Vảy nến đồng tiền: Mọi thứ cần biết từ A-Z
Bảng tóm tắt
Bệnh vảy nến đồng tiền là thể điển hình nhất của bệnh vảy nến. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là những tổn thương hình đồng xu trên da. Cũng như các loại vảy nến khác, vảy nến đồng tiền dễ tái phát nếu điều trị sai cách.
Vảy nến đồng tiền là bệnh gì?
Bệnh vảy nến đồng tiền (Nummular psoriasis) có thể gây ra những tổn thương trên da. Đặc trưng của bệnh là những mảng da màu đỏ có kích thước từ 1 – 4cm và có hình dạng như đồng xu.
Các tổn thương da do vảy nến đồng tiền không chỉ gây ngứa ngáy khó chịu mà nó còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp. Nếu người bệnh thường xuyên cào gãi vùng da bị bệnh sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng.
Vảy nến đồng tiền không lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp. Do vậy, bạn không cần lo lắng mình bị lây vảy nến khi chạm vào những da bong tróc của người bệnh. Vảy nến đồng tiền thường xuất hiện sau khi da bị tổn thương do bỏng, côn trùng cắn hoặc da bị trầy xước. Bệnh có thể xuất hiện ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, độ tuổi mắc bệnh ở hai giới khác nhau. Nam giới trong độ tuổi từ 55 – 65 có nguy cơ mắc bệnh vảy nến đồng tiền. Trong khi đó, bệnh thường xuất hiện ở nữ trong độ tuổi trẻ hơn, từ thời niên thiếu đến thanh niên.
Nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến đồng tiền?
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây vảy nến đồng tiền. Nhưng theo họ, bệnh có liên quan mật thiết với các yếu tố như gen, yếu tố di truyền và yếu tố miễn dịch của cơ thể.
Yếu tố di truyền
Đặc tính di truyền của bệnh vảy nến thể đồng tiền nằm trên nhiễm sắc thể số 6 và có liên quan đến HLA, DR7, B13, B17, BW57, CW6. Yếu tố di truyền chiếm từ 10 – 30% nguyên nhân gây bệnh vảy nến. Yếu tố duy truyền có thể chiếm từ 10 – 30 % tùy thuộc vào từng có thể. Nếu gene di truyền bệnh là gene trội, tỷ lệ mắc vảy nến đồng tiền có thể lên tới 60%.
Hệ miễn dịch của cơ thể
Bệnh vảy nến đồng tiền có thể liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là tế bào lympho T. Khi hệ miễn dịch hoạt động sai lệch, các tế bào lympho T của hệ miễn dịch sẽ tấn công vào các tế bào da bình thường. Điều này khiến các tế bào da tăng sinh bất thường với tốc độ nhanh gấp 10 – 30 lần bình thường. Khi tế bào da được sinh quá nhiều nó sẽ bám trên bề mặt da và tạo thành vảy da.
Ngoài yếu tố di truyền và hệ miễn dịch hoạt động bất thường, một số nguyên nhân dưới đây cũng có thể gây bùng phát vảy nến đồng tiền hoặc khiến bệnh tiến triển nặng hơn:
- Thay đổi nhiệt độ
- Stress, trầm cảm
- Da khô
- Da tiếp xúc với các chất kích thích từ môi trường (hóa chất, xà phòng, chất tẩy rửa, kim loại, dị nguyên…)
- Sử dụng thuốc, như thuốc điều trị viêm gan Interferon và Ribavirin, thuốc điều trị viêm khớp hoặc các statin điều trị bệnh tăng cholesterol…
Dấu hiệu nhận biết bệnh vảy nến đồng tiền?
Có thể nhận biết và xác định bệnh dựa vào những triệu chứng đặc trưng sau:
Vị trí tổn thương
Tổn thương da do vảy nến đồng tiền có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, khác nhau với từng bệnh nhân. Vị trí phổ biến nhất là ở cánh tay và chân, đôi khi là mặt, đầu gối và xương cùng.
Hình dáng
Tổn thương hình đồng xu có kích thước 1 – 4cm (thậm chí có thể lớn hơn 10cm). Vùng da mắc bệnh thường có màu nâu, hồng hoặc đỏ. Bề mặt mảng da bị vảy nến thường xuất hiện các đốm đỏ có xu hướng dày sừng, chuyển dần sang màu trắng bạc hoặc hơi hồng và tróc vảy.
Tổn thương do vảy nến đồng tiền gây ra thường tập trung thành từng đám trên khắp cơ thể. Đây cũng là yếu tố khác biệt của vảy nến đồng tiền so với bệnh hắc lào. Hai bệnh này có triệu chứng tương tự nhau, tuy nhiên, hắc lào chỉ xuất hiện ở một số vị trí nhất định của cơ thể.
Ngứa, khó chịu
Cũng như các loại vảy nến khác, vảy nến đồng tiền thường gây ngứa da. Cơn ngứa thường dữ dội hơn vào ban đêm và làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh. Các tổn thương da do vảy nến đồng tiền có thể tiết ra chất lỏng, sau một thời gian có thể đóng thành mảng vảy, có nguy cơ viêm nhiễm rất cao (thường là tụ cầu vàng).
Lưu ý: Vảy nến đồng tiền có thể xuất hiện đồng thời cùng với các thể khác của bệnh vảy nến như vảy nến móng tay (gây biến dạng móng), vảy nến da đầu hoặc viêm khớp vảy nến… Các triệu chứng của bệnh vảy nến thể đồng tiền có thể khác nhau tùy vào hệ miễn dịch và mức độ phát triển của bệnh của từng người.
Chẩn đoán bệnh vẩy nến thể đồng tiền?
Giống như các dạng vảy nến khác, vảy nến thể đồng tiền được chẩn đoán xác định dựa vào khám lâm sàng (triệu chứng bệnh) và hỏi tiền sử bệnh tật của bệnh nhân.
Trong trường hợp vẫn còn nghi ngờ, bác sĩ còn có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm để có kết quả chính xác như: Sinh thiết da, Nuôi cấy nấm, vi khuẩn, xét nghiệm dị ứng, xét nghiệm máu.
Dạng tổn thương da hình đồng xu do vảy nến đồng tiền gây ra có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh da liễu do nhiễm nấm. Do vậy, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh do nhiễm nấm.
Một số bệnh về da có triệu chứng tương tự vảy nến đồng tiền người bệnh cần lưu ý: Á vảy nến, vảy phấn hồng Gibert, á sừng liên cầu, chàm khô Eczema nummular, sẩn giang mai.
Cách điều trị vảy nến đồng tiền?
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị vảy nến đang được áp dụng hiện nay là điều trị bằng Đông y và điều trị bằng Đông Y. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu giúp chữa khỏi vảy nến đồng tiền hoàn toàn. Hầu hết các phương pháp được áp dụng đều chỉ nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, hạn chế bệnh bùng phát và ngăn ngừa biến chứng.
Áp dụng Tây Y
Các loại thuốc thường được dùng khi bị vảy nến đồng tiền là thuốc bong sừng bạt vảy (Axit salicylic 2%, 3%, 5%), Thuốc khử oxy Goudron (Thường dùng Coaltar, một dẫn xuất từ than đá), thuốc khử oxy, Corticoid bôi ngoài, dẫn xuất vitamin D…
Ngoài ra, một số phương pháp hiện đại khác cũng được áp dụng để điều trị vảy nến đồng tiền:
Thuốc uống, tiêm dùng toàn thân:
- Corticoid: Corticoid được dùng cho bệnh nhân bị viêm da đồng tiền để giảm viêm, cải thiện tình trạng ngứa da và vảy da. Tuy nhiên bạn nên cẩn trọng khi dùng thuốc vì nếu dùng trong thời gian dài nó có thể gây teo da, nổi mụn, mỏng da…
- Retinoid: Đây là một dẫn xuất của vitamin A. Nó có tác động trực tiếp lên chất keratin trong thành phần da, làm chậm tăng sản tế bào biểu bì da và ngăn ngừa nhiễm trùng tại các vị trí có tổn thương.
- Methotrexate: Đây là thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng ức chế quá trình sinh trưởng của tế bào da, làm chậm tốc độ tạo sừng trong bệnh vảy nến. Thuốc chỉ nên cho những bệnh nhân khỏe mạnh và bị vảy nến đồng tiền khắp cơ thể.
- Cyclosporin A: Cũng tương tự như Methotrexate, thuốc Cyclosporin có tác dụng ức chế miễn dịch, giảm hoạt tính của lympho T, làm giảm quá trình tăng sản của tế bào thượng bì, ức chế viêm.
- Thuốc kháng sinh, chống nấm: Thuốc được dùng trong trường hợp những người bị vảy nến đồng tiền có nhiễm trùng, nhiễm nấm.
- Thuốc kháng histamin tổng hợp: Thuốc này giúp giảm ngứa, giảm kích ứng da.
Phương pháp sinh học
Các loại thuốc sinh học điều trị vảy nến đồng tiền có thành phần từ cơ thể sống hoặc các sản phẩm được tạo từ cơ thể sống. Một số loại thuốc sinh học thường được sử dụng để điều trị vảy nến đồng tiền gồm: Alefacept (amevive), Efalizumab (raptiva), Nhóm thuốc ức chế TNF: Infliximab, Etanercept, Adalimumab…
Quang trị liệu
Quang trị liệu hay còn gọi là liệu pháp ánh sáng là tên gọi chung của những phương pháp sử dụng ánh sáng để tiêu diệt và làm giảm tốc độ tăng sản của tế bào da bị bệnh.
Một số phương pháp sử dụng quang trị liệu để điều trị vảy nến đồng tiền:
- Chữa vảy nến bằng ánh sáng mặt trời (ánh sáng tự nhiên): Phơi nắng có thể giúp giảm cải thiện triệu chứng của vảy nến đồng tiền.
- Quang trị liệu UVB: Dùng tia UVB băng rộng và UVB băng hẹp. Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân bị vảy nến đồng tiền ở mức độ trung bình đến nặng.
- Liệu pháp ánh sáng PUVA: Sử dụng thuốc cảm quang Psoralen kết hợp chiếu tia UVA. Phương pháp này giúp làm chậm tốc độ tăng trưởng của các tế bào da, từ đó hạn chế quá trình tạo vảy và cải thiện triệu chứng vảy nến đồng tiền.
- Liệu pháp Laser Excimer: Sử dụng một chùm tia cực tím UVB có cường độ cao tác động vào khu vực da bị vảy nến.
Khi áp dụng quang trị liệu để điều trị bệnh vảy nến, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Phương pháp này chỉ được áp dụng cho những trường hợp không đáp ứng với thuốc hoặc không thể dùng thuốc.
- Phương pháp này có thể gây ra tác dụng phụ bao gồm: Khô da, nhăn nheo, teo da, tàn nhang… và chi phí điều trị khá đắt đỏ.
- Nếu muốn áp dụng quang trị liệu, bạn nên tham khảo kỹ càng ý kiến của bác sĩ.
Áp dụng Đông Y
Ngoài áp dụng Tây y, chữa bệnh vảy nến bằng Đông y cũng là phương pháp được khá nhiều người lựa chọn. Điều trị bằng Đông y không những có độ an toàn tương đối cao mà còn phù hợp với nhiều đối tượng và không gây hại lên gan, thận.
Trong Đông y, vảy nến (vẩy nến) còn được gọi là ùng bì tiễn, Ngân tiêu bệnh hoặc Bạch xác sang. Khác với Tây y, Đông y cho rằng nguyên nhân gây vảy nến là do huyết nhiệt kết hợp với phong hàn, lâu ngày gây uất kết trong cơ thể và dẫn đến huyết táo. Huyết táo khiến da không được nuôi dưỡng và gây ra các triệu chứng viêm đỏ, da bong vảy.
Mặc dù không giảm triệu chứng nhanh như thuốc Tây y, nhưng thuốc Đông y có thể chữa vảy nến từ căn nguyên. Thêm vào đó, nếu người bệnh dùng thuốc Đông y đúng chỉ định kết hợp với cách chăm sóc da đúng cách thì bệnh sẽ ít tái phát. Nếu có tái phát thì triệu chứng của bệnh cũng nhẹ hơn.
Dựa vào tổn thương lâm sàng, tính chất và yếu tố khởi phát, Đông y chia vảy nến đồng tiền thành nhiều thể riêng biệt. Mỗi thể bệnh sẽ được điều trị bằng các bài thuốc tương ứng. Dưới đây là các bài thuốc chữa vảy nến đồng tiền:
Bài thuốc uống 1:
- Dùng kim ngân hoa, vừng đen, sinh địa, hà thủ ô, huyền sâm, ké đầu ngựa mỗi loại 12g.
- Đem rửa sạch dược liệu, sắc lấy nước thuốc.
- Chia lượng nước thuốc thành 3 phần và uống 3 lần trong ngày.
Bài thuốc uống 2:
- Dùng ké đầu ngựa, khương hoạt và sinh địa mỗi loại 16g, uy linh tiên và huyền sâm mỗi loại 12g, thổ phục linh 40g, hà thủ ô và đương quy mỗi thứ 20g.
- Đem sắc mỗi ngày 1 thang, chia nước sắc thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
Bài thuốc uống 3:
- Chuẩn bị bạch tiễn bì, thảo hà xa và tật lê mỗi loại 15g, thục địa,bắc đậu căn, đan bì, đan sâm, quy đầu mỗi loại 12g, sinh địa, hà thủ ô và xích thược mỗi thứ 10g.
- Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc uống 4:
- Dùng quy đầu, sinh địa, sa sâm và bạch thược mỗi loại 12g, quế chi và ma hoàng mỗi loại 15.
- Đem các vị thuốc trên rửa sạch và sắc lấy nước uống.
Bài thuốc uống 5:
- Chuẩn bị hy thiêm, cam thảo đất, thổ phục linh, ké đầu ngựa mỗi loại 16g, thạch cao, sinh địa và hoa hòe mỗi loại 20g, cây cứt lợn 12g.
- Đem sắc uống các vị thuốc trên và chia thành 3 lần uống.
Bài thuốc uống 6:
- Chuẩn bị sinh địa, quy vĩ và xích thược mỗi loại 12g, tử thảo, đại thanh diệp, bắc đậu căn và đan bì mỗi loại 10g, hổ trượng và ngân hoa mỗi loại 15g.
- Sắc uống hàng ngày đến khi bệnh thuyên giảm thì dừng.
Bài thuốc ngâm rửa:
- Chuẩn bị phác tiêu, khô phàn, dã cúc hoa, hỏa tiêu mỗi loại 15g.
- Đem rửa sạch, sau đó nấu lấy nước ngâm rửa tắm 1 lần/ngày.
Món ăn từ Đông y hỗ trợ điều trị vảy nến:
Vảy nến chỉ gây tổn thương ngoài da nhưng căn nguyên gây bệnh lại liên quan đến thể trạng, di truyền và hệ miễn dịch. Vì vậy ngoài sử dụng bài thuốc, bạn có thể bổ sung các món ăn giàu dinh dưỡng để giúp quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Bạn có thể chuẩn bị 30g dâu tằm, 10g hồng táo, 100g gạo lức và 30gr bách hợp. Cho bách hợp, dâu tằm, hồng táo vào nước và ninh kỹ, sau đó cho gạo lứt vào để nấu thành cháo. Nên dùng ngày một lần và liên tục trong 1 tuần. Sau đó, cách 1 tuần bạn lại áp dụng liệu trình trên cho đến khi bệnh thuyên giảm hẳn.
Điều trị vảy nến đồng tiền bằng Đông y có độ an toàn cao và ít gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Để đạt hiệu quả tối đa khi chữa vảy chữa vảy nến bằng Đông y, người bệnh nên lưu ý một số thông tin sau:
- Bạn nên đến gặp bác sĩ, thầy thuốc Đông y để được bắt mạch và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Thầy thuốc có thể điều chỉnh liều lượng và gia giảm dược liệu tùy vào tình trạng bệnh cụ thể.
- Sau khi dùng thuốc Đông y, nếu thấy triệu chứng vảy nến đồng tiền không giảm hoặc nặng lên, bạn cần dừng dùng thuốc và tham khảo phương pháp điều trị khác.
Chăm sóc và ngăn ngừa bệnh vảy nến đồng tiền tái phát
Tuy chưa có phương pháp nào giúp chữa khỏi vảy nến đồng tiền hoàn toàn, nhưng bạn có thể kết hợp các phương pháp điều trị với các biện pháp chăm sóc tại nhà để hạn chế bệnh tái phát. Dưới đây là cách chăm sóc và ngăn ngừa bệnh vảy nến đồng tiền tái phát:
- Chăm sóc da đúng cách
Người bệnh vảy nến đồng tiền nên sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày để hạn chế tình trạng khô da. Tốt nhất nên bôi kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm. Người bệnh cũng nên bôi kem chống nắng có thành phần dịu nhẹ khi phải đi ra ngoài để bảo vệ da.
- Hạn chế cào gãi lên da
Điều này có thể làm tổn thương da và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nếu thấy da ngứa ngáy khó chịu, người bệnh có thể đắp gạc ướt lên da để giảm ngứa.
- Mặc quần áo rộng rãi có chất liệu thấm hút mồ hôi
Bạn nên lựa chọn những bộ quần áo rộng rãi để chúng không cọ vào da và làm tổn thương vùng da đang mắc bệnh. Tốt nhất nên chọn quần áo có chất liệu cotton thấm hút mồ hôi.
- Tập thể dục đều đặn và nghỉ ngơi hợp lý
Điều này có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể và hạn chế các rối loạn trong hệ miễn dịch gây vảy nến đồng tiền.
- Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng có thể làm tăng các phản ứng viêm trong cơ thể và khiến vảy nến bùng phát. Do vậy, bạn nên thư giãn, điều hòa cảm xúc và giữ tâm lý thoải mái hàng ngày. Thiền và yoga giúp giảm căng thẳng hiệu quả.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Bạn nên bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cho cơ thể (đạm, béo, đường bột và vitamin – khoáng chất). Nên ăn thêm rau xanh, trái cây, vitamin và các thực phẩm giàu acid béo omega-3 như cá hồi, cá trích, các loại hạt…
Hạn chế đồ uống có cồn, các chất kích thích. Những loại đồ uống này có thể là tác nhân kích thích vảy nến đồng tiền bùng phát.
- Tắm nắng thường xuyên
Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh tia cực tím trong ánh nắng mặt trời có thể làm chậm sự phát triển của các tế bào da trong bệnh vảy nến đồng tiền. Do vậy, người bệnh nên tắm nắng hàng ngày để giảm triệu chứng bệnh.
Lưu ý: Nên tắm nắng trong khoảng thời gian từ 7 – 9h sáng và bôi kem chống nắng trước khi tiếp xúc với ánh nắng.
Vảy nến đồng tiền không thể tự khỏi, do vậy, khi có triệu chứng bệnh bạn nên đến gặp bác sỹ để được thăm khám và điều trị. Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp bệnh không lan rộng ra nhiều vùng da khác và quá trình điều trị bệnh sẽ hiệu quả hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!