Cây lạc tiên là gì? Công dụng, liều dùng, giá bán và các bài thuốc quý

Dù là loài mọc hoang, dễ kiếm tìm nhưng cây lạc tiên lại có rất nhiều công dụng quý báu đối với sức khỏe con người. Thảo dược này từ lâu đã được y học cổ truyền đưa vào sử dụng trong các bài thuốc trị mất ngủ, suy nhược thần kinh, mụt nhọt,… Dưới đây là toàn bộ thông tin về công dụng, cách dùng và những bài thuốc quý từ loài cây này mọi người nên biết.

Hình ảnh cây lạc tiên
Hình ảnh cây lạc tiên

Cây lạc tiên là gì?

Cây lạc tiên hay còn được gọi là cây chùm bao, nhãn lồng, tây phiên liên, cây lồng đèn, cây long châu quả và nhiều tên khác. Loài cây này thuộc họ lạc tiên, có tên khoa học là Passiflora foetida, được phân thành các nhóm như: Lạc tiên Tây, lạc tiên trứng, lạc tiên Nam Bộ.

Hiện nay, lạc tiên là một trong những cây thuốc quý được dùng để trị các bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh, mệt mỏi căng thẳng và các bệnh ngoài da rất hiệu quả.

Đặc điểm nhận biết cây lạc tiên như thế nào?

Dưới đây là một số đặc điểm bên ngoài của loài thảo dược này. Bạn chỉ cần tinh ý, quan sát là có thể nhận biết dễ dàng loại cây này.

Thân:

  • Lạc tiên là loại cây thân dây leo, có nhiều tua rỗng cuộn tròn mọc ra từ nách lá.
  • Thân của cây lạc tiên thường có nhiều lông thưa.

Lá:

  • Lá lạc tiên mọc so le, dài 7cm, rộng khoảng 10cm.
  • Ở mép có nhiều dấu rách và lông mịn, thường được chia thành 3 thùy nhọn.

Hoa:

  • Hoa lạc tiên thường nở vào tháng Tư và Tháng Năm.
  • Chúng gồm 5 cánh, có màu trắng và tím nhạt ở giữa.
  • Hoa mọc và nở đơn độc chứ không thành chùm như nhiều loại khác.

Quả:

  • Quả lạc tiên có hình tròn được bao bọc bởi một lớp màng lưới.
  • Khi sống thì màu xanh, khi chín loại quả này sẽ tự chuyển thành vàng cam, đỏ.
  • Vào thời điểm chín quả lạc tiên có thể dùng để ăn.
  • Mỗi quả gồm nhiều hạt nhỏ màu đen.
Khi chín quả lạc tiên sẽ chuyển sang màu vàng mọng
Khi chín quả lạc tiên sẽ chuyển sang màu vàng mọng

Nơi phân bố chủ yếu của cây lạc tiên

Theo các chuyên gia cây lạc tiên ban đầu được mọc chủ yếu ở Nam Mỹ, Mexico, Trung Mỹ và vùng Caribe. Về sau khi nhận thấy tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của loại cây này, nhiều quốc gia đã trồng và phát triển loại thảo dược này.

Tại Việt Nam, lạc tiên mọc rải rác ở các bụi rậm ven đường, trên núi cao hoặc trong rừng rậm. Loài cây này phân bố rộng rãi ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam.

Bộ phận thu hoạch, chế biến và bảo quản

Việc thu hái lạc tiên đòi hỏi phải tỉ mỉ và có kinh nghiệm nhất là khi thu hoạch với số lượng lớn. Bởi quả lạc tiên thuộc nhóm “quả tiên” vỏ mỏng, bên trong chứa chất dịch nên rất dễ nát và cực khó bảo quản nếu không được sấy khô nhanh.

  • Thời điểm thu hoạch: Cây lạc tiên có thể thu hoạch vào bất cứ mùa nào trong năm nhưng tốt nhất là vào mùa xuân để đảm bảo dược chất trong cây đang ở ngưỡng cao nhất.
  • Bộ phận thu hoạch: Hầu hết các bộ phận của cây lạc tiên như ngọn, lá, quả trừ củ và rễ đều có thể sử dụng làm dược liệu trong các bài thuốc quý.
  • Chế biến: Sau khi thu hái xong người ta sẽ đem cây lạc tiên đi rửa sạch, cắt ngắn, rồi phơi hoặc sấy khô. Ngoài cách này thì bạn còn có thể chế biến thảo dược này bằng cách dùng tươi làm các món ăn trong bữa cơm.
  • Bảo quản: Cho dược liệu vào các túi kín khí bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát để tránh ẩm mốc.

Thành phần hóa học

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trong cây lạc tiên có chứa rất nhiều hoạt chất quý tốt cho hệ thần kinh trung ương như: Passiflorin, Saponaretin, Vitexin, Sapomarin, Harmin, Harmol, Harmalol, Hermalin, chất xơ. Hoạt chất chính của thảo dược này là các hoạt chất Passiflorin có tác dụng an thần, chữa mất ngủ, gần giống như morphin nhưng không gây nghiện.

Công thức hóa học của một số hoạt chất trong cây lạc tiên
Công thức hóa học của một số hoạt chất trong cây lạc tiên

Chính bởi tác dụng tuyệt vời đó mà một vài quốc gia ở Châu u đã nhanh chóng tận dụng, ly trích hoạt chất này từ cây lạc tiên để điều chế thành các loại thuốc an thần, giúp người cao tuổi dễ đi vào giấc ngủ.

Ngoài ra quả loại thảo dược này còn có chứa rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như:

  • 2% protein,
  • Đường đơn,
  • Glucoza,
  • Fructose,
  • Các acid hữu cơ,
  • Các vitamin: C, A,
  • Và một số muối khoáng.

Cây lạc tiên có tác dụng gì?

Cả y học hiện đại và y học cổ truyền đều đánh giá lạc tiên là vị thuốc quý với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.

Theo Đông Y

Lạc tiên có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, quy vào 2 kinh Can và Tâm nên thường được sử dụng để an thần, tiêu viêm, thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể.

Trong cuốn sách “ Thuốc cổ truyền và ứng dụng lâm sàng” của giáo sư Hoàng Bảo Châu có ghi:

  • Dây, lá và hoa lạc tiên có tác dụng giải nhiệt, trừ tà khí, làm mát gan, trị chứng đau đầu, mất ngủ cực hiệu quả.
  • Quả lạc tiên thì dùng để chữa bệnh ho do phế nhiệt, hoặc nấu nước tắm chữa viêm da, mụn ghẻ cũng  bởi tác dụng giải độc, lợi tiểu, thanh nhiệt rất tốt.

Ngoài sách vở thì thực tế tại một số quốc gia, từ lâu người ta đã tận dụng loại thảo dược này để trị các bệnh liên quan. Ví dụ tại Ấn Độ, lạc tiên được coi là “ thần dược” trị bệnh hen suyễn, đau đầu, chóng mặt cho thiếu máu.

Một số tác dụng của cây lạc tiên theo quan điểm Đông Y có thể kể đến như:

  • Tác dụng chữa mất ngủ: Để điều trị căn bệnh này, trong Đông y người thường dùng nước lạc tiên để uống hàng ngày. Ngoài ra còn có thể kết hợp với nhân trần để giúp giấc ngủ được kéo dài, ổn định và sâu hơn.
  • Tác dụng chữa suy nhược thần kinh: Tác dụng này của cây lạc tiên được rất nhiều người biết và áp dụng thường xuyên. Trong các bài thuốc cổ xưa ông cha ta thường dùng cây lạc tiên kết hợp với lá vông hoặc tâm sen để điều trị chứng bệnh này khá hiệu quả.
  • Tác dụng trị chứng hành kinh sớm: Nước thuốc từ cây lạc tiên có khả năng điều hòa khí huyết, giúp kinh nguyệt ổn định đến đúng ngày và đúng chu kỳ.
  • Tác dụng trị chứng đau bụng do phế nhiệt: Các sách Đông y có ghi chép ngọn cây lạc tiên có chất dịch nhầy dùng nấu canh tôm, cá, thịt trị chứng đau bụng, táo bón rất nhiều quả.
  • Tác dụng trị phù thũng: Nước thuốc từ cây lạc tiên có khả năng giải nhiệt, trừ tà khí nên dùng để trị phù thũng rất tốt.

Theo Tây Y

Theo góc nhìn của Tây Y, ta có thể kể đến một số tác dụng tiêu biểu như:

  • An thần, điều trị mất ngủ, ngủ mơ, ngủ hay tỉnh giấc hiệu quả.
  • Thanh nhiệt, giải độc, làm mát gan từ đó giúp trị viêm da, mụn mủ, ghẻ ngứa.
  • Chống và làm giảm suy nhược hệ tim- mạch.
  • Điều trị suy nhược thần kinh, giảm phiền muộn, lo âu hiệu quả.
  • Điều trị chứng hành kinh sớm cho phụ nữ và đau nhức ở người già.
  • Hỗ trợ điều trị các bệnh ho, đau bụng do nhiệt.
Giúp người bệnh ngủ ngon, không mộng mị là tác dụng chính của cây lạc tiên
Giúp người bệnh ngủ ngon, không mộng mị là tác dụng chính của cây lạc tiên

Cách sử dụng và liều dùng cây lạc tiên

Có rất nhiều cách để sử dụng cây lạc tiên trị bệnh như:

  • Làm món ăn: Ở rất nhiều gia đình lạc tiên là nguyên liệu của rất nhiều món ăn quen thuộc. Bạn có luộc ngọn của lạc tiên để chấm mắm, xào tỏi hoặc nấu canh đều được. Các món ăn này khá đơn giản, dễ làm lại bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe và hệ thần kinh.
  • Hãm trà: Đây có lẽ là cách sử dụng cây lạc tiên phổ biến và được nhiều người áp dụng nhất. Bạn chỉ cần rửa sạch nguyên liệu cho vào ấm rồi ủ với nước sôi khoảng 20 phút là có thể dùng. Cách làm này có thể thay thế trà thông thường hàng ngày.
  • Sắc Thuốc: So với cách hãm trà thì sắc thuốc từ cây lạc tiên đòi hỏi công sức và thời gian hơn nhiều. Tuy nhiên đổi lại việc kết hợp thảo dược này với nhiều nguyên liệu khác sẽ giúp tác dụng điều trị đến nhanh hơn bình thường.
  • Ngâm rượu: Ngoài các cách dùng trên thì người ta còn có thể dùng quả lạc tiên sau khi thu hoạch, phơi khô đem ngâm với rượu để trị bệnh khá hiệu quả. Tuy việc sử dụng rượu lạc tiên nên tuân theo liều lượng khuyến cáo của các chuyên gia. Tuyệt đối không lạm dùng và dùng nó như một món nhậu.
  • Nấu cao: Nếu như không thích ngâm rượu hoặc uống nước thuốc từ lạc tiên bạn có thể đem nó đi nấu thành cao sệt rồi bảo quản để dùng dần. Cao lạc tiên có mùi thơm đặc trưng nên rất dễ uống. Khi áp dụng cách này bạn chỉ nên dùng tối đa 1 muỗng nhỏ cao lạc tiên rồi đem pha với nước ấm để uống.

Một điều lưu ý là khi sử dụng cây lạc tiên dù là dùng cách nào thì bạn vẫn nên tuân thủ theo liều lượng khuyến cáo là 20-40g lạc tiên khô/ ngày. Liều dùng này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng bài thuốc.

Người ta thường dùng cây lạc tiên chữa bệnh gì?

Với những tác dụng tuyệt vời của mình, cây lạc tiên nhanh chóng được đưa vào trong các bài thuốc dân gian với mong muốn trị bệnh và bồi bổ cơ thể. Dưới đây là một số bài thuốc trị bệnh từ cây thảo dược này.

Điều trị căng thẳng và mệt mỏi

Tình trạng căng thẳng, mệt mỏi không những gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn khiến công việc, tình cảm của bạn bị ảnh hưởng rất nhiều. Để cải thiện tình trạng này bạn có thể áp dụng bài thuốc dưới đây:

Chuẩn bị:

  • 300g lạc tiên phơi khô gồm cả thân, lá và quả.
  • 200g râu ngô.
  • 100g rau má.

Thực hiện:

  • Bước 1: Cho tất cả nguyên liệu trên đi sao vàng.
  • Bước 2: Dùng một cái ấm đất cùng 5000ml nước và ¼ thìa muối hạt sắc tất cả các nguyên liệu trên.
  • Bước 3: Khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa để ý đến khi còn 200ml nước thì tắt bếp.
  • Bước 4: Dùng nước thuốc để uống làm 2 lần/ ngày. Duy trì liên tục trong 7 ngày vào trưa và tối để bệnh nhanh cải thiện.

Điều trị mất ngủ

Nếu đang gặp tình trạng khó ngủ, mất ngủ, ngủ mơ bạn có thể thử áp dụng một số bài thuốc từ cây lạc tiên dưới đây.

Chữa mất ngủ, tim hồi hộp:

  • Cách 1: Lấy 15g cây lạc tiên khô sắc thành nước để uống như trà bình thường hàng ngày. Cách làm này sẽ giúp bạn trấn tính, bớt hồi hộp từ đó ngủ ngon, ngủ sâu hơn.
  • Cách 2: Dùng 50g cây lạc tiên, 30g lá vông, 10g dâu tằm, 2g tâm sen đem sắc thành thuốc cùng 90g đường sau đó chắt lấy nước để dùng, áp dụng liên tục từ 7 -10 ngày để đạt kết quả tốt nhất.

Mất ngủ kéo dài:

  • Nguyên liệu: 50g cây lạc tiên, 10g lá dâu, 30g lá vông cùng khoảng 2,2g tâm sen, 90g đường và nước 100ml lọc hoặc nước đun sôi để nguội.
  • Cách thực hiện: Đem nguyên liệu trên nấu thành cao lỏng sau đó cho vào hộp bảo quản để dùng dần. Mỗi ngày trước khi đi ngủ bạn dùng từ 2-4 thìa cafe cao lạc tiên để cải thiện tình trạng mất ngủ.

Giúp kéo dài giấc ngủ:

  • Nguyên liệu: Cây lạc tiên 20g, lá vông 2g, cam thảo đất 6g, xương bồ 6g, táo nhân 10g(đã sao vàng), tâm sen 12g, lá tre 10g, lá dâu tằm 10g.
  • Cách thực hiện: Đem nguyên liệu trên rửa sạch sắc cùng 600ml nước cho đến khi còn khoảng 200ml nước thì dừng. Người bệnh nên thực hiện liên tục từ 7-10 ngày để giúp dịu thần kinh, ngủ ngon hơn.
Cây lạc tiên kết hợp với lá vông, cam thảo giúp điều trị mất ngủ rất hiệu quả
Cây lạc tiên kết hợp với lá vông, cam thảo giúp điều trị mất ngủ rất hiệu quả

Trị ho

Bài thuốc trị ho từ cây lạc tiên có lẽ còn khá xa lạ với nhiều người. Nhưng trên thực tế chúng lại cho hiệu quả khá cao và an toàn.

Nguyên liệu:

  • 3-15g lá cây lạc tiên tươi.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Đem lá lạc tiên đi rửa sạch, ngâm qua với nước muối loãng để loại bỏ tạp chất.
  • Bước 2: Đem lá lạc tiên đi sắc như bình thường, chắt nước, uống liên tục cho đến khi triệu chứng ho thuyên giảm.

Điều trị suy nhược thần kinh

Như đã nói ở trên Passiflorin có trong cây lạc tiên có khả năng tác động và giúp phục hồi hệ thần kinh trung ương rất tốt. Nhờ đó thảo dược này thường xuyên xuất hiện trong các bài thuốc trị suy nhược thần kinh, mệt mỏi, lo âu.

Nguyên liệu:

  • 8-10g lá lạc tiên.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Đem nguyên liệu đi rửa sạch, loại bỏ bụi bẩn.
  • Bước 2: Đem lá cây lạc tiên đi sắc với nước dùng thay trà hàng ngày. Thực hiện liên tục để có hiệu quả tốt và ổn định.

Điều trị các bệnh ngoài da

Nhờ tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống viêm hiệu quả nên từ lâu người ta đã dùng cây lạc tiên để điều trị chứng viêm da, ngứa ngáy, mụn mủ ngoài da.

Nguyên liệu:

  • 100g cây lạc tiên tươi hoặc khô.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Loại bỏ bụi bẩn, tạp chất cho cây lạc tiên.
  • Bước 2: Cho cây lạc tiên vào nấu với 2 lít nước.
  • Bước 3: Để nước sôi khoảng 5 phút thì tắt bếp chờ nguội rồi dùng nước tắm hoặc rửa vùng da bị viêm ngứa.

Điều trị đau nhức, hành kinh sớm và huyết áp thấp

Điều trị đau nhức, hành kinh sớm, huyết áp thấp là tác dụng tuyệt vời không thể bỏ qua của cây lạc tiên. Cả 3 chứng bệnh trên đều có thể chữa trị bởi một bài thuốc sau.

Nguyên liệu:

  • 500g cây lạc tiên.
  • 300g hoa thiên lý.
  • 100g lá khổ qua non (mướp đắng).
  • 50g đậu xanh.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Sao nóng tất cả các nguyên liệu trên.
  • Bước 2: Đen nguyên liệu đi tán nhuyễn tạo thành hỗn hợp bột mịn.
  • Bước 3: Dùng 3 muỗng hỗn hợp trên hòa chung với 100ml nước sôi, uống lúc khát. Kiên trì thực hiện liên tục trong vòng 10 ngày bệnh nhân sẽ thấy các triệu chứng đau nhức, hành kinh sớm, huyết áp thấp được cải thiện rõ rệt.

Điều trị chứng bệnh lỵ

Nếu bạn đang gặp tình trạng kiết lỵ, khó tiêu thì bài thuốc từ quả cây lạc tiên chính là sự lựa chọn không thể bỏ qua.

Nguyên liệu:

  • 60g quả lạc tiên.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Lấy quả lạc tiên đem rửa thật sạch rồi sắc với nước.
  • Bước 2: Cho thêm một chút đường, rồi chia thành 2 phần bằng nhau uống trước bữa ăn. Thực hiện liên tục trong vài ngày người bệnh sẽ thấy đi ngoài dễ, phân thuần hơn.

Làm nước giải khát

Ngoài công dụng làm thuốc, cây lạc tiên còn được dùng để làm nước giải khát thơm, ngon, bổ dưỡng.

Nguyên liệu:

  • 0,5kg quả cây lạc tiên (lựa chọn quả chín).

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Bổ quả lạc tiên làm đôi, cạo bỏ hết phần ruột.
  • Bước 2: Cho quả lạc tiên vào ép lấy dịch quả.
  • Bước 3: Dùng 1 lít nước lọc cùng 250g đường trắng hòa với phần dịch vừa ép được từ quả lạc tiên rồi sử dụng.

Một số món ăn từ cây lạc tiên giúp bồi bổ cơ thể

Ngoài việc sử dụng để làm thuốc chữa bệnh, tại một số vùng quê người dân còn dùng cây lạc tiên để làm những món ăn bổ dưỡng, giúp bồi bổ cơ thể, phục hồi hệ thần kinh, an thần, ngủ ngon.

  • Cây lạc tiên luộc: Chuẩn bị 1 mớ rau lạc tiên còn tươi, nhặt bỏ phần dập, úa rồi đem rửa sạch. Đun sôi 100ml nước lọc rồi thả rau vào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Sau khi đun chín thì vớt rau ra ăn cùng nước mắm.
  • Ngọn lạc tiên xào tỏi: Đây là món ăn khoái khẩu của nhiều người bởi vị thơm ngon, giòn dai và giàu dinh dưỡng. Bạn chỉ cần lấy 1 mới ngọn cây lạc tiên cùng 2-3 nhánh tỏi. Sau khi làm sạch nguyên liệu thì bắc chảo phi thơm tỏi rồi thả ngọn rau vào đảo đều tay, nêm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp.
  • Cây lạc tiên nấu canh: Chuẩn bị 1 mớ lạc tiên tươi cùng 200g thịt nạc xay nhuyễn hoặc tôm. Sau khi phi hành thật thơm thì đổ thịt xay vào đảo đều cùng gia vị cho đến khi thịt săn lại. Đổ thêm 100ml nước vào nồi rồi đun sôi. Cuối cùng thì thả rau lạc tiên vào, đun cho tới khi chín là có thể dùng được.
Dùng ngọn cây lạc tiên để luộc là món ăn ưa thích của rất nhiều gia đình
Dùng ngọn cây lạc tiên để luộc là món ăn ưa thích của rất nhiều gia đình

Lưu ý khi sử dụng cây lạc tiên

Dù không thể phủ nhận những tác dụng tuyệt vời của cây lạc tiên với sức khỏe tuy nhiên khi sử dụng loại thảo dược này người bệnh cũng cần phải lưu ý một vài vấn đề sau.

Đối tượng không nên dùng:

  • Hiện chưa có bằng chứng nào chứng minh độ an toàn của cây lạc tiên với phụ nữ có thai, trẻ nhỏ và người chuẩn bị phẫu thuật.
  • Vì vậy nếu đang thuộc một trong những trường hợp trên, bạn nên thận trọng hơn. Tốt nhất là tham khảo ý kiến bác sĩ rồi hãy quyết định sử dụng.

Tương tác thuốc có thể xảy ra:

Theo ghi nhận của các chuyên gia, thảo dược này có khả năng tương tác và làm mất hiệu quả của một số loại thuốc điều trị như:

  • Nhóm thuốc an thần.
  • Thuốc Imao.
  • Thuốc chống đông máu.
  • Và một số loại thuốc điều trị các bệnh lý nguy hiểm khác.

Do đó nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc điều trị nào bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chắc chắn nó không tương tác với cây lạc tiên.

Tác dụng phụ khi sử dụng cây lạc tiên:

Hiện vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh cây lạc tiên có tác dụng phụ. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn bạn không nên quá lạm dùng thảo dược này. Nên sử dụng theo đúng liều lượng mà các chuyên gia khuyến cáo trong từng bài thuốc.

Một số lưu ý khi chế biến cây lạc tiên làm thuốc:

Ngoài những lưu ý trên khi sử dụng cây lạc tiên để chữa bệnh bạn còn cần:

  • Rửa thật sạch cây lạc tiên trước khi dùng. Vì loài cây này thường sinh sống ở môi trường ẩm thấp nên nhiều vi khuẩn và đất cát.
  • Tuyệt đối không nên ăn quả của cây lạc tiên khi chúng còn xanh.
  • Tuyệt đối không sử dụng cây lạc tiên khô bị ẩm mốc hay có mùi lạ.

Cây lạc tiên giá bao nhiêu?

Giá bán và địa chỉ nên mua là những vấn đề được rất nhiều người bệnh quan tâm. Theo thông tin khảo sát thị trường từ chúng tôi, để phục vụ cho nhu cầu sử dụng cây lạc tiên của mọi người rất nhiều cơ sở kinh doanh, nhà thuốc đông y, bệnh viện y học cổ truyền,.. đều bày bán thảo dược này với mức giá giao động khác nhau.

  • Hiện cây lạc tiên khô có giá dao động từ 100.000-150,000đ/ kg.
Lạc tiên khô hiện đang được bán rất nhiều trên thị trường với mức giá khá rẻ.
Lạc tiên khô hiện đang được bán rất nhiều trên thị trường với mức giá khá rẻ.

Ngoài ra các chế phẩm từ thảo dược này thường có giá bán nhỉnh hơn một chút. Ví dụ:

  • Trà lạc tiên có giá từ 90.000đ/ hộp (16 gói x2g). Tính ra người dùng phải mất đến gần 3,000,000đ để mua 1kg cây lạc tiên khô.
  • Cao lạc tiên có giá bán từ 100,000-200,000đ/ lọ 100g như vậy là cũng phải mất đến 1,000,000 để mua được 1kg lạc tiên khô.

Mua cây lạc tiên ở đâu để đảm bảo?

Dù là thảo dược dễ tìm kiếm thế nhưng không ít cơ sở kinh doanh vẫn coi đây là miếng mồi béo bở để kiếm lời. Bởi thế không ít nơi đã tấu trộn cây lạc tiên với các loại thảo dược khác, hoặc dùng hàng kém chất lượng, thu hái, chế biến không đảm bảo để bán cho người dùng.

Vì vậy khi lựa chọn địa chỉ “chọn mặt gửi vàng” mua thảo dược này, người bệnh có thể tham khảo một số địa chỉ dưới đây.

  • Trung tâm Vietfarm- Nơi nghiên cứu và nuôi trồng dược liệu hàng đầu Việt Nam. Liên hệ theo địa chỉ: Số 48, đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
  • Nhà thuốc y học cổ truyền An Quốc Thái số 62/1/28 đường Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM.
  • Thế giới thuốc Nam. Liên hệ theo địa chỉ: Số 48, ngách 173/68 , đường Hoàng Hoa Thám, TP. Hà Nội.
  • Shop thảo dược. Địa chỉ liên hệ: Số 87, đường Ngô Quyền, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM.

Phân biệt cây lạc tiên với một số cây khác có tên tương tự

Họ lạc tiên hiện có tới hơn 15 loài, vì vậy rất nhiều người bị nhầm lẫn giữa cây lạc tiên nói ở trên với một số loài cây khác thuộc họ này. Dưới đây là một số đặc điểm giúp mọi người có thể dễ dàng phân biệt, để không sử dụng nhầm phải thảo dược khác trong điều trị mất ngủ, an thần.

  • Cây lạc tiên Nam Bộ (Có tên khoa học là Passiflora cochinchinensis Spreng): Loài cây này cũng thuộc dạng cây leo nhưng thân hơi dẹt và có các khía rãnh. Lá của chúng thuôn hẹp, đầu lá hơn tròn, mặt trên thì nhẵn, mặt dưới có lông. Hoa có màu trắng, quả hình trứng và nhẵn. Điều đặc biệt là lạc tiên Nam Bộ không có tác dụng an thần như loài cây lạc tiên được đề cập trong bài viết. Vì vậy người bệnh tuyệt đối không được sử dụng để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Lạc tiên Tây (Có tên khoa học là P. incarnata L): Thuộc dạng thân leo, dài từ 9-10m, vỏ màu xám nhạt, có lông mịn khi còn non, khi già thì chuyển màu đỏ tím. Lá lạc tiên Tây gồm ba thùy, mọc so le nhau, mép có răng cưa, kẽ lá có tua cuốn. Hoa màu trắng, có mùi thơm đặc trưng, cuống hoa dài, màu tím hoặc hồng. Quả hình trứng, khi chín màu vàng, có vị chua, có tác dụng bổ mát, giải nhiệt.
  • Lạc tiên trứng – lạc tiên mát (tên khoa học P. edulis Sím): Loài cây cũng thuộc dạng thân leo, chiều dài có thể lên đến hàng chục mét. Lá gồm 3 thùy, mép có răng cưa, gốc lá hình tim, đầu lá nhọn, 2 mặt lá nhẵn và mịn. Hoa lạc tiên trứng màu trắng mọc ở các kẽ lá. Quả hình trứng khi chín màu da cam. Quả của lạc tiên trứng chứa rất nhiều vitamin C, yếu tố vi lượng, axit hữu cơ,…. thường dùng để làm đồ uống, đồ tráng miệng, bánh kẹo và làm thuốc bổ giúp hỗ trợ tiêu hóa, kích thích hệ thần kinh.

Cần nói thêm trong tất cả các loài cây này chỉ có cây lạc tiên được đề cập trong bài viết chính mới có tác dụng an thần, hỗ trợ ngủ ngon. Vì vậy người dùng cần biết cách nhận biết để sử dụng đúng thảo dược, tránh làm giảm hiệu quả điều trị và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cây lạc tiên không chỉ có tác dụng chữa bệnh mà còn dùng để chế biến thành những món ăn hấp dẫn và giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên bạn hãy nhớ cái gì nhiều quá cũng không tốt. Vì vậy hãy sử dụng loại thảo dược này theo đúng hướng dẫn của các chuyên gia về liều lượng và tần suất dùng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *