Viêm họng mãn tính quá phát là gì? Nguy hiểm không?

Viêm họng mãn tính quá phát là tình trạng niêm mạc họng bị phù nề và có dấu hiệu tăng sản do tái phát nhiều lần. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và có thể tiến triển thành biến chứng nguy hiểm. Do đó, bệnh nhân cần thăm khám và điều trị kịp sớm để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mình.

Viêm họng mãn tính quá phát là gì?

Viêm họng mãn tính quá phát là một trong bốn thể bệnh điển hình của bệnh viêm họng mãn tính. Tiến hành nội soi niêm mạc họng của người bệnh trong giai đoạn này phát hiện các trụ giả, niêm mạc họng sưng phù nề, nang lympho phát triển và hiện tượng tăng sản lành tính tạo thành các hạt nhỏ.

Viêm họng mãn tính quá phát là gì? Nguy hiểm không?
Viêm họng mãn tính quá phát là gì? Nguy hiểm không?

Thông thường, viêm họng mãn tính quá phát khởi phát đơn độc. Nhưng sau đó, bệnh có thể kéo theo tình trạng viêm ở một số vị trí khác như: viêm xoang, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm mũi.

Việc điều trị viêm họng mãn tính quá phát gặp khá nhiều khó khăn do triệu chứng nặng và dễ tái phát. Tại thời điểm quá phát, bệnh nhân không gặp phải nguy hiểm. Tuy nhiên, chức năng hô hấp và tình trạng sức khỏe chung có thể bị ảnh hưởng nặng nề.

Nguyên nhân gây viêm họng mãn tính quá phát

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm họng mãn tính quá phát. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến mà bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý:

  • Nhiễm khuẩn họng nhiều lần: Phía sau thành họng tồn tại các hạch lympho có vai trò tiêu diệt vi khuẩn, virus. Khi hiện tượng nhiễm khuẩn lặp lại nhiều lần, các hạch này bị phù nề, tăng sản và tạo thành các hạt trên thành họng.
Nhiễm khuẩn họng liên tục là nguyên nhân gây viêm họng mãn tính quá phát
Nhiễm khuẩn họng liên tục là nguyên nhân gây viêm họng mãn tính quá phát
  • Viêm tắc mũi mạn tính: Các bệnh về mũi như polyp mũi, viêm xoang sàng sau, biến dạng vách ngăn, viêm mũi mãn tính,… khiến dịch viêm chảy xuống họng gây viêm họng mãn tính quá phát. Bên cạnh đó, đa số bệnh nhân viêm mũi mãn tính đều có thói quen thở bằng miệng. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào họng gây nhiễm trùng.
  • Sử dụng các chất có hại: Thói quen hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng các hóa chất,… có thể gây tổn thương cho niêm mạc họng. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến viêm họng mãn tính tiến triển sang giai đoạn quá phát.
  • Do cơ địa: Các chuyên gia cho biết, người có cơ địa dễ dị ứng hoặc mắc bệnh suy giảm miễn dịch có nguy cơ viêm họng mãn tính quá phát cao hơn người bình thường.
  • Một số nguyên nhân khác: Những người thuộc nhóm nguy cơ cao với viêm họng mãn tính quá phát gồm có lười vệ sinh răng miệng, viêm họng cấp nhiều lần, viêm VA mãn tính, người trào ngược dạ dày thực quản,… Những đối tượng này cần thận trọng khi thấy các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau kéo dài nhiều ngày tại họng.

Việc nắm rõ nguyên nhân gây bệnh từ sớm giúp người bệnh có phương án dự phòng bệnh tốt hơn.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng bệnh

Người bệnh có thể nhận biết viêm họng mãn tính quá phát thông quá triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Triệu chứng lâm sàng bao gồm dấu hiệu được biểu hiện cụ thể ra bên ngoài mà người bệnh có thể cảm nhận được như:

  • Họng khô rát, nóng đỏ
  • Lúc ngủ dậy cảm thấy ngứa và vướng đờm ở cổ họng
  • Khạc ra đờm đặc, dính và dẻo
  • Người bệnh ho khan nhiều vào sáng sớm và đêm khuya
  • Khó nuốt, nghẹn khi nuốt
  • Sau khi uống rượu, hút thuốc hay nói chuyện lâu có thể bị khàn giọng, mất giọng
  • Hôi miệng, dễ buồn nôn
  • Hay bị ù tai.
Người bệnh viêm họng mãn tính quá phát ho khan nhiều vào sáng sớm và đêm khuya
Người bệnh viêm họng mãn tính quá phát ho khan nhiều vào sáng sớm và đêm khuya

Có thể thấy, viêm họng mãn tính quá phát không có triệu chứng lâm sàng đặc biệt. Vậy nên, việc chẩn đoán bệnh phải dựa trên các dấu hiệu cận lâm sàng khi tiến hành nội soi hầu họng. Bệnh được chẩn đoán khi bệnh nhân gặp phải các tình trạng dưới đây:

  • Niêm mạc họng phù nề, đỏ và dày lên thành các trụ giả cạnh trụ của amidan.
  • Sau thành họng, các nang lympho quá sản thành các hạt nề đỏ hồng, lồi lên so với bề mặt niêm mạc xung quanh.
  • Eo họng thu hẹp và lưỡi gà, màn hầu dày hơn bình thường.

Hầu hết bệnh nhân đều không thể tự chẩn đoán được mình đang bị viêm họng mãn tính quá phát. Do đó, khi thấy bất thường ở vùng họng, bạn nên chủ động đến cơ sở y tế để được bác sĩ trực tiếp kiểm tra, tư vấn.

Viêm họng mãn tính quá phát nguy hiểm không?

Các bác sĩ cho biết, sự nguy hiểm của viêm họng mãn tính quá phát nằm ở các biến chứng nặng nề mà nó gây ra cho sức khỏe của người bệnh. Do triệu chứng bệnh không quá đặc biệt nên nhiều người bệnh chủ quan và lơ là trong điều trị. Hậu quả là sức khỏe của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các biến chứng:

  • Tiến triển sang thể teo của viêm họng mãn tính: Lúc này, các nang tân và tuyến nhầy trên niêm mạc họng bị xơ hóa, các hạt và trụ giả biến mất. Điều này khiến các tế bào mất đi khả năng tái tạo, phục hồi, niêm mạc họng trở nên nhẵn bóng, khô và giảm hẳn chức năng miễn dịch.
  • Viêm nhiễm đường hô hấp: Viêm họng mãn tính quá phát kéo dài làm tăng nguy cơ tổn thương các tổ chức, cơ quan khác trong đường hô hấp như: viêm – áp xe amidan, viêm phế quản, viêm thanh quản,…
  • Suy giảm sức khỏe: Người bệnh viêm họng mãn tính quá phát thường xuyên bị mất ngủ, ăn uống kém, suy nhược thần kinh dẫn đến suy nhược cơ thể.

Ngoài những đe dọa trực tiếp về sức khỏe, bệnh cũng gây nhiều phiền toái và rắc rối trong cuộc sống và công việc. Vậy nên, phát hiện và điều trị sớm là lời khuyên tốt nhất dành cho người bệnh.

Phương pháp điều trị bệnh viêm họng mãn tính

Viêm họng mãn tính quá phát rất khó điều trị dứt điểm. Do đó, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả tốt nhất.

Tây y điều trị viêm họng mãn tính quá phát

Điều trị viêm họng mãn tính quá phát bằng Tây y là lựa chọn của nhiều bệnh nhân bởi hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng khiến người bệnh lo lắng về nguy cơ tác dụng phụ khi áp dụng trong thời gian dài. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh uống thuốc, áp dụng thủ thuật hay phối hợp đồng thời cả hai biện pháp.

Uống thuốc

Một phác đồ điều trị thuốc Tây thường bao gồm các thuốc tác động tại chỗ và thuốc uống toàn thân. Việc kết hợp điều trị đồng thời cả trong lẫn ngoài giúp giảm nhẹ triệu chứng đồng thời loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.

Người bị viêm họng mãn tính quá phát nên chọn dung dịch súc miệng không chứa cồn
Người bị viêm họng mãn tính quá phát nên chọn dung dịch súc miệng không chứa cồn
  • Dung dịch súc miệng: Phổ biến nhất là nước muối sinh lý và dùng dung dịch kiềm BBM. Súc miệng đều đặn 2 lần/ ngày giúp giảm rát họng, làm loãng dịch đờm để người bệnh khạc ra dễ dàng hơn.
  • Khí dung kết hợp kháng sinh và Hydrocortisone: Thuốc giúp giảm đau rát, ngăn nhiễm trùng khi dùng trực tiếp trên họng. Tuy nhiên, hydrocortisone dùng trong thời gian dài có thể gây kích ứng niêm mạc họng, giảm miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm nấm.
  • Thuốc chấm họng: Điển hình như SMC và Glycerin borat 3%. Thuốc giúp giảm viêm, làm mát, khắc phục đau rát cổ họng.
  • Kháng sinh đường uống (Cephalexin/ Cefuroxim/ Azithromycin…): Có tác dụng diệt khuẩn, loại bỏ nguyên nhân gây bệnh và giảm ho, đau rát họng nhanh chóng.
  • Kháng viêm đường uống (Prednisolon/ Hydrocortison/ Methylprednisolon…): Thuốc giúp ức chế phản ứng viêm từ đó giảm đờm, giảm đau rát, ngứa họng.

Người bệnh cần lưu ý, có nhiều thuốc có thể gây tác dụng phụ nặng nề cho cơ thể nếu sử dụng sai cách. Vậy nên, bạn không được tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm mà chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Sử dụng thủ thuật

Thủ thuật được áp dụng khi hạch lympho sau thành họng tăng sinh quá mức làm hình thành các đám phù nề. Các thủ thuật thông dụng nhất gồm có:

  • Đốt bằng tia laser
  • Đốt bằng điện
  • Đốt bằng nito lạnh
  • Đốt nóng

Can thiệp thủ thuật giúp kiểm soát nhanh tình trạng quá sản nhưng không điều trị bệnh dứt điểm. Do đó, bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp điều trị và phòng ngừa để ngăn tái phát trở lại.

Điều trị viêm họng mãn tính quá phát bằng phương pháp Đông y

Quan niệm Đông y cho rằng, viêm họng mãn tính quá phát có căn nguyên từ ngoại cảm phong hàn và đàm nhiệt tích tụ tại họng gây nên.

Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, các bài thuốc Đông y được xây dựng trên cơ chế: bổ chính khu tà. Cơ chế điều trị này giúp tăng cường miễn dịch và thúc đẩy đào thải căn nguyên gây bệnh.

Thành phần của bài thuốc cần đảm bảo cung cấp dưỡng chất, bảo vệ chức năng phủ tạng và thanh nhiệt, hóa đờm giúp xoa dịu triệu chứng. Có thể thấy thành phần và cơ chế điều trị bệnh của thuốc Đông y rất lành tính. Vậy nên, người bệnh có thể an tâm khi điều trị bằng phương pháp này trong thời gian dài.

Một số vị thuốc Đông y thường được sử dụng trong điều trị viêm họng mãn tính quá phát như:

  • Tang ký sinh: Thảo dược có vị đắng, tính bình quy vào hai kinh can thận. Thuốc có tác dụng bổ can thận, an thai
  • Kha tử: Có vị đắng, cay tính ôn quy vào kinh phế. Thuốc giúp kháng khuẩn, kháng virus, trị ho và khắc phục tình trạng khàn giọng, mất tiếng
  • Bạch cương tằm: Vị thuốc này có vị cay, tính bình quy kinh phế. Thuốc có khả năng tiêu phong, trừ tà, tán kết, giảm đau sưng họng và đau đầu.
  • Xích thược: Xích thược có vị chua, tính hàn quy vào đồng thời 3 kinh: can, tỳ, phế. Thuốc có tác dụng hoạt huyết, tiêu ung, giải độc và chỉ thống.

Để có được bài thuốc phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh, người bệnh cần đến các địa chỉ khám chữa bệnh uy tín. Tại đây, các bác sĩ sẽ bắt mạch tìm nguyên nhân và kê đơn thuốc phù hợp.

Mẹo dân gian điều trị viêm họng mãn tính quá phát tại nhà

Bên cạnh thuốc điều trị chuyên dụng, bạn có thể áp dụng một số mẹo dân gian ngay tại nhà để cải thiện tình trạng viêm họng mãn tính quá phát.

  • Trà thảo dược

Phổ biến nhất là trà hoa cúc và trà gừng. Hai vị thảo dược này có tác dụng giảm căng thẳng thần kinh, kích thích tiêu hóa và lưu thông khí huyết trong cơ thể. Do đó, làm dịu cảm giác đau rát, sưng nóng họng. Cách sử dụng trà thảo dược rất đơn giản.

Bạn chỉ cần dùng cúc hoa hoặc gừng củ đã được làm sạch phơi khô và chế trong nước sôi. Đợi khoảng 5 – 10 phút để dược chất được chiết hết thì dùng như trà bình thường. Bạn cũng có thể thêm một chút mật ong vào loại trà này để mùi vị thơm ngon hơn.

Trà hoa cúc cải thiện hiệu quả triệu chứng của viêm họng mãn tính quá phát
Trà hoa cúc cải thiện hiệu quả triệu chứng của viêm họng mãn tính quá phát
  • Chanh đào mật ong:

Chanh đào giàu vitamin C kết hợp với mật ong giàu vitamin và kháng khuẩn tốt giúp bổ sung dưỡng chất và giúp tiêu đờm, giảm ho hiệu quả. Bạn có thể tự chế biến chanh đào mật ong ngay tại nhà vừa tiện dụng lại tiết kiệm chi phí.

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị chanh đào, đường phèn, mật ong nguyên chất và một hũ thủy tinh nhỏ. Sau đó, thái chanh đào thành lát mỏng, trộn đều cùng đường phèn  bỏ vào hũ thủy tinh rồi đổ ngập mật ong. Sau 1 tháng ngâm, người bệnh có thể lấy ra sử dụng. Lưu ý: Bạn nên dùng nan tre nén lại để đảm bảo chanh luôn ngập trong mật ong.

  • Dùng tỏi:

Thành phần Allicin và vitamin C trong củ tỏi tương tự như kháng sinh tự nhiên giúp kháng khuẩn, giảm viêm tăng tái tạo và phục hồi niêm mạc họng bị tổn thương.

Cách sử dụng đơn giản để điều trị viêm họng mãn tính quá phát là bổ sung trực tiếp vào các món ăn hàng ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể ngâm tỏi với mật ong và uống hàng ngày cũng cho tác dụng tương tự.

  • Cam thảo:

Trong Đông y, cam thảo có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, giảm ho và khàn giọng nhanh chóng.

Để sử dụng thảo dược này, bạn cần chuẩn bị cam thảo sạch đã được phơi khô và vài thanh quế. Sau đó, bạn dùng quế và cam thảo pha với nước sôi như pha trà. Sau khoảng 5 – 10 phút, bạn uống trực tiếp sẽ thấy họng đỡ sưng và giảm đau rát hơn.

Các biện pháp phòng ngừa chứng viêm họng quá phát

Viêm họng mãn tính quá phát là bệnh khó điều trị, dễ tái phát. Do đó, bệnh nhân cần xây dựng các biện pháp dự phòng phù hợp để bảo vệ sức khỏe. Dưới đây là một số chú ý quan trọng trong cuộc sống mà người bệnh cần đặc biệt lưu tâm.

  • Khi vệ sinh miệng, cần tránh sử dụng các tẩy rửa có nồng độ cao khiến họng dễ bị khô rát, khó chịu.
  • Kiêng tuyệt đối hoặc hạn chế tối đa sử dụng rượu bia, thuốc lá.
  • Loại bỏ thói quen sử dụng đồ ăn và đồ uống lạnh để tránh gây viêm họng.
  • Khi thời tiết trở lạnh, người bệnh cần có phương án giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng họng.
  • Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ khi mắc các bệnh hô hấp.
  • Tập thói quen ăn uống lành mạnh, sử dụng thực phẩm tươi sống, ăn chín uống sôi và bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung các thực phẩm có khả năng kháng khuẩn, chống viêm để ngăn ngừa nguy cơ viêm họng.
  • Sử dụng khẩu trang và dụng cụ bảo vệ khi di chuyển hoặc làm việc trong khu vực khói bụi, ô nhiễm.
  • Không tự ý mua thuốc và sử dụng theo kinh nghiệm. Thói quen này có thể khiến bạn bị suy giảm miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp trong đó có viêm họng mãn tính quá phát.

Viêm họng mãn tính quá phát có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và công việc của người bệnh. Hy vọng bài viết này sẽ đem đến cho bạn những thông tin hữu ích trong phòng ngừa và điều trị bệnh.

4.8/5 - (5 bình chọn)
Viêm da cơ địa chữa khỏi được không là băn khoăn của nhiều người
Viêm da cơ địa có chữa khỏi không và chữa như thế nào?
Viêm da cơ địa có chữa khỏi được không là mối quan tâm và lo lắng của rất nhiều người. Phát ban và những con ngứa dữ dội có thể…

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *