Viêm khớp háng: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị

Viêm khớp háng là bệnh lý gây nhiều nguy hiểm đến khả năng vận động và di chuyển của người bệnh. Tuy nhiên hiện nay nhiều người vẫn khá chủ quan về căn bệnh này, gây ra không ít khó khăn trong việc điều trị. Cùng tìm hiểu một số nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phòng ngừa viêm khớp háng để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Hình ảnh viêm khớp háng
Hình ảnh viêm khớp háng

Viêm khớp háng là gì? Phân loại

Viêm khớp háng là tình trạng tổn thương, viêm nhiễm tại các khớp của háng. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do các cơ khớp bị thoái hóa, xuất hiện cơn đau nhức kéo dài khiến khả năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng.

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng liên quan mà người ta chia viêm khớp háng thành 2 dạng chính như sau:

  • Viêm khớp háng nguyên phát: Là tình trạng viêm khớp xảy ra do tuổi tác cao, xương khớp lão hóa, không thể tự sản sinh được dịch khớp khiến các tác nhân gây hại có cơ hội tấn công.
  • Viêm khớp háng thứ phát: Là tình trạng viêm khớp do chấn thương, thoái hóa sau biến chứng hoặc viêm khớp háng trên nền dị dạng cũ,…

Theo các chuyên gia, viêm khớp háng xảy ra chủ yếu ở những người cao tuổi, khi bước vào giai đoạn trung niên. Tuy nhiên những người trẻ tuổi vẫn có nguy cơ mắc căn bệnh này do nhiều tác nhân khác nhau, đặc biệt là nữ giới sau sinh.

Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh thậm chí là tàn tật cả đời nếu không có biện pháp điều trị phù hợp.

Nguyên nhân gây viêm khớp háng

Viêm khớp háng xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, một trong số đó là:

  • Do quá trình thoái hóa: Theo thời gian, hệ thống xương khớp có xu hướng suy yếu dần. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến ổ khớp bị xơ hóa, dễ ma sát vào nhau khi đi lại và cử động, gây ra hiện tượng đau nhức.
  • Chấn thương: Ngoài thoái hóa thì chấn thương cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra viêm khớp háng. Tình trạng này xảy ra khiến ổ khớp bị kích thích, nứt mô sụn, lâu ngày sẽ bị giãn dây chằng, bấm tím các mô xung quanh và gây sưng tấy.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng khớp cũng có thể gây viêm nhiễm, đau nhức và giảm khả năng vận động của người bệnh. Một số tác nhân chủ yếu gây viêm khớp háng là lậu cầu, tụ cầu vàng, phế cầu, liên cầu, trực khuẩn mủ xanh,… Theo các chuyên gia, viêm khớp háng do nhiễm khuẩn thường xảy ra sau chấn thương, phẫu thuật ngoại khoa hoặc nhiễm trùng da, mô mềm.
  • Rối loạn tự miễn: Rối loạn tự miễn cũng được coi là nguyên chính gây ra viêm khớp háng. Bình thường khi có vi khuẩn, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tự tạo ra các kháng thể tấn công và tiêu diệt. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, các kháng thể lại tấn công ngược vào các mô sụn, dây chằng và mô mềm xung quanh gây ra tình trạng đau nhức, viêm nhiễm.

Ngoài những nguyên nhân trên, thì viêm khớp háng còn có thể xảy ra do một số yếu tố như:

  • Tính chất công việc thường xuyên phải mang vác vật nặng, ngồi nhiều hoặc đứng quá lâu trong khoảng một thời gian dài.
  • Thừa cân, béo phì cũng là nguyên nhân gây viêm khớp háng do gia tăng áp lực lên hệ thống xương khớp.
  • Di truyền cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm khớp háng. Các số liệu thống kê đã cho thấy, những người mắc viêm khớp háng đa phần là có tiền sử gia đình bị bệnh liên quan đến xương khớp.
  • Ngoài ra phụ nữ mang thai và tiền mãn kinh cũng có thể là những đối tượng dễ bị viêm khớp háng. Lý do là vì đối tượng này thường xuyên bị áp lực từ cân nặng và sự sụt giảm Estrogen.
  • Trên thực tế, có rất ít trường hợp bị viêm khớp háng do một nguyên nhân cụ thể nào đó. Đa phần các trường hợp viêm khớp háng đều là hệ quả của rất nhiều yếu tố cộng hưởng.
Phụ nữ lúc mang thai là đối tượng dễ bị viêm khớp háng nhất
Phụ nữ lúc mang thai là đối tượng dễ bị viêm khớp háng nhất

Dấu hiệu viêm khớp háng

Tùy vào mức độ tổn thương và nguyên nhân gây bệnh mà các dấu hiệu viêm khớp háng sẽ có sự khác nhau. Cụ thể, người bệnh sẽ gặp một số triệu chứng điển hình như sau:

  • Đau nhức ở khớp háng: Đau nhức là triệu chứng điển hình nhất của viêm khớp háng. Lý do là bởi khi xuất hiện các tổn thương ở ổ khớp việc đi lại và cử động của người bệnh sẽ khiến các ổ khớp va chạm vào nhau, gây ra đau nhức. Tùy vào mức độ vận động và đi lại của người bệnh mà cơn đau có xu hướng tăng giảm khác nhau. Người bệnh có thể bị đau khớp háng bên phải, đau khớp háng bên trái hoặc đau cả hai bên.
  • Khớp sưng đỏ: Khi gặp phải triệu chứng này người bệnh sẽ thấy các khớp bị sưng đỏ và nóng hơn so với những vùng xung quanh. Triệu chứng này xuất hiện là do tác động cơ học mạnh hoặc nhiễm trùng xảy ra. Vì thế nếu thấy bề mặt da xuất hiện những vết xây xước, bầm tím người bệnh cần phải thận trọng.
  • Cứng khớp: Tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh mới ngủ dậy và sẽ có xu hướng giảm dần khi xoa bóp. Tuy nhiên chúng lại gây ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng vận động của người bệnh.
  • Hạn chế khả năng vận động: Hầu hết các trường hợp viêm khớp háng đều có gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động của người bệnh. Giai đoạn ban đầu, người bệnh sẽ chỉ cảm thấy khó khăn khi xoay người hoặc mang vác vật nặng. Thế nhưng càng về sau các triệu chứng càng trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến khả năng đi lại, ngồi, đứng của các bệnh nhân.

Ngoài các dấu hiệu điển hình kể trên, viêm khớp háng còn có thể nhận biết thông qua một số triệu chứng như:

  • Cơ thể mệt mỏi.
  • Đi lại khập khiễng, có âm thanh cục lục khi cử động.
  • Da nổi các nốt thấp khớp.
  • Lưỡi có rêu trắng, hơi thở hôi, môi khô kèm theo triệu chứng rét run người,
  • Một số trường hợp đặc biệt còn có thể xuất hiện mụn mủ, ban đỏ ngoài da kèm theo đái rắt, đái buốt,…

Viêm khớp háng có thực sự nguy hiểm?

Là bệnh lý có số lượng người mắc top đầu, viêm khớp háng có nguy hiểm không là thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân. Theo các chuyên gia, mức độ nguy hiểm của viêm khớp hàng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:

  • Trường hợp viêm khớp háng do nguyên nhân nguyên phát: Bệnh chỉ gây đau nhức, tê cứng các khớp và giảm khả năng vận động của người bệnh, hầu như không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên các tổn thương này sẽ gia tăng theo thời gian và có nguy cơ bị teo cơ, tàn phế.
  • Trường hợp viêm khớp háng do rối loạn tự miễn: Bệnh không chỉ gây tổn thương khớp mà còn khiến các cơ quan nội tạng như thận, gan bị ảnh hưởng. Mặc dù có mức độ nguy hiểm lớn nhưng đa phần các trường hợp này đều có thể kiểm soát được bằng thuốc.
  • Viêm khớp háng do nhiễm trùng: Được đánh giá là trường hợp nguy hiểm nhất của viêm khớp háng. Nếu không được xử lý sớm và kịp thời tình trạng nhiễm trùng có thể đi lây lan và di chuyển vào hệ tuần hoàn, gây ra các biến chứng nặng nề như: Nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận,…
Nếu không được điều trị sớm viêm khớp háng có thể khiến người bệnh mất đi khả năng di chuyển
Nếu không được điều trị sớm viêm khớp háng có thể khiến người bệnh mất đi khả năng di chuyển

Mặc dù có tiến triển nhanh, triệu chứng bùng phát dữ dội nhưng viêm khớp do nhiễm trùng có thể khắc phục hoàn toàn. Trong khi đó, viêm khớp háng do thoái hóa cột sống và rối loạn tự miễn thì chỉ có thể tập trung vào việc cải thiện triệu chứng để bảo tồn khả năng vận động của người bệnh.

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm khớp háng

Viêm khớp háng xảy ra do rất nhiều nguyên nhân và bệnh lý nền. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác căn bệnh này người bệnh cần phải thực hiện một số kỹ thuật sau đây:

  • Khám thực thể: Thông qua việc quan sát bề ngoài của khớp háng, ấn hoặc sờ vào chỗ đau bác sĩ sẽ nhận định và đánh giá chức năng khớp cũng như sức mạnh của cơ bắp.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, CT, MRI có thể giúp quan sát chính xác ổ khớp và các cơ quan xung quanh. Từ đó, giúp bác sĩ nhận diện các nguyên nhân ra viêm khớp háng hiệu quả.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Kỹ thuật xét nghiệm dịch khớp có thể kiểm tra chính xác viêm khớp háng do nhiễm trùng, rối loạn tự miễn, hay chấn thương, thoái hóa. Trường hợp do viêm nhiễm, kết quả trong dịch khớp thường có số lượng bạch cầu và vi khuẩn cao. Ngược lại nếu dịch khớp chứa nhiều kháng thể cùng với tế bào bạch cầu thì người bệnh đã bị viêm khớp háng do rối loạn tự miễn. Đặc biệt nếu thấy dịch khớp có màu đỏ thì nguy cơ bị chấn thương là rất cao.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để giúp bác sĩ nhận biết viêm khớp háng do nhiễm khuẩn hay rối loạn tự miễn. Trường hợp do nhiễm trùng thì tỷ lệ bạch cầu trung tính và tốc độ lắng đọng máu thường tăng. Trường hợp xảy ra do rối loạn tự miễn thì kết quả thu được thường có sự hiện diện của kháng thể kháng nhân, yếu tố thấp khớp và protein,…

Cách phương pháp điều trị viêm khớp háng hiệu quả nhất hiện nay

Có rất nhiều cách điều trị viêm khớp háng như sử dụng thuốc tây, phẫu thuật, vật lý trị liệu,… Tuy nhiên tùy vào mức độ và sự nghiêm trọng của từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Sử dụng thuốc Tây trị viêm khớp háng

Thuốc tây thường được chỉ định trong điều trị viêm khớp háng để hỗ trợ giảm đau, làm chậm tiến triển của bệnh và loại bỏ các ổ vi khuẩn gây viêm. Một số loại thuốc thường được chỉ định cho người bệnh gồm:

  • Thuốc giảm đau: Tùy vào mức độ và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà các loại thuốc giảm đau có thể là Paracetamol, thuốc giảm đau thần kinh, thuốc giảm đau gây nghiện,… Tuy nhiên nhóm thuốc này chỉ có tác dụng cải thiện cơn đau chứ không thể tác động đến các tổn thương ổ khớp nên không thể điều trị dứt điểm bệnh.
  • Thuốc chống thấp khớp: DMARDs là loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm thường được chỉ định cho các trường hợp viêm khớp háng do rối loạn tự miễn. Nhóm thuốc này có cơ chế hoạt động là tăng cường hệ miễn dịch để ngăn chặn quá trình phá hủy mô sụn và các cơ quan trong cơ thể. Một số loại thuốc chống thấp khớp thường được sử dụng là Azathioprine, Sulfasalazine and Methotrexate.
  • Thuốc chống viêm Corticosteroid: Corticosteroid có thể được chỉ định cho người bệnh ở dạng tiêm và dạng uống để chống viêm, giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên do tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nặng nề nên nhóm thuốc này chỉ được sử dụng cho những trường hợp cần thiết.
  • Thuốc kháng sinh: Các loại kháng sinh thường được chỉ định để điều trị viêm khớp háng gồm Oxacillin, Nafcillin, Clindamycin, Vancomycin,… Tuy nhiên trước khi sử dụng các loại thuốc này, người bệnh buộc phải được nuôi cấy dịch khớp để xác định chính xác chủng khuẩn gây bệnh. Một số trường hợp có mủ sẽ được tiến hành hút hoặc nội soi rửa khớp.
  • Thuốc chống thoái hóa khớp: Nhóm thuốc này thường được chỉ định cho những trường hợp bị viêm khớp háng do thoái hóa. Một số loại thuốc thông dụng có thể kể đến như: Glucosamine, Chondroitin, MSM,… Tùy vào mức độ tổn thương và sức khỏe của mỗi người mà khả năng phục hồi mô sụn và cải thiện độ đặc của xương là khác nhau ở từng người. Do thuốc có tác dụng chậm nên đòi hỏi người bệnh cần phải thực hiện trong một khoảng thời gian dài mới có hiệu quả.
Thuốc Tây giúp giảm đau, chống viêm hiệu quả cho các ổ khớp
Thuốc Tây giúp giảm đau, chống viêm hiệu quả cho các ổ khớp

Điều trị viêm khớp háng bằng các bài thuốc Đông y

Thay vì việc dùng thuốc Tây có nhiều tác dụng phụ, người bệnh có thể lựa chọn các bài thuốc Đông y. Cách làm này mang lại rất nhiều lợi ích như sự an toàn, lành tính, hạn chế tình trạng nhờn thuốc, tái phát,…

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm vượt trội đó, thì Đông y lại không có tác dụng nhanh chóng như Tây y, đòi hỏi người bệnh cần phải thực hiện trong một thời gian dài mới có hiệu quả. Một số bài thuốc Đông y điều trị viêm khớp háng như:

  • Bài thuốc 1- Ngũ gia bì: Là dược liệu có vị cay, tính hàn, ngũ gia bì có tác dụng rất tốt trong việc điều trị xương khớp nhất là viêm khớp háng. Người bệnh chỉ cần chuẩn bị ngũ gia bì, trinh nữ, bưởi bung, nam tục đoạn, ngải diệp, cát căn đem sắc với 6 chén nước cho đến khi cô cạn còn khoảng ⅓ lượng nước ban đầu thì dừng. Chia thuốc thành 2 lần rồi uống hết trong ngày.
  • Bài thuốc 2- Thục địa: Là vị thuốc có tính hàn, công dụng kháng viêm, giảm đau tốt nên thục địa thường được sử dụng trong các bài thuốc trị viêm khớp háng. Cụ thể người bệnh cần chuẩn bị thục địa, nhục thung dung, cốt toái bổ, dâm dương hoắc, kê huyết đằng, la bặc tử, đem tán thành bột mịn rồi thêm mật ong viên thành viên hoàn. Mỗi ngày sử dụng thì lấy khoảng 2-3 viên, dùng đều đặn trong vòng 1 tháng là được.

Các mẹo vặt dân gian điều trị

Cũng giống như Đông y, việc sử dụng các mẹo vặt dân gian điều trị viêm khớp háng đang được rất nhiều người bệnh quan tâm. Lý do là bởi các phương pháp này dễ thực hiện, nguồn nguyên liệu lại có sẵn trong nhà, nên rất tiết kiệm chi phí. Một số mẹo vặt dân gian giúp điều trị hiệu quả viêm khớp háng là:

Sử dụng cà tím:

Cà tím từ lâu đã được biết đến là nguồn nguyên liệu trị viêm khớp, giảm đau thắt lưng hiệu quả. Một vài nghiên cứu khoa học còn chỉ ra rằng, trong cà tím có chứa một lượng lớn hoạt chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi các tác nhân gây hại hiệu quả. Cách làm:

  • Lấy 1 quả cà tím đem ngâm rửa với nước muối loãng.
  • Loại bỏ phần núm của quả cà rồi thái thành các khúc có độ dày khoảng 0,5cm.
  • Cho cà tím vào nồi rồi đun sôi với nước. Sau khi cà chín thì tiếp tục ngâm trong nồi cho đến khi nước nguội hẳn.
  • Dùng vải mỏng hoặc rây để lọc riêng xác cà, đem nước cho vào chai thủy tinh chia làm 4 phần bằng nhau.
  • 3 phần đầu người bệnh sử dụng để uống vào các bữa sáng, trưa, tối trong ngày.
  • Riêng phần thứ 4 thì đem hòa cùng 50ml dầu oliu, dùng để thoa một lớp mỏng lên vùng bị đau rồi quấn gạc để qua đêm.
  • Tiến hành đều đặn các bước của bài thuốc dân gian này trong nhiều ngày sẽ giúp cải thiện đáng kể triệu chứng của bệnh.

Sử dụng lá ngải cứu

Lá ngải cứu chứa rất nhiều sterol tự nhiên nên giúp giảm đau, chống viêm hiệu quả. Cách sử dụng lá ngải cứu để điều trị viêm khớp háng như sau:

  • Chuẩn bị 100g lá ngải cứu tươi, đem rửa sạch rồi chờ ráo nước tự nhiên.
  • Cho lá ngải cứu và rượu trắng lên bếp sao vàng.
  • Khi lá ngải cứu đã mềm ra thì tắt bếp, dùng lá ngải cứu đắp lên vùng khớp háng bị đau.
  • Sau đó dùng vải mềm hoặc băng gạc để cố định ngải cứu tại đó.
  • Duy trì tư thế này cho đến khi không còn cảm thấy sức nóng từ lá ngải cứu thì tháo ra.
  • Áp dụng bài thuốc này liên tục, đều đặn trong nhiều ngày sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng đau nhức.
  • Ngoài cách làm này, người bệnh cũng có thể sử dụng lá ngải cứu ngâm rượu rồi thoa lên vùng xương đau.
Sử dụng lá ngải cứu chữa viêm khớp háng là cách làm được nhiều người áp dụng
Sử dụng lá ngải cứu chữa viêm khớp háng là cách làm được nhiều người áp dụng

Phẫu thuật điều trị viêm khớp háng

Một số ít trường hợp bị viêm khớp háng cấp độ nặng, không có khả năng phục hồi bằng các phương pháp nội khoa thì buộc người bệnh phải tiến hành phẫu thuật. Một số phương pháp phẫu thuật chữa viêm khớp háng phổ biến nhất hiện nay là:

  • Chỉnh hình cấu trúc các ổ khớp.
  • Thay một phần hoặc toàn phần các khớp bị hư tổn thành khớp háng nhân tạo.
  • Mài mòn sụn khớp.
  • Phẫu thuật mở khớp để loại bỏ các ổ viêm khuẩn.

Phẫu thuật có thể giúp người bệnh cải thiện triệu chứng và phục hồi khả năng vận động nhanh chóng. Tuy nhiên phương pháp này có chi phí thực hiện khá cao, thêm vào đó là nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn. Do vậy, người bệnh nên cân nhắc thật kỹ trước khi tiến hành lựa chọn hình thức điều trị này.

Vật lý trị liệu

Ngoài các biện pháp y tế, để nâng cao hiệu quả điều trị viêm khớp háng người bệnh có thể kết hợp sử dụng một số biện pháp hỗ trợ sau:

  • Chườm ấm/ chườm lạnh: Sử dụng khăn hoặc túi chườm để tác động lên vùng khớp háng bị đau khoảng 15-20 phút sẽ giúp làm giảm hiện tượng sưng tấy, tê nhức hiệu quả. Biện pháp này khá đơn giản, dễ thực hiện lại an toàn, lành tính nên người bệnh có thể thực hiện nhiều lần trong ngày.
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ: Một số trường hợp cần thiết người bệnh nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ như nạng để giảm áp lực lên vùng khớp bị tổn thương. Hoặc sử dụng nẹp cố định để giảm độ chèn ép lên mô sụn đồng thời thúc đẩy độ tái tạo của các khớp.
  • Một số kỹ thuật vật lý trị liệu: Các kỹ thuật trị liệu thường được chỉ định cho bệnh nhân viêm khớp háng gồm châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, massage trị liệu, điện trị liệu, siêu âm trị liệu,… Các kỹ thuật này sẽ giúp người bệnh cải thiện nhanh chóng các triệu chứng đồng thời hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, người bệnh nên tiến hành thực hiện các liệu pháp này cùng chuyên gia để có thể kiểm soát tốt tiến triển của bệnh.

Viêm khớp háng nên ăn gì, kiêng gì cho nhanh khỏi?

Hầu hết các trường hợp viêm khớp háng do thoái hóa và rối loạn tự miễn đều không thể chữa trị hoàn toàn. Chính vì vậy, bên cạnh các biện pháp y tế người bệnh nên chủ động xây dựng cho mình một chế độ ăn uống khoa học. Cụ thể:

Nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm tốt cho người điều trị viêm khớp háng là:

  • Vitamin C: Bổ sung vitamin C trong cam, ổi, dâu tây, súp lơ,… để tăng cường sức đề kháng, chống viêm nhiễm tại các sụn khớp hiệu quả.
  • Vitamin D: Các nghiên cứu cho thấy, vitamin D có tác dụng rất tốt trong việc ngăn chặn sự thoái hóa của sụn khớp. Do đó người bệnh nên tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm này trong cá, tôm, trứng, sữa,…
  • Vitamin K: Hoạt chất này có rất nhiều trong rau cải xoăn, rau bina, bông cải,… với tác dụng tăng sức chắc khỏe cho xương khớp.
  • Beta Carotene: Hoạt chất này có tác dụng chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại. Tuy nhiên do cơ thể không thể tự tổng hợp được nên người bệnh buộc phải bổ sung thông qua các thực phẩm như khoai lang, củ cải, măng tây,…
  • Omega 3: Không chỉ giúp chống viêm, giảm đau omega 3 còn giúp ngăn chặn sự phá vỡ của cấu trúc sụn. Một số thực phẩm giàu omega 3 là cá hồi, cá thu, hạt óc chó,…

Nên kiêng gì?

Ngoài những thực phẩm tốt cho sức khỏe thì người viêm khớp hàng còn cần hạn chế một số loại thực phẩm dưới đây.

  • Đồ ăn nhiều đường: Những thực phẩm nhiều đường như bánh quy, bánh bông lan là nhóm thực phẩm người viêm khớp háng cần tuyệt đối hạn chế. Lý do là bởi chúng có thể kích thích hệ thống miễn dịch của người bệnh.
  • Đồ ăn nhiều muối: Muối có thể khiến xương khớp bị viêm nhiễm, sưng to, chèn ép vào mạch máu và gây đau đớn nhiều hơn. Do đó, khi đang bị viêm khớp háng người bệnh nên học thói quen ăn nhạt, hạn chế ăn mặn.
  • Đồ chiên rán: Những món ăn chiên rán như bánh gà, bánh rán, khoai tây chiên có thể khiến tăng nguy cơ viêm nhiễm ở các cơ. Do đó, cần hạn chế.
  • Các chất kích thích: Những đồ ăn cay, nóng, đồ uống có cồn hoặc cafein có thể khiến người bệnh đau nhức dữ dội hơn.
Tránh ăn đồ mặn khi đang bị viêm khớp háng
Tránh ăn đồ mặn khi đang bị viêm khớp háng

Cách phòng ngừa viêm khớp háng

Thay vì để bị bệnh rồi mới đi điều trị, người bệnh có thể chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp sau đây.

  • Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh tăng áp lực lên khớp háng.
  • Duy trì cân nặng ở mức vừa phải, hạn chế thừa cân, béo phì.
  • Thực hiện một số bộ môn có cường độ nhẹ như bơi lội hoặc yoga để tăng sức đề kháng và cải thiện chắc khỏe cho xương khớp.
  • Thận trọng trong lao động hoặc điều khiển các phương tiện giao thông để tránh nguy cơ tai nạn.
  • Trong trường hợp bị nhiễm khuẩn da, mô mềm hoặc các cơ quan xung quanh người bệnh nên chủ động điều trị dứt điểm từ sớm.
  • Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để được đánh giá và theo dõi tình trạng sức khỏe.

Viêm khớp háng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh mà còn có thể để lại nhiều di chứng nguy hiểm. Do đó khi thấy cơ thể có những triệu chứng nghi ngờ người bệnh cần chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và chỉ định phù hợp.

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *