Viêm khớp: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

Viêm khớp xảy ra do cơ thể mắc phải một số bệnh lý hoặc do các thói quen sinh hoạt hàng ngày. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bạn sẽ được điều trị theo những phương pháp cụ thể. Dưới đây là những thông tin của bệnh viêm khớp mà bạn nên tham khảo. 

Viêm khớp là gì? Có nguy hiểm không?

Viêm khớp là hiện tượng đau từ các khớp và xương bên trong cơ thể. Tình trạng này thường xảy ra ở những khớp phải chịu áp lực lớn từ các hoạt động hàng ngày như khớp gối, khớp vai, cột sống thắt lưng, khớp háng. 

Viêm khớp là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
Viêm khớp là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng ảnh hưởng nhiều nhất là ở người trung niên và người cao tuổi. Dựa vào nguyên nhân và thời gian khởi phát, viêm khớp được chia thành 2 loại như sau:

  • Viêm khớp cấp tính: Đây là tình trạng diễn ra trong thời gian ngắn và có thể thuyên giảm hoàn toàn nếu điều trị kịp thời. Bệnh thường xảy ra do chấn thương, lao động nặng, nhiễm trùng khớp…
  • Viêm khớp mãn tính: Đây là tình trạng xương khớp nhức mỏi kéo dài và rất khó để điều trị dứt điểm. Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này là do mắc các bệnh xương khớp liên quan đến yếu tố tự miễn và thoái hóa. Mặc dù khó điều trị nhưng hầu hết những trường hợp bị viêm khớp mãn tính đều tiến triển chậm và ít đe dọa đến tính mạng của người bệnh. 

Viêm khớp là một tình trạng phổ biến hiện nay. Bệnh có thể thuyên giảm và không quá nguy hiểm nếu xảy ra do nguyên nhân thông thường. Tuy nhiên, nếu khớp đau nhức do bệnh lý thì tình trạng này sẽ chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực nếu không được điều trị kịp thời. 

Viêm khớp nguyên nhân là do đâu?

Tại sao bị viêm khớp? Theo các chuyên gia, viêm khớp là một tình trạng phổ biến và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất bao gồm:

Do các bệnh lý

Tình trạng viêm khớp có thể bắt nguồn từ các bệnh lý xương khớp cấp tính và mãn tính. Ngoài ra, mắc các bệnh nội khoa như tiểu đường, rối loạn tự miễn cũng khiến bạn hay bị viêm khớp.

Các căn bệnh có thể gây ra hiện tượng này bao gồm:

  • Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp là một căn bệnh xương khớp phổ biến ở người lớn tuổi. Nguyên nhân gây bệnh là do mô sụn bao bọc đầu xương bị xơ hóa, bào mòn và giảm độ dẻo dai. Bệnh chủ yếu xảy ra ở khớp gối, cột sống, khớp háng và khớp vai. Ngoài triệu chứng đau nhức, thoái hóa khớp còn gây cứng khớp, khớp kêu lạo xạo khi hoạt động. 
  • Loãng xương: Đây là tình trạng mật độ xương suy giảm khiến xương bị giòn, yếu đi và dễ đau nhức. Loãng xương ảnh hưởng chủ yếu đến xương đùi, cột sống với các cơn đau bắt nguồn từ bên trong xương và kéo dài dai dẳng.
  • Viêm khớp nhiễm khuẩn: Khi vi khuẩn xâm nhập làm tổn thương ổ khớp, bạn sẽ mắc bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn với triệu chứng đau nhức kéo dài. Vi khuẩn thường gây tổn thương ổ khớp là vi khuẩn lao, liên cầu khuẩn nhóm A, tụ cầu vàng… Bệnh lý này còn gây ra các triệu chứng toàn thân như sốt, cơ thể mệt mỏi, ớn lạnh…
  • Thoát vị đĩa đệm: Nếu bạn bị đau nhức cột sống âm ỉ thì bạn có nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm. Khi đĩa đệm bị nứt, nhân nhầy thoát ra bên ngoài, người bệnh sẽ bị đau nhức dai dẳng, đồng thời gặp khó khăn khi xoay người, cúi gập…
  • Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là tình trạng tổn thương khớp mãn tính do rối loạn tự miễn bên trong cơ thể. Khi đó, hệ miễn dịch tự tạo ra kháng thể tấn công vào màng bao hoạt dịch khiến xương khớp bị đau nhức, sưng đỏ. Bệnh thường gây tổn thương cho khớp có tính chất đối xứng kèm theo các triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, suy nhược… 
  • Bệnh gout: Bệnh gout có liên quan mật thiết đến tình trạng rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Bệnh khởi phát do tình trạng thừa axit uric trong máu, dẫn đến lắng đọng muối urat ở khớp và gây đau nhức dữ dội. Bệnh gout gây ra các cơn đau nhức xương khớp nặng nề, chủ yếu ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái. 
  • Một số bệnh lý khác: Bệnh vảy nến, lupus ban đỏ, u xương lành tính hoặc ác tính cũng là nguyên nhân khiến bạn hay viêm khớp. 

Các nguyên nhân thông thường

Ngoài nguyên nhân do bệnh lý, viêm khớp có thể xảy ra do một số nguyên nhân dưới đây:

  • Lao động nặng nhọc: Lao động nặng nhọc khiến xương khớp phải chịu áp lực lớn dẫn đến tình trạng đau nhức, tê mỏi. Hơn nữa, lao động quá sức còn làm tăng ma sát lên ổ khớp, kích thích phản ứng sưng viêm ở màng bao hoạt dịch và mô mềm xung quanh.
  • Chấn thương: Chấn thương là một nguyên nhân phổ biến gây viêm khớp. Chẳng hạn, khuân vác đồ vật sai tư thế, chơi thể thao khiến bạn bị chấn thương. Tình trạng này sẽ gây bầm mô mềm, sưng đỏ, gây trật khớp, nặng hơn là gãy xương.
viêm khớp do chấn thương khi vận động quá mức
viêm khớp do chấn thương khi vận động quá mức
  • Lười vận động, ngồi nhiều: Những thói quen xấu như ngồi nhiều, lười vận động sẽ khiến xương khớp trở nên suy yếu và dễ bị tổn thương. Hơn nữa, việc lười vận động sẽ khiến bạn dễ tăng cân mất kiểm soát, béo phì. Lúc này, xương khớp phải chịu một áp lực lớn để nâng đỡ cơ thể. 
  • Thay đổi thời tiết: Người trung niên và người lớn tuổi hay bị viêm khớp khi thời tiết thay đổi thất thường. Khi độ ẩm không khí tăng, các mạch máu trong cơ thể sẽ co lại và ảnh hưởng đến hoạt động của xương khớp. 
  • Vận động sai tư thế: Đứng, ngồi, nằm sai tư thế là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm khớp. 
  • Mang giày cao gót: Mang giày cao gót thường xuyên khiến trọng lượng cơ thể không được phân tán đồng đều. Từ đó khiến cho cổ chân và đầu gối phải gánh chịu một áp lực lớn. Về lâu dài, khớp gối sẽ bị đau nhức, tê bì và có nguy cơ thoái hóa. 

Dấu hiệu viêm khớp bạn cần biết

Viêm khớp gây ra các cơn đau nhức dữ dội hoặc âm ỉ, khởi phát đột ngột theo từng cơn hoặc kéo dài dai dẳng. Ngoài ra, tình trạng này còn đi kèm với một số triệu chứng như khớp bị tê cứng, phát ra âm thanh lục cục, lạo xạo khi vận động, vùng da quanh khớp bị sưng đỏ, nóng ran…

Người bệnh nên chủ động đến bác sĩ thăm khám khi gặp phải những triệu chứng như sau:

  • Cơn đau nhức kéo dài hơn 3 ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Mức độ đau ngày càng nặng nề.
  • Tình trạng sưng đỏ, tê bì, cứng ổ khớp và khớp phát ra âm thanh khi di chuyển.
  • Cơ thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, chán ăn, suy nhược. 

Bệnh viêm khớp mãn tính thường có triệu chứng không quá rõ ràng trong thời gian đầu. Do đó, hầu hết người bệnh thường chủ quan và không thăm khám sớm. Việc này sẽ khiến các ổ khớp bị tổn thương nặng, biến dạng và gây khó khăn trong hoạt động và sinh hoạt hàng ngày. 

Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh

Khi thăm khám tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh lý. Bác sĩ sẽ khoanh vùng các nguy cơ có thể xảy ra và chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm như sau:

  • Chụp MRI: Khi có dấu hiệu mắc bệnh lý ở cột sống, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp MRI để quan sát rõ các biểu hiện ở đĩa đệm, mô mềm và các dây thần kinh xung quanh. 
  • Chụp X quang: X quang là hình thức chẩn đoán thông qua hình ảnh và thường được áp dụng trong chẩn đoán các bệnh lý về xương khớp. Hình ảnh từ chụp MRI sẽ giúp bác sĩ phát hiện những bất thường như thoái hóa xương khớp, u xương, gai xương…
Chụp X quang, MRI là kỹ thuật chẩn đoán tình trạng bệnh
Chụp X quang, MRI là kỹ thuật chẩn đoán tình trạng bệnh

Dựa vào những xét nghiệm trên, bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp với tình trạng của mỗi bệnh nhân. 

Các phương pháp điều trị bệnh viêm khớp

Phụ thuộc vào mức độ đau nhức, nguyên nhân và cơ địa của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị cụ thể. Đối với nguyên nhân thông thường, bệnh sẽ được điều trị bằng cách uống thuốc, nghỉ ngơi, chăm sóc đúng cách.

Điều trị bằng Tây y

Uống thuốc Tây y giúp kiểm soát các cơn viêm khớp từ mức độ vừa đến nặng một cách hiệu quả. Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm như sau:

  • Thuốc điều trị triệu chứng bệnh: Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau, nhức mỏi, sưng đỏ ở khớp. Tùy vào nguyên nhân, mức độ cơn đau, bác sĩ sẽ kê toa cho bạn một số loại thuốc như Paracetamol, NSAID, thuốc giảm đau gây nghiện, Corticosteroid, thuốc giảm đau thần kinh…
  • Thuốc đặc trị bệnh: Thuốc đặc trị được chỉ định nhằm kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh. Các loại thuốc đặc trị thường được sử dụng là thuốc chống thấp khớp, thuốc điều chỉnh axit uric, thuốc sinh học, thuốc chống thoái hóa… Nhóm thuốc này phát huy công dụng khá chậm nên thường được dùng kèm với thuốc điều trị triệu chứng. 

Đa số các loại thuốc Tây chữa bệnh viêm khớp đều có thể gây ra các tác dụng phụ và một số rủi ro cho người bệnh. Do đó, để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị, người bệnh phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng thuốc và cách dùng. 

Trong trường hợp viêm khớp do các khớp và cột sống bị tổn thương nặng, điều trị bảo tồn không đạt hiệu quả cao thì bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật. Phương pháp này có tác dụng thay thế, chỉnh sửa các cơ quan bị tổn thương. Từ đó giúp phục hồi ổ khớp, cột sống và cải thiện cơn đau. 

Đông y chữa bệnh viêm, đau nhức xương khớp

Theo y học cổ truyền, bệnh viêm khớp thuộc chứng Tý và khởi phát bởi chính khí trong cơ thể không đủ. Từ đó tạo điều kiện để tà khí xâm nhập khiến tình trạng lưu thông khí huyết bị suy giảm. 

Người bệnh có thể điều trị viêm khớp bằng thuốc Đông y
Người bệnh có thể điều trị viêm khớp bằng thuốc Đông y

Bài thuốc Đông y chữa viêm khớp có tác dụng giảm triệu chứng đau nhức và cải thiện sức khỏe tổng thể. Các vị thuốc Đông y thường lành tính và an toàn cho người sử dụng.

Một số bài thuốc Đông y chữa bệnh mà bạn có thể áp dụng như:

  • Bài thuốc số 1: 10g cỏ mực, 10 thổ phục linh, 20g cỏ xước và 6g ké đầu ngựa. Bạn cho tất cả các nguyên liệu sắc với 300ml nước. Đun sôi thuốc trong khoảng 20 phút rồi để nguội và uống. 
  • Bài thuốc số 2: 8g hy thiêm, 8g đỗ trọng, 16g đương quy, ngưu tất, tri mẫu mỗi vị 12g, cẩu tích, quế chi, phòng phong, độc hoạt mỗi vị 10g. Bạn cho tất cả các nguyên liệu vào ấm cùng với 400ml nước để sắc, đun nước cho đến khi nước còn 150ml là được. Bạn chia thuốc thành 2 – 3 phần uống mỗi ngày. 

Trước khi sử dụng thuốc Đông y, người bệnh nên tìm đến các phòng khám Đông y uy tín để chẩn đoán bệnh và điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ y học cổ truyền đưa ra. 

Mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà

Người bệnh có thể áp dụng các bài thuốc dân gian chữa bệnh nhức mỏi xương khớp tại nhà trong trường hợp mắc bệnh nhẹ. Dưới đây là một số bài thuốc dân gian người bệnh có thể áp dụng:

  • Lá lốt: Lá lốt là một dược liệu  có tác dụng kháng viêm, giảm đau nhức, tê bì xương khớp rất tốt. Người bệnh có thể thực hiện bằng cách phơi khô 5 – 10g lá lốt khô, sắc 2 bát nước uống trong ngày.
  • Ngải cứu: Ngải cứu có chứa tinh dầu có đặc tính cải thiện cơn đau, giảm nhức mỏi hiệu quả. Bạn cho ngải cứu và muối vào một ít nước ấm, đắp hỗn hợp lên các khớp bị đau nhức.
  • Đu đủ xanh: Đu đủ xanh được xem là “thần dược” chữa bệnh viêm khớp, trừ phong, tiêu viêm. Bạn đun đu đủ cùng với mễ nhân đến khi chín mềm, cho thêm một ít đường vào rồi ăn. 

Giảm đau bằng biện pháp tại nhà

Nếu cơn đau có mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp để kiểm soát cơn đau tại nhà như:

  • Chườm nóng, chườm lạnh: Chườm nóng, lạnh là biện pháp giảm viêm khớp an toàn, hiệu quả. Nếu tình trạng đau nhức không kèm theo triệu chứng sưng đỏ thì bạn có thể chườm nóng để thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện hoạt động của xương khớp. Nếu bị đau kèm theo dấu hiệu sưng đỏ, bầm tím, bạn nên chườm lạnh để giảm sưng, đau nhức. 
  • Xoa bóp: Xoa bóp với dầu nóng có thể giúp giảm nhanh tình trạng đau nhức ở khớp. Để thúc đẩy tuần hoàn máu, bạn có thể xoa bóp kết hợp với bấm huyệt. 
Bạn có thể xoa bóp tại vị trí bị đau, viêm để cải thiện tình trạng
Bạn có thể xoa bóp tại vị trí bị đau, viêm để cải thiện tình trạng
  • Nghỉ ngơi, thư giãn: Nghỉ ngơi giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng, giảm đau và làm lành các cơ quan bị tổn thương. Người bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà từ 1 – 2 ngày để cải thiện tình trạng viêm khớp. 

Vật lý trị liệu điều trị bệnh

Vật lý trị liệu là phương pháp bảo tồn được áp dụng phổ biến. Phương pháp này có tác dụng giảm đau, giảm sưng đỏ và phục hồi chức năng vận động. Vật lý trị liệu cho hiệu quả điều trị lâu dài và ít gây ra rủi ro hơn so với khi sử dụng thuốc Tây y. 

  • Kéo giãn cột sống: Cách này có tác dụng mở rộng các lỗ liên hợp cột sống, giải phóng sự chèn ép lên rễ thần kinh và giảm đau nhức. Kéo giãn cột sống thích hợp điều trị cho những người ngồi nhiều, vận động sai tư thế…
  • Sử dụng sóng xung kích: Sóng xung kích giúp tái tạo gân, mô mềm, giảm đau nhức và chống co thắt cơ. Phương pháp này thích hợp điều trị cho những người bị viêm khớp do tuổi tác hoặc do các yếu tố liên quan đến lão hóa.
  • Bài tập phục hồi chức năng: Người bệnh có thể thực hiện một số bài tập phục hồi chức năng. Các bài tập sẽ giúp cải thiện tình trạng đau nhức và giải phóng các rễ thần kinh bị chèn ép.  

Cách phòng ngừa bệnh viêm khớp

Bệnh viêm khớp có thể tái phát nếu người bệnh tiếp tục duy trì các thói quen vận động xấu. Do vậy, bạn phải xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh và chủ động phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp như sau:

  • Loại bỏ các thói quen ảnh hưởng đến xương khớp như vận động sai tư thế, mang giày cao gót, lười vận động…
  • Tập luyện thể dục mỗi ngày để tăng độ dẻo dai, đàn hồi cho mô sụn và tăng cường sức khỏe tổng thể. 
  • Kiểm soát cân nặng ở mức độ hợp lý bằng cách ăn uống khoa học, hạn chế ăn thực phẩm chiên xào, đồ ngọt và sử dụng các chất kích thích. 
  • Hạn chế vận động mạnh, tập luyện thể dục với cường độ cao. Người bệnh nên khởi động kỹ trước khi tập luyện thể thao. Hơn nữa, bạn nên ưu tiên lựa chọn tập những môn thể thao nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ, yoga… 
Người bệnh nên tập luyện những môn thể thao nhe nhàng để hạn chế tình trạng đau nhức và viêm
Người bệnh nên tập luyện những môn thể thao nhe nhàng để hạn chế tình trạng đau nhức và viêm
  • Cung cấp nhiều thực phẩm bổ dưỡng cho cơ thể như thực phẩm chứa nhiều omega 3, chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa.
  • Xây dựng thời gian làm việc hợp lý, tránh lo âu, căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe. 
  • Người bệnh nên thận trọng khi tham gia giao thông, chơi thể thao để giảm nguy cơ bị chấn thương, tai nạn khiến tình trạng bệnh diễn biến nguy hiểm hơn. 

Viêm khớp là một tình trạng thường gặp do vậy nhiều người bệnh có tâm lý chủ quan. Lời khuyên là khi bệnh kéo dài dai dẳng và không cải thiện khi áp dụng các biện pháp tại nhà, người bệnh nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị sớm nhất.

5/5 - (1 bình chọn)

GỢI Ý XEM THÊM

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *