Viêm da dị ứng thời tiết là gì? Nguyên nhân, cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả
Bảng tóm tắt
Viêm da dị ứng thời tiết là bệnh da liễu mãn tính. Bệnh hình thành khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là vào mùa đông (dưới 20 độ C) và mùa hè (trên 30 độ C). Tình trạng này khiến người bệnh bị ngứa, đau và đỏ da. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị sẽ giúp người bệnh dễ dàng ứng phó khi thời tiết biến đổi.
Viêm da dị ứng thời tiết là gì? Đối tượng dễ mắc bệnh
Viêm da dị ứng thời tiết (tên tiếng Anh là Weather Allergic Dermatitis) là bệnh lý phổ biến ở nhiều người, xảy ra khi thời tiết thay đổi. Bề mặt da của người bệnh bị kích ứng, dẫn đến hiện tượng da bị đỏ, ngứa và đau. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi vị trí, thường thấy nhất là ở vùng mặt, tay, chân và các vị trí tiết nhiều mồ hôi.
Cơ chế hình thành bệnh
Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi. Nhiệt độ môi trường lên xuống thất thường khiến trung tâm điều hòa nhiệt ở não bộ không kịp điều chỉnh. Các phản ứng chống lại sự thay đổi đó xảy ra khiến làn da đỏ lên và ngứa rát, đau và các biến chứng nguy hiểm hơn.
Một vài thống kê cho thấy, có đến 20% người bị viêm da dị ứng thời tiết có hiện tượng phù mạch, nhiễm trùng da và sốc phản vệ.
Đối tượng dễ mắc bệnh
Mọi người đều có khả năng bị viêm da dị ứng thời tiết. Tuy nhiên, các đối tượng sau thường dễ mắc bệnh này hơn:
- Trẻ em có hệ miễn dịch yếu hoặc cơ địa nhạy cảm.
- Người có làn da dễ bị kích ứng.
- Người thường hay bị dị ứng hoặc mắc các bệnh về cơ địa như chàm, vảy nến, mề đay, hen suyễn.
- Phụ nữ đang mang thai.
Viêm da dị ứng thời tiết có lây không, nguy hiểm không?
Bác sĩ Nguyễn Lệ Quyên (Trưởng khoa Da liễu – Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc) cho biết: Bệnh viêm da dị ứng là một thể bệnh tự miễn, vì vậy nó không lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên, tình trạng này lại dễ lan từ vùng da tổn thương sang các vị trí da khỏe mạnh. Hơn nữa, bệnh dễ tái phát theo mùa.
Trước câu hỏi “viêm da dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?”, bác sĩ Lệ Quyên cho hay: Nếu không được điều trị đúng cách, các tổn thương ngoài da có thể bị viêm nhiễm nặng. Điều này ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và sinh hoạt của người bệnh. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra những biến chứng sau:
- Các trường hợp bị bội nhiễm thường khiến da tổn thương nặng, để lại sẹo và khó chữa khỏi.
- Một số người có thể bị biến chứng nguy hiểm gây tổn thương thần kinh, niêm mạc mắt và miệng.
- Một vài trường hợp có biểu hiện khó thở, ho hen, hắt hơi, thậm chí bị hạ huyết áp, trụy tim.
Như vậy, viêm da dị ứng thời tiết có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bệnh không nên chủ quan khi thời tiết giao mùa, thay đổi nhiệt độ. Nên tìm hiểu rõ nguyên nhân và điều trị bệnh từ sớm nếu có biểu hiện của bệnh.
Nguyên nhân viêm da dị ứng thời tiết
Nhiệt độ, độ ẩm là 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da. 2 yếu tố thời tiết này thay đổi bất thường là nguyên nhân chính dẫn đến viêm da dị ứng thời tiết.
- Viêm da dị ứng do thời tiết quá nóng:
Nhiệt độ quá cao khiến da toát nhiều mồ hôi, khiến da ẩm ướt. Đây là điều kiện thích hợp cho vi khuẩn, bụi bẩn, phấn hoa gây kích ứng bám lên da. Lúc này, lỗ chân lông bị bí bách, vi khuẩn, vi nấm dễ sinh sôi, gây ra tình trạng viêm nhiễm.
- Viêm da dị ứng do thời tiết lạnh:
Nhiệt độ quá thấp, cùng với thời tiết hanh khô khiến độ ẩm trên da giảm nhanh. Điều này khiến da bị đóng vảy và bong ra. Lúc này, nếu không được dưỡng ẩm tốt, da rất dễ bị kích ứng và viêm. Bên cạnh đó, trong điều kiện trời lạnh và gió, các yếu tố dị nguyên bay trong không khí dễ bám vào da, khiến bạn bị viêm da dị ứng.
Ngoài yếu tố thời tiết, viêm da dị ứng còn có thể hình thành do người bệnh có:
- Hệ miễn dịch bị suy yếu nên sức đề kháng yếu.
- Người trong gia đình từng bị dị ứng.
- Cơ địa nhạy cảm khiến da dễ kích ứng.
- Bệnh về gan, hoặc bị ung thư.
- Dùng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, chứa nhiều thành phần hóa chất.
- Sử dụng nhiều thuốc kháng sinh trong thời gian dài.
Triệu chứng của viêm da dị ứng thời tiết
Dấu hiệu viêm da dị ứng thời tiết khá giống với các dạng viêm da dị ứng khác. Tuy nhiên, hiện tượng da bị kích ứng do thời tiết có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào. Biểu hiện cụ thể của tình trạng này như sau:
- Màu sắc da bị biến đổi, các đốm ban đỏ xuất hiện ở nhiều vị trí.
- Bề mặt da sưng lên khiến người bệnh cảm thấy đau, rát.
- Trường hợp viêm da dị ứng do thời tiết lạnh thì da có biểu hiện khô ráp. Da dày lên và đóng vảy rồi nứt nẻ, bong ra, gây chảy máu.
- Trường hợp thời tiết nóng, trên bề mặt da thường có mụn nước li ti hoặc bị phồng rộp.
- Người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu khắp cơ thể.
Ngoài các triệu chứng cơ bản trên, khi bị viêm da dị ứng, bạn còn có thể có một vài biểu hiện đi kèm sau đây:
- Hay bị ngứa mũi, sổ mũi, hắt hơi.
- Da mặt ngứa ngáy, rát.
- Chảy nước mắt thường xuyên.
Lúc chuyển mùa, mùa đông hoặc giữa mùa hè là những thời điểm dễ bị viêm da dị ứng thời tiết nhất. Tình trạng này có thể tự khỏi khi thời tiết ổn định, nhưng lại tự phát khi khí hậu thay đổi thấy thường.
Có thể nói, những triệu chứng viêm da dị ứng thời tiết rất bất lợi cho người bệnh. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống.
Khi có biểu hiện viêm da dị ứng thời tiết, người bệnh không nên chủ quan. Nên đến cơ sở y tế để tìm hiểu rõ tình trạng bệnh và chữa trị kịp thời, tránh các rủi ro thứ phát.
Cách điều trị viêm da dị ứng thời tiết hiệu quả
Viêm da dị ứng thời tiết có thể điều trị bằng nhiều cách. Tuy nhiên, nếu không tiến hành ngay thì hiệu quả chữa bệnh sẽ kém. Càng phát hiện các biểu hiện bệnh sớm, thì càng có nhiều cách chữa trị hiệu quả. Viêm da dị ứng thời tiết có thể chữa bằng mẹo dân gia tại nhà hoặc sử dụng thuốc Tây theo liệu trình của bác sĩ.
Chữa viêm da dị ứng thời tiết tại nhà
Trong dân gian có lưu truyền nhiều bài thuốc tắm, ngâm rửa để trị bệnh viêm da dị ứng thời tiết. Các bài thuốc này rất đơn giản, thực hiện được ngay tại nhà. Có thể kể đến một số bài thuốc phổ biến ở nhiều địa phương như sau:
- Chữa viêm da dị ứng thời tiết bằng lá trầu: Lá trầu rửa sạch, nấu với nước và muối hạt, dùng để ngâm rửa hoặc tắm. Thuốc có tác dụng trị viêm, giảm ngứa, sát khuẩn trên da và kích mầm bệnh ẩn.
- Dùng muối trị viêm da dị ứng thời tiết: Vệ sinh vùng da bị bệnh bằng nước muối pha loãng. Tác dụng: Chống viêm và giảm ngứa tức thì.
- Sử dụng lá khế chữa viêm da dị ứng thời tiết: Dùng 1 – 2 nắm lá khế sạch, đun sôi với nước, dùng ngâm, rửa hoặc tắm. Tác dụng: Giảm ngứa, kháng viêm, giảm sưng tấy.
- Chữa trị viêm da dị ứng thời tiết bằng hành hoa: Rửa sạch hành hoa, đun với nước và muối hạt, dùng vệ sinh vùng da bị viêm. Tác dụng: Làm giảm tình trạng da khô, ngứa. Áp dụng cho các trường hợp viêm da dị ứng do thời tiết lạnh.
- Trị viêm da dị ứng thời tiết bằng lá trà xanh: Lấy 1 nắm lá trà xanh đun sôi với muối hạt, dùng để tắm hoặc ngâm rửa vết thương. Tác dụng: Cải thiện tình trạng ngứa ngáy, nổi mụn li ti, đào thải độc tố. Thích hợp tiến hành cho người bị bệnh do thời tiết quá nóng.
Các cách chữa dân gian trên thường được sử dụng khi mới bị bệnh. Người bệnh nên lắng nghe tư vấn từ bác sĩ trước khi áp dụng cách trị bệnh này.
Điều trị bằng thuốc Tây
Bên cạnh các cách chữa bệnh viêm da dị ứng thời tiết tại nhà, người bệnh còn có thể lựa chọn các thuốc tây dạng kem bôi và thuốc uống để trị bệnh.
Kem bôi trị viêm da dị ứng thời tiết tại chỗ
Nhóm thuốc này giúp làm dịu nhanh các chứng đau ngứa, ức chế các phản ứng viêm. Ngoài ra, nó còn làm da lành nhanh, tái tạo tế bào da.
Một số loại thuốc thuộc nhóm này là:
- Các loại hồ nước.
- Thuốc mỡ hoặc kem bôi trị viêm da dị ứng thời tiết.
- Nhóm thuốc Steroid.
- Nhóm thuốc Tacrolimus
Khi sử dụng các loại thuốc này, người bệnh cần vệ sinh vùng da bị bệnh sạch sẽ, vệ sinh tay trước khi dùng thuốc. Nếu có phản ứng phụ, cần báo ngay cho bác sĩ trị liệu để có hướng khắc phục kịp thời.
Thuốc kháng Histamin
Thuốc này có khả năng làm giảm kích ứng da do dị ứng thời tiết. Nhờ đó tình trạng ngứa rát, viêm da nhanh chóng được cải thiện.
Một số thuốc khánh Histamin thế hệ 2 dùng cho các trường hợp viêm da dị ứng thời tiết là:
- Acrivastin
- Astemizol
- Cetirizin
- Fexofenadine
- Mizolastine
Đối với trường hợp trẻ em bị viêm da dị ứng thời tiết, bố mẹ nên cho trẻ sử dụng một số kem dưỡng ẩm cho da có thành phần từ tự nhiên. Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng một số kem bôi có dược tính nhẹ. Nên thận trọng khi chọn thuốc chữa bệnh cho trẻ nhỏ. Tốt nhất, hãy đưa trẻ đi khám và thực hiện theo lời tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị viêm da dị ứng thời tiết bằng thuốc Đông y
Theo Đông y, viêm da dị ứng thời tiết xảy ra do cả các yếu tố nội sinh cũng như ngoại sinh. Yếu tố ngoại sinh đến từ sự biến đổi của môi trường, thời tiết. Còn yếu tố nội sinh là do sự suy yếu của sức đề kháng, chức năng các tạng phủ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài môi trường như phong hàn, phong nhiệt xâm nhập và gây bệnh.
Vì vậy, để trị bệnh, Đông y không chỉ loại bỏ triệu chứng bệnh mà còn chú trọng cân bằng lại âm dương bên trong cơ thể. Vì vậy, điều trị bằng thuốc Đông y thường mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là người bệnh mất nhiều thời gian chuẩn bị, đun sắc thuốc, đồng thời phải kiên trì dùng thuốc trong thời gian dài.
Một số bài thuốc Đông y người bệnh có thể tham khảo để trị viêm da dị ứng thời tiết gồm:
- Bài thuốc 1: Bồ công anh, sài đất mỗi loại 12g, cam thảo 4g, kim ngân 10g, thương nhĩ tử 10g. Các dược liệu đem sắc nhỏ lửa trên bếp, chắt lấy nước chia ra uống thành 3 lần/ngày.
- Bài thuốc 2: Kinh giới, khổ sâm, đương quy mỗi loại 10g; thuyền thoái 8g; phòng phong, tri mẫu, thạch cao, ngưu bàng tử mỗi vị 8g; cam thảo 4g; sinh địa, hương truật, kim ngân hoa, bồ công anh mỗi loại 12g; rau má, thổ phục linh, sài đất mỗi loại 12g. Các nguyên liệu trên đem sắc trên bếp nhỏ lửa, chắt lấy nước thuốc uống thành 3 lần/ngày.
- Bài thuốc 3: Mạch đông, sài đất, đảng sâm mỗi loại 12g; đơn tướng quân, rau má, kim ngân hoa mỗi loại 12g; trúc diệp, hoàng liên mỗi loại 8g; đam sâm 10g. Các vị thuốc đem sắc uống, mỗi ngày 1 thang.
Lưu ý: Người bệnh nên đi khám tại những nhà thuốc, cơ sở y tế uy tín để được thầy thuốc bắt mạch, chẩn bệnh và kê đơn thuốc phù hợp.
Viêm da dị ứng thời tiết nên ăn gì, kiêng ăn gì?
Theo các chuyên gia, thực phẩm có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm da dị ứng thời tiết. Người bị viêm da dị ứng khi thời tiết thay đổi nên sử dụng các thực phẩm sau:
- Trái cây khô: Hạnh nhân, nho khô, hạt điều, các loại ô mai chua ngọt… giúp cải thiện tình trạng da khô, bong vảy.
- Dưa hấu: Đây là loại trái cây tươi có khả năng làm giảm ngứa, thải độc, chống viêm. Vỏ dưa hấu đem nấu nước uống giúp người bệnh giảm các vết mẩn đỏ.
- Các loại rau cải: Cải bẹ xanh, cải xoăn, cải bó xôi, cải cúc, cải ngồng, cải thảo… chứa nhiều vitamin C, giúp da tăng cường hệ miễn dịch.
- Bí ngô: Chứa nhiều Carotenoid, bí ngô giúp người bị viêm da dị ứng thời tiết giảm ngứa.
- Cà rốt: Trong cà rốt chứa hoạt chất Beta-Carotene có khả năng loại bỏ nguy cơ dị ứng, giảm ngứa, mẩn đỏ.
- Sữa chua và trà nóng: Đây là 2 loại thức uống có tác dụng cải thiện tình trạng khô da, giảm ngứa, chống viêm rất tốt.
Bên cạnh những loại thực phẩm nên ăn, người bị viêm da dị ứng thời tiết cần kiêng:
- Thịt bò: Chứa protein huyết thanh và Casein làm tăng nguy cơ dị ứng.
- Hải sản: protein parvalbumin trong nhóm thức ăn này có thể gây sốc phản vệ cho người viêm da dị ứng thời tiết.
- Đậu phộng: Chứa 2 yếu tố gây dị ứng mạnh là Albumin và Vicilin.
- Đồ uống có ga, cồn: Dễ gây kích ứng da, khiến người bệnh dễ dị ứng khi thời tiết thay đổi hơn.
Hướng dẫn cách phòng ngừa viêm da dị ứng do thời tiết
Ngoài chế độ ăn uống khoa học, bạn nên thực hiện một số điều sau đây để phòng ngừa và giảm thiểu tối đa các triệu chứng do viêm da dị ứng thời tiết gây nên:
- Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích: Phấn hoa, nọc độc côn trùng, khói thuốc lá, ánh nắng trực tiếp, mạt bụi không khí, lông chó mèo, mạt kim loại nặng, hóa chất có tính tẩy rửa cao…
- Khi đi ra ngoài cần đeo khẩu trang, mặc quần áo kín.
- Dọn sạch nơi ở, nơi làm việc, vệ sinh các dụng cụ để loại bỏ nấm mốc, bụi bẩn.
- Kiểm soát cảm xúc bằng cách suy nghĩ và hành động tích cực, tránh căng thẳng, stress.
- Tập yoga, ngồi thiền, đọc sách, nghe nhạc cho tinh thần luôn được thoải mái.
- Không nên ở quá lâu trong môi trường có nhiệt độ trên 30 o C hoặc dưới 20 o C.
- Khi da có biểu hiện khô ráp, bong vảy, cần sử dụng ngay các biện pháp dưỡng ẩm an toàn cho da.
- Nếu da có biểu hiện ra mồ hôi nhiều, nổi mụn nước li ti, cần sử dụng các sản phẩm thanh nhiệt, giải độc và tăng cường hệ miễn dịch.
- Nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe da liễu khi có các triệu chứng viêm da dị ứng do thời tiết.
Viêm da dị ứng thời tiết là bệnh da liễu nhiều người mắc phải khi thời tiết thất thường. Bệnh khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát. Chúng ta nên tìm hiểu rõ nguyên nhân, các dấu hiệu của bệnh để biết cách phòng ngừa và điều trị hợp lý.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!