Mãn kinh có thụ tinh nhân tạo được không và những điều cần biết
Bảng tóm tắt
Mãn kinh có thụ tinh nhân tạo được không là thắc mắc của nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là những người bị vô sinh, hiếm muộn. Đọc bài viết dưới đây để biết rõ câu trả lời.
Mãn kinh có thụ tinh nhân tạo được không?
Thông thường giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ 45 đến 54 tuổi nhưng cũng có trường hợp mãn kinh sớm tuổi 30 hoặc mãn kinh muộn khi bước sang tuổi 55. Vậy mãn kinh có mang thai được không? Mãn kinh có thụ tinh nhân tạo được không? Đó là câu hỏi của nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là những người bị vô sinh, hiếm muộn.
Theo các chuyên gia y tế, mãn kinh có mang thai được nhưng khả năng mang thai tự nhiên là điều rất khó bởi lúc này buồng trứng đã hoạt động suy yếu, không có kinh nguyệt, chất lượng trứng giảm đáng kể, thậm chí kết thúc quá trình rụng trứng. Vì thế, nếu chưa cắt bỏ buồng trứng và có điều kiện sức khỏe tốt, phụ nữ mãn kinh vẫn có thể mang thai bằng cách thụ tinh nhân tạo.
Đối với phụ nữ mới mãn kinh được 1-2 năm, chuyên gia có thể áp dụng biện pháp kích thích các nang noãn phát triển trở lại. Tuy nhiên tỉ lệ một bào thai hình thành thành công từ phương pháp này là rất thấp và không đảm bảo an toàn bởi các nang trứng phát triển ở thời điểm mãn kinh thường ẩn chứa bất thường trong nhiễm sắc thể và gây ra dị tật bẩm sinh.
Hiện nay với sự phát triển của y học, nhiều chị em phụ nữ nghĩ đến việc đông lạnh trứng trong độ tuổi sinh sản. Tương tự với đông lạnh tinh trùng, đây là phương pháp bảo quản trứng ở nhiệt độ thấp trong suốt nhiều năm trời. Khi muốn mang thai ở tuổi mãn kinh, chị em có thể sử dụng trứng này để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Còn nếu không có trứng dự trữ, chị em chỉ còn cách xin trứng của người hiến tặng.
Không chỉ thế giới mà ngay tại Việt Nam cũng có nhiều trường hợp phụ nữ ngoài 50 tuổi mang thai và sinh con thành công dù đã bước sang độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh. Mãn kinh có thụ tinh nhân tạo được không? – Câu trả lời sẽ rõ ràng nếu mọi người biết đến trường hợp của cô Nguyễn Thị Nguyệt (60 tuổi, giáo viên đã về hưu) ở Bắc Giang đăng trên báo vietnamnet ngày 19/8/2017 với tiêu đề “Kỳ tích, cô giáo 60 tuổi sinh quý tử, nuôi con bằng sữa mẹ”. Được biết trước đó hai vợ chồng cô đã có 2 người con gái nhưng không lâu sau đó một người đã mất vì bị ung thư.
Sau khi về hưu, vợ chồng cô muốn mang thai mặc dù tuổi đã cao. Nhưng vì tình trạng mãn kinh khiến cô khó thụ thai tự nhiên, cuối cùng năm 2015, cô Nguyệt đã thực hiện phương pháp biện pháp ICSI, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng. Đến ngày 18/2/2016, khi thai 37 tuần, cô Nguyệt đã sinh mổ con trai nặng 2.6kg tại BV Phụ sản Bắc Giang khi sang tuổi 60.
Ngoài ra, báo infonet.vn ngày 19/6/2019 có bài viết “Người phụ nữ Hà Nội 53 tuổi, mãn kinh 8 năm vẫn sinh con” nói về trường hợp của cô Phùng Thị Ngân, 53 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội sinh mổ bé trai 2,7 kg tại BV Phụ sản Hà Nội bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo sau khi mãn kinh 8 năm trời.
Thông qua những câu chuyện như vậy, Giáo sư Nguyễn Đình Tảo, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân Y (Hà Nội), cho biết phụ nữ đã mãn kinh hoàn toàn khả năng mang thai bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm nếu như niêm mạc tử cung tốt.
Quy trình thụ tinh nhân tạo cho phụ nữ mãn kinh như thế nào?
Phụ nữ mãn kinh có thụ tinh nhân tạo được không? – Câu trả lời là có. Quy trình thụ tinh nhân tạo cho phụ nữ ở tuổi mãn kinh sẽ được thực hiện như sau:
- Bước 1: Kích trứng
Ở tuổi mãn kinh, hiện tượng trứng rụng mỗi tháng như thời con gái là điều khó xảy ra. Do đó, bác sĩ cần áp dụng các biện pháp kích thích để nang trứng phát triển. Họ có thể tiêm vào cơ thể phụ nữ trong vòng 10-12 ngày các loại thuốc có chứa hormone kích thích nang trứng phát triển. Khi được đưa vào cơ thể, thuốc sẽ có tác dụng kích thích nhiều trứng phát triển để làm tăng cơ hội thụ thai.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các loại thuốc có chứa progesterone vào những ngày rụng trứng để tăng độ dày ở niêm mạc tử cung.
- Bước 2: Chọc hút trứng
Sau khi các nang trứng được kích thích phát triển thành công, bước tiếp theo, bác sĩ sẽ chọc hút lấy trứng bằng một cây kim và thiết bị hút. Ngay sau đó, trứng được đặt trong môi trường nuôi cấy và ủ, khi đủ điều kiện, nó sẽ được cấy với tinh trùng để tạo phôi.
- Bước 3: Tạo phôi thai
Ở bước này, nếu chất lượng tinh trùng và trứng tốt, bác sĩ sẽ tiến hành trộn tinh trùng với trứng và ủ trong một thời gian nhất định để hình thành phôi thai. Trong khi đó, nếu tinh trùng yếu, không đủ điều kiện tiếp cận trứng, nó sẽ được tiêm thẳng vào trứng để tăng khả năng thành công.
- Bước 4: Chọn phôi để cấy ghép thai
Các bác sĩ sẽ tiến hành nuôi cấy phôi thai trong phòng thí nghiệm khoảng 2-5 ngày để xác định bao nhiêu phôi có thể phát triển thành bào thai. Sau đó phôi thai sẽ được bác sĩ dẫn sâu vào bên trong tử cung. Trong thời gian cấy ghép thai, người mẹ cần nằm viện để theo dõi tình hình sức khỏe.
- Bước 6: Thử thai
Sau khoảng 2 tuần chuyển phôi, thai phụ sẽ được xét nghiệm kiểm tra nồng độ hCG để biết chắc chắn quá trình thụ tinh nhân tạo có thành công hay không.
Phụ nữ mãn kinh thụ tinh nhân tạo có thể gặp rủi ro gì?
Thụ tinh nhân tạo dù ở đối tượng nào cũng tiềm ẩn rủi ro và điều này càng nghiêm trọng khi phương pháp này được tiến hành khi phụ nữ đã mãn kinh. Trường hợp của cô Nguyệt ở trên đã từng bị rất nhiều bệnh viện ở Hà Nội từ chối bởi hoạt động này có thể kéo theo nhiều hệ lụy.
Mãn kinh có thụ tinh nhân tạo được không? – Rủi ro cho sức khỏe người mẹ
Mãn kinh có thụ tinh nhân tạo được, có mang thai được nhưng khi chị em cần chuẩn bị tinh thần vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng sức khỏe của bản thân, điển hình như:
- Không phải ai cũng may mắn thụ tinh nhân tạo thành công ngay chỉ 1 lần, quá trình này có thể kéo dài trong nhiều năm trời. Đương nhiên nó sẽ làm cho sức khỏe phụ nữ ngày càng giảm sút và gây tốn kém nhiều chi phí.
- Theo các chuyên gia y tế, mãn kinh đồng nghĩa với việc phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh về tiểu đường, huyết áp, tim mạch, loãng xương. Nếu mang thai ở thời điểm này, khả năng mắc bệnh càng cao.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản khó tránh khỏi việc sảy thai, thai chết lưu và phụ nữ mãn kinh cũng vậy. Tỉ lệ sảy thai ở giai đoạn này có thể lên đến 80%.
- Càng lớn tuổi sức khỏe chị em càng kém, sức đề kháng yếu nên dễ mắc nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó, nếu mang thai ở thời điểm này, có thể chị em sẽ phải dùng nhiều thuốc để giữ cho cơ thể khỏe mạnh và đương nhiên điều này không tốt cho cả mẹ lẫn bé.
- Quá trình chuyển dạ khó khăn, có thể gây chảy máu nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.
Tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe thai nhi
Phương pháp thụ tinh nhân tạo khi mãn kinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ mà còn tác động đến sự hình thành, phát triển của thai nhi, ví dụ như:
- Nang trứng phát triển bất thường về nhiễm sắc thể có thể dẫn đến dị tật thai nhi, tăng nguy cơ mắc hội chứng Down
- Khả năng thai nhi bị sinh non, chết lưu là rất cao nếu phụ nữ mang thai khi tuổi đã cao
- Đứa trẻ được sinh ra khi độ tuổi người mẹ đã cao có thể sẽ không được cung ứng đủ nguồn sữa mẹ cần thiết trong một năm đầu đời
Độ tuổi càng lớn, nguy cơ càng cao và cáng có nhiều khả năng gặp các biến chứng trong thai kỳ cũng như những vấn đề phức tạp khi sinh nở. Do đó, phụ nữ đã mãn kinh nên cân nhắc các rủi ro trước khi mang thai.
Phụ nữ mãn kinh mang thai cần lưu ý gì?
Mãn kinh có thụ tinh nhân tạo được không? – Câu trả lời là có. Tuy nhiên mang thai là một hành trình dài và đầy khó khăn đối với phụ nữ, đặc biệt với trường hợp mang thai khi mãn kinh. Để phòng tránh những rủi ro kể trên, chị em cần nhớ:
- Đến bệnh viện để bác sĩ tư vấn cụ thể về tình hình sức khỏe
- Thực hiện đầy đủ các bài kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi tiến hành thụ tinh nhân tạo
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh như rau củ quả, cá, ngũ cốc, các loại đậu, thịt, trứng,….tránh ăn đồ cay, nóng, nhiều dầu mỡ
- Không hút thuốc, rượu bia khi mang thai để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi
- Uống bổ sung các loại thuốc bổ bổ sung sắt, axit folic cần thiết trong thời gian mang thai
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!