằng Y học cổ truyền phải chữa theo các thể bệnh:
- Bài thuốc sơ can an thần thang: gồm sài hồ, chỉ xác, hương phụ, phục thần, xương bồ, mẫu lệ…có tác dụng điều trị các biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt, tâm lý bất ổn, tinh thần u uất…
- Bài thuốc tư âm trấn kinh thang: gồm các thành phần như tri mẫu, hoàng bá, sinh địa, sơn thù du, câu đằng, trân chu mẫu, tang ký sinh… Bài thuốc có tác dụng điều trị chứng đau đầu, ù tai, chóng mặt, bốc hỏa, đổ mồ hôi ở phụ nữ tiền mãn kinh.
- Bài thuốc nhị tiên thang gia vị: Gồm các thành phần như tiên mao, tiên linh tỳ, ba kích, tri mẫu, hoàng bá, đương quy, thỏ ty tử…. cho tác dụng điều trị chứng hay quên, đau mỏi lưng, suy giảm ham muốn tình dục thời kỳ tiền mãn kinh.
Làm chậm tiền mãn kinh bằng cách nào?
Bên cạnh việc ngăn ngừa những ảnh hưởng của thời kỳ tiền mãn kinh bằng thuốc, chị em cũng có thể làm chậm quá trình này bằng những phương pháp đơn giản tại nhà. Nếu chưa biết, hãy bỏ túi những điều sau:
Tiền mãn kinh nên ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng là điều mà chị em ở thời kỳ này cần quan tâm hàng đầu. Thiết lập chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể có đủ dưỡng chất để khắc phục các ảnh hưởng của tiền mãn kinh và kéo dài quá trình lão hóa. Chị em cần bỏ túi một số thực phẩm nên bổ sung trong thời gian này:
- Thực phẩm chứa nhiều estrogen: Một số loại thực phẩm chứa nhiều estrogen tự nhiên như mầm đậu nành, các chế phẩm từ đậu, hạt lanh, quả đào,… sẽ giúp cơ thể cung cấp lượng nội tiết tố bị thiếu hụt, cải thiện các vấn đề do thiếu hụt estrogen gây ra.
- Bổ sung rau xanh và trái cây: Ăn nhiều rau xanh và trái cây có tác dụng cung cấp chất xơ và nước, hỗ trợ rất tốt cho hệ tiêu hóa, chống lại quá trình oxy hóa và góp phần làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể.
- Thực phẩm chứa omega 3: Thực phẩm chứa omega 3 giúp cho chị em có thể cải thiện tình trạng làn da, giúp cơ thể khỏe mạnh và cải thiện rõ rệt các triệu chứng tiền mãn kinh. Các loại thực phẩm chị em có thể bổ sung như cá hồi, cá thu, quả bơ, hạt mè, dầu oliu,…
- Thực phẩm giàu canxi: Một số loại thực phẩm như hạt điều, hạt óc chó, sữa chua, phô mai,… rất có lợi cho việc bổ sung canxi ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Bên cạnh các loại thực phẩm cần bổ sung, chị em cũng nên hạn chế những đồ ăn, thực phẩm không tốt cho giai đoạn tiền mãn kinh
Phụ nữ tiền mãn kinh kiêng ăn gì?
Chị em nên chú ý tránh một số loại thực phẩm sau đây:
- Đồ ăn cay nóng: Các thực phẩm này sẽ làm gia tăng những cơn bốc hỏa khó chịu, khiến chị em nóng trong và dễ thay đổi tâm trạng.
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo: Ăn nhiều thực phẩm này dễ khiến chị em bị tăng cân không kiểm soát, đồng thời gia tăng nguy cơ mắc các như gan nhiễm mỡ, mỡ máu..
- Đồ ăn nhiều muối và đường: Thực phẩm chứa hoặc món ăn có nhiều muối và đường sẽ khiến chị em dễ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp hay sỏi thận…
- Đồ uống chứa cafein hay cồn: Các loại đồ uống như rượu, bia hay nước ngọt có gas, soda… làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi của cơ thể và làm thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa của da và các tế bào thần kinh khác.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, chị em cũng nên chú ý duy trì những thói quen lành mạnh, xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học để hỗ trợ cho quá trình ngăn ngừa tiền mãn kinh.
Duy trì lối sống lành mạnh
Nếu chưa thiết lập cho bản thân thói quen sinh hoạt tốt, chị em cần lưu ý ngay những điều sau đây:
- Uống đủ nước mỗi ngày: Thói quen này giúp chị em bổ sung lượng nước cần thiết để cơ thể luôn cảm thấy khỏe khoắn, làn da tươi trẻ, rạng ngời. Nước cũng giúp cho quá trình vận chuyển các chất trong cơ thể tốt hơn.
- Ngủ đủ giấc: Chị em nên tạo thói quen ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, hạn chế thức muộn (đi ngủ trước 11 giờ) ngay từ bây giờ. Giấc ngủ sinh lý có vai trò quan trọng giúp tái tạo năng lượng và làm tinh thần sảng khoái.
- Tập luyện thể dục, vận động thường xuyên: Việc tập thể dục và vận động thường xuyên giúp chị em trở nên dẻo dai, tuần hoàn và lưu thông máu tốt, duy trì vóc dáng và tinh thần thoải mái hơn.
- Chia sẻ với các thành viên trong gia đình: Việc bạn chia sẻ những thay đổi của cơ thể với thành viên trong gia đình sẽ khiến con cái và người bạn đời của bạn thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ cho bạn. Đồng thời, họ cũng sẽ là những người đồng hành, cổ vũ cho bạn vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn. Có được sự động viên từ gia đình cũng khiến tâm trạng chị em tốt hơn, vui vẻ và thoải mái hơn.
Tiền mãn kinh sẽ không còn là nỗi ám ảnh khi chị em đã sẵn sàng đối diện. Hy vọng, thông qua bài viết này, chị em đã có cho mình những thông tin hữu ích nhất để phát hiện và điều trị kịp thời giai đoạn này. Chúc chị em thành công!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!