Phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm chuẩn nhất hiện nay
Bảng tóm tắt
Thoát vị đĩa đệm là bệnh xương khớp phổ biến, thường tiến triển từ từ, gây cảm giác đau nhức, tê bì làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Nếu không được chữa trị sớm hoặc thực hiện sai phác đồ điều trị có thể khiến bệnh trở nặng, đe dọa khả năng vận động. Vậy, đâu là phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm chính xác nhất?
Thông tin tổng quát về thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm lệch ra khỏi vị trí bình thường và chèn ép lên các dây thần kinh.
Thông thường, bệnh lý này là kết quả của các sang chấn hoặc do đĩa đệm bị thoái hóa, biểu hiện dưới những triệu chứng như đau nhức, tê bì chân tay, suy giảm chức năng cơ, khó vận động…
Cụ thể, các nguyên nhân chính làm khởi phát bệnh phải kể đến như:
- Do làm việc, lao động quá sức, ngồi sai tư thế khiến đĩa đệm và cột sống bị tổn thương.
- Do quá trình lão hóa, đĩa đệm bị mất nước, xơ cứng.
- Là di chứng, kết quả của các chấn thương vùng lưng.
- Xuất phát từ các bệnh lý vùng cột sống như gù, vẹo, thoái hóa cột sống…
- Béo phì tạo gánh nặng lớn lên đĩa đệm cột sống.
Thoát vị đĩa đệm chỉ biểu hiện thông qua những cơn đau ê ẩm khiến nhiều người có tâm lý chủ quan, nhầm lẫn với tình trạng đau lưng thông thường. Điều này rất nguy hiểm, dễ làm bệnh trở nặng, phát sinh các biến chứng phức tạp, trong đó nặng nhất có thể gây bại liệt.
Phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm hiệu quả
Như đã đề cập, việc phát hiện sớm và có cách điều trị thoát vị đĩa đệm kịp thời sẽ giúp người bệnh ngăn cản các biến chứng nguy hiểm đồng thời phục hồi sức khỏe một cách tốt nhất.
Cụ thể, dưới đây là phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm chuẩn của Bộ Y tế đang áp dụng hiện nay.
Tiến hành chẩn đoán bệnh
Sau khi phát hiện các triệu chứng bất thường liên quan đến đốt sống, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để tiến hành thăm khám và chẩn đoán bệnh. Tại đây, người bệnh cần khai báo trung thực thời gian bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của từng triệu chứng đó.
Ngoài việc tiếp nhận thông tin từ người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện kiểm tra thực thể thông qua các phương pháp như chụp X – quang, chụp bao rễ thần kinh, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ…
Dựa trên kết quả này, bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán chính xác về nguyên nhân, tình trạng bệnh để từ đó có hướng điều trị phù hợp nhất.
Phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu
Phương pháp này có tác dụng phục hồi chức năng các đốt sống, đĩa đệm bị tổn thương, thoái hóa. Tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh mà bác sĩ có thể lựa chọn và áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu sau:
- Phương pháp kéo giãn vật lý: Phương pháp này giúp các đốt sống, phần cơ, đĩa đệm được kéo giãn từ đó làm giảm áp lực lên các rễ thần kinh. Nhờ vậy các cơn đau do thoát vị đĩa đệm được đẩy lùi.
- Phương pháp điện trị liệu: Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành sử dụng các loại sóng ngắn, siêu âm, laser… cho phép xuyên vào các gân, cơ, dây chằng giúp phá tan những điểm đau, co xoắn cơ. Ngoài ra, loại sóng điện từ này còn hỗ trợ cải thiện chuyển hóa vi tuần hoàn, kích thích khả năng tái tạo tế bào từ đó phục hồi các tổn thương.
- Phương pháp châm cứu, bấm huyệt: Phương pháp này hoạt động dựa trên nguyên tắc gây ức chế các dây thần kinh cảm giác từ đó làm dịu các cơn đau song song với tăng khả năng tuần hoàn máu.
Phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm bằng thuốc
Các loại thuốc Tây y được liệt trong phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Với bậc 1, người bệnh sử dụng thuốc uống paracetamol. Bậc 2 được chỉ định sử dụng thuốc uống paracetamol kết hợp với tramadol hoặc codein và bậc 3 là dẫn xuất của opiat.
- Nhóm thuốc chống viêm không steroid, ví dụ như diclofenac, meloxicam, piroxicam,celecoxib, etoricoxib…
- Nhóm thuốc giãn cơ, ví dụ như eperison, tolperisone…
- Nhóm thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm, ví dụ như piascledine, diacerhein…
- Dòng thuốc tiêm tại chỗ corticoid.
Thuốc Tây chữa thoát vị đĩa đệm được kê đơn dựa trên nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh. Việc dùng sai thuốc có thể khiến người bệnh đối mặt với các vấn đề như bệnh trở nặng, phát sinh tác dụng phụ, gây tình trạng nhờn thuốc…
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, người bệnh cần tránh tuyệt đối tình trạng tự ý mua và dùng thuốc khi chưa thông qua ý kiến của bác sĩ.
Phác đồ điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được sử dụng trong trường hợp các phương pháp trên không đem lại kết quả tích cực hoặc người bệnh bị hẹp ống sống, cấu trúc đốt sống bất thường. Trong trường hợp đĩa đệm thoái hóa quá nhiều và không thể phục hồi, người bệnh có thể xem xét thực hiện thay đĩa đệm nhân tạo.
Lưu ý, đốt sống có chứa rất nhiều dây thần kinh vì vậy việc phẫu thuật tại khu vực này tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu tối đa các biến chứng hậu phẫu thuật, người bệnh nên lựa chọn điều trị tại các cơ sở y tế uy tín.
Lưu ý khi điều trị thoát vị đĩa đệm
Để đảm bảo hiệu quả điều trị thoát vị đĩa đệm một cách tốt nhất, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:
- Tránh mang vác vật nặng, làm việc quá sức hoặc ngồi sai tư thế, duy trì một tư thế trong thời gian dài.
- Tránh làm việc quá sức, để cơ thể stress kéo dài, ngủ không đủ giấc.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học, nên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi chất cần thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định, với người béo phì có thể thực hiện giảm cân nhưng cần lựa chọn phương pháp giảm cân khoa học.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, nhất là các bài tập tốt cho sức khỏe xương khớp như đi bộ, yoga, bài tập gập gối…
- Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào… làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của sụn khớp, đĩa đệm.
Trên đây là các thông tin chi tiết liên quan đến phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm chuẩn nhất hiện nay. Ngoài việc tuân thủ những phác đồ này, người bệnh cũng cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe cũng như xây dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!