Rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh: Chớ nên xem thường!
Bảng tóm tắt
Rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh là vấn đề rất nhiều chị em gặp phải khi bước vào giai đoạn lão hóa của cơ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít chị em còn chưa thực sự hiểu về tình trạng này dẫn đến việc chậm trễ khi điều trị hay lựa chọn sai phương pháp. Để giúp chị em có thêm kiến thức về vấn đề này, chuyên trang chúng tôi sẽ mang đến cho chị em những thông tin hữu ích nhất.
Rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh là gì?
Rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh (còn gọi tắt là rong kinh tiền mãn kinh) là một trong những triệu chứng rối loạn kinh nguyệt thường gặp của phụ nữ trong giai đoạn lão hóa. Ở chị em bình thường, chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài từ 28 – 32 ngày và thời gian hành kinh trung bình từ 3 – 5 ngày.
Tuy nhiên, khi bị rong kinh, chu kỳ kinh nguyệt của chị em có thể kéo dài trên 7 ngày (hiện tượng này được lặp đi lặp lại theo chu kỳ kinh của chị em). Bên cạnh đó, lượng máu kinh trong mỗi chu kỳ cũng nhiều hơn bình thường (nếu bị rong kinh, lượng máu trong trong thời gian hành kinh của phụ nữ khoảng 80ml, trong khi đó, người bình thường chỉ khoảng 50 – 80ml).
Rong kinh có thể được hiểu là tình trạng hành kinh vẫn đúng chu kỳ nhưng ngày hành kinh kéo dài và lượng máu kinh nhiều hơn bình thường. Tình trạng rong kinh ở tuổi tiền mãn kinh có thể khiến chị em phải thay băng vệ sinh liên tục mỗi giờ, đặc biệt về ban đêm, máu kinh sẽ ra nhiều hơn bình thường. Máu kinh thường vón cục lớn kèm theo triệu chứng đau bụng dưới. Đặc biệt, nếu tình trạng rong kinh kèm theo cường kinh trong suốt một thời gian dài có thể khiến chị em mệt mỏi và thiếu máu.
Nguyên nhân bị rong kinh tiền mãn kinh
Trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường của phụ nữ, nửa đầu chu kỳ, estrogen sẽ được kích thích bài tiết ra nhằm làm dày nội mạc tử cung, hỗ trợ các tuyến trong nội mạc tử cung phát triển và kích thích nang trứng hoàn thiện. Vào nửa chu kỳ sau, khi trứng rụng, các nang trứng sẽ bắt đầu tiết hormone progesterone để tiếp tục hỗ trợ làm dày lớp niêm mạc nội mạc tử cung, hỗ trợ lưu thông máu và tân tạo các mạch máu ở nội mạc tử cung. Điều này tạo ra môi trường rất tốt để trứng làm tổ trong buồng tử cung.
Nếu trong chu kỳ kinh nguyệt, trứng không được thụ thai thì nội mạc tử cung sẽ bị bong tróc, đó là cơ chế hình thành kinh nguyệt ở nữ giới. Do vậy, tính chu kỳ của kinh nguyệt cũng được quyết định bởi tính chu kỳ của sự bài tiết hormone sinh dục.
Tuy nhiên, ở thời kỳ tiền mãn kinh, có trường hợp trứng không được giải phóng ở buồng trứng mặc cho estrogen vẫn được sinh ra, lúc này, cơ thể chị em không đủ lượng progesterone để cân bằng estrogen, gây nên tình trạng rong huyết.
Tình trạng rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh được chia làm 2 dạng, mỗi trường hợp lại có nguyên nhân khác nhau:
Tình trạng rong kinh thực thể: Đây là dạng rong kinh thường gặp ở chị em tiền mãn kinh, đặc biệt phổ biến ở những chị em hay mắc các bệnh như polyp tử cung, viêm nội mạc tử cung, u xơ tử cung,… Tình trạng này xảy ra khi những tổn thương ở tử cung và buồng trứng kéo dài, gây nên hiện tượng máu kinh có mùi hôi khó chịu.
Tình trạng rong kinh cơ năng: Hiện tượng rong kinh này có thể do những rối loạn về nội tiết tố trong thời kỳ tiền mãn kinh ở chị em gây ra. Khi chị em bước vào thời kỳ tiền mãn kinh sẽ không tránh khỏi sự suy yếu của các bộ phận trên cơ thể, trong đó có buồng trứng và tuyến yên. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng sản sinh hormone sinh dục ở phụ nữ, gây nên rong kinh hay những vấn đề rối loạn kinh nguyệt khác. Bên cạnh đó, một số yếu tố gây nên tình trạng rong kinh cơ năng ở phụ nữ tiền mãn kinh như:
- Chị em lạm dụng thuốc tránh thai trong thời kỳ tiền mãn kinh
- Phụ nữ phải chịu áp lực, căng thẳng và mất ngủ kéo dài
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt của chị em trong thời kỳ này không hợp lý
- Nghiện thuốc lá, rượu bia và chất kích thích.
Rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh nguy hiểm ra sao?
Rong kinh thời kỳ tiền mãn kinh là một trong những dấu hiệu phổ biến của thời kỳ lão hóa của cơ thể mà nhiều chị em gặp phải. Tuy nhiên, chị em không nên chủ quan, thờ ơ bỏ qua tình trạng này bởi có thể mang đến những ảnh hưởng sức khỏe không lường trước được.
- Nguy cơ nhiễm khuẩn ngược dòng:
Trong những ngày “đèn đỏ”, do lượng máu kinh quá nhiều khiến không ít chị em tìm đến phương pháp dùng cốc nguyệt san hay tampon. Những cách này nếu không được sử dụng đúng phương pháp có thể dẫn đến nhiễm khuẩn ngược dòng, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến vô sinh hay tử vong. Tình trạng viêm nhiễm xảy ra khi bị rong kinh ở phụ nữ tiền mãn kinh xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng do sự thay đổi của hormone trong cơ thể.
Hiện tượng viêm nhiễm khi phụ nữ tiền mãn kinh bị rong kinh khiến cho vùng kín chị em luôn trong tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Từ đó, chị em có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa như viêm nhiễm âm đạo, khô rát âm đạo, nấm âm đạo,…
- Nguy cơ thiếu máu:
Tình trạng rong kinh kéo dài khiến chị em mất đi lượng máu lớn trong cơ thể. Nếu không có chế độ dinh dưỡng khoa học, nghỉ ngơi hợp lý trong giai đoạn này, chị em rất dễ có nguy cơ thiếu máu về sau. Đồng thời, trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em luôn cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung và dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng…
- Tình trạng khó chịu, đau mỏi vùng bụng, lưng:
Phụ nữ bị rong kinh thời kỳ tiền mãn kinh có thể kèm theo một số biểu hiện khác như đau bụng kinh, đau mỏi vùng lưng, vùng bụng dưới lan xuống 2 đùi và chân… Những cơn đau dữ dội hay âm ỉ khiến chị em cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, không thể tập trung vào công việc, lâu dần nảy sinh tâm lý sợ hãi đến chu kỳ kinh nguyệt.
Hiện tượng rong kinh ở tuổi tiền mãn kinh ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe phụ nữ. Vì thế, vấn đề quan tâm hàng đầu của phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh mắc phải tình trạng này chính là điều trị rong kinh như thế nào? Phương pháp nào hiệu quả hiện nay?
Điều trị rong kinh tiền mãn kinh? Đâu là phương pháp phổ biến?
Tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ bị rong kinh của mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn lựa chọn phương pháp chữa rong kinh ở tuổi tiền mãn kinh hợp lý nhất.
Điều trị rong kinh tuổi tiền mãn kinh bằng phương pháp nội khoa
Điều trị rong kinh tuổi tiền mãn kinh bằng thuốc thường được chỉ định cho các bệnh nhân không có bất thường về tình trạng sức khỏe. Một số phương pháp trị liệu điển hình như sau:
- Sử dụng thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs): Những thuốc loại này có tác dụng hỗ trợ làm giảm lượng máu kinh trong chu kỳ và giảm tình trạng đau bụng kinh hiệu quả.
- Thuốc Tranexamic acid: Thuốc có tác dụng cầm máu nhanh, giúp chị em hạn chế lượng máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Loại thuốc này có thể sử dụng trong chu kỳ kinh nguyệt và mang lại hiệu quả cầm máu nhanh chóng ngay khi sử dụng. Tuy nhiên, thuốc Tranexamic acid không sử dụng cho những chị em bị rối loạn đông máu, huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối não, tắc động mạch võng mạc…
- Thuốc tránh thai dạng viên: Ngoài tác dụng ngăn ngừa khả năng mang thai, thuốc tránh thai thường được sử dụng điều trị rối loạn kinh nguyệt, hỗ trợ làm giảm máu kinh và rút ngắn ngày hành kinh ở chị em.
- Thuốc nội tiết tố progesteron dạng uống: Bổ sung hormone progesterone theo đường uống sẽ giúp cơ thể nhanh chóng cân bằng lượng nội tiết tố. Từ đó, thuốc hỗ trợ làm giảm các triệu chứng khó chịu trong thời kỳ tiền mãn kinh.
- Sử dụng dụng cụ phóng thích hormone: Một số dụng cụ tử hỗ trợ phóng thích hormone như vòng tránh thai Liletta hay Mirena sẽ phóng thích một loại hormone có tác dụng tương tự như progesterone. Hormone này sẽ hỗ trợ làm mỏng lớp niêm mạc tử cung, hỗ trợ giảm lượng máu kinh trong chu kì và giảm đau bụng kinh cho chị em.
Điều trị rong kinh ở tuổi tiền mãn kinh bằng phương pháp ngoại khoa
Trong trường hợp điều trị rong kinh bằng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện điều trị bằng phương pháp ngoại khoa như:
- Phẫu thuật nong, nạo buồng trứng tử cung: Các bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng dụng cụ nong cổ tử cung, sau đó thực hiện nạo hoặc hút lớp tế bào niêm mạc cổ tử cung để làm giảm tình trạng rong kinh ở chị em.
- Phẫu thuật phá hủy tế bào nội mạc tử cung: Bác sĩ sẽ sử dụng tia laser, sóng cao tần, nhiệt… để phá hủy lớp lót nội mạc tử cung nhằm ngăn ngừa tình trạng chảy máu nhiều.
- Thực hiện thuyên tắc động mạch tử cung: Đối với những bệnh nhân bị mất máu quá nhiều do hiện tượng rong kinh ở tuổi tiền mãn kinh, bác sĩ có thể thực hiện bơm thuốc để làm tắc động mạch tử cung, ngăn ngừa nguồn cung cấp máu đến vùng tử cung của phụ nữ. Khi lượng máu ở tử cung bị hạn chế, tình trạng rong kinh sẽ được cải thiện.
- Phẫu thuật điều trị bệnh phụ khoa: Một số phẫu thuật như mổ nội soi hay mổ hở để xử lý các bệnh phụ khoa, giúp chấm dứt tình trạng rong kinh cũng có thể được chỉ định thực hiện. Nếu người bệnh bị u xơ tử cung, có thể bệnh nhân phải thực hiện phẫu thuật nội soi bóc tách u xơ để ngăn ngừa máu chảy nhiều, hoặc cắt bỏ hoàn toàn tử cung, buồng trứng và các phần phụ liên quan nếu bệnh nhân bị bệnh ung thư về phụ khoa.
Những bệnh nhân mắc bệnh lý phụ khoa nếu không có nguyện vọng mang thai ở tuổi tiền mãn kinh thì cũng có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, tử cung để tránh nguy cơ bệnh tái phát và rong kinh kéo dài.
Chữa rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh bằng đông y
Đông y quan niệm muốn chữa dứt điểm bệnh thì cần phải điều trị chuyên sâu vào căn nguyên bệnh, vì thế, điều trị rong kinh tiền mãn kinh cũng phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh ở mỗi người. Hiện nay, có khá nhiều bài thuốc đông y chữa rong huyết tuổi tiền mãn kinh hiệu quả, an toàn, chị em có thể tham khảo:
- Bài thuốc đông y chữa rong kinh do khí hư:
Tình trạng rong kinh do khí hư khiến chị em mệt mỏi, máu kinh loãng, tâm trạng hay lo lắng, nghĩ ngợi nhiều… Để chấm dứt tình trạng này, bài thuốc đông y kết hợp các thành phần như đương quy, thang ma, sao đen, phục linh, đẳng sâm. Đem tất cả các nguyên liệu đun sôi, sử dụng liên tục từ 2 – 3 tuần để mang lại hiệu quả cao (nên ngừng sử dụng thuốc từ 5 – 7 trước chu kỳ kinh nguyệt).
- Bài thuốc đông y chữa rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh do huyết nhiệt:
Bài thuốc có các thành phần thảo dược như cam thảo, bạch thược, xuyên khung, hoàng cầm, cỏ mực, hoàng liên… Đun sôi các vị thuốc kể trên (đun lửa nhỏ khoảng 20 phút) rồi đem uống mỗi ngày. Để có hiệu quả cao, chị em nên uống thuốc ít nhất 2 tuần. Bài thuốc có tác dụng hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc, làm mát huyết, điều hòa cơ thể để chấm dứt các hiện tượng như đỏ mặt, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, máu kinh đỏ sẫm, vón cục…
- Bài thuốc đông y chữa rong kinh tiền mãn kinh do thận âm hư:
Bài thuốc kết hợp 8 loại thảo dược gồm trắc bá diệp, quy bản, hoài sơn, trạch tả, phục linh, bạch thược, thục địa, đơn bì. Cho thêm 600ml vào nồi chứa các thảo dược rồi đun sôi cho đến khi nước thuốc cô đặc còn khoảng 200ml thì tắt bếp. Sử dụng thuốc ít nhất 7 ngày để có hiệu quả tốt.
Điều trị rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh bằng mẹo dân gian
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, áp dụng những mẹo dân điều trị rong kinh tiền mãn kinh cũng được nhiều chị em lựa chọn bởi sự an toàn. Một số mẹo dân gian mà phụ nữ tiền mãn kinh bị rong kinh có thể áp dụng:
- Dùng ngải cứu: Ngải cứu có vị cay, tính ấm, đắng, hơi ôn, giúp điều hòa kinh nguyệt rất hiệu quả. Chị em lấy khoảng 30g ngải cứu khô sắc với 1 lít nước, đun sôi cho đến khi nước thuốc cô đặc còn khoảng 500ml thì tắt bếp. Chia thuốc uống ngày 3 lần, có thể sử dụng thay nước uống hàng ngày (Có thể sử dụng nước ngải cứu trước 1 tuần hoặc trong suốt chu kỳ hành kinh đều được).
- Dùng cây huyết dụ: Cây huyết dụ có tính mát và vị đắng nhạt, mang lại tác dụng cầm máu, bổ huyết, tiêu ứ. Chị em dùng 20g lá huyết dụ tươi thái nhỏ, đun sôi cùng 200ml nước (đun nhỏ lửa cho đến khi nước thuốc còn lại 1 nửa), chắt lấy nước và sử dụng ngày 2 lần.
- Sử dụng quế: Quế có công dụng loại bỏ tạp chất, hỗ trợ lưu thông và tuần hoàn máu tốt hơn. Vì thế, sử dụng quế có tác dụng cải thiện tình trạng đau bụng kinh và rong kinh cho phụ nữ. Chị em lấy khoảng 1 thìa cà phê bột quế pha với nước nguội, uống hàng ngày (mỗi ngày 3 lần) để làm giảm lượng máu mất đi do rong kinh. Chị em cũng có thể mua trà quế uống thay trà hàng ngày cũng mang lại hiệu quả tương tự như cách trên.
Chị em cần lưu ý rằng, hiệu quả của các mẹo dân gian kể trên còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, cơ địa và mức độ bị rong kinh của chị em. Vì thế, mỗi người sẽ có hiệu quả điều trị khác nhau, chị em cần kiên trì áp dụng trong thời gian dài để thấy được hiệu quả của các phương pháp đó.
Rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Nếu không may gặp phải tình trạng này, chị em cần liên hệ ngay đến cơ sở y tế và tiếp nhận điều trị từ bác sĩ chuyên khoa để nhanh chóng chấm dứt rong kinh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!