Hẹp ống sống cổ có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
Bảng tóm tắt
Hẹp ống sống cổ là bệnh lý xảy ra khi ống sống ở cổ bị thu hẹp do thoái hóa hoặc chấn thương. Tình trạng này có thể khiến người bệnh bị đau cứng cổ, thậm chí liệt nửa người. Vậy hẹp ống sống cổ là bệnh gì, cách điều trị ra sao?
Hẹp ống sống cổ là gì? Có nguy hiểm không?
Cũng tương tự như tình trạng hẹp ống sống thắt lưng, hẹp ống sống cổ là một phần của chứng thoái hóa đốt sống cổ. Bệnh xảy ra khi ống sống cổ bị thu hẹp và chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh. Tình trạng này có thể gây ra một loạt các triệu chứng nghiêm trọng ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể tại vị trí của tủy sống hoặc bên dưới tủy sống. Hẹp ống sống cổ thường gặp ở người cao tuổi, có rất ít người trẻ mắc phải căn bệnh này.
Trong đó, đau, tê yếu chân tay hoặc các chi trên cơ thể không phối hợp với nhau là những tác hại nghiêm trọng mà hẹp ống sống cổ có thể gây ra. Hẹp ống sống cổ nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì ít gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu để tình trạng hẹp ống sống tiến triển đè lên tủy sống và các dây thần kinh thì nó có thể gây một số biến chứng nguy hiểm như: Tê yếu chân tay, khó giữ thăng bằng, tiểu tiện không kiểm soát… thậm chí là liệt nửa người.
Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh hẹp ống sống cổ
Bệnh hẹp ống sống cổ có thể xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên trong cơ thể. Tuổi tác gia tăng có thể khiến xương khớp bị thoái hóa hoặc hao mòn, từ đó làm thu hẹp không gian mở bên trong ống sống. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp gây ra chứng hẹp ống sống cổ:
- Gai đốt sống cổ: Sự hao mòn và tổn thương do thoái hóa khớp trên xương cột sống có thể thúc đẩy sự hình thành của gai đốt sống cổ. Gai này có thể phát triển quá mức và chèn ép vào ống sống cổ.
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Đĩa đệm được xem là “bộ giảm xóc” giữa các đốt sống, tuy nhiên, theo tuổi tác nó có thể bị khô và mòn dần. Các vết nứt ở bên ngoài đĩa đệm có thể khiến thành phần bên trong của nó thoát ra ngoài và đè ép lên tủy sống hoặc dây thần kinh cổ.
- Giãn dây chằng cổ: Theo thời gian, các sợi dây chằng bao quanh khớp có thể bị cứng lại và dày lên, từ đó gây chèn ép ống sống và gây hẹp ống sống cổ.
- Khối u: Các khối u phát triển bất thường trong vùng tủy cổ hoặc trong không gian giữa tủy sống và đốt sống cũng có thể là nguyên nhân gây hẹp ống sống cổ. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh hẹp ống sống cổ này thường khá hiếm gặp.
- Chấn thương cột sống: Chấn thương cột sống do tai nạn xe hơi hoặc các nguyên nhân khác có thể gây trật khớp, gãy một hoặc nhiều đốt sống. Xương bị lệch do gãy cột sống có thể đâm vào trong ống sống và gây áp lực lên các dây thần kinh hoặc tủy sống.
Hẹp ống sống cổ thường không gây ra các triệu chứng cho đến khi tủy sống bị nén ít nhất 30%. Ống sống chèn ép vào tủy sống trước thường gây rối loạn chức năng vận động, chèn vào tủy sống sau thường gây rối loạn cảm giác.
Các triệu chứng của hẹp ống sống cổ có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng dần theo thời gian. Ngoài ra, triệu chứng của bệnh còn phụ thuộc vào độ rộng hẹp của ống sống và dây thần kinh nào ở ống sống cổ đang bị ảnh hưởng.
Những người bị hẹp ống sống cổ có thể không nhận biết được mình mắc bệnh trong giai đoạn đầu. Ví dụ những thay đổi nhỏ khi viết chữ hoặc bạn cần phải mất nhiều thời gian hơn khi mặc quần áo vào buổi sáng… Tuy nhiên, theo thời gian, các triệu chứng của bệnh có thể rõ ràng hơn, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng dưới đây:
- Yếu hoặc tê tay: Tay bị yếu hoặc tê là triệu chứng thường gặp ở người bị hẹp ống sống cổ. Tình trạng này có thể khiến người bệnh gặp khó khăn khi cầm nắm. Ngoài ta, người bệnh cũng có thể bị yếu hoặc tê cánh tay, chân.
- Giảm kỹ năng vận động tinh: Người bệnh có thể gặp khó khăn hơn với việc sử dụng các cơ nhỏ ở tay và bàn tay khi thực hiện các động như đánh máy, viết chữ, cài cúc áo sơ mi hoặc cắm chìa khóa vào cửa.
- Những thay đổi khi di chuyển: Khi bị hẹp ống sống cổ, người bệnh có thể cảm thấy chân mình nặng nề, khó có thể di chuyển nhanh và gặp khó khăn khi thăng bằng.
- Đau hoặc cứng cổ: Cổ của người bệnh có thể bị đau hoặc giảm phạm vi cử động, trong một số trường hợp, khi xoay cổ có thể nghe thấy tiếng kêu lục cục.
- Đau dây thần kinh: Người bị hẹp ống sống cổ có thể nhận thấy cánh tay và chân xuất hiện những cơn đau ngắt quãng, đặc biệt là khi cúi đầu về phía trước.
Nếu chứng hẹp ống sống cổ tiếp tục tiến triển và chèn ép thêm vào tủy sống thì trong giai đoạn sau các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện. Chúng có thể bao gồm:
- Tiểu tiện không kiểm soát: Người bệnh có thể gặp khó khăn khi kiểm soát bàng quang và ruột, từ đó gây ra tình trạng tiểu tiện không cảm giác.
- Liệt chi: Hẹp ống sống cổ nặng có thể khiến người bệnh bị tê liệt hoàn toàn các chi.
Cách chẩn đoán hẹp ống sống cổ
Chẩn đoán và điều trị hẹp ống sống cổ kịp thời có thể làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng như tiểu không tự chủ, tê liệt chi. Tuy nhiên, việc chẩn đoán căn bệnh này thường khá khó khăn do hẹp ống sống cổ có triệu chứng tương tự một số căn bệnh khác như đa xơ cứng, thiếu hụt vitamin B12… Do vậy, bạn cần đến bệnh viện được bác sĩ thăm khám nhằm xác định chính xác căn bệnh mà bạn đang mắc phải.
Để chẩn đoán bệnh, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, yếu tố nguy cơ và các triệu chứng lâm sàng mà bạn đang trải qua. Nếu nghi ngờ bị hẹp ống sống cổ, bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp MRI, chụp X quang và CT Scan …để xác định chẩn đoán.
- Chụp MRI: Phương pháp này sử dụng sóng điện từ để quan sát hình ảnh 3 chiều cột sống của bạn. Nó cũng có thể cho thấy khu vực đốt sống ở cổ có khối u hay không.
- Chụp X quang: Cách chụp này sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra những bất thường ở cột sống
- Chụp CT với tủy đồ: Trong phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc có tác dụng cản quang vào trong khoang của dịch não tủy để kiểm tra mức độ bị chèn ép của tủy sống và các dây thần kinh.
Điều trị hẹp ống sống cổ
Phương pháp điều trị hẹp ống sống cổ sẽ phụ thuộc vào vị trí của sống bi hẹp và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Bạn có thể tùy vào tình trạng bệnh của mình mà lựa chọn 3 phương pháp điều trị sau đây: Đông y, Tây y, biện pháp điều trị tại nhà.
Tây y trị hẹp ống sống cổ
Tây y là phương pháp được nhiều người sử dụng khi bị hẹp ống sống cổ. Phương pháp này giúp giảm nhanh chóng cá triệu chứng khó bệnh. Nếu chỉ bị hẹp ống sống cổ nhẹ, người bệnh sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc như:
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc chống viêm không streroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen có thể giảm các triệu chứng do đau nhức khớp xương nhanh chóng.
- Thuốc chống trầm cảm: Sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng như amitriptyline có thể giúp giảm đau mãn tính hiệu quả.
- Thuốc chống động kinh: Một số loại thuốc chống động kinh như Neurontin và pregabalin (Lyrica) có thể được sử dụng để giảm đau do dây thần kinh bị tổn thương.
Khi các triệu chứng của ống sống cổ trở nên rõ ràng và kéo dài liên tục thì phương pháp phẫu thuật được áp dụng để ngăn chặn bệnh trở nên tồi tệ hơn. Mục tiêu của phẫu thuật ống sống là giảm bớt sự chèn ép của tủy sống để ngăn ngừa tổn thương thêm.
Các loại phẫu thuật thường được áp dụng khi bị hẹp ống sống cổ sống cổ là:
- Cố định đốt sống trước: Khi áp dụng phương pháp phẫu thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ gai xương, đĩa đệm phát triển bất thường có thể gây cản trở tủy sống.
- Tiếp cận cột sống từ phía sau: Bác sĩ có thể tiếp cận ống sống cổ từ phía sau nhằm loại bỏ áp lực lên cột sống.
- Phẫu thuật ACDF (tên đầy đủ là Anterior cervical decompression and fusion): Phương pháp này được áp dụng cho những bệnh nhân bị hẹp ống sống cổ do viêm khớp.
- Phẫu thuật mở rộng lỗ liên hợp: Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân bị hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm.
Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật có thể giảm các triệu chứng của hẹp ống sống cổ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, người bệnh có thể thấy tình trạng của mình tồi tệ hơn hoặc họ phải đối mặt với những rủi ro khi phẫu thuật như nhiễm trùng, rách màng bao bọc tủy sống, cục máu đông trong tĩnh mạch…
Đông y
Theo Đông y, hẹp ống sống cổ xảy ra do 2 nguyên nhân đó là phong hàn thấp tà và thận khí bị hư suy. Do vậy, để điều trị bệnh, các thầy thuốc Đông y thường kê đơn cho người bệnh các loại thuốc có tác dụng bồi bổ khí huyết, kinh thông hoạt lạc. Dưới đây là những bài thuốc chữa hẹp ống cổ thường được sử dụng:
- Bài thuốc 1: Ba chìa, bạch phụ tử, thiên nam tinh, triết bối mẫu, bạch cam toại, bọ cạp, uất kim mỗi vị thuốc 10g, vỏ quýt khô, hạt rau cải canh mỗi loại 6g, mộc hương 4g, sinh mẫu 15g, phục linh 12g. Rửa sạch tất cả nguyên liệu trên sau đó sắc thuốc uống hàng ngày.
- Bài thuốc số 2: Cây địa hoàng, mai ba ba, xuyên khung, đỗ trọng mỗi vị thuốc 10g, quế chi, tế tân mỗi loại 3g, cam thảo, hạt rau cải canh, bào khương mỗi vị thuốc 6g, xuyên ngưu tất 12g. Rửa sạch thuốc để loại bỏ tạp chất sau đó cho tất cả nguyên liệu trên vào ấm và sắc lấy nước uống trong ngày/ mỗi ngày 1 thang và uống hết thuốc trong ngày.
Các bài thuốc Đông y được nhiều người tin tưởng vì nó sử dụng các loại thảo dược thiên nhiên nên khá an toàn với người bệnh. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này thường khá chậm, do vậy người bệnh cần phải kiên trì thực hiện.
Điều trị tại nhà
Phương pháp này được áp dụng khi bạn bị hẹp ống sống nhẹ và triệu chứng của bệnh không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Theo đó, bạn có thể thực hiện một số điều sau:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc: Một số thói quen bạn thường làm khi sinh hoạt hoặc làm việc như giữ cổ ở một số tư thế nhất định quá lâu có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng hẹp ống sống. Ngoài ra, mang vác vật hoặc hoặc thực hiện các hoạt động quá sức… cũng có thể gây tổn thương cột sống ở cổ và khiến bạn bị hẹp ống sống.
- Bài tập hẹp ống sống cổ tại nhà: Người bệnh có thể áp dụng các bài tập giúp giảm tình trạng hẹp ống sống như yoga, đi bộ… phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh của mình.
- Chườm ấm hoặc chườm mát: Sử dụng khăn ấm hoặc khăn mát chườm lên vùng da bị đau có thể giúp giảm các triệu chứng khó chịu do hẹp ống sống.
Cần lưu ý gì khi điều trị và phòng ngừa hẹp ống sống cổ
Để quá trình phòng ngừa và điều trị hẹp ống sống cổ hiệu quả, bạn có thể thực hiện một số cách dưới đây:
- Kiểm soát cân nặng: Thừa cân, béo phì có thể gây áp lực lên cột sống và gây ra bệnh hẹp ống sống cổ.
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ: Các loại thuốc được sử dụng để điều trị hẹp ống sống cổ thường chỉ phát huy hiệu quả khi dùng đúng cách, đúng liều lượng. Thêm vào đó, việc sử dụng các loại thuốc điều trị còn tiềm ẩn một số tác dụng phụ nguy hiểm do vậy người bệnh nên cẩn trọng.
- Hạn chế mang vác vật nặng: Mang vác vật nặng thường xuyên có thể gây áp lực lên cột sống và dây chằng. Do vậy, người bệnh nên hạn chế khuân vác vật nặng.
- Tập luyện điều độ: Tập luyện thể thao điều độ có thể giúp xương khớp và cơ bắp dẻo dai hơn. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về bài tập phù hợp với tình trạng bệnh của mình.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Người bệnh nên ăn các thực phẩm giàu dưỡng chất để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Các thực phẩm nên ăn là: rau, củ quả, cá, các loại hạt…
Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh bị hẹp ống sống cổ sẽ không phải đối mặt với những triệu chứng khó chịu và các biến chứng nguy hiểm. Bởi vậy, khi có bất kỳ triệu chứng nào cảnh báo bệnh, bạn cũng nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và xác định nguyên nhân.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!