Rạn nứt da ở tuổi dậy thì: Chỉ cách khắc phục và ngăn ngừa cho các bạn trẻ
Bảng tóm tắt
Rạn da không chỉ là vấn đề của người trưởng thành, của các mẹ bầu hay người béo phì. Thanh thiếu niên cũng có thể gặp nhiều rắc rối với chúng. Rạn nứt da ở tuổi dậy thì có thể không quá nghiêm trọng, nhưng chúng có thể gây mất thẩm mỹ, khiến các bạn trẻ tự ti về ngoại hình, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý.
Rạn nứt da ở tuổi dậy thì là như thế nào? Do đâu?
Tuổi dậy thì kéo theo rất nhiều thay đổi. Đó là thời điểm mà thanh thiếu niên đang dần thiết lập bản sắc của riêng mình và phát triển tính cách mới. Họ cũng trải qua quá trình biến đổi thể chất (do thay đổi nội tiết tố) và thường để lại một số dấu vết, ví dụ như các dấu vết trên da.
Nguyên nhân gây rạn nứt da ở tuổi dậy thì
Cấu trúc làn da bao gồm ba lớp chính: Hạ bì, trung bì và thượng bì. Rạn da là tình trạng đứt gãy liên kết giữa các mô dưới da, cụ thể là liên kết giữa collagen và elastin, ở tầng hạ bì hoặc trung bì.
Đây là hiện tượng thường gặp do da bị kéo căng da quá mức trong thời gian dài, đồng thời cortisone gia tăng cũng làm ảnh hưởng đến mức collagen trên da. Các liên kết bị đứt gãy không được phục hồi sẽ tạo nên vết rạn hay các vết sẹo nhỏ xấu xí.
Trong độ tuổi thanh thiếu niên, cả bé trai và bé gái đều có thể trải qua quá trình tăng trưởng, kéo căng da và để lại vết rạn da. Chúng cũng có thể là kết quả của quá trình tăng hoặc giảm cân nhanh chóng.
Nhìn chung, các yếu tố làm tăng nguy cơ rạn nứt da ở tuổi dậy thì bao gồm:
Biến động hormone: Trong giai đoạn dậy thì, cơ thể sẽ sản xuất ra lượng hormone rất cao để phát triển tuyến lông/tóc, vú, cũng như hoàn thiện cấu trúc của cơ quan sinh dục. Sự gia tăng hormone này cũng có thể khiến da mất đàn hồi và xuất hiện các vết rạn.
Di truyền: Nếu thanh thiếu niên có người thân cận huyết bị rạn nứt da khi dậy thì, thì họ cũng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này. Theo các chuyên gia di truyền học, các yếu tố như cấu trúc da, độ đàn hồi, săn chắc của da, nồng độ nội tiết tố… cũng có tính chất di truyền.
Tăng/giảm cân và tăng chiều cao: Song song với việc hoàn thiện các cơ quan sinh dục, cơ thể phát triển nhanh chóng về cân nặng và chiều cao. Điều này khiến da bị kéo giãn quá mức một cách đột ngột và gây ra rạn da. Ngược lại, sự giảm cân đột ngột (do ăn kiêng hoặc bệnh lý nào đó) cũng có thể gây ra tình trạng này.
Cấu trúc da: Những người có làn da mỏng và khô thường có nguy cơ bị rạn nứt da ở tuổi dậy thì, tổn thương da hơn những người sở hữu làn da dầu.
Dùng thuốc: Lạm dụng kem bôi chứa corticoid (như kem trộn, thuốc điều trị hội chứng Cushing) có thể làm tăng nguy cơ rạn nứt da ở tuổi dậy thì. Bởi lẽ, corticoid có thể làm giảm nồng hộ collagen, gây teo da và thúc đẩy hình thành vết rạn.
Nhận diện dấu hiệu rạn da tuổi dậy thì
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ, có khoảng 40% nam giới vị thành niên, đặc biệt là những người tích cực tham gia thể thao và 70% nữ giới vị thành niên bị rạn da.
Các vết rạn nứt da ở tuổi dậy thì thường xuất hiện tại vị trí:
- Hông
- Mông
- Đùi
- Ngực
- Bụng
- Lưng dưới và lưng trên (bao gồm cả vai)
- Bắp tay
- Đầu gối và chân (thỉnh thoảng)
Tùy thuộc vào màu da và mức độ nặng nhẹ, ban đầu, các vết rạn có thể có màu đỏ, tím hoặc hồng. Sau đó, chúng có thể chuyển thành màu trắng, bạc, hơi sáng bóng, lõm xuống so với bề mặt da khỏe mạnh.
Cách trị rạn da tuổi dậy thì tại nhà
Rạn da ở tuổi dậy thì có hết không và làm sao để hết rạn da ở tuổi dậy thì? Câu trả lời là KHÔNG. Rạn nứt da ở tuổi dậy thì là tình trạng khó có thể tránh khỏi và không có cách nào để bạn loại bỏ chúng hoàn toàn. Chúng chỉ có thể mờ đi theo thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện đủ các biện pháp phòng ngừa và chăm sóc da đúng cách, bạn có thể cải thiện được các vết rạn da.
Nếu bạn đang ở độ tuổi thanh thiếu niên và không biết nên bắt đầu điều trị vết rạn nứt da ở tuổi dậy thì như thế nào, bạn có thể làm theo những lời khuyên được đưa ra dưới đây và trao đổi với bác sĩ để có những lựa chọn điều trị phù hợp.
Áp dụng các nguyên liệu tự nhiên
Bạn có thể tận dụng những nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong căn bếp hay vườn nhà để hỗ trợ làm mờ các vết rạn. Những mẹo dưới đây phù hợp với rạn da thời kỳ đầu, mức độ nhẹ.
Sử dụng nha đam
- Thoa gel lô hội trực tiếp lên vùng da bị rạn sau khi tắm.
- Hoặc, trộn gel lô hội với vitamin E và vitamin A để thoa lên vùng da rạn.
- Áp dụng mỗi ngày.
Sử dụng lòng trắng trứng
- Đánh bông 1 lòng trắng trứng.
- Thoa lòng trắng trứng lên da bị rạn, để khô hoàn toàn rồi rửa sạch da bằng nước.
- Áp dụng mỗi ngày.
Dùng đường kính
- Trộn đường với dầu dừa hoặc dầu hạnh nhân để tạo thành hỗn hợp sệt.
- Cho thêm 3 – 5 giọt nước cốt chanh tươi vào hỗn hợp.
- Chà hỗn hợp lên khu vực da bị rạn trong 10 phút.
- Thực hiện 2 – 3 lần/tuần trước khi tắm, áp dụng liên tục trong 1 tháng.
Nước ép cà chua
- Ép lấy nước cốt cà chua, trộn cùng ½ thìa cà phê mật ong và một chút nước.
- Thoa hỗn hợp cà chua và mật ong lên vùng da bị rạn
- Để khô tự nhiên.
- Rửa sạch với nước trong 10 phút.
- Áp dụng mỗi ngày.
Áp dụng liệu pháp hương thơm hay sử dụng tinh dầu
Sử dụng tinh dầu hoặc liệu pháp hương thơm có thể hỗ trợ làm mờ rạn nứt da ở tuổi dậy thì.
Các loại tinh dầu và dầu nền có thể hỗ trợ điều trị rạn da tốt bao gồm:
- Dầu dừa giúp dưỡng ẩm, tăng độ đàn hồi cho da
- Dầu argan giúp ngăn ngừa và làm mờ vết rạn da
- Dầu tầm xuân kích thích sản xuất collagen
- Dầu hạnh nhân đắng ngăn ngừa rạn da khi tăng cân quá mức
- Tinh dầu lựu và chiết xuất huyết rồng giúp tăng độ dày, đàn hồi và độ ẩm của da
- Tinh dầu hoa cam neroli làm sáng da
- Tinh dầu hoa oải hương thúc đẩy hình thành mô hạt, sản xuất collagen
Cách sử dụng rất đơn giản:
- Pha loãng 2 – 3 giọt tinh dầu (như tinh dầu hoa cam, tinh dầu oải hương) với 1 thìa cà phê dầu nền (như dầu dừa, dầu olive) rồi thoa lên các vùng da bị rạn.
- Nếu sử dụng dầu nền, bạn không cần pha loãng.
- Massage dầu nhẹ nhàng lên da để tinh dầu thấm sâu vào da.
- Áp dụng mỗi ngày.
Lưu ý: Nên chọn tinh dầu nguyên chất và ngưng sử dụng nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, như buồn nôn, chóng mặt, ngứa da, phát ban…
Trị rạn da tuổi dậy thì bằng Tây y
Có nhiều biện pháp khắc phục vết rạn da, nhưng luôn nhớ rằng việc loại bỏ vết rạn da là một quá trình cần sự kiên trì, nhẫn nại. Bên cạnh việc tự chăm sóc da tại nhà theo các gợi ý ở trên, các bạn trẻ có thể áp dụng thêm các loại kem trị rạn, dầu giảm rạn hoặc phẫu thuật, sử dụng công nghệ cao.
Kem bôi, thuốc trị rạn da
Trên thị trường có rất nhiều loại kem bôi, gel hay lotion giúp điều trị rạn da. Kem retinoid dẫn xuất từ vitamin A và sản phẩm chứa acid glycolic có thể giúp kích thích sản xuất sản xuất collagen, giúp da đàn hồi, giảm rạn. Ngoài ra, các sản phẩm chứa các hoạt chất như glycerin, pantolactone, panthenol, palmitoyl tetrapeptide-5 và sodium hyaluronic acid… cũng có thể hỗ trợ trị rạn tiềm năng.
Ngoài các sản phẩm bôi ngoài ra, các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vitamin E, C, vitamin tổng hợp… cũng có thể được nhiều chuyên gia da liễu khuyến nghị nên sử dụng để hỗ trợ điều trị rạn từ bên trong.
Phẫu thuật thẩm mỹ và công nghệ cao
Mặc dù rạn da không phải là một tình huống nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sự hiện diện của các vết rạn da có thể khiến khổ chủ cảm thấy tự ti, xấu hổ. Khi những loại kem trị rạn da không thể mang lại hiệu quả như lời quảng cáo, các bạn trẻ có thể tìm hiểu các cách điều trị chuyên sâu hơn, như phẫu thuật thẩm mỹ hoặc áp dụng công nghệ cao.
Liệu pháp laser nhuộm màu tia dạng xung: Thúc đẩy sản xuất collagen và elastin. Áp dụng cho trường hợp rạn da mới.
Phương pháp quang nhiệt phân đoạn (Fractional Photothermolysis): Cũng thúc đẩy sản xuất elastin và collagen, nhưng hạn chế được tổn thương có thể xảy ra trong quá trình điều trị.
Phương pháp sử dụng chùm tinh thể: Kích thích sự phát triển của collagen để hình thành làn da mới. Áp dụng cho tất cả trường hợp bị rạn da, kể cả rạn da lâu năm.
Phương pháp Laser excimer: Giúp kích thích sự sản xuất màu da (melanin), giúp da đều màu.
Phương pháp siêu mài mòn da (Microdermabrasion): Áp dụng các tinh thể nhỏ để chà xát lên lớp da trên cùng, qua đó làm mờ dần các vết rạn da.
Phương pháp lăn kim vi điểm (Microneedling): Bác sĩ sử dụng các mũi kim nhỏ chích lên da để kích thích sản xuất collagen, giúp tái tạo da và giảm rạn da.
Phẫu thuật thẩm mỹ: Có 2 phương pháp phẫu thuật điều trị rạn da chủ yếu là căng da nội soi và phẫu thuật tạo hình thành bụng.
Các bác sĩ và chuyên gia da liễu thường không khuyến nghị lựa chọn điều trị bằng phương pháp này cho thanh thiếu niên. Bởi lẽ, thanh thiếu niên chưa trưởng thành hoàn toàn về thể chất. Các vết rạn da phát triển trong thời niên thiếu tuy không mất hẳn, nhưng có thể mờ dần theo thời gian. Hơn nữa, các phương pháp này có nguy cơ để lại sẹo và có giá thành khá cao.
Phòng ngừa rạn nứt da ở tuổi dậy thì thế nào?
Trong giai đoạn dậy thì, các vết rạn da mới vẫn có thể phát triển thêm. Do đó, các biện pháp phòng ngừa thường phát huy tác dụng tốt hơn trong những trường hợp như vậy.
Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp thanh thiếu niên hạn chế các vết rạn da nghiêm trọng trong tuổi dậy thì:
Tập luyện điều độ
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, kể cả thanh thiếu niên, đều nên duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên, đều đặn. Ngoài việc làm săn chắc cơ thể, tập thể dục còn giúp ngăn ngừa tình trạng tăng cân quá mức. Điều này giúp làn da tránh khỏi tình trạng bị kéo căng không cần thiết và hạn chế phát triển các vết rạn hoặc hạn chế mức độ nghiêm trọng của các vết rạn.
Tránh mất nước
Giữ cho cơ thể luôn đủ nước là điều quan trọng. Cơ thể bị mất nước sẽ kéo theo da khô, dễ kéo căng và tổn thương hơn. Điều này tạo điều kiện cho các vết rạn da phát triển.
Bạn nên uống đủ nước (khoảng 2 – 2,5 lít nước/ngày) và ăn các thực phẩm mọng nước (như dưa hấu, dưa chuột, trái cây…).
Dưỡng ẩm thường xuyên
Cùng với việc giữ ẩm từ bên trong, làn da của bạn cần được dưỡng ẩm bổ sung từ bên ngoài. Massage da với các loại sữa dưỡng thể, kem bôi hoặc dùng xịt khoáng có thể cấp thêm nước, dưỡng chất cho da. Da được dưỡng ẩm thích hợp sẽ tăng tính đàn hồi và khỏe mạnh hơn. Điều này có thể giúp đỡ rất nhiều trong việc ngăn ngừa các vết rạn da.
Sử dụng kem chống nắng
Tiếp xúc với tia cực tím có thể gây tổn thương da theo nhiều cách. Bên cạnh việc tăng nguy cơ cháy nắng, nó có thể khiến các vết rạn da trở nên rõ nét hơn. Do đó, hãy thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài trời, đặc biệt là ở các vùng da không được quần áo che đậy.
Thực hiện theo một chế độ ăn uống cân bằng
Các dưỡng chất trong thực phẩm lành mạnh rất quan trọng để duy trì làn da khỏe mạnh và sức khỏe tổng thể. Chúng cũng giúp kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa béo phì hoặc tăng cân mất kiểm soát. Những yếu tố này có thể giúp ngăn ngừa các vết rạn da và hạn chế các yếu tố gây ra chúng.
Thanh thiếu niên nên hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, nước ngọt, soda, bánh kẹo… Thay vào đó, nên ăn nhiều trái cây tươi, rau củ, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo…
Trên đây là những giải đáp về rạn nứt da ở tuổi dậy thì là gì, rạn nứt da ở tuổi dậy thì có hết không và làm sao để hết rạn da ở tuổi dậy thì. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào về tình trạng này, độc giả nên tham vấn bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu.
Thông tin quan trọng:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!