Khốn khổ vì vảy nến toàn thân: Tìm hiểu ngay cách chữa từ Đông – Tây y
Bảng tóm tắt
Vảy nến toàn thân cũng tương tự các dạng bệnh khác của vảy nến. Đây là một dạng viêm da mãn tính tự miễn. Vảy nến toàn thân là dạng hiếm gặp và vô cùng nguy hiểm. Để có thể tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất giúp bệnh nhân có thể chủ động, bài viết sau đây sẽ cung cấp tất cả những thông tin cần thiết.
Tổng quan về vảy nến toàn thân
Vảy nến toàn thân thường xuất hiện ở những người từng bị vảy nến thể mảng hoặc khởi phát riêng lẻ, vảy nến mụn mủ. Dễ hiểu hơn có thể nói rằng vảy nến toàn thân là giai đoạn nặng của vảy nến mụn mủ và vảy nến thể mảng.
Nguyên nhân gây vảy nến toàn thân
Nguyên nhân dẫn đến bệnh vảy nến toàn thân vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên qua nghiên cứu, các nhà khoa học tin rằng bệnh vảy nến nói chung có liên quan đến sự suy giảm hệ thống miễn dịch.
Đặc điểm của những người mắc bệnh vảy nến toàn thân thường có sự sản xuất bất thường của tế bào bạch cầu T. Loại tế bào bạch cầu này về bản chất là có chức năng chống lại virus và vi khuẩn, nhưng khi mắc vảy nến, tế bào này lại tấn công vào những tế bào da khỏe mạnh. Hệ quả là tế bào da bị tăng sinh quá mức gây nhiều nguy hiểm cho bệnh nhân.
Ngoài ra, vảy nến toàn thân còn có thể bùng phát do các nguyên nhân sau:
- Da bị cháy nắng do không che chắn cẩn thận khi ra ngoài
- Nhiễm trùng, bội nhiễm do các vùng khác trên cơ thể bị vảy nến như vảy nến móng tay, vảy nến móng chân…
- Sử dụng quá nhiều chất kích thích, uống nhiều rượu bia
- Tình trạng căng thẳng, mất ngủ mệt mỏi kéo dài
- Dùng thuốc kháng viêm bừa bãi cũng sẽ khiến vảy nến khởi phát toàn thân
- Cơ thể dị ứng với những thực phẩm lạ như đồ hải sản, đồ tanh
Dấu hiệu vảy nến toàn thân
Vảy nến toàn thân tùy vào cơ địa mỗi người mà sẽ phát triển nhanh hay chậm. Nhìn chung, khi mắc bệnh thường có những dấu hiệu cơ bản như sau:
- Toàn bộ cơ thể các mảng da bắt đầu đỏ dần lên
- Kèm theo vết đỏ là cảm giác vô cùng ngứa ngáy, khó chịu
- Bắt đầu xuất hiện các vảy, sờ tay vào cảm thấy thô, ráp.
- Trên da bắt đầu nổi mụn nước hoặc mụn nhọt
- Cơ thể bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, đau nhức đặc biệt ở vùng mắt cá chân
- Nhiệt độ cơ thể thất thường lúc nóng, lúc lạnh.
- Nhịp tim nhanh hơn bình thường
- Người bệnh có thể bị sốt nhẹ
Bệnh vảy nến toàn thân có nguy hiểm không? Có lây không?
Bệnh vảy nến toàn thân là giai đoạn ít gặp, nhưng một khi đã mắc phải, người bệnh có thể phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Lý do là vì nó làm người bệnh dễ trầm cảm vì ngại giao tiếp xã hội. Tiếp nữa, nó gây ra những biến chứng vô cùng khó lường như nhiễm trùng máu, viêm phổi, suy tim sung huyết, suy gan thận, viêm cầu thận… Đặc biệt với phụ nữ có thai, dùng thuốc chữa vảy nến không đúng cách dễ gây dị tật cho thai nhi.
Vảy nến toàn thân tuy nguy hiểm là vậy nhưng lại không lây qua tiếp xúc từ người sang người. Do đó bạn không cần lo lắng mà phải cách ly với xã hội. Nếu là người chăm sóc cho người bệnh thì cũng có thể an tâm.
Điều trị vảy nến toàn thân như thế nào?
Vảy nến toàn thân rất khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát lại lại. Do đó, người bệnh vẫn nên đi khám sớm để có chỉ định điều trị phù hợp nhất.
Sau đây là cách điều trị vảy nến toàn thân được cho là có kết quả tốt bạn có thể tham khảo:
Bí quyết chăm sóc da
Vảy nến khiến da trở nên sần sùi do đó phải sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ để dưỡng, tránh làm khô da. Thời gian bôi lý tưởng nhất là sau khi tắm xong vì như vậy da sẽ dễ hấp thu nhất. Cấp ẩm đủ da sẽ đỡ cảm giác ngứa và sưng đỏ. Lưu ý khi da bị vết thương hở, nứt nẻ thì không được bôi vào vì dễ bị nhiễm trùng.
Giữ tâm lý luôn lạc quan, hãy tin rằng sẽ mau khỏi vì càng lo lắng bệnh tình cũng không thể chữa khỏi trong ngày 1 ngày 2 được.
Tuyệt đối không nên gãi hay chà xát mạnh lên da vì da sẽ càng bị tổn thương, tăng nguy cơ bội nhiễm. Dùng sữa tắm có độ pH dịu nhẹ, chiết xuất từ thiên nhiên, không dùng xà phòng vì dễ bị khô da.
Ngoài ra cần kiêng các loại thịt đỏ, hải sản, thực phẩm có vị tanh và đồ ăn ngọt để tránh tình trạng da thêm tồi tệ.
Áp dụng Tây Y
Sử dụng thuốc đặc trị là phương án thường được chỉ định để ngăn chặn triệu chứng vảy nến, giúp hồi phục da.
Thuốc trị vảy nến toàn thân có chứa Corticosteroid
Đây thường là loại thuốc đầu tiên mà các bác sĩ lựa chọn cho bệnh nhân. Corticosteroid có tác dụng kháng viêm, chống tăng sinh tế bào da và ức chế sự phát triển của bệnh. Thuốc có nhiều dạng khác nhau như kem bôi, thuốc mỡ hoặc gel bôi trực tiếp bên ngoài da. Tùy vào mức độ mắc bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc có nồng độ khác nhau.
Ví dụ: Khi dùng cho trẻ em và các dùng da nhạy cảm như da mặt, da vùng nếp gấp, da vùng bộ phận sinh dục… bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại có nồng độ steroid thấp. Đối với vùng da dày ở khuỷu tay, chân, lưng… thì sẽ dùng loại có nồng độ steroid cấp độ mạnh hơn.
Trong quá trình bôi loại thuốc này, bệnh nhân cần thực hiện thật chính xác chỉ dẫn của bác sĩ. Vì lạm dụng thuốc này có thể gây teo da vĩnh viễn. Không những vậy, loại thuốc này còn có một số tác dụng phụ như đục thủy tinh thể, hoại tử xương đầu gối, tăng nhãn áp và đặc biệt là không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Sử dụng liệu pháp hệ thống
Hiểu đơn giản, liệu pháp hệ thống đó là chữa bệnh vảy nến toàn thân qua đường uống trực tiếp hoặc tiêm. Một số loại thuốc thường được dùng bao gồm:
- Cyclosporine
Đây là thuốc điều trị vảy nến toàn thân dạng uống. Theo nghiên cứu, có khoảng 67% bệnh nhân ngưng hoàn toàn triệu chứng da bong tróc, đỏ toàn thân sau 1 năm dùng thuốc. Khoảng 27% bệnh nhân dạng nặng có triệu chứng cải thiện rõ rệt. Trung bình sau 2 tháng dùng thuốc bệnh nhân mới cảm nhận được chuyển biến.
Liều dùng tối đa của loại thuốc này với bệnh nhân người trưởng thành là 5mg/kg mỗi ngày. Tuy nhiên, loại thuốc này không được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân bị tăng huyết áp hoặc có tiền sử bệnh thận. Ngoài ra, thuốc này không nên dùng quá 1 năm. Thông thường, sau khoảng 4 tháng điều trị, bác sĩ sẽ đánh giá lại xem bệnh nhân có nên tiếp tục dùng loại thuốc này hay không.
- Acitretin
Loại thuốc này phát huy tác dụng sau 3 – 6 tháng sử dụng. Liều dùng tối đa không quá 50mg/ngày. Tuy hiệu quả không nhanh như Cyclosporine, nhưng có đến hơn 80% bệnh nhân cho thấy Acitretin giúp họ có chuyển biến tích cực.
Acitretin có tác dụng phụ là tăng lipid máu và nhiễm độc gan. Do đó, Acitretin thường chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Methotrexate
Đây là loại thuốc có tác dụng kháng viêm. Liều dùng tối đa của Methotrexate là 25mg/tuần. Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc đó là có thể làm tổn thương gan. Do vậy, bác sĩ thường được kê Methotrexate kèm acid folic để hạn chế tác dụng phụ. Tùy vào cơ địa người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định tiêm hay uống để phát huy hiệu quả tốt nhất.
Phương pháp quang trị liệu
Khi chữa vảy nến toàn thân bằng các phương pháp trên không hiệu quả, quang trị liệu có thể được chỉ định.
Với phương pháp này, tia cực tím sẽ được sử dụng để giảm viêm, ngăn chặn sự phát triển của các tế bào biểu bì trên da. Tia UVB – bước sóng 311nm thường được lựa chọn. Trước khi thực hiện biện pháp này, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng của bệnh nhân và đưa ra thời gian phơi nhiễm phù hợp. Tuy nhiên, liệu pháp này cũng có thể gây ra những tác dụng phụ như: Lão hóa da sớm, ngứa, cháy da và kích hoạt virus herpes simplex.
Áp dụng Đông y
Trong trường hợp không thể hoặc không muốn dùng thuốc Tây y, bệnh nhân cũng có thể cân nhắc chữa vảy nến toàn thân bằng Đông y. Tuy tác dụng có thể chậm hơn nhưng phương pháp này được đánh giá là rất an toàn.
Trong Đông y, vảy nến được gọi là bạch sang hay tùng bì tiễn – một trong những bệnh ngoài da mãn tính. Vảy nến xuất hiện là do cơ thể bị nhiễm phong hàn, thêm huyết nhiệt sinh ra huyết táo, da không được dưỡng, suy khí, điều hòa nội tiết bên trong cơ thể bị rối loạn mà thành.
Khi điều trị bằng Đông y, các thầy thuốc sẽ khám và chia bệnh thành các thể riêng biệt. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà dùng bài thuốc cho phù hợp. Nhưng đa phần, Đông y sử dụng thuốc chữa dưới 2 dạng chính là thuốc dùng ngoài da (thuốc bôi, thuốc rửa) và thuốc sắc uống.
- Thuốc uống: Gồm các vị thuốc như đơn đỏ, bồ công anh, ké đầu ngựa, hồng hoa, kim ngân cành, vỏ gạo… giúp giải độc, tiêu viêm, đồng thời thanh nhiệt mát gan. Từ đó giúp giảm ngứa ngáy, phù nề. Thuốc cũng tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Thuốc bôi: Gồm các vị thuốc như tang bạch bì, mật ong, cây vảy ngược, mật ong, nấm trắng, bí đao… có tác dụng giảm ngứa tại chỗ, dưỡng ẩm và làm lành tổn thương trên da.
- Thuốc ngâm rửa: Gồm mò trắng, ô liên rô, hoàng liên, trầu không, sài đất, ích nhĩ tử… sát khuẩn, làm sạch da và giảm vảy nến lan rộng.
Ngoài ra, còn có rất nhiều bài thuốc được lưu truyền trong dân gian. Điển hình như: Lấy lá trầu không kết hợp với muối biển và rau răm, dùng lá ớt tươi, dầu dừa… để chế thành thuốc bôi da cho người bệnh. Hoặc dùng rau má, cây trinh nữ, bồ công anh, ké đầu ngựa, kim ngân, khổ sâm… hãm thành nước uống. Phần bã dùng xát nhẹ lên da để tăng cường độ ẩm, khắc phục tình trạng da bong tróc.
Chăm sóc và phòng ngừa vảy nến toàn thân tái phát
Khi đã khỏi bệnh, để vảy nến toàn thân không còn cơ hội tái phát, bạn cần chú ý những điều sau đây:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Ngủ đủ giấc tối thiểu 8 tiếng/ngày, uống nhiều nước, tập thể dục để tăng đề kháng.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi… để tăng cường vitamin có lợi cho cơ thể.
- Không sử dụng rượu bia, các chất kích thích khi đang bị vảy nến toàn thân.
- Hạn chế thức ăn đóng hộp, đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ.
Vảy nến toàn thân tuy mất nhiều thời gian điều trị nhưng không phải là không chữa được. Do vậy bạn hãy cố gắng giữ tinh thần lạc quan để bệnh nhanh thuyên giảm. Đối với các trường hợp nặng, nên đi khám ngay để điều trị đúng cách.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!