Cây đinh lăng: Vị thuốc chữa bệnh được lưu truyền rộng rãi

Không chỉ là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình, đinh lăng còn là vị thuốc quý trong các bài thuốc y học cổ truyền với tác dụng bồi bổ thân thể, kích thích não bộ,… Để tìm hiểu rõ hơn về công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc này hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Hình ảnh cây đinh lăng
Hình ảnh cây đinh lăng

Cây đinh lăng là cây gì?

Đinh lăng hay còn gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm, là một vị thuốc quý được lưu truyền bao đời này. Theo các nhà khoa học cả rễ, thân, lá của đinh lăng đều có thể dùng làm thuốc để chữa bệnh, tuy nhiên người bệnh không nên lạm dụng quá nhiều vì có thể gây ra các tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.

Sách Hải Thượng Lãn Ông có ghi, đinh lăng là nhân sâm của người Việt, có tác dụng tương tự như Sâm Ngọc Linh và nhân sâm Hàn Quốc. Loại cây này có thể dùng để làm thuốc, làm cảnh hoặc ăn sống cùng một số món ăn khác.

Đặc điểm nhận dạng của cây đinh lăng

Đinh lăng là loại cây quen thuộc ở nhiều vùng quê Việt Nam. Chính vì thế người bệnh có thể dễ dàng nhận biết thảo dược này thông qua một số đặc điểm nhận dạng sau:

  • Cây đinh lăng thuộc họ cây thân gỗ, chiều cao khoảng từ 0,8- 1,5m.
  • Lá có nhiều cánh, dài khoảng 20-40cm, mép lá có răng cưa nhưng không đều.
  • Cuống lá nhỏ, có màu nâu nhạt, thường dài từ 3-10mm, mọc so le với nhau.
  • Lá cây đinh lăng có màu xanh đậm, mặt trên màu xanh dương, mặt dưới xanh bóng.
  • Gân lá có hình lông chim, phần gân nổi rõ, dễ dàng nhận biết.
  • Lá cây đinh lăng có mùi thơm, vị ngọt, thanh mát thường được ăn kèm với gỏi cá và các món ăn dân gian khác.
  • Khi trường thành, cây đinh lăng sẽ kết hoa màu trắng nhạt, mỗi chùm gồm nhiều tán, mỗi tán lại gồm nhiều hoa nhỏ.
  • Hoa đinh lăng thường ra vào tháng 4- 7, mỗi hoa gồm 5 cánh nhỏ, dài 2mm, các nhụy hoa ngắn và mảnh.
  • Quả đinh lăng thuộc loại quả hạch có màu trắng bạc, dày khoảng 1 mm.
Hình ảnh rễ cây đinh lăng
Hình ảnh rễ cây đinh lăng

Phân bố

Đinh lăng thuộc loại cây ưa mọc cao với độ ẩm vừa phải và nhiều ánh sáng. Loài cây này có khả năng tái sinh bằng cách giâm cành nên rất dễ phát triển mạnh mẽ. Theo các nhà khoa học nhiệt độ sinh trưởng tốt nhất của cây đinh lăng là khoảng 22-23 độ C, đặc biệt thích hợp ở những nơi có khí hậu nhiệt đới hai mùa rõ rệt.

Do đó, cây đinh lăng được trồng rất nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Ngoài ra bạn cũng có thể bắt gặp loài cây này ở một số tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đắk Lắk, Đồng Nai,…

Độc tính và liều dùng

Dù là thảo dược quý có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe tuy nhiên việc sử dụng cây đinh lăng quá mức vẫn có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ. Cụ thể:

  • So với nhân sâm và ngũ gia bì thí cây đinh lăng ít độc tính hơn. Một vài nghiên cứu trên chuột cho thấy liều dùng có độc của đinh lăng là 32,9g/ kg. Tuy nhiên khi cho chuột uống với liều 50g/kg thể trọng thì chúng vẫn có thể sống bình thường.
  • Nhưng nhìn chung khi bị nhiễm độc, cơ thể người bệnh có thể xuất hiện các hiện tượng sung huyết ở gan, thận, não, tim,…

Vì vậy để đảm bảo an toàn, khi sử dụng loại cây này, người bệnh nên tuân thủ liều dùng theo sự khuyến cáo của bác sĩ. Cụ thể:

  • Với dạng bột: Liều dùng cây linh lăng thích hợp nhất để tăng cường sức khỏe là 0,25-0,5g/ ngày.
  • Đối với cây đinh lăng ngâm rượu: Người bệnh chỉ nên dùng mỗi ngày khoảng 2-3 lần và không vượt quá 20ml/ ngày.
  • Đối với dạng sao khô: Thì dùng từ 10-20g rễ/ ngày là thích hợp nhất.

Thu hoạch và chế biến

Như đã trình bày ở phần trên, toàn bộ cây đinh lăng gồm rễ, thân, lá, hoa, cành đều có thể chế biến làm thành những vị thuốc quý. Tuy nhiên rễ cây đinh lăng là bộ phận được dùng nhiều hơn cả. Cụ thể:

  • Rễ: Để tiến hành thu hái bộ phận này, người ta phải lựa chọn những cây đinh lăng có tuổi đời từ 3 năm trở lên. Sau đó chờ đến mùa Thu và Đông, khi rễ cây mềm hơn và dược tính cao nhất thì tiến hành thu hoạch. Nếu rễ cây nhỏ thì sẽ lấy cả củ, còn trường hợp rễ to thì chỉ cần thu hoạch phần vỏ của rễ. Sau khi thu hoạch rễ cây đinh lăng sẽ được đem đi rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi hoặc sấy khô. Lúc sử dụng, có thể mang ra ngâm rượu hoặc để nguyên làm thuốc. Để giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh trước khi sử dụng bạn nên tẩm rễ đinh lăng với rượu gừng và mật ong để sao vàng.
  • Hoa cây đinh lăng: Thời điểm tốt nhất để tiến hành thu hái hoa đinh lăng là khoảng tháng 4- tháng 7, khi hoa còn nguyên nụ. Sau khi thu hoạch, người bệnh nên đem phơi khô rồi ngâm rượu.
  • Lá: Khác với hoa và rễ, lá cây đinh lăng có thể thu hoạch vào các mùa trong năm. Tuy nhiên, khi tiến hành thu hoạch người bệnh chỉ nên lựa chọn những cây đinh lăng có tuổi đời từ 3 năm trở lên để dược tính được tốt nhất. Có thể dùng lá đinh lăng dạng tươi để sắc nước uống, giã nát trị thương hoặc dùng để tắm. Đối với dạng khô, người bệnh có thể dùng để làm gối, làm đồ lót giường nhằm trị chứng mất ngủ, ngủ co giật,…
Lá đinh lăng sau khi thu hoạch, làm sạch thì sẽ được đem sấy hoặc phơi khô
Lá đinh lăng sau khi thu hoạch, làm sạch thì sẽ được đem sấy hoặc phơi khô

Thành phần hóa học

Là vị thuốc dân gian quý hiếm, cây đinh lăng là chủ đề nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học. Theo đó, trong rễ cây đinh lăng chữa rất nhiều axit amin như lizin, methionin tốt cho sức khỏe mà không loài cây nào có thể thay thế được.

Cũng theo Ngô Ứng Long- Học viện quân y trong cây đinh lăng chứa nhiều các hoạt chất có lợi như:, tanin, glucozit, flavonoid, alcaloid, vitamin C, vitamin B1, B2, B6 và 8 loại saponin, trong có nhiều loại saponin tương tự nhân sâm.

Cây đinh lăng có mấy loại?

Nhiều người thường lầm tưởng cây đinh lăng chỉ có một loại. Tuy nhiên trên thực tế có tới khoảng 150 loại đinh lăng ở khu vực Madagascar và 7 loại đinh lăng ở Việt Nam. Nhưng chỉ có duy nhất một trong số đó là có thể dùng thuốc. Cụ thể:

  • Cây đinh lăng lá nhỏ: Đây là loại đinh lăng phổ biến nhất ở Việt Nam, có tên gọi khác là sâm nam dương và gỏi cá. Loài cây này có hoa màu trắng xám, lá hình lông chim, chiều cao lên đến khoảng 2m. Đây chính là loại cây đinh lăng thường dùng để làm thuốc trong Đông y, ngoài ra chúng còn có thể làm cảnh hoặc chế biến thành nhiều món ăn kèm.
  • Cây đinh lăng lá to: Hay còn được gọi là đinh lăng lá lớn, đinh lăng tẻ,… Loài cây này có lá to và dày gấp nhiều lần so với các loại đinh lăng khác, tuy nhiên chúng thường hiếm gặp hơn.
  • Cây đinh lăng đĩa: Là loại đinh lăng có hình dáng hoàn toàn khác biệt với những loài đinh lăng khác, với điểm đặc trưng là dáng lá to như cái đĩa. Tuy nhiên loài cây này rất hiếm gặp ở Việt Nam.
  • Cây đinh lăng lá răng: Đây là loại đinh lăng thường được trồng để làm kiềng, vì có dáng xẻ như răng cưa nhưng chúng không có tác dụng dược lý.
  • Cây đinh lăng lá tròn: Hay còn gọi là đinh lăng vỏ hến, có lá to màu xanh và màu trắng xen kẽ hài hòa. Loài cây này thường rất đẹp nên dùng để làm cảnh là chính.
  • Cây đinh lăng lá vằn: Loài cây này có hình dáng đẹp, mềm mại như hoa nên rất hiếm gặp.
  • Cây đinh lăng nếp lá bạc: Hay còn gọi là đinh lăng trổ, đinh lăng viền bạc. Loài cây này có lá màu xanh, bên ngoài có viền nhìn rất đẹp mắt. Nên thường được trồng làm cảnh dạng Bonsai trong nhiều gia đình.

Trong các loại đinh lăng trên thì đinh lăng lá nhỏ là loại tốt nhất do chứa nhiều hoạt chất hóa học có lợi, giúp bồi bổ sức khỏe và tăng cường thể lực.

Cây đinh lăng lá tròn thường được dùng để làm cảnh do không có dược tính cao
Cây đinh lăng lá tròn thường được dùng để làm cảnh do không có dược tính cao

Cây đinh lăng có tác dụng gì?

Tác dụng của cây đinh lăng trong điều trị bệnh đã được cả y học cổ truyền và y học hiện đại nghiên cứu, chứng minh. Cụ thể:

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền từng bộ phận trong cây đinh lăng lại có tác dụng dược lý riêng. Cụ thể:

  • Phần thân: Có tác dụng điều trị các bệnh về xương khớp như: đau lưng, đau dây thần kinh liên sườn, phong tê thấp,…
  • Phần lá: Lá đinh lăng có vị đắng, tính mát thường được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa dị ứng, thông tắc sữa, kích thích ra sữa và chữa áp xe vú hiệu quả.
  • Hoa đinh lăng: Một số bài thuốc dân gian chỉ ra rằng, hoa đinh lăng khi ngâm rượu sẽ giúp tăng cường trí nhớ, hỗ trợ cải thiện giấc ngủ, giúp lợi tiểu, an thần hiệu quả.
  • Phần rễ cây: Rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, chứa nhiều vitamin cần thiết nên thường được dùng để tăng đề kháng, giảm mệt mỏi, thúc đẩy tuần hoàn máu.

Tác dụng của cây đinh lăng trong y học hiện đại

Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chỉ ra tác dụng tuyệt vời của đinh lăng trong việc điều trị bệnh lý. Cụ thể là:

  • Tăng cường sức dẻo dai cho cơ thể: Một số thực nghiệm khoa học được tiến hành năm 1961 đã cho thấy, nước sắc cây rễ cây đinh lăng có tác dụng rất tốt trong việc tăng cường sức dẻo dai cho cơ thể.
  • Tác dụng co mạch: Việc sử dụng dung dịch rễ cây đinh lăng trên thỏ cho thấy khả năng co mạch tai rất tốt.
  • Tác dụng với cơ tim: Sau khi tiến hành thí nghiệm trên ếch, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cây đinh lăng có khả năng giảm trương lực tim, khiến tim ngừng đập và co bóp chỉ trong một thời gian ngắn.
  • Tác dụng hạ áp: Việc tiêm tĩnh mạch dung dịch cao đinh lăng theo liều lượng 0,5ml/kg có vào vành tay cho thấy kết quả hạ huyết áp, tăng biên độ và tần số hô hấp rõ rệt.
  • Tác dụng co bóp tử cung: Ở liều lượng 1ml/ kg thể trọng cao đinh lăng có thể cho thấy khả năng co bóp tử cung nhẹ rất tốt. Do đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu và ứng dụng để điều trị một số bệnh liên quan.
  • Tác dụng lợi tiểu: Thí nghiệm trên chuột với liều lượng 2ml/ 100g cho thấy tác dụng tăng tiết niệu lên gấp 5 lần so với bình thường của cao đinh lăng.

Cây đinh lăng trị bệnh gì? Một số bài thuốc quen thuộc

Do chứa độc tính có hại cho sức khỏe tim mạch và não bộ, việc sử dụng cây đinh lăng để chữa bệnh cần phải tuân thủ theo đúng liều lượng và cách dùng được khuyến cáo. Cụ thể:

Bài thuốc tăng cường thể lực, giảm bớt mệt mỏi:

  • Nguyên liệu: 0.5 g rễ cây đinh lăng thái mỏng.
  • Cách thực hiện: Cho đinh lăng vào ấm, sắc cùng 100ml nước, đợi khi sôi khoảng 15 phút thì tắt bếp. Chắt nước thuốc làm 2-3 lần, uống hết trong ngày để giảm bớt mệt mỏi.

Bài thuốc chữa ho mãn tính:

  • Nguyên liệu: Dùng rễ dâu tằm, nghệ vàng, rễ đinh lăng, đậu cọc rào, húng chanh, sâm cao mỗi vị 8g; gừng khô 4g, củ thạch xương bồ 6g.
  • Cách thực hiện: Nguyên liệu sau khi rửa sạch cho vào ấm sắc cùng 600ml nước cho đến khi còn khoảng 250ml thì dừng. Chia nước thuốc thành 2 phần, dùng hết trong ngày và nên dùng khi ấm để đạt hiệu quả.

Bài thuốc chữa đau lưng, mỏi gối cho người già:

  • Nguyên liệu: Thân và cành đinh lăng khoảng 20-30g.
  • Cách thực hiện: Cho đinh lăng vào sắc thành thuốc, chia làm 3 phần để dùng hết trong ngày. Những trường hợp đau nhiều, người bệnh có thể gia giảm thêm 1 ít cam thảo, cúc tân và rễ của cây xấu hổ.

Bài thuốc chữa cơ khớp đau nhức:

  • Nguyên liệu: Lá cây đinh lăng còn tươi khoảng 40g.
  • Cách thực hiện: Lá đinh lăng rửa sạch, giã nát dùng đắp lên vùng xương bị đau nhức ngày 1-2 lần cho đến khi hết bệnh là được.

Bài thuốc chữa co giật ở trẻ nhỏ:

  • Nguyên liệu: Lá đinh lăng khô đủ dùng.
  • Cách thực hiện: Cho lá đinh lăng trải xuống giường hoặc lót vào gối để trẻ nằm là được.

Bài thuốc trị căng vú, tắc sữa:

  • Nguyên liệu: Rễ đinh lăng từ 30-40g.
  • Cách thực hiện: Sắc thuốc với 500ml nước cho đến khi còn khoảng ½ lượng nước ban đầu thì dừng. Nên uống khi còn nóng, duy trì trong vài ngày liên tục sẽ thấy cải thiện rõ rệt.
Rễ cây đinh lăng là một trong những vị thuốc quý được nhiều người yêu thích
Rễ cây đinh lăng là một trong những vị thuốc quý được nhiều người yêu thích

Bài thuốc chữa liệt dương:

  • Nguyên liệu: Sa nhân 6g; cao sừng hươu và trâu cổ mỗi vị 8g; rễ đinh lăng, long nhãn, củ mài, câu tử, ý dĩ, hà thủ ô, cây cơm nếp mỗi vị 12g.
  • Cách thực hiện: Sắc thuốc, uống ngày 1 tháng, duy trì liên tục trong một thời gian dài.

Bài thuốc chữa thiếu máu:

  • Nguyên liệu: Kim bất hoán 20g, hoàng tinh, giao đằng, rễ cây đinh lăng, địa hoàng mỗi vị 100g.
  • Cách thực hiện: Các vị thuốc trên đem tán thành bột, dùng mỗi ngày 100g bột pha cùng nước ấm để uống thành nhiều lần trong ngày.

Bài thuốc chữa kiết lỵ, sởi, dị ứng:

  • Nguyên liệu: Lá cây đinh lăng khô lấy 10g.
  • Cách thực hiện: Sắc lá đinh lăng với 200ml nước rồi dùng uống thay trà hàng ngày.

Bài thuốc chữa đau dạ con:

  • Nguyên liệu: Rễ đinh lăng sao vàng khoảng 8-16g.
  • Cách thực hiện: Sắc cùng 400ml nước cho đến khi còn ¼ lượng nước ban đầu thì tắt bếp, dùng khi còn nóng.

Bài thuốc bồi bổ sức khỏe, giảm đau nhức:

  • Nguyên liệu: Rễ đinh lăng khô lấy 100g.
  • Cách thực hiện: Rễ đinh lăng khô đem tán nhỏ rồi ngâm với rượu trong 7-0 ngày. Lưu ý trong quá trình ngâm, cứ 1-2 ngày thì đem ra lắc đều để tránh bột cặn dưới đáy. Khi dùng thì lấy khoảng 5-10ml để uống trước ăn 30 phút, ngày dùng 2 lần.

Bài thuốc chữa sốt:

  • Nguyên liệu: Rễ diệp sài hồ, me đất, lá tre mỗi vị 20g; rễ gỏi cá tươi, cam thảo đất cùng lôi công thảo mỗi vị 30g; trần bì, vỏ chanh mỗi vị 10g.
  • Cách thực hiện: Dược liệu đem thái nhỏ, đổ ngập nước để sắc thành thuốc rồi uống.

Bài thuốc chữa viêm gan:

  • Nguyên liệu: Rễ cỏ tranh, ngũ gia bì, mã đề, chi tử, biển đậu, rễ đinh lăng, củ mài mỗi vị 12g; cỏ xước, củ nghệ vàng mỗi thứ 8g; ý dĩ 16g; hoắc hương núi 20g.
  • Cách thực hiện: Sắc thuốc, ngày uống 1 tháng, hạn chế đồ nhiều đạm và gia vị trong quá trình điều trị.

Bài thuốc tăng cường sự dẻo dai:

  • Nguyên liệu: Lá đinh lăng 150- 200g.
  • Cách thực hiện: Đun lá đinh lăng với 200ml nước trong khoảng 5-7 phút. Sau đó chắt ra, tiếp tục đun sôi với 200ml nước lần hai. Trộn đều nước thuốc lần 1 và lần 2 sau đó chia ra dùng hết trong ngày.

Bài thuốc chữa mề đay, dị ứng:

  • Nguyên liệu: Lá cây đinh lăng khô 80g.
  • Cách thực hiện: Sắc cùng 500ml nước đến khi còn khoảng 250ml thì dừng. Chia thuốc thành 2 lần và uống hết trong ngày, tuyệt đối không để sang hôm sau.

Bài thuốc trị đầy hơi, khó tiêu:

  • Nguyên liệu: Rễ đinh lăng 10g.
  • Cách thực hiện: Sắc đinh lăng với 300ml nước cho đến khi còn ½ thì dừng. Chia nước thuốc thành 2-3 phần và dùng khi còn ấm.

Xem thêm

Bài thuốc chữa chứng co thắt mạch vành:

  • Bài thuốc 1: Lấy 1 nắm lá đinh lăng sắc cùng với nước khoảng 2-3 lần sau đó dùng thuốc hết trong ngày.
  • Bài thuốc 2: Lấy đan sâm, lá đinh lăng, ích mẫu theo liều lượng định sẵn sau đó dùng sắc uống một thời gian dài.

Bài thuốc chữa mất ngủ:

  • Nguyên liệu: Cây dâu tằm, lá vông khoảng 20g; lá cây gỏi cá 24g; hạt sen 16g; tâm sen 12g.
  • Cách thực hiện: Cho dược liệu vào ấm, sắc cùng 400ml nước, lấy khoảng 150ml cốt, dùng khoảng 75ml/ lần.

Bài thuốc chữa tiểu nước đỏ, tiểu buốt:

  • Nguyên liệu: Bạch nhĩ thảo, mã đề, lá cây đinh lăng mỗi thứ một nắm.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch, cho vào ấm sắc làm thuốc, ngày uống 1 thang có thể gia giảm thêm búp chè để tăng hiệu quả.

Bài thuốc trị bí tiểu:

  • Nguyên liệu: Mã đề, rau ngổ, râu ngô, trinh nữ, lá đinh lăng theo định lượng sẵn.
  • Cách thực hiện: Sắc và uống hết trong ngày.

Bài thuốc chữa ho khan hiệu quả: 

  • Nguyên liệu: Bạch dược, trần bì, táo tàu mỗi vị 12g; củ đinh lăng, mã đề á, lá xương sông, rau má mỗi thứ 20g; lan tiên, cam thảo, tía tô mỗi thứ 16g.
  • Cách thực hiện: Nguyên liệu đem sắc mỗi ngày 1 thang, chia làm nhiều phần để uống, duy trì liên tục để sớm khỏi bệnh.

Bài thuốc chữa vận động khó, xơ cứng các khớp:

  • Nguyên liệu: Cỏ xước 16g, đại táo, trần bì, cam thảo, dược cần, địa cốt tử, đương quy mỗi vị 12g; rễ đinh lăng sao vàng, sâm nam, thổ linh mỗi thứ 20g; tư trọng 10g.
  • Cách thực hiện: Các vị thuốc trên sắc cùng 800ml nước cho đến khi cô cạn còn khoảng 250ml thì dừng. Chia nước thuốc thành 2-3 phần bằng nhau uống hết trong ngày, một liệu trình nên kéo dài từ 12-15 ngày.
Nước thuốc cây đinh lăng dùng thường xuyên sẽ giúp cải thiện các chứng xơ, cứng khớp
Nước thuốc cây đinh lăng dùng thường xuyên sẽ giúp cải thiện các chứng xơ, cứng khớp

Lưu ý quan trọng khi sử dụng cây đinh lăng

Khi sử dụng cây đinh lăng người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau để đảm bảo hiệu quả bài thuốc và hạn chế tác dụng phụ có thể xảy ra.

  • Chỉ sử dụng những cây đinh lăng có tuổi đời từ 3 năm trở lên để đảm bảo chất dinh dưỡng và dược tính của thuốc được đạt tốt nhất. Đối với những cây đinh lăng ít hơn 3 tuổi thì chưa đủ dược tính, còn những cây già hơn 10 tuổi thì có thể bị lão hóa và hết chất dinh dưỡng.
  • Không sử dụng đinh lăng với liều lượng quá cao và thời gian dùng liên tục lâu dài vì có thể gây phá huyết, khiến người bệnh mệt mỏi, tiêu chảy, nôn mửa. Ngoài ra một số trường hợp đặc biệt còn có thể bị hoa mắt, chóng mặt.
  • Tuyệt đối nói không với cây đinh lăng khi đang mang thai hoặc cho bú để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.
  • Ngoài ra những người có tiền sử bệnh gan hoặc mật cũng không nên sử dụng thảo dược này.
  • Có thể kết hợp lá đinh lăng với các món ăn khác để bồi bổ sức khỏe và giảm bớt mệt mỏi.

Cây đinh lăng mua ở đâu, giá bao nhiêu?

Cây đinh lăng mua ở đâu, giá bao nhiêu là câu hỏi của rất nhiều người bệnh. Bởi trên thị trường hiện nay có nhiều địa chỉ kinh doanh buôn bán loại dược liệu này. Tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng có thể đảm bảo được chất lượng và xuất xứ của sản phẩm. Do đó, để đảm bảo an toàn người bệnh có thể tham khảo một trong các địa chỉ uy tín dưới đây.

  1. Trung tâm dược liệu Vietfarm, địa chỉ nghiên cứu và nuôi trồng thảo dược số 1 Việt Nam có trụ sở chính tại 70, Nguyễn Đình Thi, Hà Nội.
  2. Thảo Dược An quốc Thái Số 61/1/28, đường Trương Công Định, Tân Bình, Hồ Chí Minh.
  3. Trung tâm giống cây trồng học viện Nông Nghiệp địa chỉ Gia Lâm, Hà Nội.

Tùy vào từng chế phẩm mà người bệnh lựa chọn mua, giá bán của cây đinh lăng sẽ có sự khác biệt. Nhưng nhìn chung hiện nay, giá của loài cây này đang có mức khoảng 120.000đ/ kg.

Cây đinh lăng là vị thuốc quý, được lưu truyền trong các bài thuốc cổ xưa với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ cơ thể, tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng,… Một số trường hợp còn ghi nhận hiệu quả của thảo dược này cao hơn cả nhân sâm và độc tính ít hơn nhiều lần. Tuy nhiên dù có có tốt cho sức khỏe đến thế nào, thì việc dùng đinh lăng sai cách cũng có thể đem đến nhiều tác hại nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó khi sử dụng người bệnh cần hết sức thận trọng, tuân thủ theo hướng dẫn của các thầy thuốc Đông y.

BÀI VIẾT HAY

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *