Clorpheniramin là thuốc gì: Công dụng, cách dùng, giá bán và những thận trọng
Bảng tóm tắt
Clorpheniramin là loại thuốc chống dị ứng hoạt động trên cơ chế ngăn chặn cơ thể phóng thích các chất gây dị ứng Histamin. Do đó thường được dùng để cải thiện tình trạng phát ban, chảy nước mặt, nước mũi do dị ứng, cảm lạnh. Để tìm hiểu chi tiết về công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng loại thuốc này người bệnh hãy dành ít phút để đọc bài viết dưới đây.
Thuốc Clorpheniramin là gì?
- Tên biệt dược là: Qd All AR.
- Tên gốc của thuốc: Clorpheniramin Maleat.
- Phân nhóm thuốc: Kháng Histamin.
Là thuốc kháng Histamin thế hệ 1, Clorpheniramin thường được dùng để điều trị tình trạng dị ứng do quá mẫn cảm như: Viêm mũi dị ứng, nổi mề đay, viêm da tiếp xúc, ngứa hoặc dị ứng do côn trùng cắn.
Hiện tại Clorpheniramin đã được bộ Y tế kiểm định và cấp phép lưu hành trên toàn quốc. Sản phẩm không chỉ có mặt tại các nhà thuốc mà còn được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện.
Các dạng bào chế và hàm lượng thuốc
Clorpheniramin được bào chế thành nhiều dạng với nhiều hàm lượng khác nhau để phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dùng. Cụ thể như:
- Viên nén: Ba hàm lượng chính của dạng bào chế này là 4mg, 8mg và 12mg. Ngoài ra nhà sản xuất còn đưa ra dạng viên nén có tác dụng kéo dài với hai hàm lượng chính là 8mg và 12mg.
- Viên nang: Tương tự như viên nén, viên nang cũng được bào chế thành 2 dạng là viên nang thường và viên nang có tác dụng kéo dài. Hàm lượng của hai loại này cụ thể như sau: Với viên nang thường hàm lượng chủ yếu là 4mg và 12mg; viên nang có tác dụng kéo dài hàm lượng chính là 8mg và 12mg.
- Siro: Ở dạng bào chế này Clorpheniramin được sản xuất chủ yếu với hàm lượng 2mg/ 5ml (có nghĩa là cứ 5ml siro thì có 2mg Clorpheniramin).
- Thuốc tiêm: Được bào chế thành hai dạng chính là 10mg/ml (dùng cho tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da) và 100mg/ ml (dùng cho tiêm bắp và dưới da). Tuy nhiên hiện tại những dạng bào chế này không còn sản xuất và lưu hành trên thị trường.
Dù được sản xuất và bào chế thành nhiều hàm lượng khác nhau nhưng Clorpheniramin 4mg và Clorpheniramin 2mg vẫn được sử dụng phổ biến nhất. Thậm chí 2 hàm lượng này còn được phối hợp với các thành phần khác như: Paracetamol, pseudoephedrin trong nhiều chế phẩm.
Thành phần cấu tạo của Clorpheniramin
- Thành phần chính của thuốc là các hoạt chất Clorpheniramin với hàm lượng chính là: 4mg, 8mg, 12mg và 2mg tùy thuộc vào hàm lượng bào chế của thuốc.
- Ngoài thành phần chính, Clorpheniramin còn chứa các tá dược quan trọng như: Lactose, Dicalcium Phosphate, Povidon, Magnesium Stearate…
Cơ chế hoạt động của thuốc
Như hầu hết các loại thuốc kháng Histamin khác, Clorpheniramin cũng có tác dụng đối kháng cạnh tranh với Histamin tại các thụ thể H1. Từ đó ngăn chặn tế bào Mast hoạt động và phóng thích các tác nhân dị ứng, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân tự do gây hại này.
Theo các nhà khoa học loại thuốc này có khả năng hấp thụ rất tốt qua đường uống, chúng có thể xuất hiện trong huyết tương chỉ sau 30-60 phút và đạt nồng độ cực đại sau khoảng 2,5- 6 giờ kể từ khi bắt đầu uống.
Clorpheniramin chủ yếu bài tiết qua đường nước tiểu của con người, thời gian bán thải là khoảng 12-15 giờ. Loại thuốc này có khả năng tác động đến hệ thần kinh trung ương và gây tác dụng an thần, tuy nhiên không mạnh mẽ và rõ rệt như các kháng Histamin khác.
Tác dụng, đối tượng chỉ định của thuốc Clorpheniramin
Với khả năng hoạt động nhanh, mạnh Clorpheniramin được dùng chỉ định cho các trường hợp sau:
- Người bị viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm muốn cải thiện các triệu chứng ngứa, đỏ, chảy nước mắt, hắt hơi.
- Người bị viêm da tiếp xúc, viêm kết mạc dị ứng, nổi mề đay, phù mạch.
- Người bị dị ứng thức ăn, bị côn trùng đốt, bị sởi, thủy đậu hoặc dị ứng không rõ nguyên nhân.
- Người đang bị ho, cảm lạnh thông thường muốn kiểm soát triệu chứng nhanh chóng.
- Ngoài ra sản phẩm còn được chỉ định cho một vài đối tượng khác theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chống chỉ định
Theo thông tin khuyến cáo từ nhà sản xuất, những đối tượng dưới đây tuyệt đối không nên tự ý dùng Clorpheniramin nếu không có chỉ định của bác sĩ:
- Những người quá mẫn cảm hoặc có tiền sử dị ứng với Clorpheniramin Maleat hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Những người bị lên đang bị lên cơn hen cấp tính không được phép dùng sản phẩm này dưới bất kỳ hình thức nào.
- Người bị phì đại tuyến tiền liệt hoặc viêm loét dạ dày cấp và mãn tính được khuyên là không nên dùng Clorpheniramin để điều trị bệnh.
- Ngoài ra những người đang cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ sinh non và người bị Glaucom góc hẹp cũng cần thận trọng.
Cách dùng Clorpheniramin
Tùy vào từng loại bào chế mà người ta sẽ có cách dùng Clorpheniramin khác nhau. Cụ thể:
Đối với dạng viên nén, viên nang thường:
- Dùng thuốc theo đường uống và sau khi ăn khoảng 30 phút. Nên dùng trực tiếp với một ly nước lọc vừa đủ. Tuyệt đối không dùng nước ép, sữa, nước ngọt hoặc bất kỳ loại nước nào khác để uống thuốc.
- Không tự ý nhai, nghiền hoặc hòa tan thuốc trong nước vì sẽ khiến cơ chế hoạt động của thuốc thay đổi, dễ kích hoạt các vấn đề rủi ro.
Đối với viên nang, viên nén kéo dài:
- Dạng thuốc này không được khuyên dùng cho trẻ nhỏ. Vì vậy, tuyệt đối không tự ý dùng cho bé nếu không có sự chỉ định của bác sĩ.
- Cách dùng: Dùng như viên nén và viên nang thông thường.
Đối với dạng siro:
- Dùng dụng cụ đo y khoa để chia liều lượng chính các nhất. Không dùng muỗng ăn tại gia đình để thay thế vì có thể dẫn đến sai lệch về liều lượng.
- Thuốc tồn tại dạng dung dịch lỏng vì vậy hãy lắc đều trước khi dùng.
- Thời gian tốt nhất để dùng thuốc là sau khi ăn no hoặc trước khi đi ngủ.
Đối với dạng tiêm:
- Hình thức này nên để bác sĩ, dược sĩ hoặc người có chuyên môn thực hiện. Tuyệt đối không tự ý tiêm Clorpheniramin vào người nếu không có kiến thức y khoa.
- Tùy vào độ tuổi, tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ lựa chọn hình thức tiêm: Tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da cho người bệnh.
Dù là hình dùng thuốc theo cách nào thì người bệnh cũng nên:
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng để tránh thực hiện sai lệch gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh.
- Không tự ý tăng liều hoặc giảm liều vì liều lượng Clorpheniramin Maleat được chỉ định dựa trên độ tuổi và tình trạng bệnh.
- Dùng thuốc đều đặn, đúng giờ để đảm bảo nồng độ thuốc trong người được ổn định.
- Sau một thời gian dùng thuốc, nếu triệu chứng bệnh không thuyên giảm, thậm chí nghiêm trọng hơn người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và có cách giải quyết phù hợp.
Liều dùng thuốc Clorpheniramin an toàn
Căn cứ vào độ tuổi, tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng khác nhau cho người bệnh. Vì vậy, khi sử dụng Clorpheniramin người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng mô tả của nhà sản xuất hoặc hướng dẫn của bác sĩ điều trị riêng.
Liều dùng cho người lớn:
- Viên nén, viên nang thông thường: Dùng 4mg sau 4-6h, liều dùng không vượt quá 24mg/ ngày.
- Viên nén, viên nang kéo dài: Dùng 12mg sau 12 giờ, liều dùng không vượt quá 24mg/ ngày.
Liều dùng cho trẻ em:
- Viên nén, viên nang thông thường: Trẻ từ 6-11 tuổi thì dùng 2mg sau 4-6 giờ, dùng không quá 12mg/ ngày. Trẻ em từ 12 tuổi trở nên có thể dùng như liều người lớn hoặc hỏi lại chỉ định của bác sĩ.
- Viên nén, viên nang kéo dài: Chỉ dùng cho trẻ trên 12 tuổi và có thể tham khảo liều dùng cho người lớn.
Bảo quản Clorpheniramin thế nào?
- Nhìn chung, cách bảo quản Clorpheniramin tốt nhất vẫn là để nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, người bệnh nên để thuốc ở nhiệt độ phòng, không quá 30 độ C, không để trong ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh.
- Nhớ để thuốc nguyên trong vỉ, trong lọ và vặn chặt nắp sau mỗi lần sử dụng để thuốc không bay hơi, ẩm mốc hoặc biến dạng.
- Đối với những loại thuốc đã quá hạn hoặc không còn nhu cầu sử dụng, người bệnh nên gọi cho trung tâm xử lý rác thải để được hướng dẫn. Tuyệt đối không tự ý vứt thuốc ra đường, xuống cống hoặc toilet trong gia đình. Vì những cách làm này sẽ gây ô nhiễm và độc hại cho môi trường xung quanh.
Clorpheniramin có tác dụng phụ không?
Bên cạnh tác dụng điều trị bệnh Clorpheniramin cũng có khả năng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh. Theo thông tin từ nhà sản xuất, việc sử dụng loại thuốc này không đúng cách sẽ khiến cơ thể gặp một số nguy cơ sau.
Tác dụng phụ thông thường
- Buồn ngủ.
- Chóng mặt.
- Hoa mắt.
- Nhức đầu.
- Táo bón.
- Đầy bụng.
- Đau dạ dày.
- Suy giảm thị lực.
- Khô miệng, mũi hoặc họng.
Ngoài ra Clorpheniramin còn có thể gây khô và đặc nhầy trong phổi, khiến bệnh nhân khó thở, thở chậm thậm chí là tắc thở. Trường hợp này nên uống nhiều nước hoặc thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tác dụng phụ phổ biến
Ngoài những triệu chứng thông thường thì việc dùng Clorpheniramin sai cách còn có thể khiến người bệnh thường xuyên phải đối mặt với hàng loạt tác dụng phụ phổ biến như:
- Ảo giác.
- Khó chịu.
- Hồi hộp.
- Xuất hiện sự nhầm lẫn.
- Khó tiểu.
- Tiểu dắt.
Tác dụng phụ hiếm gặp
Theo ghi nhận từ phía nhà sản xuất, một số ít trường hợp sau khi sử dụng Clorpheniramin có phát sinh các tác dụng phụ như:
- Da bầm tím.
- Chảy máu.
- Chóng mặt.
- Rối loạn nhịp tim (tăng nhanh hoặc không đều).
- Co giật.
- Dị ứng.
- Phát ban.
- Ngứa hoặc sưng mặt, lưỡi và cổ họng.
- Trong trường hợp gặp các tác dụng phụ nguy hiểm như trên, người bệnh cần ngừng thuốc và nhanh chóng đến gặp chuyên gia để tìm hướng giải quyết kịp thời.
Lưu ý: Trên đây chưa phải danh sách đầy đủ các tác dụng phụ của Clorpheniramin. Vì vậy nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường, bao gồm những triệu chứng chưa được đề cập ở trên, người bệnh cũng cần liên hệ sớm với bác sĩ chuyên môn để được tư vấn và giải đáp.
Clorpheniramin tương tác với những thuốc gì?
Clorpheniramin có khả năng tương tác và gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của một số loại thuốc sau.
- Thuốc kháng Histamin trên da như: Diphenhydramine kem, thuốc mỡ, thuốc xịt.
- Thuốc chống co thắt như: Atropin, Belladonna, Alkaloid.
- Thuốc điều trị bệnh Parkinson như: Benztropine, Trihexyphenidyl.
- Thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc an thần như: Lorazepam, Zolpidem, Alprazolam
- Ngoài ra người bệnh cũng không nên dùng Dexchlorpheniramine hoặc Scopolamine khi đang sử dụng Clorpheniramin.
- Bên cạnh đó những sản phẩm gây buồn ngủ như: Thuốc giảm ho (Codein, Hydrocodone), rượu, bia, thuốc an cũng không nên sử dụng chung với Clorpheniramin.
Lưu ý cần thiết khi sử dụng thuốc Clorpheniramin
Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, khi dùng Clorpheniramin người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
Làm gì trước khi dùng thuốc?
Không phải đối tượng nào cũng có thể sử Clorpheniramin. Vì vậy, trước khi sử dụng loại thuốc này người bệnh cần chủ động thông báo cho bác sĩ các vấn đề sau:
- Báo với bác sĩ hoặc người điều trị nếu bạn từng bị dị ứng với Clorpheniramin hoặc bất cứ thành phần nào khác của thuốc. Nhớ kiểm tra kỹ danh sách các thành phần của thuốc trên bao bì của nhà sản xuất.
- Những loại thuốc kê đơn, không kê đơn, thuốc bổ, thực phẩm chức năng, vitamin hoặc bất kỳ sản phẩm dinh dưỡng nào khác cũng cần được liệt kê đầy đủ và thông báo cho bác sĩ. Hãy chắc chắn đề cập đến những loại thuốc: Trị cảm lạnh, dị ứng theo mùa, điều trị lo âu, trầm cảm, thuốc giảm đau hoặc chống co giật.
- Nhớ nói cho bác biết kế hoạch phẫu thuật của bạn, kể cả phẫu thuật nha khoa trước khi có quyết định dùng Clorpheniramin.
- Hãy thông báo cho bác sĩ, dược sĩ chuyên môn nếu bạn từng có tiền sử hen suyễn, phế thũng, viêm phế quản mãn tính hoặc các loại bệnh phổi khác. Bởi Clorpheniramin có thể gây ngừng thở, suy hô hấp, tăng nguy cơ phát sinh biến chứng hô hấp cho các đối tượng trên.
- Clorpheniramin có khả năng gây bí tiểu ở những bệnh nhân tắc đường niệu, phì đại tuyến tiền liệt, tắc môn vị tá tràng. Vì vậy người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng bệnh tình hiện tại để được cân nhắc rủi ro khi dùng thuốc.
- Ngoài ra những người đang bị bệnh tăng nhãn áp, lở loét, tiểu đường, cao huyết áp, tuyến giáp hoạt động quá mức cũng nên khai báo rõ tình hình sức khỏe hiện tại cho bác sĩ để được chỉ định liều dùng phù hợp.
Những điều cần tránh khi sử dụng Clorpheniramin
Clorpheniramin là thuốc biệt dược được chỉ định theo liều lượng cụ thể. Vì vậy khi sử dụng người bệnh cần tránh một số vấn đề sau để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, hạn chế gặp phải những tác dụng phụ nguy hiểm:
- Uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích có thể làm gia tăng tần suất và nguy cơ gặp các tác dụng phụ. Vì vậy hãy hạn chế nhóm thực phẩm này trong quá trình điều trị bệnh bằng Clorpheniramin.
- Tránh vận động mạnh hay để mất nước quá nhiều trong lúc tập thể dục hoặc thời tiết oi bức. Bởi tính đặc trưng của loại thuốc này là khả năng giảm lượng nước trong cơ thể, do đó bạn có thể bị đột quỵ vì nhiệt.
- Đối với người cao tuổi từ trên 65 tuổi trở lên, hãy cân nhắc việc giảm liều khi dùng Clorpheniramin. Đồng thời trong quá trình sử dụng cần theo dõi chặt chẽ để phòng trường hợp xấu có thể xảy ra.
- Clorpheniramin có khả năng làm khô miệng do ức chế bài tiết nước bọt. Vì vậy việc sử dụng loại thuốc này thường xuyên có thể gây sâu răng cho người cao tuổi. Để hạn chế tối đa tình trạng này người bệnh nên tăng cường bổ sung nước lọc và chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Mặc dù thuốc Clorpheniramin 4mg có thể dùng cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên đối tượng này thường nhạy cảm với những tác dụng phụ của thuốc và có khả năng bị kích thích hệ thần kinh khi dùng sai cách. Do đó, hãy theo dõi sát sao quá trình dùng thuốc của bé để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Cách xử lý khi quá liều
Các chuyên gia cho biết: Việc sử dụng Clorpheniramin quá liều có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng. Loại thuốc này có thể gây chết người nếu sử dụng ở liều 25-50mg/ kg thể trọng.
Ngoài ra khi dùng quá liều, người bệnh sẽ còn có thể gặp một số triệu chứng như: Rối loạn tâm thần, co giật, ngừng thở, trụy tim mạch. Vì vậy nếu thấy cơ thể có những biểu hiện lạ, người bệnh cần gọi cho trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến ngay trạm y tế gần nhất để thực hiện các biện sơ cứu như:
- Rửa dạ dày hoặc gây nôn bằng thuốc siro ipecacuanha.
- Hạn chế hấp thụ thuốc bằng thuốc tẩy sinh học.
- Có thể phải tiêm tĩnh mạch Diazepam nếu thấy triệu chứng co giật. Thậm chí là phải truyền máu nếu trường hợp quá liều đã trở nên nghiêm trọng.
Cách xử lý khi quên liều
- Bổ sung liều Clorpheniramin đã quên càng sớm càng tốt.
- Trong trường hợp thời gian quên đã xa và sắp đến thời gian dùng liều kế tiếp, người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp theo đúng kế hoạch.
Những câu hỏi thường gặp liên quan đến Clorpheniramin
Ngoài liều lượng, cách dùng, tác dụng phụ thì một số câu hỏi dưới đây cũng vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm khi quyết định sử dụng Clorpheniramin.
Clorpheniramin có phải thuốc kháng sinh không?
Clorpheniramin không phải là thuốc kháng sinh, có khả năng ức chế và tiêu diệt vi khuẩn, virus gây bệnh. Sản phẩm là thuốc kháng Histamin H1 được dùng để điều trị tình trạng dị ứng đường hô hấp và dị ứng ngoài da.
Clorpheniramin có gây ảnh hưởng đến thai nhi không?
Theo các chuyên gia, dù chưa có nghiên cứu chỉ ra những rủi ro khi sử dụng thuốc Clorpheniramin trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên thai phụ là những đối tượng nhạy cảm, nội tiết tố thường xuyên thay đổi nên việc sử dụng thuốc cần phải được kiểm soát chặt chẽ, chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết.
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng Clorpheniramin trong 3 tháng đầu và cuối của thai kỳ để hạn chế tối đa rủi ro và tác dụng phụ.
Thuốc có dùng cho phụ nữ cho con bú được không?
Dù chưa có bất kỳ nghiên cứu hay bằng chứng nào chứng minh khả năng bài tiết của Clorpheniramin qua sữa mẹ. Tuy nhiên để đảm bảo cho sức khỏe con nhỏ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Trong trường hợp cần thiết phải điều trị các bác sĩ có thể yêu cầu ngừng cho con bú trong thời gian sử dụng thuốc.
Người lái xe, vận hành máy móc có bị ảnh hưởng gì không?
Thuốc có thể gây buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt, giảm tầm nhìn, mất tập trung và tỉnh táo. Do đó những người phải lái xe, vận hành máy móc thường xuyên cần tránh sử dụng.
Clorpheniramin bán ở đâu, giá bao nhiêu?
Theo thông tin tổng hợp từ chúng tôi hiện Clorpheniramin được sản xuất trong nhiều chế phẩm khác nhau. Do đó, giá thành của thuốc phụ thuộc vào nhà sản xuất và các thành phần đi kèm. Cụ thể như:
- Thuốc Clorpheniramin 4mg của Công ty dược phẩm Mekophar đang được bán với giá 30.000 đồng/ hộp 10 vỉ gồm 200 viên.
- Thuốc Clorpheniramin 4mg của Công ty dược Hậu Giang đang được bán với giá 40.000 đồng/ hộp 10 vỉ gồm 200 viên nén dài.
- Thuốc Clorpheniramin Maleat có tên biệt dược là Allermine do Công ty dược phẩm Agimexpharm đang được bán với giá 200.000đ/ hộp 1000 viên.
Tuy nhiên, giá bán của loại thuốc này có thể thay đổi tùy thuộc vào thời điểm và cơ sở kinh doanh. Vì vậy, người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ, dược sĩ hoặc nhân vân bán hàng để biết chính xác giá thành cụ thể.
Hiện tại Clorpheniramin được bán rộng rãi tại các nhà thuốc, các trung tâm y tế, các bệnh viện. Do đó, người bệnh có thể chủ động tìm mua sản phẩm tại các địa chỉ trên.
Trên đây là toàn bộ thông tin cơ bản về thuốc kháng Histamin thế hệ 1 Clorpheniramin. Loại thuốc này thường được chỉ định để điều trị tình trạng dị ứng da và dị ứng đường hô hấp trên. Tuy nhiên nếu không biết cách và liều lượng sử dụng phù hợp Clorpheniramin có thể gây chết người và hàng loạt các tác dụng phụ nghiêm trọng khác. Vì vậy để được tư vấn rõ về liều lượng và thời gian sử dụng, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!