Trào ngược dịch mật có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Trào ngược dịch mật là bệnh tiêu hóa không quá phổ biến và thường bị xem nhẹ. Nhưng thực tế, bệnh lý này thường kéo theo trào ngược dạ dày thực quản và có thể gây ra những biến chứng vô cùng nghiêm trọng. Những thông tin dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu được thế nào là trào ngược dịch mật cũng như mức độ nguy hiểm và cách điều trị căn bệnh này.

Bệnh trào ngược dịch mật dạ dày là gì?

Dịch mật là loại dịch được tiết ra từ gan, có màu vàng xanh, vị đắng và tính kiềm. Sau khi được tiết ra, loại dịch này theo ống dẫn mật đi vào tá tràng làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn, giúp hấp thụ các loại vitamin tan trong dầu.

Trào ngược dịch mật là bệnh lý xảy ra khi van môn vị hoạt động không hiệu quả, để cho dịch mật cùng thức ăn trào ngược lên dạ dày
Trào ngược dịch mật là bệnh lý xảy ra khi van môn vị hoạt động không hiệu quả, để cho dịch mật cùng thức ăn trào ngược lên dạ dày.

Dịch mật được dẫn đến ruột non để làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn tại bộ phận này, tuy nhiên, cũng giống như ở dạ dày có van tâm vị ngăn thức ăn trào ngược lên thực quản, giữa ruột non và dạ dày cũng có van môn vị làm nhiệm vụ ngăn thức ăn đi ngược lại lên dạ dày.

Khi van này hoạt động không hiệu quả, thức ăn đi cùng dịch mật sẽ bị đẩy ngược lên dạ dày, hiện tượng này gọi là trào ngược dịch mật. Nếu ở người bệnh, van tâm vị cũng hoạt động không hiệu quả, dịch mật sẽ tiếp tục đi lên cả vùng thực quản.

Nguyên nhân gây dịch mật trào ngược

Sự tổn thương của van môn vị có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, đa phần gây ra bởi biến chứng của một số bệnh lý khác. Dưới đây là một số nguyên nhân chính khiến van môn vị bị hở, hoạt động suy yếu gây ra trào ngược dịch mật:

  • Phẫu thuật túi mật: những người từng điều trị các bệnh liên quan đến túi mật như sỏi mật, u túi mật, viêm teo túi mật bằng phẫu thuật có nguy cơ mắc trào ngược dịch mật cao hơn so với thông thường.
  • Phẫu thuật dạ dày: tương tự như phẫu thuật túi mật, phẫu thuật cắt dạ dày có thể gây ra những tổn thương cho môn vị. Vì vậy bệnh nhân đã từng trải qua phẫu thuật dạ dày cũng có nguy cơ cao bị trào ngược dịch mật.
  • Viêm loét dạ dày tá tràng: khi dạ dày bị viêm loét, việc tiêu hóa thức ăn sẽ khó khăn và chậm chạp hơn. Thức ăn được giữ lâu trong dạ dày gây ra nhiều áp lực cho môn vị khiến cơ quan này dần dần suy yếu và hoạt động không đúng chức năng, gây ra trào ngược dịch mật.
  • Do quá trình tiêu hóa thức ăn: quá trình tiêu hóa tại dạ dày diễn ra không hiệu quả do bệnh lý hoặc thói quen thường xuyên ăn quá no cũng khiến thức ăn ứ đọng lâu tại dạ dày, khiến cơ môn vị bị quá tải, suy yếu dần dẫn đến dịch mật trào ngược.

Triệu chứng bệnh trào ngược dịch mật

Trào ngược dịch mật có nhiều triệu chứng khá tương đồng với trào ngược dạ dày thực quản, vì vậy mà thường gây nhầm lẫn cho người bệnh:

  • Đau vùng thượng vị: đây là một triệu chứng phổ biến ở người bị trào ngược dịch mật. Người bệnh sẽ bị đau tức từng cơn ở vùng bụng trên hoặc đôi khi cảm thấy nóng rát cồn cào ở vùng ngực.
  • Ợ nóng: dịch mật trào ngược gây ra cảm giác tức nghẹn, ăn uống không trôi. Lúc này cơ thể sẽ phản ứng bằng cách ợ nóng để giảm cảm giác khó chịu ở vùng ức.
  • Buồn nôn và nôn: đây cũng là triệu chứng xuất hiện ở cả trào ngược dạ dày thực quản, tuy nhiên buồn nôn do trào ngược dịch mật có thể xác định dễ dàng khi quan sát thấy chất nôn có màu hơi xanh và cảm giác đắng miệng khi nôn.
  • Ho khan: dịch mật trào ngược có thể tác động gây tổn thương niêm mạc họng, dẫn tới ho khan, khàn giọng và mất tiếng.
Trào ngược dịch mật có khá nhiều triệu chứng tương đồng với trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dịch mật có khá nhiều triệu chứng tương đồng với trào ngược dạ dày thực quản.

Khi các triệu chứng này xuất hiện thường xuyên, người bị trào ngược dịch mật sẽ rơi vào tình trạng chán ăn, mệt mỏi, tiêu hóa kém và sụt cân. Vì vậy điều người bệnh nên làm là tới bệnh viện thăm khám ngay khi các triệu chứng xuất hiện để được xác định chính xác tình trạng bệnh và điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Trào ngược dịch mật có nguy hiểm không?

Nhiều người bệnh có suy nghĩ rằng trào ngược dịch mật là căn bệnh không mấy nghiêm trọng, không cần chạy chữa vẫn có thể khỏi được. Tuy nhiên, thực tế trào ngược dịch mật có tự khỏi được không?

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh lý này không tự khỏi. Trái lại, nếu bệnh nhân chủ quan không điều trị sớm, bệnh thường tiến triển rất nhanh. Thêm vào đó, căn bệnh này thường đi kèm với trào ngược dạ dày thực quản gây ra tổn thương nặng nề cho hệ thống tiêu hóa trên, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm khó lường:

  • Trào ngược dịch mật dạ dày: dịch mật khi trào ngược lên dạ dày lâu ngày gây tác động tới tâm vị khiến cơ quan này hoạt động không bình thường. Dịch mật vì thế có thể tiếp tục đi lên thực quản, thậm chí là vòm họng; gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe của cả hệ tiêu hóa và hệ hô hấp.
  • Viêm hang vị dạ dày – trào ngược dịch mật: đây là bệnh lý rất dễ xảy ra ở bệnh nhân trào ngược dịch mật vì hang vị dạ dày là vị trí chịu ảnh hưởng nhiều của dịch mật trào ngược nên dễ bị viêm loét.
  • Viêm loét chảy máu thực quản: niêm mạc thực quản khi phải tiếp xúc lâu ngày với axit và dịch mật trong dịch vị dạ dày sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới viêm loét và chảy máu.
  • Hẹp thực quản: hẹp thực quản xảy ra khi những vết viêm loét được chữa lành để lại sẹo. Đây là một biến chứng nghiêm trọng gây ra triệu chứng khó nuốt do thức ăn gặp khó khăn để đi xuống dạ dày.
  • Viêm đường hô hấp: dịch mật trào ngược hoàn toàn có thể xâm nhập lên vùng thanh quản và họng gây ra những tổn thương ở đường hô hấp. Người bệnh vì thế có thể gặp phải nhiều bệnh lý hô hấp gây ra do trào ngược dịch mật như: viêm phế quản, viêm amidan, viêm phổi; nặng hơn có thể bị viêm tuyến giáp hay viêm tai.
  • Barrett thực quản: trào ngược dịch mật có thể là nguyên nhân gây ra barrett thực quản (tỷ lệ xảy ra biến chứng này ở khoảng 10-15%).
  • Ung thư thực quản: người bị trào ngược dịch mật mạn tính sẽ có nguy cơ đối mặt với biến chứng ung thư thực quản.

Chẩn đoán trào ngược dịch mật như thế nào?

Việc điều trị trào ngược dịch mật được thực hiện trên cơ sở đưa ra chẩn đoán xác định loại bệnh và mức độ tổn thương. Ba phương pháp chẩn đoán phổ biến được sử dụng hiện nay là:

  • Nội soi: nội soi xác định trào ngược dịch mật được thực hiện như nội soi dạ dày thông thường. Hình ảnh nội soi sẽ giúp bác sĩ xác định có dịch mật đi lên dạ dày qua môn vị không và kiểm tra tình trạng tổn thương ở dạ dày và thực quản. Ngoài ra phương pháp này còn giúp xác định vi khuẩn HP có trong dạ dày không – Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày.
  • Thử nghiệm acid Ambulatory: phương pháp này sử dụng một ống mỏng có gắn đầu dò luồn qua mũi đi vào thực quản để xác định khoảng thời gian axit dạ dày đi vào thực quản.
  • Đo lường độ PH: đây là phương pháp đặc biệt hữu ích với những người bị trào ngược dạ dày. Đo lường lượng chất lỏng trào ngược giúp xác định mức độ bệnh để đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Đo lường lượng chất lỏng trào ngược và khoảng thời gian axit trào ngược là một trong những phương pháp giúp chẩn đoán trào ngược dịch mật
Đo lường lượng chất lỏng trào ngược và khoảng thời gian axit trào ngược là một trong những phương pháp giúp chẩn đoán trào ngược dịch mật.

Điều trị trào ngược dịch mật hiệu quả – Lời khuyên từ chuyên gia

Sau khi đã chẩn đoán xác định trào ngược dịch mật và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ đề xuất biện pháp điều trị phù hợp nhất. Thông thường bệnh trào ngược dịch mật có thể khắc phục tốt bằng thuốc, tuy nhiên với những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật.

Dùng thuốc chữa trào ngược dịch mật

Phác đồ điều trị trào ngược dịch mật thường sử dụng các loại thuốc sau:

  • Thuốc làm giảm triệu chứng đau bụng, buồn nôn: loại thuốc được sử dụng phổ biến là Ursodeoxycholic.
  • Thuốc làm giảm hoặc loại bỏ dịch mật khỏi dạ dày: như Cisaprid, Colestid, Questran…
  • Thuốc ức chế bơm proton: đây là loại thuốc có tác dụng giảm tiết axit dịch vị dạ dày, từ đó ngăn chặn tình trạng trào ngược kéo theo dịch mật xâm nhập lên thực quản.

Các loại thuốc này đều cần được sử dụng theo đơn kê, bệnh nhân không được tự ý dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Sử dụng thuốc tùy tiện có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Phẫu thuật

Đối với những trường hợp nặng không thể điều trị bằng thuốc hoặc dùng thuốc không đem lại kết quả khả quan, biện pháp phẫu thuật sẽ được sử dụng. Hiện nay có hai phương pháp phẫu thuật điều trị trào ngược dịch mật là phẫu thuật biến dạng và phẫu thuật chống trào ngược:

  • Phẫu thuật biến dạng: tiến hành can thiệp tạo một ống kết nối mới nhằm dẫn dịch mật về hỗng tràng thay vì đổ vào tá tràng như thông thường. Tỷ lệ thành công của phương pháp này ở mức cao (từ 50-90%), nó phù hợp với những bệnh nhân đã từng phẫu thuật dạ dày để loại bỏ pylorus.
  • Phẫu thuật chống trào ngược: đây là một phẫu thuật phức tạp nhằm hồi phục khả năng co thắt của cơ vòng thực quản, từ đó ngăn chặn được trào ngược dịch mật và dịch vị dạ dày.

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt

Điều chỉnh thói quen ăn uống sinh hoạt là biện pháp hỗ trợ điều trị rất tích cực cho bệnh nhân trào ngược dịch mật. Trong quá trình điều trị bằng thuốc, hoặc ngay cả khi đã khỏi bệnh; người bệnh vẫn cần thực hiện tốt những lưu ý dưới đây để thúc đẩy hồi phục nhanh chóng và phòng chống bệnh tái phát.

Một chế độ ăn uống lành mạnh cần được duy trì song song trong quá trình điều trị trào ngược dịch mật cũng như sau khi khỏi bệnh để phòng chống tái phát
Một chế độ ăn uống lành mạnh cần được duy trì song song trong quá trình điều trị trào ngược dịch mật cũng như sau khi khỏi bệnh để phòng chống tái phát.

Lưu ý về chế độ ăn – Trào ngược dịch mật nên ăn gì?

  • Rau củ và trái cây: cung cấp nguồn chất xơ, vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể; giúp ích cho hoạt động tiêu hóa, giảm triệu chứng trào ngược và tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Một số loại rau quả nên dùng là: rau cải, súp lơ, rau bina, đậu cô ve, dưa leo, dưa hấu, chuối, táo, lựu…
  • Tinh bột: bổ sung đầy đủ tinh bột từ các thực phẩm thân thiện với hệ tiêu hóa như gạo tẻ, bánh mì, yến mạch, lúa mạch có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa và trung hòa axit dạ dày dư thừa hiệu quả.
  • Chất đạm từ thịt trắng: như thịt ngan, thịt lợn, cá… không gây ra gánh nặng tiêu hóa nên rất có ích cho bệnh nhân có các triệu chứng trào ngược.
  • Gừng, nghệ: sử dụng với lượng vừa phải giúp giảm đau, kháng viêm hiệu quả, hỗ trợ hồi phục những tổn thương và viêm loét do trào ngược gây ra.

Một số thực phẩm bệnh nhân trào ngược dịch mật không nên ăn:

  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn gây khó tiêu, tạo áp lực cho cơ quan tiêu hóa.
  • Thực phẩm cay nóng, chua; thực phẩm chứa chất kích thích làm nghiêm trọng hơn những tổn thương bên trong dạ dày và thực quản.
  • Thực phẩm chứa nhiều gia vị, chất bảo quản, chất phụ gia: gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa đang bị tổn thương và làm gia tăng nguy cơ ung thư.

Một số lưu ý về thói quen ăn uống và sinh hoạt:

  • Nên chia nhỏ bữa ăn để giảm gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày, hạn chế tình trạng trào ngược xảy ra.
  • Sau khi ăn xong, không nên vận động mạch, đi nằm hoặc làm việc ngay.
  • Tạo thói quen ăn uống đúng giờ, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Nên tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe, duy trì vóc dáng; giúp giảm đáng kể nguy cơ trào ngược.
  • Dành thời gian thư giãn, chăm sóc bản thân; tránh căng thẳng, lo âu kéo dài sẽ khiến bệnh tiêu hóa nghiêm trọng hơn.

Trào ngược dịch mật là bệnh lý đường tiêu hóa không thể coi thường. Ngay khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng gây nguy hiểm cho sức khỏe và khó khăn cho điều trị.

4.8/5 - (15 bình chọn)
Nổi mề đay vào ban đêm khiến nhiều người khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ
Nguyên nhân bị nổi mề đay vào ban đêm và cách chữa nhanh
Chật vật với những cơn ngứa ngáy, khó chịu do nổi mề đay vào ban đêm khiến cho người dễ bị mất ngủ, hay cáu gắt, chán chường, ảnh hưởng…

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *