Bị viêm da tiếp xúc do côn trùng có sao không? Hướng xử lý như thế nào?

Tiếp xúc với nọc độc hoặc bị côn trùng cắn là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm da tiếp xúc. Viêm da tiếp xúc do côn trùng thường xảy ra vào sau mùa thu hoạch hay tháng giao mùa, mưa bão nhiều. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra những khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu không xử lý tốt, viêm da tiếp xúc có thể dẫn đến bội nhiễm và hình thành sẹo trên da.

Viêm da tiếp xúc côn trùng là bệnh lý thường gặp
Viêm da tiếp xúc do côn trùng là bệnh lý thường gặp

Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng là gì?

Bệnh viêm da tiếp xúc có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là do côn trùng.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng là một dạng cấp tính của da với tác nhân gây kích ứng từ côn trùng. Ở Việt Nam, bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng thường xuất hiện vào mùa mưa bão, có thể bùng phát thành dịch và rải rác suốt cả năm.

Bệnh viêm da tiếp xúc có thể xuất hiện do bị côn trùng cắn. Hay khi bị chà xát, côn trùng phóng thích ra một chất dịch như nọc độc trong cơ thể. Nọc độc này có chứa chất paederin và là tác nhân trực tiếp gây viêm da.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng thường chỉ gây tổn thương trong phạm vi nhỏ, ngay tại vị trí tiếp xúc. Nhưng cũng có thể lây lan ra những vùng da khác nếu không xử lý tốt, gây ra sự nóng rát, ngứa ngáy, khó chịu, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Những loại côn trùng nào gây ra bệnh viêm da tiếp xúc?

Vào mùa mưa, nhiều loại côn trùng do mất chỗ trú ẩn nên thường xuất hiện nhiều ở các khu dân cư. Nếu vô tình tiếp xúc với các côn trùng này, da sẽ bị tổn thương, gây bỏng da. Một số loại côn trùng dễ gây ra bệnh viêm da tiếp xúc, bao gồm:

  • Kiến ba khoang,
  • Bù mắt,
  • Bướm đêm
  • Bướm bụi,
  • Sâu ban miêu,
  • Rết.
Kiến ba khoang là loại côn trùng gây ra bệnh viêm da tiếp xúc phổ biến nhất
Kiến ba khoang là loại côn trùng gây ra bệnh viêm da tiếp xúc phổ biến nhất

Những người làm vườn, chăm sóc cây cảnh, hay người làm việc, ngủ dưới ánh đèn có thể bị côn trùng bám một số bộ phận trên cơ thể như: Cổ, mặt hay tay, chân,… Họ thường có phản xạ tự nhiên là đập hay quệt tay. Từ đó, làm các độc chất của những loại côn trùng này phóng ra và gây nên bệnh viêm da do tiếp xúc.

Chẩn đoán xác định bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng

Các biểu hiện của bệnh thường bùng phát nhanh sau vài giờ tiếp xúc côn trùng. Dưới đây là những dấu hiệu giúp bạn nhận biết tình trạng này:

Biểu hiện lâm sàng

  • Triệu chứng ban đầu, dễ thấy nhất là những phát ban đỏ, sau đó bị phù nền. Sau đó, người bệnh có thể cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, nóng rát.
  • Sau thời gian khoảng vài giờ hoặc một ngày ở giữa các phát ban xuất hiện mụn nước hoặc bọng nước. Khi bị bội nhiễm sẽ xuất hiện mủ trắng.
  • Kích thước vùng tổn thương từ vài mm đến hàng chục cm. Vùng thương tổn này có hình dạng tương ứng với phần da đã tiếp xúc với côn trùng. Đó có thể là hình tròn, oval, hình bản đồ hoặc loang lổ,… Các tổn thương cũng có thể xuất hiện ở một vùng da hay nằm rải rác hai bên cơ thể.
  • Nếu nhẹ, người bệnh chỉ cảm thấy ngứa, rát, nổi mụn nước, mụn mủ nhỏ. Các tổn thương khô sau khoảng 3 – 5 ngày và không thành bọng mủ. Nếu nặng hơn, vùng da bị viêm sẽ lan rộng, kèm theo bọng nước, bọng mủ, thậm chí là bị trợt loét, hoại tử.
Các hình ảnh biểu hiện viêm da tiếp xúc côn trùng
Các hình ảnh biểu hiện viêm da tiếp xúc do côn trùng

Biểu hiện cận lâm sàng

Các biểu hiện không có gì đặc biệt, ngoại trừ có thể xuất hiện hạch sưng to hay bạch cầu tăng cao.

Tiến triển bệnh

Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng nếu được điều trị sớm, các dấu hiệu sẽ nhanh chóng cải thiện, tổn thương đóng vảy. Sau khoảng 4 – 6 ngày, các vảy khô dần, bong ra và để lại vết da sậm màu. Sau đó sẽ dần mất đi mà không để lại sẹo.

Dù đã bị viêm da tiếp xúc do côn trùng nhưng bạn vẫn có thể bị tái phát sau đó, nếu tiếp xúc với dị nguyên này.

Lưu ý: Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng dễ nhầm với bệnh zona

Hai bệnh lý này có những biểu hiện ngoài da khá giống nhau. Nên không ít người bị nhầm lẫn trong quá trình nhận diện. Dẫn đến việc việc sử dụng thuốc không phù hợp và việc điều trị kéo dài hơn.

Cụ thể, bệnh zona do virus gây nên. Tổn thương trên da chỉ bị một khúc bì, rất ít khi bị 2 nơi hay xuất hiện đối xứng hai bên. Trong khi đó, với bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng thì có thể bị nhiều nơi trên cơ thể. 

Vì vậy, người bệnh cần nhận diện đúng để có cách xử lý kịp thời, chính xác.

Bị viêm da tiếp xúc do côn trùng xử lý như thế nào?

Như đã nói, viêm da tiếp xúc do côn trùng không phải là bệnh nguy hiểm. Việc xử lý, điều trị, chăm sóc đúng cách sẽ là yếu tố quyết định đến thời gian phục hồi và mức độ tổn thương trên da.

1. Nhanh chóng rửa sạch da

Điều này sẽ giúp bạn loại bỏ nọc độc do côn trùng còn lưu lại trên da, tránh lây lan sang những vùng da khác. Đồng thời giúp làm dịu da và giảm mức độ tổn thương.

Rửa sạch da để loại bỏ chất kích thích từ côn trùng
Rửa sạch da để loại bỏ chất kích thích từ côn trùng

Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa nhẹ nhàng, tránh chà xát có thể gây nhiễm trùng.  Một cách khác là dùng bông y tế, thấm vào nước muối sinh lý rồi đẩy đi đẩy lại nhẹ nhàng trên da.

2. Bôi thuốc lên vùng da bị viêm

Sau khi làm sạch vùng da tiếp xúc với côn trùng, bạn hãy dùng thuốc bôi giúp làm dịu, mềm da, sát khuẩn và chống viêm. Một số loại thuốc bôi ngoài da thường được dùng bao gồm:

  • Dung dịch Jarish: Loại thuốc bôi ngoài da này có thành phần chính là Glycerin và Acidum boricum. Hai chất này có tác dụng làm sạch da, giảm sưng viêm và ngăn ngừa bội nhiễm. Sử dụng khoảng 2 lần/ngày.
  • Hồ nước: Dung dịch này được dùng khá phổ biến đối với các bệnh lý ngoài da, trong đó có viêm da tiếp xúc do côn trùng. Hồ nước giúp sát khuẩn, giảm viêm và làm dịu vùng da bị viêm. Bạn có thể dùng từ 1 – 2 lần/ngày.
  • Thuốc mỡ kháng sinh: Một số loại thuốc phổ biến như: Eumovate, Gentrisone, Fucicort,… có tác dụng giảm viêm, giảm  ngứa và hạn chế tình trạng viêm nhiễm da.
  • Thuốc tím: Loại thuốc này có thể được dùng nếu bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng có dấu hiệu bội nhiễm. Thành phần Kali pemanganat có trong thuốc tím mang đặc tính oxy hóa cao nên có khả năng tiêu diệt nấm và vi khuẩn trên da.

3. Sử dụng thuốc uống với tình trạng bệnh nặng

Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng thường không quá nghiêm trọng, sẽ hết sau vài ngày và chỉ cần dùng thuốc bôi ngoài da. Tuy nhiên với trường hợp da bị tổn thương sâu, tình trạng bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc dùng đường uống như: 

  • Thuốc giảm đau: Nếu người bệnh có những biểu hiện như: cơ thể mệt mỏi, đau nhức nhiều, bị sốt nhẹ, nổi hạch sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm đau. Trong đó, Acetaminophen, Naproxen, Diclofenac là những loại thuốc thường được sử dụng.
  • Thuốc kháng sinh: Loại thuốc này chỉ được dùng cho những trường hợp viêm da tiếp xúc do côn trùng bị bội nhiễm, nhằm ức chế vi khuẩn và ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn huyết.
  • Thuốc kháng histamin: Đây là nhóm thuốc được dùng khá phổ biến giúp giảm  ngứa và cải thiện tình trạng quá mẫn trên da. Trong đó, một số loại thuốc thường được dùng như: Promethazin, Diphenhydramin, Loratadin, Clorpheniramin…
Nếu bệnh viêm da tiếp xúc côn trùng nghiêm trọng cần dùng thuốc uống
Nếu bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng nghiêm trọng cần dùng thuốc uống

4. Chăm sóc da đúng cách

Để việc điều trị đạt kết quả nhanh và hiệu quả nhất, bên cạnh dùng thuốc, người bệnh cũng cần có cách chăm sóc da phù hợp. Cụ thể:

  • Chườm lạnh lên da: Điều này sẽ giúp làm dịu vùng da đang bị tổn thương, giảm viêm, sưng, giảm nóng rát và ngứa ngáy đáng kể. Lưu ý: Không nên chườm lạnh khi các mụn nước đã bị vỡ.
  • Giữ vệ sinh da: Đừng quên vệ sinh da 2 lần/ ngày bằng dung dịch dịu nhẹ hoặc nước muối sinh lý.
  • Không gãi hoặc chà xát mạnh: Những tác động cơ học có thể gây ra kích thích , khiến tổn thương da lan rộng, thậm chí là lở loét và chảy máu.
  • Tránh tiếp xúc với hóa chất: Như xà phòng, mỹ phẩm chứa thành phần kích ứng, chất tẩy rửa,… Bởi điều này có thể khiến vùng da đang bị viêm lan rộng, tiến triển nặng nề hơn.
  • Tránh thực phẩm gây kích ứng: Một số loại thức ăn và đồ uống có thể gây sẫm màu da và làm tăng nguy cơ hình thành sẹo. Đó là các loại thực phẩm như: Rau muống, thịt bò, rượu bia cà phê và nước ngọt có gas.

Hướng dẫn phòng tránh bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng

Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng rất dễ xuất hiện và gây nhiều phiền toái đến cuộc sống, sinh hoạt. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh bằng những biện pháp đơn giản sau:

Giữ nhà của sạch sẽ để hạn chế côn trùng ẩn nấp
Giữ nhà cửa sạch sẽ để hạn chế côn trùng ẩn nấp
  • Luôn giữ nhà cửa, sạch sẽ thoáng mát để hạn chế vi khuẩn và sự xâm nhập của côn trùng.
  • Hãy đóng kín cửa sổ vào ban đêm. Bởi các loại côn trùng thường bị hấp dẫn bởi ánh sáng. Nên nếu không kéo cửa và rèm, chúng sẽ dễ dàng xâm nhập vào nhà của bạn.
  • Vào mùa mưa, hay những ngày giao mùa, hãy thường xuyên phun thuốc xịt để tiêu diệt côn trùng và loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc.
  • Sử dụng bảo hộ lao động phù hợp khi làm vườn hoặc chăm sóc cây.
  • Giữ thói quen kiểm tra, quần áo, chăn màn, khăn tắm trước khi sử dụng.
  • Tránh xa những loại hóa chất mà bạn có tiền sử dị ứng.
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp, luôn tìm hiểu kỹ thành phần trước khi dùng để tráng gây kích ứng.
  • Hãy luôn đảm bảo ăn uống khoa học, sinh hoạt, vận động hợp lý và kiểm soát stress để tăng cường sức đề kháng, khả năng miễn dịch của cơ thể.

Bị viêm da tiếp xúc do côn trùng sẽ không nguy hiểm nếu biết cách xử lý kịp thời. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng, hãy áp dụng những biện pháp mà bài viết đã hướng dẫn, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách điều trị hiệu quả nhất.  

Xem thêm:

Viêm da tiếp xúc có lây không? Có để lại sẹo không?

5/5 - (2 bình chọn)

Hiệu quả điều trị của bài thuốc An Bì Thang thông qua số liệu khảo sát thực tế
Những người trực tiếp sử dụng bài thuốc An Bì Thang đã đánh giá thế nào? Thực hư hiệu quả ra sao? CLICK NGAY để biết câu trả lời chi tiết.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *