Cây ba kích: Tìm hiểu dược tính, công dụng và giá bán
Bảng tóm tắt
Nói đến Ba kích, nhiều người chỉ biết đến những công dụng bổ thận, tráng dương và cải thiện sinh lý. Nhưng ít ai biết rằng loài cây này ẩn chứa nhiều khả năng điều trị các căn bệnh nguy hiểm khác như đau nhức xương khớp, kinh nguyệt không đều, mất ngủ và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Để tận dụng toàn diện tiềm năng của thảo dược này, chúng ta cần tìm hiểu kỹ hơn về những công dụng và cách sử dụng hiệu quả của nó. Chi tiết hơn về chủ đề này sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây.
Ba kích là gì?
Ba kích hay còn có tên gọi khác là: Chẩu phóng xì, ba kích thiên, dây ruột gà, sáy cáy, thao tào cáy. Loài cây này thuộc họ nhà Cà phê (Rubiaceae), có tên khoa học là Morinda officinalis stow.
Theo sách y học cổ truyền thì thảo dược này là vị thuốc quý có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe thường dùng trong các bài thuốc bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lý.
Đặc điểm bên ngoài
Là thảo dược quý và được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Vì vậy, không khó để có thể nhận biết cây Ba kích thông qua một vài đặc điểm bên ngoài dưới đây.
Thân:
- Thân leo, mảnh có nhiều lông mịn.
- Thường mọc thành từng bụi lớn tại những khu rừng có độ cao trung bình dưới 500m.
Lá:
- Lá hình lưỡi mác thon dài, phiến lá rộng, phần đuôi lá hình tròn hoặc trái tim.
- Lá non có màu xanh mạ khi già chuyển thành màu trắng mốc và khi khô thì thành màu nâu tím.
Hoa:
- Hoa nhỏ, có màu trắng hoặc vàng thường mọc ở đầu cành.
- Đài hoa hình ống, cánh hoa không đều.
- Hoa nở rộ vào tháng 5 và tháng 6.
Quả:
- Loài cây này thường kết quả vào tháng 8 và tháng 10.
- Quả có hình tròn, bề mặt quả được phủ lông tơ.
- Khi chín quả chuyển màu đỏ thẫm rất đẹp mắt.
Đặc điểm dược liệu chính
Tất cả các bộ phận của cây Ba kích đều có thể sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên phần rễ là bộ phận được các chuyên gia đánh giá cao về hàm lượng hoạt chất và công năng chữa bệnh. Với kích thước khá lớn nên người ta còn gọi rễ Ba kích là củ. Hiện bộ phận này được dùng chủ yếu dưới dạng khô, thái thành từng lát mỏng trước khi làm thuốc.
Người bệnh có thể nhận biết rễ (củ) Ba kích thông qua các đặc điểm sau:
- Củ có hình trụ tròn, đường kính khoảng từ 1-2cm, độ dài của củ không cố định mà phụ thuộc vào kích thước của cây.
- Phủ ngoài củ Ba kích là một lớp vỏ cứng, sần sùi có màu vàng xám và có vân dọc.
- Lõi củ có màu hồng nhạt hoặc tím, tâm giữa màu nâu vàng.
- Củ Ba kích rất dễ bóc vỏ, không mùi, có vị ngọt và hơi chát.
Phân loại Ba kích
Có 2 cách phân loại Ba kích là dựa vào màu sắc và trạng thái tồn tại
Về màu sắc
Có 2 loại Ba kích trong tự nhiên là Ba kích trắng và Ba kích tím, cả 2 loại này đều được dân gian lưu truyền với những bài thuốc trị bệnh hiệu quả.
- Ba kích trắng: Vỏ củ màu vàng nhạt, phần thịt trong củ màu trắng trong, khi ngâm rượu thì chuyển màu tím nhạt. Trong tự nhiên Ba kích trắng chiếm từ 80-90%, nên được mệnh danh là thần dược của giới “bình dân” bởi giá khá rẻ so với Ba kích tím.
- Ba kích tím: Số lượng loại thảo dược này trong tự nhiên khá hiếm và quý, chỉ chiếm từ 10-20% nên chúng thường có giá đắt hơn Ba kích trắng. Loại thảo dược này có củ màu vàng sậm bên ngoài, phần thịt bên trong có sắc tím đậm khi ngâm rượu sẽ làm nước rượu chuyển sang màu tím rõ rệt.
Thông thường Ba kích tím được sử dụng nhiều hơn Ba kích trắng bởi chúng có tác dụng tốt cho sức khỏe hơn.
Về trạng thái tồn tại
- Ba kích tươi: Là loại vừa mới thu hoạch và chưa qua chế biến, còn nguyên mùi vị và dược tính. Tuy nhiên loại Ba kích này chưa được rút lõi, không để được lâu và khó vận chuyển đi xa.
- Ba kích khô: Là loại thảo dược đã được sấy khô, rút lõi tiện cho việc sử dụng và bảo quản lâu. Tuy nhiên khi sử dụng loại Ba kích này người bệnh cần hết sức thận trọng tránh sử dụng mua phải hàng giả, tẩm hóa chất.
Khu vực phân bố
Ba kích vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó được du nhập và trồng vào Việt Nam. Loài thảo dược này hiện được phân bố chủ yếu tại các vùng trung du, đồi núi thấp ở phía Bắc, Cụ thể là tập trung tại các tỉnh: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Tây, Hà Giang,…
Ngoài ra để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, hiện một số Viện nghiên cứu, đơn vị nuôi trồng dược liệu đã quy hoạch và nuôi trồng rộng rãi thảo dược này.
Thu hoạch, bảo quản Ba kích thể nào cho đúng?
Quá trình thu hoạch và chế biến Ba kích đòi hỏi kỹ thuật và thời điểm phải thật chính xác để đảm bảo các dược tính trong thảo dược đạt độ cao nhất.
Thời gian thu hoạch:
- Cây có độ tuổi càng lớn thì cho tác dụng càng cao. Vì thế người ta thường thu hoạch Ba kích từ 3 tuổi trở lên.
- Thời điểm thu hoạch tốt nhất là khi quả bắt đầu chín vào khoảng tháng 10 – tháng 11.
Bộ phận thu hoạch:
- Như đã nói ở trên tất cả các bộ phận của Ba kích đều có thể dùng làm thuốc.
- Tuy nhiên người ta thường dùng rễ (củ) Ba kích nhiều hơn.
Cách thu hoạch:
- Để thu hoạch được củ của thảo dược này trước tiên người ta phải đào rộng xung quanh cây sao cho có thể lấy được hết phần rễ.
- Rễ Ba kích gồm 2 loại: Loại rễ to béo, cùi dày có màu tím là dễ cho hàm lượng dược tính cao; loại rễ nhỏ, cùi mỏng có màu trong thì chất lượng và dược tính kém hơn.
Cách sơ chế:
Sau khi đào được hết phần rễ người ta sẽ tiến hành sơ chế các bộ phận theo các bước sau:
- Bước 1: Rửa sạch bùn đất bám xung quanh sau đó để cho ráo nước.
- Bước 2: Dùng dao khứa vào lõi của củ Ba kích, tách nhẹ lấy phần thịt và loại bỏ phần lõi.
Cách bào chế:
Để bào chế thảo dược này thành thuốc, bạn có thể tham khảo một trong những cách sau:
- Theo sách Lôi Bào Chính Luận: Đem ngâm rễ Ba kích với nước Cây kỷ tử khoảng 20-30 phút cho mềm ra. Tiếp tục ngâm với rượu trong một đêm. Hôm sau vớt ra rồi đem sao vàng với Cúc hoa. Sau khi rễ Ba kích đã vàng có mùi thơm thì lấy ra để nguội, lau sạch rồi bảo quản trong lọ dùng dần.
- Theo Bản Thảo Cương Mục: Đem ngâm rễ Ba kích với 1 lít rượu rồi để qua đêm, sau đó vớt ra thái thành lát mỏng rồi sấy khô, bảo quản trong lọ hoặc túi kín để dùng dần.
- Theo Trung Dược Đại Từ Điển: Đem 1kg rễ Ba kích trộn với 20g muối, đem đi hấp cách thủy cho thảo dược mềm xốp, dễ phân tách. Rút lõi rồi đem phơi khô dùng dần.
- Theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển: Đem rễ Ba kích ngâm với nước Cam thảo cho đến khi mềm rồi rút bỏ phần vỏ, chỉ lấy phần thịt trong, đem phơi khô dùng dần.
- Ngoài ra, người bệnh còn có thể bào chế thảo dược này theo cách: Rửa sạch, ủ mềm, thái lát rồi sao qua hay nấu thành cao lỏng.
Bảo quản:
- Bảo quản nơi thoáng mát, không ẩm ướt hoặc có ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Thành phần hóa học
Theo các nghiên cứu hiện đại thì Ba kích chứa chứa các thành phần hóa học chính sau:
- Anthraquinon: Các nhà khoa học đã chỉ ra hợp chất Anthraquinon trong rễ Ba kích có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cường gân cốt, thích hợp cho việc tăng cường sinh lý, bổ thận, tráng dương, trừ phong thấp. Một vài nghiên cứu khoa học khác lại cho thấy Anthraquinon có tác dụng kháng viêm, chống khuẩn, ngăn ngừa sự xâm nhập của các độc tố đồng thời giúp bảo vệ gan, cầm máu, giảm cholesterol hiệu quả. Do đó ngoài việc dùng để điều trị các bệnh yếu sinh lý, Ba kích còn giúp giảm huyết áp và mỡ máu rất tốt.
- Antraglucozit: Các hoạt chất này tồn tại ở cả dạng oxy hóa và dạng khử. Ở dạng khử Antraglucozit có tác dụng kích thích tình dục mạnh mẽ do đó thường được dùng để kích dục tăng ham muốn, sự hưng phấn và khoái cảm cho nam giới. Ngoài ra các hoạt chất này còn có tác dụng tăng sự co bóp của ruột, cải thiện hệ thống tiêu hóa, giúp dễ đại tiện mà không gây đau bụng.
- Acid hữu cơ: Trong cây thuốc này có chứa rất nhiều acid hữu cơ cần thiết cho cơ thể, có khả năng tăng cường sức khỏe, bồi bổ thể lực từ đó gián tiếp cải thiện vấn đề sinh lý bên trong, đem đến sự dẻo dai, bền bỉ cho những cặp đôi trong cuộc “ân ái”.
Ngoài ra thảo dược này còn chứa hàng loạt các hoạt chất sau:
- Các Sterol
- Phytosterol
- Các chất vô cơ như: Na, K, Mg, Fe, Cu,…
- Tinh bột
- Đường
- Tinh dầu
- Vitamin B và Vitamin C.
Đối tượng sử dụng và không nên sử dụng Ba kích
Không phải ai cũng có thể sử dụng Ba kích để trị bệnh. Vì thảo dược này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hãy chắc chắn mình nằm trong danh sách những người nên sử dụng thảo dược này dưới đây.
Đối tượng sử dụng
- Người đang gặp các vấn đề về sinh lý muốn tăng cường khả năng phòng the, kéo dài cuộc “yêu”.
- Nam giới bị liệt dương, xuất tinh sớm hoặc mắc các chứng di tinh, mộng tinh.
- Người bình thường muốn bồi bổ sức khỏe, tăng sự dẻo dai.
- Người đang gặp các vấn đề về xương khớp như: đau lưng, tê nhức bàn chân, mỏi gối,…
- Phụ nữ kinh nguyệt không đều, tử cung bị lạnh.
- Người đang gặp vấn đề về huyết áp tăng cao.
Đối tượng không nên sử dụng
Tuyệt đối không sử dụng thảo dược này cho các đối tượng sau vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe thậm chí đe dọa đến tính mạng.
- Tuyệt đối không dùng Ba kích cho những người âm hư hỏa vượng.
- Không dùng cho những người mắc bệnh tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, xơ vữa động mạch vì một số hoạt chất trong thảo dược này có khả năng gây kích ứng mạnh hệ tim mạch.
- Những bệnh nhân huyết áp thấp cũng không nên sử dụng thảo dược này vì có thể khuyến huyết áp tụt đột ngột, rất nguy hiểm.
- Những người hay lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa cũng nên hạn chế để tránh tiêu chảy.
- Dù có tác dụng bổ thận, tráng dương nhưng những bệnh nhân đang mắc bệnh thận nên tập trung điều trị bệnh trước. Nếu cố tình dùng Ba kích để bổ thận không những không giúp ích mà còn gây ra những rủi ro cho sức khỏe.
- Những bệnh nhân đang bị bệnh dạ dày như: Viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, xung huyết dạ dày cũng không nên sử dụng thảo dược này. Vì một số bài thuốc Ba kích phải kết hợp với rượu gây hại cho dạ dày, khiến các bệnh dạ dày thêm nặng hơn.
- Không dùng Ba kích cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú để đảm bảo an toàn cho em bé.
- Ngoài ra những người suy nhược cơ thể, người già, người ốm yếu hoặc đang dùng các loại thuốc khác để điều trị bệnh thì nên hỏi ý kiến các chuyên gia trước khi quyết định dùng.
Điểm danh những tác dụng tuyệt vời của Ba kích
Với thành phần hóa học là những hợp chất cần thiết cho hoạt động sống của cơ thể. Ba kích được biết đến là thảo dược có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe mà cả Y học hiện đại và Y học cổ truyền đều thừa nhận.
Y học cổ truyền
Ba kích có tính ấm, vị cay ngọt, hơi chát, quy vào 2 kinh: Can và thận. Do đó thảo dược này từ lâu đã nổi tiếng với hàng loạt các công dụng sau:
- Bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lý: Các sách y học cổ truyền ghi tác dụng của Ba kích là ôn thận, tráng dương, ích tinh. Cho nên từ lâu trong dân gian người ta đã sử dụng thảo dược này để ngâm rượu nhằm cải thiện hoạt động sinh dục, khắc phục chứng thận hư, thận yếu.
- Điều trị mộng tinh, di tinh: Đối với những người yếu sinh lý, thảo dược này không chỉ giúp cố tinh, tăng thời gian quan hệ, chống xuất tinh sớm. Mà còn chủ trị các bệnh mộng tinh, di tinh ở nam giới hiệu quả.
- Điều trị phong thấp, đau nhức xương khớp: Đây là một trong những công dụng hàng đầu của Ba kích được ứng dụng rộng rãi trong dân gian. Bài thuốc trị phong thấp, đau nhức xương khớp từ Ba kích được cho là hiệu quả nhất là ngâm rượu rồi uống hàng ngày.
- Điều trị huyết áp tăng: Trong các bài thuốc Nam trị cao huyết áp từ lâu luôn thấy sự có mặt của Ba kích. Bởi thảo dược này có tác dụng giảm và ổn định huyết áp rất tốt. Các bài thuốc trị huyết áp cao từ Ba kích hiện đã được nhiều người áp dụng và kết quả trên cả sự mong đợi. `
- Ngoài ra nhờ vị ngọt, tính mát mà Ba kích còn được dùng để thanh nhiệt, giải độc, làm mát gan, kích thích tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng hơn. Đối với người già hoặc trẻ nhỏ, thảo dược này sẽ giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng chống chọi với bệnh tật.
Y học hiện đại
Nếu như tác dụng của Ba kích trong y học cổ truyền được thể hiện ở các bài thuốc và hiệu quả của người dùng. Thì trong Y học hiện đại tác dụng của thảo dược này được thể hiện rõ trong từng hoạt chất. Hãy cùng khám phá xem Ba kích dưới góc nhìn của các nghiên cứu hiện đại thì có công dụng gì?
Chống sưng, tiêu viêm hiệu quả
Trong Ba kích có chứa vitamin C và các hợp chất chống oxy hóa nên thảo dược này có khả năng làm lành các vết thương nhanh chóng. Đồng thời ngăn chặn vi khuẩn tấn công và khiến vết thương lan rộng.
Một vài nghiên cứu khoa học được tiến hành trên chuột cống trắng với hàm lượng Ba kích 5-10g/kg đã cho thấy tác dụng giảm đau, chống viêm rõ rệt của thảo dược này.
Tăng cường sinh lý nam giới
Không chỉ y học cổ truyền mà y học hiện đại cũng nghiên cứu và chứng minh tác dụng này của Ba kích. Đây được coi là tác dụng chính và nổi bật nhất của thảo dược này.
Một vài nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, hoạt chất anthraglycosid trong Ba kích có khả giúp cơ thể nam giới tăng testosterone trong máu, cải thiện kích thước dương vật, tăng nồng độ protein toàn phần mà không gây ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể. Nhờ đó giúp bổ sung sinh lực, tăng ham muốn tình dục, phòng ngừa xuất tinh, rối loạn cương dương hiệu quả.
Điều trị đau lưng, đau mỏi xương khớp
Choline trong Ba kích chính là hoạt chất quan trọng giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho hệ thống xương khớp. Ngoài ra hoạt chất này còn có khả năng ức chế mạnh mẽ với các tế bào hủy xương, giúp xương luôn chắc khỏe, giảm bớt đau nhức khi thời tiết thay đổi.
Tăng cường sức khỏe
Với hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin và các hợp chất hữu cơ, việc sử dụng Ba kích thường xuyên không chỉ giúp tăng sức đề kháng mà còn cải thiện sức khỏe, hỗ trợ hệ miễn dịch phát triển.
Cách sử dụng Ba kích hiệu quả
Với những công dụng tuyệt vời mang đến cho sức khỏe, từ lâu thảo dược này đã được khai thác, bào chế và sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh thần kỳ. Các cách sử dụng Ba kích phải kể đến như:
Ngâm rượu
Đây là cách sử dụng Ba kích phổ biến nhất hiện nay. Bạn có thể ngâm đơn độc thảo dược này với rượu trắng hoặc có thể phối thêm một số vị thuốc khác để nâng cao hiệu quả.
Để món rượu thuốc này được thơm ngon thì nên chọn rượu nếp trắng từ 40-50 độ hoặc rượu tẻ nguyên chất. Bình ngâm nên là bình thủy tinh to, không sử dụng bình hoặc lọ bằng nhựa.
Ngâm độc vị Ba kích
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Ba kích khô đã bỏ lõi: 1kg.
- Rượu trắng: 5 lít.
Cách thực hiện
- Bước 1: Cho Ba kích vào bình rồi đổ hết lượng rượu đã chuẩn bị, đậy kín nắp, để nơi khô ráo.
- Bước 2: Sau 1 tháng thì đem ra sử dụng, mỗi ngày dùng 2-3 ly.
Ngâm ba kích với nhiều vị thuốc khác
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Ba kích khô đã bỏ lõi: 1kg.
- Dâm dương hoắc khô, nấm ngọc cẩu khô: mỗi thứ 0,5kg.
- Rượu trắng: 8 lít.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem tất cả nguyên liệu trên cho vào bình thủy tinh rồi để nơi khô thoáng.
- Bước 2: Sau khi ủ được 2-3 tháng thì mang rượu ra sử dụng.
Cách sử dụng rượu ba kích :
Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh không nên quá lạm dụng loại rượu này. Tốt nhất mỗi ngày chỉ nên dùng 20-30ml (khoảng 2 chén nhỏ), dùng sau bữa ăn để tránh tổn thương dạ dày.
Sắc thuốc
Ngoài ngâm rượu thì sắc thuốc cũng là cách sử dụng Ba kích được nhiều áp dụng.
Nguyên liệu:
- 12g Ba kích khô.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Ba kích khô rửa sạch với nước đem sao vàng.
- Bước 2: Cho Ba kích sắc với 600ml nước cho đến khi còn ⅓ lượng nước ban đầu thì tắt bếp và dùng nước thuốc hàng ngày.
Ngoài ra bạn còn có thể dùng Ba kích kết hợp với một số vị thuốc khác đề sắc thuốc trị các bệnh liên quan. Chi tiết từng bài thuốc sẽ được trình bày trong phần dưới đây.
Một số món ăn từ Ba kích
Nghe có vẻ lạ nhưng những món ăn từ Ba kích vừa bổ dưỡng lại có thể điều trị được một số bệnh liên quan.
Ba kích nấu thịt trai
Nguyên liệu:
- Ba kích khô: 30g.
- Con trai sông: 300g.
- Gừng tươi và gia vị nêm.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Tách đôi con trai, lấy hết phần thịt bên trong, làm sạch rồi thái miếng.
- Bước 2: Đem thịt trai và ba kích hầm với nước khoảng 2 tiếng sau đó nêm cho vừa ăn. Món ăn này vừa giàu dinh dưỡng vừa giúp điều trị liệt dương, yếu sinh lý.
Cháo ba kích hầm thịt dê
Nguyên liệu:
- Thịt dê: 100g.
- Ba kích khô: 50g.
- Gạo: 100g.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Thịt dê rửa sạch tẩm ướp gia vị.
- Bước 2: Ba kích cho vào túi vải sạch.
- Bước 3: Đem tất cả nguyên liệu trên nấu thành cháo nhừ rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Người bệnh nên ăn cháo khi còn nóng để kiện tỳ, sinh tinh.
Ngoài ra còn rất nhiều món ăn khác sử dụng Ba kích làm gia vị để tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng và cải thiện các bệnh liên quan.
Ba kích thường dùng để điều trị bệnh gì? Các bài thuốc hiệu quả
Nhờ những hoạt chất quý hiếm, nên từ lâu Ba kích đã được sử dụng điều trị các bệnh như: yếu sinh lý, xuất tinh sớm, di tinh, mộng tinh, rối loạn cương dương, đau nhức xương khớp, kinh nguyệt không đều,… Dưới đây là một số bài thuốc trị bệnh từ thảo dược này.
Bài thuốc trị liệt dương cho nam giới
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Ba kích, Ngưu tất sống: Mỗi thứ 3kg.
- 5 lít rượu trắng.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Nguyên liệu đem rửa sạch với nước rồi để cho ráo nước.
- Bước 2: Cho nguyên liệu trên vào bình thủy tinh rồi ngâm với 5 lít rượu trắng trong khoảng 3 tháng.
- Bước 3: Sau đó người bệnh dùng 1-2 chén rượu Ba kích để uống sau ăn mỗi ngày. Thực hiện liên tục trong vòng từ 2-3 tháng để chứng rối loạn cương dương được điều trị hiệu quả.
Bài thuốc trị đau nhức xương khớp hiệu quả
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Các vị thuốc Ba kích, Đỗ trọng, Xuyên tục đoạn, Ngưu tất sống: Mỗi vị 12g.
- Tang ký sinh: 10g.
- Sơn thù nhục: 8g.
- Hoài sơn: 16g.
Cách thực hiện:
- Đem tất cả nguyên liệu trên đi rửa sạch rồi sắc thành thuốc uống trong ngày.
Điều trị đau lưng, tê mỏi chân
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Ba kích: 10g.
- Xuyên tỳ giải: 10g.
- Nhục thung dung: 10g.
- Đỗ trọng: 10g.
- Thỏ ty tử: 10g.
- Lộc thai: 1 bộ.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem nguyên liệu trên đem tán thành bột mịn.
- Bước 2: Trộn đều hỗn hợp bột trên với một lượng mật ong vừa đủ, rồi luyện thành hoàn.
- Bước 3: Mỗi lần uống 8g, ngày uống 2-3 lần sẽ thấy chứng đau lưng, tê mỏi chân cải thiện rõ ràng.
Điều trị cao huyết áp
Nguyên liệu:
- Ba kích, Tri mẫu, Tiên mao, Dâm dương hoắc cùng Đương quy, Hoàng bá: Có hàm lượng như nhau.
- Nước lọc: 600ml.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Làm sạch tất cả các nguyên liệu trên trước khi thực hiện bài thuốc.
- Bước 2: Cho nguyên liệu vào ấm rồi sắc cùng 600ml nước cho đến khi còn khoảng 200ml thì dừng lại.
- Bước 3: Chia nước thuốc thành 3 lần bằng nhau uống hết trong ngày. Nên duy trì trong 3 tháng để huyết áp được ổn định.
Điều trị kinh nguyệt không đều
Nguyên liệu:
- Ba kích khô: 120g.
- Lương khương: 20g.
- Nhục quế, Ngô thù du: Mỗi vị 160g.
- Tử kim đằng: 640g.
- Thanh diêm: 80g.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem tất cả nguyên liệu trên đi tán bột.
- Bước 2: Dùng rượu trộn vào phần bột trên để làm hoàn.
- Bước 3: Mỗi ngày uống 20g hoàn, dùng cùng rượu pha muối nhạt để tăng hiệu quả điều trị.
Điều trị mặt trắng nhạt, mạch yếu
Nguyên liệu:
- Ba kích, Hồi hương, Bạch long cốt, Nhục thung dung, Ích trí nhân, Bạch truật, Phúc bồn tử, Mẫu lệ, Cột toái bổ, Thỏ ty tử, Nhân sâm: Mỗi vị 40g.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem tất cả nguyên liệu trên tán thành bột, rồi dùng mỗi lần 10-20g.
- Bước 2: Ngày uống 2 lần vào sáng và tối để sớm cải thiện.
Bài thuốc bổ thận, tráng dương
Nguyên liệu:
- Ba kích, Cúc hoa, Kỷ tử: Mỗi vị lấy 30g.
- Phụ tử: 20g.
- Thục địa: 46g.
- Thục tiêu: 30g.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Nguyên liệu trên đem tán mịn rồi cho vào ngâm với 3 lít rượu để dùng dần.
- Bước 2: Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 20ml rượu, nên uống lúc đói để cơ thể hấp thụ tốt nhất.
Ba kích có tác dụng phụ không?
Dù có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe tuy nhiên nếu không biết cách sử dụng thì thảo dược này lại có thể khiến cơ thể gặp nhiều tác hại nguy hiểm.
Gây liệt dương
Trong lõi Ba kích có chứa rất nhiều hoạt chất Rubiadin có khả năng gây liệt dương ở nam giới. Do đó khi sử dụng Ba kích dưới bất kỳ hình thức nào người bệnh chỉ nên lấy phần thịt trong và loại bỏ phần lõi của củ.
Ảnh hưởng đến hệ tim mạch
Qua nghiên cứu các nhà khoa học đã tìm ra 2 hoạt chất của lõi Ba kích có ảnh hưởng đến tim mạch là Rubiadin và Carbohydrate.
- Rubiadin: Có khả năng gây ức chế hệ tim mạch. Khi đi vào cơ thể chúng sẽ khiến tim đập dồn dập, chóng mặt, buồn nôn,…
- Carbohydrate: Khi đi vào cơ thể hoạt chất này sẽ chuyển hóa thành Glucozơ. Vì vậy, nếu sử dụng Ba kích lâu dài với hàm lượng lớn có thể khiến đường huyết trong máu tăng cao – Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch.
Vì vậy những người có tiền sử bị bệnh tim mạch không nên dùng thảo dược này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Lưu ý khi sử dụng ba kích
Thảo dược này có thể gây hại cho sức khỏe, vì vậy khi sử dụng người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Rửa sạch cây Ba kích để loại bỏ hết đất và vi khuẩn trước khi sử dụng.
- Dùng Ba kích theo liều lượng được khuyến cáo, không dùng quá 15g mỗi ngày.
- Không nên dùng Ba kích khi đang dùng các loại thuốc chữa bệnh khác.
- Khi sắc Ba kích nên dùng nồi sứ hoặc nồi đất tuyệt đối không dùng nồi kim loại vì có thể khiến công dụng của thảo dược này bị giảm đi, thậm chí sinh độc, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
- Nhớ loại bỏ phần lõi của Ba kích trước khi sử dụng để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Trong trường hợp có bị rong kinh hoặc có kinh sớm người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng thảo dược này.
- Trong trường hợp xuất hiện triệu chứng tim đập nhanh, hồi hộp, chóng mặt, đau đầu người bệnh cần dừng dùng Ba kích ngay và đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời.
Trên đây là toàn bộ thông tin về Ba kích từ công dụng, cách dùng và những lưu ý quan trọng khi sử dụng. Mong rằng với những thông tin trên sẽ giúp người bệnh sử dụng thảo dược này trị bệnh một cách hiệu quả và an toàn. Tuy là thảo dược có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng Ba kích cũng tiềm ẩn nguy cơ gây liệt dương và rối loạn hệ tim mạch. Vì vậy,chúng tôi khuyến cáo người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ và các chuyên gia Đông y trước khi sử dụng thảo dược này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!