Đặc điểm cây kim tiền thảo, công dụng và lưu ý cách dùng
Bảng tóm tắt
Kim tiền thảo, còn được biết đến với các tên gọi như Bạch Nhĩ Thảo, Đậu Rồng, Bảo Trì Liên, Vảy Rồng, Địa Phương, Cửu Lý Hương, là một loại cây dược liệu với nhiều tác dụng hữu ích trong việc điều trị sỏi thận, sỏi mật, giảm huyết áp, chữa trị trĩ nội, trĩ ngoại, mụn nhọt, rắn cắn, và viêm gan. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về đặc điểm, tác dụng, cách sử dụng, và giá bán của loại thảo dược này.
Kim tiền thảo là cây gì?
Kim tiền thảo còn được gọi là Bạch Nhĩ Thảo, Đậu Rồng, Bảo Trì Liên, Vảy Rồng, Địa Phương, Cửu Lý Hương,… Loài cây này thuộc họ nhà Đậu hay còn gọi là họ cánh bướm, có tên khoa học là Herba Jin Qian Cao.
Vốn là cây ưa sáng, ưa ẩm nhưng cũng có thể chịu được khô hạn trong thời gian ngắn, Kim tiền thảo thường mọc thành từng đám ven rừng, nhất là những nương rẫy mới bỏ hoang.
Theo các tài liệu ghi chép thì loài cây này thường mọc hoang ở các vùng núi trung du có độ cao dưới 1000m, chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Nam Á và Hoa Nam. Tại Việt Nam Kim tiền thảo được tìm thấy ở các vùng đồi núi cao như Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Lạng Sơn, Hà Nội,…
Hiện loài cây này đang là một trong những vị thuốc quý điều trị hiệu quả chứng sỏi thận, kháng viêm, lợi tiểu,…
Đặc điểm bên ngoài của kim tiền thảo
Kim tiền thảo là loại cây rất dễ nhận biết bởi các đặc điểm bên ngoài như sau:
Thân:
- Loài cây này thuộc dạng thân thảo, sống lâu năm.
- Phân thân thấp, mọc sát dưới mặt đất, chiều dài khoảng 1m.
- Ngọn kim tiền thảo non và dẹt, có lông tơ trắng phủ ngoài.
Lá:
- Lá thường mọc so le gồm 1-3 chét.
- Chiều dài lá khoảng từ 2,5-4,5cm, rộng từ 2-4cm.
- Mặt dưới có lông trắng bạc, sờ thấy mịn màng, mặt trên có màu xanh lục và nhẵn.
- Chét giữa của lá có hình mắt chim, các chét bên cạnh có hình bầu dục.
Hoa:
- Hoa Kim tiền thảo thường ra vào tháng 6-9, mọc ở các nách lá.
- Mọc thành từng chùm, mỗi chùm gồm 2-3 hoa.
- Tràng hoa hình bướm và có màu tím, cánh hoa màu hồng.
Quả:
- Quả Kim tiền thảo có hình dạng giống quả đậu, gồm 3 đốt và hơi cong hình cung.
- Chiều dài quả khoảng 14-16mm.
- Mỗi quả có từ 4-5 hạt nhỏ.
Thu hoạch và bảo quản Kim tiền thảo thế nào cho đúng?
Việc thu hoạch Kim tiền thảo không quá cầu kỳ và mất nhiều thời gian như các thảo dược quý khác. Tuy nhiên để đảm bảo hoạt chất trong cây giữ được nguyên vẹn, không sinh độc thì quá trình thu hoạch cần được tiến hành như sau:
- Thời gian thu hoạch: Nên thu hoạch Kim tiền thảo vào mùa hè khoảng tháng 5-8. Vì lúc này cây sẽ cho nhiều lá và hoa nhất.
- Bộ phận thu hoạch: Toàn thân thảo dược này đều có thể dùng làm thuốc vì vậy có thể thu hoạch tất cả các bộ phận từ thân, lá, hoa, quả.
- Sơ chế: Cách sơ chế Kim tiền thảo cũng giống như hầu hết các loại thảo dược khác, chỉ cần rửa sạch, để ráo nước rồi đem phơi hoặc sấy khô là được.
- Bảo quản: Cho dược liệu vừa sơ chế vào trong túi kín khí rồi bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt và ánh nắng mặt trời.
Thành phần hóa học
Các nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra trong dịch chiết của Kim tiền thảo chứa hàng loạt các hoạt chất quý hiếm, tốt cho sức khỏe nhất là các bệnh về tim mạch, sỏi thận hoặc viêm nhiễm. Một số thành phần hóa học cần phải kể đến như:
- Polysaccharide
- Saponin triterpenoid
- Các flavonoid
- Desmodimin
- Desmodilacton
- Lupenone
- Lupeol
- Tritriacontan
- Acid stearic
- Và nhiều hoạt chất khác.
Cách sử dụng Kim tiền thảo
Có rất nhiều cách sử dụng Kim tiền thảo khác nhau. Tuy nhiên các nhà khoa học khuyến cáo mỗi ngày không được sử dụng quá 20-40g Kim tiền thảo khô, đối với dạng tươi có thể tăng liều gấp đôi.
Dưới đây là một vài cách sử dụng Kim tiền thảo được nhiều người áp dụng.
- Sắc thuốc: Người bệnh có thể dùng đơn độc Kim tiền thảo hoặc phối hợp với một số vị thuốc Nam khác để tăng dược tính cho bài thuốc. Sau đó đem tất cả nguyên liệu đi rửa sạch rồi cho vào ấm đất hoặc ấm sành để sắc với nước. Thời gian sắc Kim tiền thảo nên để từ 30-40 phút để các dược chất ngấm sâu vào nước. Ngoài ra trong quá trình sắc người bệnh nên để lửa nhỏ và đậy kín nắp để hơi thuốc không bị bay ra ngoài.
- Pha trà: Cách thực hiện cũng giống như việc pha trà hàng ngày chỉ cần một ít Kim tiền thảo khô và 100ml nước sôi, để ủ trong khoảng 10 phút cho các hoạt chất tan và ngấm trong nước là có thể dùng.
- Đắp trực tiếp: Cách làm này thường dùng để điều trị các bệnh về da, mụn nhọt hoặc rắn cắn. Người bệnh chỉ cần lấy một nắm Kim tiền thảo tươi đem giã nát rồi dùng nước chắt được bôi hoặc đắp lên các vùng da bị mụn, rắn cắn là có thể giảm các triệu chứng khó chịu.
- Tán thành bột mịn: Cách làm này công phu và đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Sau khi thu hoạch được Kim tiền thảo người bệnh cần rửa sạch đem đi phơi khô sau đó sao vàng rồi mới tán nhuyễn thành bột mịn. Loại bột này nên bảo quản trong lọ để dùng dần. Mỗi lần dùng từ 1-2 thìa tùy vào từng bài thuốc. Nên nhớ sau khi dùng xong cần vặn chặt nắp lọ để phần bột không bị ẩm mốc.
- Làm cao: Người bệnh dùng Kim tiền thảo và nước lọc đem nấu sôi rồi cô đặc tinh chất thành cao, bảo quản trong hộp kín để ở ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
Tác dụng của Kim tiền thảo
Tác dụng của Kim tiền thảo đối với sức khỏe con người đã được cả y học hiện đại và y học cổ truyền ghi nhận, đánh giá cao. Đối với y học cổ truyền vị thuốc này thường xuyên xuất hiện trong các bài thuốc trị bệnh sỏi thận, sỏi mật, sỏi niệu, viêm gan. Còn trong y học hiện đại hàng loạt các nghiên cứu khoa học đã chứng minh những công dụng tuyệt vời của thảo dược này đối với từng bệnh lý liên quan. Cụ thể như sau:
Đối với y học cổ truyền
Theo sách Dược điển nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa (1985) Kim tiền thảo có vị ngọt, mặn, tình bình, hơi hàn, quy vào 3 kinh gồm: Kinh Can đởm, Thận và Bàng quang. Nhờ đó, thảo dược này có những tác dụng sau:
- Thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu tích tụ: Nhờ tính hàn lại quy vào kinh thận và bàng quang nên từ lâu ông cha ta đã sử dụng Kim tiền thảo để giải độc, làm mát cơ thể hoặc điều trị chứng tiểu buốt, tiểu rắt,…
- Giải độc tiêu sưng: Có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với vị thuốc Đông y khác như: Bồ công anh, Hoa cúc.
- Trị ho, hóa đờm: Thảo dược này có vị đắng mà theo Đông y vị đắng có thể làm tiêu thấp (khô cái ẩm ướt) căn nguyên của đờm khí. Do đó nó thường được sử dụng trong các bài thuốc trị ho, hóa đờm cổ xưa.
- Lợi thấp, thoái hoàng, trị vàng da do viêm gan: Nhờ tính hàn nên ngoài việc làm mát gan, lợi mật thảo dược này còn dùng để điều trị chứng thấp nhiệt, vàng da do viêm gan nhờ kết hợp với các vị thuốc khác như: Chi tử, Hổ trượng, Nhân trần.
Đối với y học hiện đại
Tác dụng của Kim tiền thảo với sức khỏe con người là chủ đề của rất nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại. Hầu hết các nghiên cứu này đều tìm và chỉ ra được các hoạt chất đóng vai trò chốt trong việc điều trị các bệnh liên quan của Kim tiền thảo. Cụ thể thảo dược này có những tác dụng tuyệt vời sau:
- Tác dụng với tim mạch: Theo một số nghiên cứu được tiến hành trên chó, dịch chiết từ Kim Tiền Thảo có khả năng làm tăng tuần hoàn mạch vành, chậm nhịp tim và giảm mức tiêu thụ oxy ở tim. Một thí nghiệm khác được thực hiện trên tiêu bản tim của chuột lang cũng cho thấy thảo dược này có khả năng tăng sức co bóp cho tim.
- Tác dụng đối với mật: Một vài nghiên cứu tiến hành đã cho thấy Kim tiền thảo có tác dụng tăng bài tiết mật từ đó giúp giảm hình thành sỏi trong túi mật, làm giảm đau ở ống mật.
- Tác dụng với thận và đường tiết niệu: Tác dụng này của Kim tiền thảo đã được chứng minh trên rất nhiều nghiên cứu khoa học ở mức độ tế bào, trên động vật cũng như trên lâm sàng. Kết quả đều cho thấy hoạt chất flavonoid trong Kim tiền thảo có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi canxi oxalat tại thận nhờ cơ chế: Kiềm hóa nước tiểu và giảm nồng độ các thành phần tạo sỏi. Từ đó giúp ngăn chặn sự gia tăng kích thước của các loại sỏi trong cầu thận cũng như ống thận đồng thời giúp lợi tiểu, giảm triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt,…
- Tác dụng kháng viêm: Nhờ tính chống oxy hóa của các hoạt chất mà Kim tiền thảo thường được sử dụng điều trị các bệnh viêm nhiễm. Cụ thể loại thảo dược này có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn Lysimachia đối với tụ cầu vàng, đồng thời ức chế và ngăn chặn sự phát triển của loại Glechoma đối với trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh.
- Tác dụng hạ huyết áp: Một số nghiên cứu đã cho thấy dịch chiết của Kim tiền thảo có khả năng hạ huyết áp bằng 2 cơ chế: Kích thích thụ thể cholinergic và ức chế hạch thần kinh tự chủ, nhờ đó giúp làm giãn mạch, làm máu lưu thông tốt, giúp hạ và ổn định huyết áp tốt.
Kim tiền thảo chữa bệnh gì? Các bài thuốc chữa bệnh từ kim tiền thảo
Nhờ những tác dụng tuyệt vời kể trên mà người ta thường dùng Kim tiền thảo để điều trị: sỏi thận, sỏi mật, ghẻ lở, trĩ, viêm gan, vàng da và nhiều căn bệnh liên quan khác. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ thảo dược này người bệnh có thể tham khảo.
Trị bệnh sỏi thận
Sỏi thận là căn bệnh gây nhiều bất tiện và đau đớn cho người bệnh. Hơn nữa căn bệnh này lại rất dễ tái phát nếu chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý. Vì vậy nếu đang khó chịu bởi căn bệnh này, bạn có thể tham khảo những bài thuốc dưới đây.
Bài thuốc 1:
Nguyên liệu:
- Kim hải sa, hoạt thạch, xuyên khá thạch, đông quy từ: Mỗi thứ 15gr.
- Kim tiền thảo: 30gr
- Hoài ngưu tất: 12gr
Cách thực hiện:
- Các nguyên liệu trên đem đi làm sạch, sắc thành thuốc rồi chắt nước uống sau mỗi bữa ăn khoảng 30-60 phút.
Bài thuốc 2:
Nguyên liệu:
- Xa tiền tử: 15gr.
- Chích sơn giáp, Thạch bì, Ô dược, Đào nhân: Mỗi thứ 10gr.
- Kim tiền thảo: 30gr.
- Xuyên Ngưu tất: 12gr.
Cách thực hiện:
- Tất cả đem sắc rồi uống sau bữa ăn 30 phút, chia ra để uống nhiều lần trong ngày.
Trị bệnh sỏi mật
Nói đến các bài thuốc Đông y trị sỏi mật hiệu quả người ta không thể không nhắc đến 2 bài thuốc dưới đây. Cả 2 bài thuốc này đã được bệnh viện thuộc Viện nghiên cứu Trung y Trung Quốc công bố hiệu quả tốt.
Bài thuốc 1:
Nguyên liệu:
- Xuyên luyện tử, Sao chỉ xác, Hoàng tình: Mỗi thứ 10gr.
- Sính địa hoàng: 6gr.
- Kim tiền thảo: 30gr.
Cách thực hiện:
- Sau khi chuẩn bị xong các nguyên liệu thì đem sắc lên như bình thường. Lưu ý khi sắc gần xong thuốc thì cho thêm 6g Sinh địa hoàng, để thêm một lúc rồi tắt bếp, chắt nước uống hàng ngày để giúp tan sỏi.
Bài thuốc 2:
Nguyên liệu:
- Kim tiền thảo, Trần bì: 30gr mỗi thứ.
- Uất kim: 12gr.
- Xuyên quân: 10gr.
- Xuyên phá thạch: 15gr.
Cách thực hiện:
- Trước tiên rửa sạch nguyên liệu rồi cho vào ấm rồi sắc lên, uống trong ngày.
Chữa bệnh trĩ
Theo kinh nghiệm và sự quan sát thực tế của các thầy thuốc Đông y thì việc điều trị trĩ từ thuốc Kim tiền thảo mang lại kết quả khá cao. Đối với những ca trĩ nội hoặc trĩ ngoại sau khi sử dụng bài thuốc từ thảo dược này khoảng 1-2 tháng sẽ thấy tình hình cải thiện rõ rệt, không còn đau rát, chảy máu, ngứa ngáy, búi trĩ bắt đầu teo lại. Bài thuốc này đã được Tạp chí: Bệnh Hậu Môn Đường Ruột Trung Quốc 1986 công bố.
Nguyên liệu:
- 100g Kim tiền thảo tươi.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa thật sạch nguyên liệu trên rồi để ráo nước.
- Bước 2: Cho nguyên liệu vào ấm sắc cùng 150-200ml. Lưu ý sắc với lửa nhỏ, ngày uống 2 lần vào sáng và tối, duy trì liên tục trong vòng 2 tháng để bệnh cải thiện rõ.
Thuốc Kim tiền thảo chữa bệnh quai bị
Bài thuốc chữa bệnh quai bị từ Kim tiền thảo từ lâu đã được dân gian lưu truyền và sử dụng rộng rãi bởi tính hiệu quả và độ an toàn. Dưới đây là những thao tác và nguyên liệu cần thiết để thực hiện bài thuốc trên.
Nguyên liệu:
- Một bó Kim tiền thảo tươi.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem giã nát Kim tiền thảo rồi đắp trực tiếp lên vị trí bị quai bị, để cho đến khi thấy hỗn hợp khô lại thì tháo ra.
- Bước 2: Rửa sạch lại vùng da vừa đắp với nước ấm. Liên tục đắp thảo dược này trong 2-3 ngày để bệnh cải thiện hẳn.
Chữa bệnh bỏng
Ít ai biết rằng ngoài tác dụng trị sỏi thận, sỏi mật thì Kim tiền thảo còn nổi tiếng với công dụng trị bỏng cấp độ 2 và cấp độ 3 thần kỳ. Loại thuốc này vừa giúp chống viêm, làm lành vết thương vừa kích thích da non lên nhanh chóng nhờ đó mà hạn chế được thâm, sẹo khá hiệu quả.
Nguyên liệu:
- Kim tiền thảo tươi.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem rửa sạch Kim tiền thảo rồi chờ cho ráo nước.
- Bước 2: Đem xay nhuyễn hoặc giã nát nguyên liệu trên. Lưu ý dụng cụ xay và giã phải được vệ sinh sạch sẽ trước khi thực hiện để tránh nhiễm trùng.
- Bước 3: Dùng hỗn hợp trên đắp lên vùng da bị bỏng, giữ nguyên trong vòng 20-30 phút để kháng khuẩn, tiêu viêm.
Lưu ý: Đối với những vết bỏng nặng và lan rộng người bệnh nên đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách sau khi sơ cứu bằng bài thuốc trên.
Chữa viêm thận, viêm gan, viêm túi mật
Cả 3 căn bệnh viêm thận, viêm gan, viêm túi mật đều có thể điều trị bằng cùng một bài thuốc dưới đây.
Nguyên liệu:
- Hoài ngưu tất, chi tử, mộc thông: Mỗi thứ thuốc 20gr.
- Dương đề: 10gr.
- Kim tiền thảo: 40gr.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem sắc nguyên liệu trên với 200ml nước đến khi còn khoảng 100ml thì dừng lại.
- Bước 2: Chắt nước để uống làm 2 lần sáng và tối. Uống liên tục trong 1-2 tháng để đạt kết quả tốt nhất.
Chữa tiểu buốt kèm táo bón
Với công dụng lợi tiểu, giải nhiệt nên từ lâu dân gian đã lưu truyền nhau bài thuốc trị tiểu buốt kèm táo bón từ Kim tiền thảo.
Nguyên liệu:
- Kim tiền thảo: 30gr
- Xa tiền tử: 15gr
- Bàng tỵ, Thanh bì, Đào nhân: Mỗi thứ 10gr
- Ngưu tất: 12gr
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch các nguyên liệu trên để loại bỏ cát, bẩn.
- Bước 2: Cho nguyên liệu trên sắc với nước thành thuốc rồi uống trong ngày, thực hiện liên tục trong vòng 1 tuần để bệnh thuyên giảm rõ.
Trị tiểu ít, tiểu buốt, tiểu ra máu
Bài thuốc trị tiểu buốt, tiểu ra máu từ Kim tiền thảo cũng được rất nhiều người áp dụng. Bởi nguyên liệu vừa dễ tìm, giá rẻ mà hiệu quả mang đến lại cao.
Nguyên liệu:
- Kim tiền thảo: 30gr
- Xa tiền tử, Tỳ giải, Hoạt thạch: Mỗi thứ 20gr
- Đan sâm, Tục đoạn: Mỗi thứ 9gr
- Thục địa: 10gr
Cách thực hiện:
- Bạn chỉ cần đem tất cả các nguyên liệu trên đem sắc thành thuốc rồi uống hàng ngày là được.
Chữa bệnh ghẻ lở
Ghẻ lở, mụn nhọt, nổi mẩn là những căn bệnh về da liễu gây nhiều khó chịu và bất tiện cho người bệnh. Để điều trị căn bệnh này ngoài các loại thuốc Tây y, người bệnh có thể tham khảo bài thuốc Đông y từ Kim tiền thảo dưới đây. Bài thuốc này không chỉ giúp làm lành vết thương nhanh chóng mà còn kích kích lên da non.
Nguyên liệu:
- Kim tiền thảo tươi.
- Xa tiền thảo tươi.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem rửa sạch nguyên liệu với nước muối loãng để loại bỏ tạp chất.
- Bước 2: Giã nát nguyên liệu trên sau đó trộn thêm 1 ít rượu trắng 45 độ.
- Bước 3: Rửa sạch vùng da bị ghẻ sau đó dùng tăm bông tẩm nước cốt của hỗn hợp trên rồi bôi đều lên vùng da đó. Người bệnh nên thực hiện nhiều lần trong ngày và duy trì liên tục trong vài ngày để bệnh cải thiện tốt nhất.
Uống kim tiền thảo nhiều lợi hay hại?
Kim tiền thảo là một trong những thảo dược lành tính, không chứa độc tính gây hại cho sức khỏe con người. Uống kim tiền thảo hàng ngày có thể giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc, mát gan, lợi tiểu, loại bỏ mụn nhọt, trị được rắn cắn. Đồng thời thảo dược này còn chứa rất nhiều hoạt chất có lợi cho tim mạch, huyết áp, giúp loại bỏ nhanh chóng các loại sỏi đường tiết niệu, sỏi túi mật, sỏi đường mật và nhiều căn bệnh khác.
Tuy nhiên nó chỉ tốt khi người bệnh dùng đúng liều lượng và chỉ định của các chuyên gia. Việc lạm dụng quá nhiều Kim tiền thảo là không nên thậm chí có thể khiến cơ thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn.
Một số trường hợp do quá lạm dụng thảo dược này mà dẫn đến tình trạng mẩn ngứa, xuất hiện mụn mủ, làm suy giảm chức năng gan, thận. Đặc biệt với những người nhạy cảm, thảo dược này còn có thể khiến cơ thể dị ứng, bị tiêu chảy,…
Bên cạnh đó việc dùng Kim tiền thảo điều trị sỏi thận chỉ có tác dụng khi sỏi có kích nhỏ hoặc vừa, không hiệu quả lắm với trường hợp sỏi bể thận, sỏi niệu quản có kích thước quá 1cm. Ngoài ra còn phải căn cứ vào vị trí và độ lớn của sỏi mới có thể lên phác đồ điều trị phù hợp.
Vì vậy, lời khuyên dành cho người bệnh là nên đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác mức độ bệnh lý trước khi quyết định dùng Kim tiền thảo.
Lưu ý khi sử dụng Kim tiền thảo chữa bệnh
Mặc dù là thảo dược lành tính, ít gây tác dụng phụ nhưng khi sử dụng Kim tiền thảo người bệnh vẫn cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
Đối tượng sử dụng
Thảo dược này được khuyến cáo sử dụng cho các đối tượng sau:
- Những người đang bị bệnh sỏi thận.
- Những người đang bị bệnh sỏi bàng quang, sỏi mật.
- Người bệnh cao huyết áp.
- Người bị bệnh trĩ, bị nhiệt, nóng trong người, vàng da.
- Người bị rắn cắn.
Những cấm kỵ khi sử dụng Kim tiền thảo
Theo các chuyên gia những đối tượng dưới đây không nên sử dụng Kim tiền thảo để tránh tác dụng phụ;
- Phụ nữ có thai, đang cho con bú không nên sử dụng Kim tiền thảo để tránh ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ nhỏ.
- Do Kim tiền thảo có tính hàn nên những người mắc bệnh thận yếu, u nhọt hoặc tiêu chảy nên dùng cây Kim tiền thảo giã lấy nước uống sống.
- Những người bệnh viêm khớp dạng thấp, khớp vai cứng lạnh không nên dùng Kim tiền thảo đun lấy nước tắm vì có thể gây viêm da.
- Những người có tỳ vị hư hoặc suy nhược cũng nên thận trọng khi sử dụng thảo dược này vì chúng có tính hàn, có thể gây hại cho tỳ vị.
- Trước khi dùng Kim tiền thảo cho trẻ nhỏ, người bệnh nên tham khảo qua ý kiến các bác sĩ.
Lưu ý khi sử dụng
- Rửa thật sạch Kim tiền thảo trước khi sử dụng để tránh bị bội nhiễm nếu có vết thương hở.
- Thời gian sắc các bài thuốc từ Kim tiền thảo tối tiểu là 30-40 phút. Nên kết hợp với một số vị thuốc khác để nâng cao hiệu quả.
- Không nên dùng quá liều lượng quy định, vượt 40g/ ngày.
- Hạn chế dùng Kim tiền thảo vào buổi tối vì có thể gây mất ngủ.
- Trong thời gian sử dụng Kim tiền thảo người bệnh nên hạn chế những món ăn giàu canxi hoặc vitamin C.
Trên đây là một số công dụng và bài thuốc trị bệnh từ Kim tiền thảo khá hiệu quả. Tuy nhiên CHR khuyến cáo người bệnh nên đi gặp bác để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh đang gặp trước khi sử dụng Kim tiền thảo để điều trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!