Viêm da dầu ở đầu (tiết bã): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm da dầu ở đầu là tình trạng viêm da mạn tính và thường xuyên tái phát ở đầu. Viêm da dầu ở đầu có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh da liễu khác, dẫn tới việc điều trị sai cách, khiến bệnh dai dẳng, gây nhiều phiền toái.

Viêm da dầu ở đầu là gì?

Viêm da dầu ở đầu (hay còn gọi là viêm da tiết bã ở da đầu) là tình trạng viêm da liên quan đến hoạt động của tuyến bã nhờn trong cơ thể.

Triệu chứng thường gặp của viêm da dầu ở đầu là các tình trang bong vảy, ngứa ở vùng có nhiều dầu như vùng da đầu. Viêm da dầu ở đầu thường dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh ngoài da khác như dị ứng, vảy nến, chàm (eczema)

Tình trạng này không chỉ khiến người bệnh bị ngứa ngáy, khó chịu ở đầu mà nó còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và thẩm mỹ của người bệnh. Nếu không được điều trị, viêm da dầu ở đầu có thể lan xuống trán, mặt… Thêm vào đó, viêm da dầu ở đầu có thể gây ra tình trạng rụng tóc.

Viêm da dầu ở đầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Vì vậy tìm hiểu những thông tin về bệnh có thể giúp bạn chủ động hơn trong quá trình điều trị.

Triệu chứng viêm da dầu ở đầu?

Triệu chứng của viêm da dầu ở đầu thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về da khác. Triệu chứng của bệnh cũng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi của người mắc bệnh.

Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của viêm da dầu ở đầu:

Viêm da dầu ở đầu ở trẻ em

Viêm da dầu ở đầu là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Dân gian hay gọi tình trạng này là “cứt trâu”. Trẻ bị viêm da dầu ở đầu sẽ có các triệu chứng như: Da đầu có thể có màu đỏ hoặc không, trên da đầu xuất hiện nhiều mảng bám màu trắng vàng hoặc nâu nhạt… Những mảng bám này thường bám chặt vào da đầu và thường rất khó bong. Tình trạng này thường không khiến trẻ bị đau rát hay khó chịu.

Trẻ nhỏ bị viêm da dầu ở đầu
Trẻ nhỏ bị viêm da dầu ở đầu

Viêm da dầu ở đầu ở người lớn

Tình trạng này ở người lớn thường nặng hơn nhiều so với trẻ em bởi bệnh thường kéo dài dai dẳng và dễ tái phát. Người lớn bị viêm da dầu ở đầu thường có triệu chứng như: Chân tóc thường bị bết và ngứa ngáy.

Trên da đầu ở viền tóc thường xuất hiện những mảng bám có vảy trắng, những vùng da này thường có ranh giới rõ ràng với những vùng da lân cận. Người bệnh thường bị ngứa ngáy khó chịu khi bị viêm da dầu ở đầu.

Viêm da dầu ở đầu thường không thể tự hết nếu không được điều trị. Nếu kéo dài, nó có thể khiến người bệnh bị rụng tóc, thậm chí là hói đầu.

Nguyên nhân gây viêm da dầu ở đầu?

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây viêm da dầu nói chung và viêm da dầu ở đầu nói riêng. Tuy nhiên, có nhiều giả thiết cho rằng bệnh này có quan tới hoạt động của tuyến bã nhờn, nấm malassezia, thời tiết, cơ địa của từng người và hệ miễn dịch.

Thời tiết

Đây là yếu tố ảnh hưởng đến sự khởi phát của nhiều vấn đề về da trong đó có viêm da dầu ở đầu. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết nóng bức.

Nấm malassezia

Đây là loại nấm thường xuất hiện trên da. Nó có thể ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn trên da và làm tăng nguy cơ viêm da.

Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức

Những người có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh có nguy cơ bị viêm da dầu ở đầu cao hơn những người khác.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Một số loại thuốc điều trị sẽ gây ra các tác dụng phụ trên da, trong đó có da đầu. Điều này khiến cho lớp bảo vệ bên ngoài của da bị yếu đi và đây là điều kiện thuận lợi để bệnh viêm da dầu ở đầu khởi phát.

Tình trạng da

Những người có da đầu thường dễ mắc viêm da dầu ở đầu hơn những người da khô.

Tình trạng sức khỏe

Những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, những người bị suy giảm miễn dịch, những người mới phẫu thuật… là những đối tượng dễ mắc viêm da dầu ở đầu. Ngoài ra, những người mắc các bệnh mạn tính hoặc bị trầm cảm, Parkinson có nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.

Cách chữa viêm da dầu ở đầu

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị viêm da dầu ở đầu, tuy nhiên chưa có phương pháp nào giúp điều trị bệnh triệt để. Tùy vào tình trạng bệnh, độ tuổi mà người bệnh có thể lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau.

Chữa viêm da dầu ở đầu bằng Tây y

Trong Tây y, các loại thuốc điều trị có thể được chia thành thuốc dùng tại chỗ và thuốc dùng toàn thân. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể áp dụng liệu pháp quang trị liệu để điều trị bệnh.

Các loại thuốc Tây thường được dùng để điều trị viêm da dầu ở đầu:

Dầu gội đầu giúp bong vảy tại chỗ

Viêm da dầu ở đầu thường khiến da bong vảy trắng như gàu. Để giảm triệu chứng này, người bệnh có thể sử dụng các loại dầu gội đầu chứa các hoạt chất như acid lactic, propylene glycol, acid salicylic… hỗ trợ quá trình làm bong vảy.

Một số loại dầu gội đầu có thể giảm viêm da dầu ở đầu hiệu quả
Một số loại dầu gội đầu có thể giảm viêm da dầu ở đầu hiệu quả

Thuốc kháng nấm

Với những người bị viêm da dầu ở đầu nhẹ, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng nấm tại chỗ như kem bôi dầu gội chứa các hoạt chất như ciclopirox và ketoconazol… Các loại thuốc này có tác dụng ức chế nấm Malassezia và giảm hoạt động của tuyến bã nhờn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị nhiễm chủng nấm Malassezia kháng thuốc thì cần thay thế bằng các thuốc chống nấm chứa selen hoặc kẽm pyrithion…

Thuốc bôi chứa corticoid

Đây là loại thuốc được sử dụng khi bị viêm da dầu ở đầu nặng. Tuy nhiên loại thuốc này thường được chỉ định dùng trong thời gian ngắn. Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra thời gian dùng thuốc thích hợp cho từng người.

Thuốc bôi ức chế calcineurin

Các loại thuốc này có tác dụng giảm ngứa, chống viêm tương tự như corticoid. Tuy nhiên, chúng không gây teo da, giảm miễn dịch như corticoid.

Thuốc kháng nấm dạng uống

Loại thuốc này thường được dùng với  người bệnh bị viêm da dầu ở đầu nặng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Thuốc có tác dụng ức chế và làm chậm sự lây lan của vi nấm nhằm ngăn ngừa tổn thương da lan rộng ra. Thuốc kháng nấm thường được bác sĩ chỉ định là Itraconazole.

Thuốc kháng sinh dạng uống

Nếu người bệnh viêm da dầu ở đầu có dấu hiệu bội nhiễm hoặc tổn thương ở da đầu lan rộng thì bác sĩ sẽ cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh đường uống.

Ngoài các loại thuốc trên, để tăng hiệu quả điều trị, người bệnh cũng có thể được chỉ định dùng thêm biotin, cetirizin và viên uống bổ sung vitamin A… Trong trường hợp bị viêm da dầu ở đầu kéo dài, bác sỹ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng liệu pháp ánh sáng.

Liệu pháp này sử dụng tia UVA hoặc UVB để chiếu trực tiếp lên vùng da đầu mắc bệnh. Liệu pháp này giúp giảm vảy bong và cải thiện các triệu chứng viêm da dầu ở đầu. Tuy nhiên, người bệnh nên cân nhắc khi áp dụng phương pháp điều trị này vì nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư và thúc đẩy tốc độ lão hóa da.

Chữa viêm da dầu ở đầu bằng Đông y

Viêm da dầu ở đầu là một dạng của bệnh chàm và nó được xếp vào bệnh chàm thể thấp nhiệt.

Theo Đông y, căn nguyên gây viêm da dầu ở đầu là do tà nhiệt uất tích tụ dưới da. Tình trạng này gây nên các biểu hiện như da bong tróc vảy, ngứa và tóc bị bết dính. Để điều trị tận gốc tình trạng này, các bài thuốc Đông y đi sâu giải quyết nguyên nhân gây bệnh. Khi các yếu tố gây viêm da dầu ở đầu được giải quyết thì các triệu chứng của bệnh sẽ được đẩy lùi.

Các bài thuốc trị viêm da dầu không chỉ giúp tác động vào căn nguyên nhân gây bệnh mà nó còn giúp bồi bổ cơ thể, cải thiện chức năng của các cơ quan. Các bài thuốc Đông y cũng thường rất an toàn và không có tác dụng phụ như Tây y do vậy có thể sử dụng cho nhiều đối tượng khác nhau.

Một số bài thuốc:

Bài thuốc 1: Thuốc uống

Kim ngân hoa là thảo dược thường sử dụng trong Đông y để điều trị các bệnh ngoài da như hắc lào, mụn nhọt, rôm sảy, ghẻ lở. Để giảm viêm da dầu ở đầu, bạn có thể kết hợp thảo dược này với sinh địa, khổ sâm, kinh giới, tang bạch bì, bồ công anh… với lượng bằng nhau (khoảng 12gr). Rửa sạch các nguyên liệu trên và sắc lấy nước uống. Nên dùng hàng ngày cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

Kim ngân hoa là thảo dược thường được dùng để điều trị viêm da dầu ở đầu
Kim ngân hoa là thảo dược thường được dùng để điều trị viêm da dầu ở đầu

Bài thuốc 2: Thuốc uống

Ké đầu ngựa là thảo dược có vị đắng, tính ấm, có tác dụng giải biểu tân ôn. Ngoài sử dụng để điều trị các chứng bệnh như cảm phong hàn, phong thấp, nó còn được dùng để chữa viêm da dầu ở đầu và một số bệnh về da khác.

Bạn có thể chuẩn bị ké đầu ngựa, kim ngân hoa, cam thảo đất, cỏ mần trầu, kinh giới, thổ phục linh, bồ công anh mỗi loại 20gr. Cho tất cả các nguyên liệu trên vào sắc với nước. Khi nước cạn còn 1/3 thì tắt bếp, chắt lấy nước và chia thuốc thành nhiều phần để uống nhiều lần trong ngày.

Bài thuốc 3: Thuốc ngâm rửa

Ngoài dùng để uống, dùng nước kim ngân hoa bôi lên da còn giúp làm sạch vùng da đầu mắc bệnh và loại bỏ vảy bong. Nó cũng có thể làm giảm tổn thương da và ức chế nấm Malassezia. Đây là tác nhân thường gặp khiến viêm da dầu ở đầu bùng phát.

Bạn cần chuẩn bị sài đất, kim ngân hoa mỗi loại 30gr, rau má, kinh giới, lá khế mỗi loại 15gr. Rửa sạch tất cả các nguyên liệu trên và đun sôi. Sau khi nước nguội, bạn có thể dùng bông gòn thấm nước  và thoa lên vùng da bị tổn thương.

Bài thuốc 4: Thuốc ngâm rửa

Cũng tương tự như kim ngân hoa, đạm trúc diệp có thể giảm tổn thương da và ngăn ngừa vi khuẩn tấn công da. Bạn có thể kết hợp đạm trúc diệp với cây sơn và trầu không để tăng tính kháng khuẩn.

Đun sôi tất cả các nguyên liệu trên với nước. Khi nước nguội, dùng bông thấm nước và bôi lên vùng da bị tổn thương.

Xem thêm

Viêm da tiết bã có lây không? Ngăn ngừa bệnh như thế nào?

Điều trị viêm da dầu ở đầu bằng Đông y là phương pháp an toàn và có hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, hiệu quả của các phương pháp Đông y thường chậm hơn Tây y, do vậy người bệnh cần kiên trì khi dùng thuốc.

  • Người bệnh bị nên áp dụng phương pháp Đông y khi bệnh nhẹ hoặc đã sang giai đoạn ổn định. Ngoài ra, người bệnh chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ Đông y.
  • Khi dùng thuốc Đông y, người bệnh cũng cần lưu ý một số điều sau: Không sử dụng các bài thuốc ngâm, rửa nếu da đầu đang có vết loét và nhiễm trùng.
  • Một số thảo dược Đông y có thể gây kích ứng da, do vậy bạn nên thử một lượng nhỏ thuốc lên da trước khi áp dụng lên toàn bộ vùng da đầu mắc bệnh để tránh tình trạng dị ứng.
  • Phụ nữ có thai, trẻ nhỏ trước khi dùng thuốc cần hỏi ý kiến của bác sỹ, chuyên gia
  • Để tăng hiệu quả điều trị, người bệnh cần kết hợp các bài thuốc Đông y với chế độ chăm sóc khoa học và chế độ ăn uống hợp lý.
  • Công dụng của thuốc phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Nếu thấy bệnh không cải thiện sau một thời gian dài, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để tìm ra hướng điều trị phù hợp.

Giải pháp chăm sóc tại nhà

Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp Tây Y và Đông y, người bệnh cũng nên áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Chăm sóc, vệ sinh da đầu đúng cách sẽ giúp bệnh viêm da dầu ở đầu nhanh khỏi hơn hơn.

Dưới đây là những biện pháp chăm sóc tại nhà người bệnh nên biết:

Thường xuyên gội đầu

Gội đầu thường xuyên có thể giảm bã nhờn trên da gây ngứa ngáy, khó chịu. Nó cũng giảm hoạt động của nấm men Malassezia gây viêm da dầu ở đầu. Khi gội đầu, người bệnh nên sử dụng các loại dầu gội có tác dụng trị nấm, trị gàu. Khi gội không nên gãi mạnh vì sẽ làm bong tróc vùng da mắc bệnh, từ đó gây nhiễm trùng.

Xây dựng lối sống khoa học

Một lối sống khoa học kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh có thể tăng hiệu quả điều trị của thuốc và hạn chế bệnh tái phát. Người bệnh nên ngủ đủ giấc và hạn chế thức khuya; Không hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích…

Người bệnh viêm da dầu ở đầu không nên hút thuốc lá
Người bệnh viêm da dầu ở đầu không nên hút thuốc lá

Mẹo giúp giảm viêm da dầu ở đầu

Nếu chỉ bị viêm da dầu ở đầu mức độ nhẹ, bạn có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh bằng cách sử dụng các mẹo đơn giản, dễ làm dưới đây:

  • Dầu dừa

Acid lauric và acid capric trong dầu dừa có tính kháng khuẩn, kháng nấm tương đối mạnh do vậy nó giúp giảm viêm da dầu ở đầu hiệu quả. Bạn có thể thoa dầu dừa lên vùng da đầu mắc bệnh để một lúc sau đó gội sạch.

  • Nha đam

Các hoạt chất có trong nha đam giúp chống viêm, chống nấm hiệu quả. Sử dụng nha đam sẽ giúp ngăn ngừa viêm da dầu ở đầu không lan rộng và làm vùng da mắc bệnh mau lành hơn. Bạn có thể lấy gel nha đam xay nhuyễn sau đó thoa lên vùng da mắc bệnh. Sau 15 phút, gội đầu bằng nước sạch.

  • Giấm táo

Dùng giấm táo pha loãng để gội đầu có thể loại bỏ lớp vảy do viêm da dầu trên đầu hiệu quả. Nó cũng giúp ngăn ngừa triệu chứng của bệnh bùng phát.

  • Dầu olive

Dầu olive không chỉ dưỡng ẩm cho da đầu mà nó còn cải thiện tình trạng bong tróc da do viêm da dầu ở đầu. Bạn có thể dùng dầu olive bôi lên tóc và ủ tóc trong 1 giờ. Sau đó, bạn có thể dùng lược để chải sạch mảng bám, gàu trên da đầu sau đó gội sạch lại với nước.

  • Chanh

Acid citric trong chanh tươi có tác dụng bạt sừng và loại bỏ vảy bong hiệu quả. Để giảm viêm da dầu ở đầu, bạn có thể pha nước cốt chanh với nước để gội đầu.

  • Dầu cây trà

Dầu cây trà có tác dụng kháng viêm và ức chế vi khuẩn gây nhiễm trùng. Nó cũng có thể loại bỏ vảy bong và giảm tình trạng sưng đỏ do viêm da dầu ở đầu gây ra. Bạn có thể thêm tinh dầu cây trà vào dầu gội để gội đầu.

Lưu ý: Các mẹo trị viêm da dầu ở đầu này thường có tác dụng chậm. Do vậy, người bệnh nên dùng kết hợp với các loại thuốc hoặc dùng khi bị bệnh nhẹ.

Chế độ ăn uống cho người bị viêm da dầu ở đầu

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định căn nguyên gây bệnh cũng như phương pháp điều trị dứt điểm căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu người bệnh uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ và kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý thì bệnh sẽ thuyên giảm và ít tái phát.

Nên tăng cường ăn thực phẩm chống viêm
Nên tăng cường ăn thực phẩm chống viêm

Thực phẩm người bị viêm da dầu ở đầu không nên ăn:

Thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ: Những thực phẩm này có thể thúc đẩy hoạt động của tuyến bã nhờn và ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh. Các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ người bệnh nên tránh là: gà rán, khoai tây chiên, tương ớt…

Thực phẩm dễ gây dị ứng: Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản (tôm, cua, sò), trứng, các loại hạt có thể khiến bệnh của bạn tái phát và nặng hơn.

Thực phẩm chứa các chất kích thích: Các loại chất kích thích có trong rượu, bia, cà phê… không chỉ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch mà nó còn có thể tương tác với các loại thuốc và khiến bệnh viêm da dầu ở đầu nặng hơn.

Thực phẩm người bị viêm da dầu ở đầu nên ăn:

Thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa: Vitamin và chất chống oxy hóa trong các loại thực này có thể hạn chế quá trình bài tiết dầu thừa ở da và hạn chế hoạt động của nấm gây viêm da dầu ở đầu. Các loại thực phẩm người bị viêm da dầu ở đầu nên ăn là: Cà chua, lưu, cam, bưởi, việt quất, dâu tây…

Các loại rau, củ chứa nhiều chất xơ: Ăn các loại thực phẩm này không chỉ giúp cải thiện hệ tiêu hóa mà nó cũng mang lại nhiều lợi ích cho làn da. Thêm vào đó, các loại rau củ chứa nhiều vitamin có thể làm dịu vùng da bị tổn thương và tăng khả năng tái tạo tế bào da. Các loại rau củ tốt cho sức khỏe người bệnh nên ăn là cà rốt, bông cải xanh, cần tây…

Thực phẩm giàu omega-3: Omega-3 có trong các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt lanh hay trong các loại cá béo không chỉ tốt cho tim mạch mà còn giúp bảo vệ làn da. Thêm vào đó, omega-3 cũng giúp giảm viêm hiệu quả, do vậy nó giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý về da trong đó có viêm da dầu ở đầu.

Những biện pháp giúp phòng ngừa viêm da dầu ở đầu tái phát

Viêm da dầu ở đầu rất dễ tái phát khi gặp các điều kiện thuận lợi. Do vậy, người bệnh nên thực hiện các biện pháp dưới đây để phòng bệnh tái phát.

Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Điều này giúp tránh những tác dụng phụ có hại của thuốc và tăng hiệu quả điều trị.

Tránh gội đầu bằng nước quá nóng: Dùng nước quá nóng để gội đầu có thể gây khô da và làm bùng phát viêm da dầu ở đầu.

Tránh cào gãi mạnh: Cào gãi lên vùng da mắc bệnh có thể khiến tổn thương lan rộng, thậm chí gây bội nhiễm.

Thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu bệnh: Khi thấy dấu hiệu viêm da dầu ở đầu, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị. tuyệt đối không thực hiện các bài thuốc truyền miệng hoặc đơn thuốc của người khác vì có thể khiến bệnh nặng hơn.

Viêm da dầu ở đầu là bệnh da liễu phổ biến ở mọi lứa tuổi, giới tính. Căn bệnh này có thể gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ. Nếu không được điều trị hoặc điều trị sai cách, viêm da dầu ở đầu có thể lan rộng và tái đi tái lại nhiều lần. Do vậy, khi thấy vùng da đầu mắc bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng, có mủ, đóng vảy hoặc gây  đau đớn thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay.

Nên đọc:

5/5 - (2 bình chọn)

Bị mụn bọc nên ăn gì?
Bị viêm da tiết bã nên ăn gì, không ăn gì? [Theo chuyên gia]
Viêm da tiết bã nên ăn gì là mối quan tâm hàng đầu của những người không may mắc phải căn bệnh này. Chế độ ăn uống có tầm ảnh…

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *