Cha mẹ cần phải biết: Mọi thông tin về hắc lào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Bảng tóm tắt
Khi phát hiện hắc lào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cha mẹ không nên hoảng hốt. Điều cha mẹ cần làm là trang bị những kiến thức chính xác về căn bệnh ngoài da này để có thể điều trị bệnh hiệu quả cho con trẻ.
Hắc lào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là gì? Nguy hiểm không?
Bệnh hắc lào (Tên tiếng Anh: Ringworm) là bệnh ngoài da thường gặp, do nấm da gây nên, phổ biến ở trẻ nhỏ độ tuổi từ 2 – 10. Dân gian còn gọi hắc lào là lác đồng tiền.
Sở dĩ trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc hắc lào nhất là vì chúng có hệ miễn dịch yếu, đang dần hoàn thiện theo thời gian, cấu trúc da mỏng, hàng rào bảo vệ da còn yếu và chưa thực sự ý thức được các vấn đề vệ sinh cá nhân.
Hắc lào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy hiểm không? Câu trả lời là KHÔNG, nếu cha mẹ biết cách điều trị phù hợp và ngăn ngừa bệnh tái phát. Hắc lào cũng hiếm khi gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nếu có, các biến chứng có thể gặp ở trẻ sinh non và những trẻ có hệ miễn dịch kém, bao gồm: Nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, áp xe da, rụng tóc, mất móng…
Bởi vậy, hãy đưa bé đến bác sĩ ngay nếu bé bị phát ban kèm theo các triệu chứng khác, như: Sốt, quấy khóc, chảy máu, bỏ ăn…
Nguyên nhân gây lác đồng tiền ở trẻ em
Các tác nhân gây hắc lào gọi là dermatophytes hay nấm da. Trong đó, Trichophyton, Microsporum và Epidermophyton là tác nhân gây hắc lào ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ phổ biến. Chúng có thể được lây sang trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ chó, mèo, chuột lang và các vật nuôi phổ biến khác trong gia đình. Nếu một người đã bị nhiễm nấm da, thì quần áo, khăn trải giường, khăn tắm và các vật dụng khác cũng có khả năng bị nhiễm nấm và trở thành vật lây truyền bệnh. Trẻ tiếp xúc với các vật này sẽ dễ dàng mắc bệnh.
Ngoài ra, những trẻ hiếu động, thường xuyên tiếp xúc với đất bùn cũng có nguy cơ bị hắc lào cao. Bởi lẽ, nhiều loại nấm da trú ngụ trong đất và lây lan sang người tiếp xúc.
Theo các chuyên gia da liễu, trẻ có nguy cơ mắc bệnh hắc lào rất cao nếu:
- Bị suy dinh dưỡng
- Vệ sinh kém
- Sống trong khí hậu nóng ẩm
- Tiếp xúc với người hoặc vật nuôi bị bệnh hắc lào
- Có hệ thống miễn dịch yếu vì bệnh lý nào đó hoặc đang dùng một số thuốc trị bệnh, như thuốc trị bệnh ung thư
- Chơi các môn thể thao tiếp xúc, chẳng hạn như đấu vật
- Sử dụng phòng tắm hoặc phòng thay đồ chung
- Trẻ sơ sinh bị hắc lào ở mặt, da đầu hay các vị trí khác cũng có thể là do trong nhà có người lớn hoặc anh chị mắc hắc lào, dẫn tới lây chéo
Cha mẹ cần lưu ý khi có con bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh (còn gọi là suy giảm miễn dịch tiên phát). Đây là một dạng rối loạn di truyền của hệ miễn dịch cơ thể liên quan tới đột biến gene. Lúc này, cơ thể trẻ không thể sản xuất đủ các tế bào/kháng thể miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh. Đó cũng là lý do vì sao những trẻ này sẽ bị giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hoặc kéo dài, dễ tái phát hơn so với những trẻ bình thường.
Dấu hiệu bị hắc lào ở trẻ em
Đối với hầu hết trẻ sơ sinh, các vết phát ban xuất hiện dưới dạng tổn thương hình tròn như đồng xu hoặc gợn sóng với đường viền nhô cao, rõ nét so với da bình thường. Các vết hắc lào thường có màu đỏ hoặc hồng, phần trung tâm hơi thụt xuống so với đường viền, có màu sắc giống như da khỏe mạnh. Đường kính các vết hắc lào có thể dao động từ 1 – 5cm.
Các triệu chứng hắc lào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn bao gồm:
- Da bị kích ứng
- Ngứa ngáy
- Trẻ gãi liên tục trên da
- Trẻ quấy, khóc
- Thay đổi hành vi, như khó ngủ hoặc cáu kỉnh
- Biếng ăn hoặc biếng bú
Trẻ nhỏ cũng có thể bị hắc lào ở mặt, dễ bị nhầm với chàm hoặc viêm da dị ứng. Bên cạnh đó, nấm da cũng có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể của trẻ, như ở chân, háng, vùng kín… nhưng không phải lúc nào chúng cũng xuất hiện với các dấu hiệu hắc lào thông thường.
Bệnh hắc lào có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên hắc lào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuất hiện ở phần thân, như lưng, tay, đùi… Ở các vị trí khác nhau, dấu hiệu bị hắc lào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng không hoàn toàn giống nhau.
Hắc lào trên cơ thể và mặt
Trẻ thường bị dạng hắc lào này nhiều nhất với các triệu chứng điển hình nêu trên, bao gồm:
- Phát ban đỏ, giống đồng xu, có gờ nổi lên rõ nét
- Giữa vết phát ban ban đầu thường có màu đỏ, rồi nhạt màu dần khi phát ban trở nên lớn hơn
- Ngứa, khó chịu
Hắc lào da đầu
Hắc lào da đầu hoặc nấm da đầu thường do các loài Trichophyton gây ra. Tại Mỹ, hơn 90% trường hợp hắc lào da đầu là do Trichophyton amidan gây ra và loài Microsporum ít hơn 5%. Hắc lào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện trên khu vực da đầu thường bị nhầm lẫn là gàu hoặc chốc lở, dẫn tới việc điều trị sai cách. Theo các chuyên gia da liễu, hắc lào da đầu thường gặp nhất ở trẻ từ 2 – 10 tuổi. Biến chứng của hắc lào ở da đầu là Kerion (nấm tổ ong) – tình trạng áp xe cực kỳ nguy hiểm.
Kích thước của áp xe chỉ khoảng vài cm, có thể chỉ xuất hiện một vết phát ban hoặc tổn thương nhiều vị trí. Ổ áp xe chứa hốc mủ như sình lầy, nằm trên nền da viêm nề. Sau khi mủ chảy hết, da sẽ khô lại, đóng vảy tiết dày màu vàng. Tóc trong vùng tổn thương có thể bị gãy rụng. Trẻ bị Kerion có thể gây ra các triệu chứng như phát ban và nổi hạch ở cổ. Các vùng da khác có thể bị ảnh hưởng bao gồm: Má, cằm, vùng mắt, trán và mũi. Rất may, dạng hắc lào này ít khi bắt gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Hắc lào ở bàn chân hoặc nấm da chân
Hắc lào da chân không phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhưng đôi khi nó có thể ảnh hưởng đến trẻ mới chập chững tập đi. Các triệu chứng của hắc lào ở chân có thể bao gồm:
- Da bàn chân bị khô, bong tróc
- Xuất hiện màng trắng giữa các kẽ ngón chân
- Móng chân bất thường
- Mất móng chân
- Da sưng tấy
- Da bị phồng rộp
Các nguyên nhân góp phần gây ra hắc lào ở bàn chân bao gồm đổ mồ hôi, không lau khô chân sau khi tắm hoặc bơi, đi tất và giày chật, thường xuyên đi chân đất ở nơi công cộng…
Hắc lào ở háng
Ở trẻ nhỏ, các triệu hắc lào ở háng cũng khác biệt với hắc lào ở các vị trí khác. Các bé trai có nguy cơ bị hắc lào ở háng hơn so với các bé gái, các triệu chứng bao gồm:
- Các mảng đỏ giống hình chiếc nhẫn ở vùng bẹn
- Ngứa vùng bẹn
- Cảm giác đau rát ở vùng bẹn
- Các triệu chứng trên không liên quan tới phần bìu của trẻ
Hắc lào ở móng tay hoặc móng chân
Tình trạng này thường gặp ở móng chân nhiều hơn móng tay. Trẻ nhỏ ít mắc hào lào dạng này hơn người lớn.
Các triệu chứng của bệnh hắc lào ở móng có thể bao gồm:
- Đầu móng dày lên bất thường
- Móng tay ngả vàng
- Mất móng
Chữa hắc lào cho bé an toàn, hiệu quả
Hầu hết các trường hợp hắc lào nhẹ thường khỏi sau 2 – 4 tuần điều trị đúng cách. Nhưng có thể cần điều trị đến 3 tháng nếu hắc lào trở nên nghiêm trọng hơn hoặc nấm da ảnh hưởng đến móng tay/chân hoặc da đầu.
Có một sự thật là nấm da có thể sống vô thời hạn trên da, nên bệnh hắc lào ở trẻ sơ sinh có khả năng tái phát trở lại rất cao. Việc điều trị có thể cần được lặp đi lặp lại nhiều lần. Điều trị hắc lào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ra sao sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi và sức khỏe tổng thể của trẻ. Nó cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng hắc lào.
Cách chữa bệnh hắc lào cho trẻ em tại nhà
Không nên trì hoãn điều trị bệnh hắc lào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Như đã đề cập, hắc lào thường là một bệnh nhiễm nấm nhẹ, nhưng bệnh có thể diễn biến nặng hoặc trở thành bội nhiễm, đặc biệt là nếu trẻ gãi mạnh tay.
Không có nhiều biện pháp tự nhiên giúp điều trị hắc lào tại nhà cho trẻ. Hơn nữa, vì chúng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ, nên cha mẹ cần phải tham vấn bác sĩ, chuyên gia trước khi áp dụng.
Dưới đây là một số gợi ý tự điều trị hắc lào tại nhà cho trẻ:
Cây so đũa trị hắc lào
- Rửa sạch một nắm cây so đũa tươi (còn gọi là điền thanh hoa lớn, sua đũa) và để ráo nước.
- Giã nát hoặc xay nhuyễn cây so đũa rồi chắt lấy nước cốt.
- Thoa nước cốt so đũa lên vùng da bị hắc lào.
- Rửa sạch sau 1 tiếng với nước ấm.
- Áp dụng 2 – 3 lần/ngày sau khi tắm cho bé sạch sẽ.
Trị hắc lào ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bằng lá trà xanh
- Ngâm một nắm lá trà xanh tươi trong nước muối loãng khoảng 10 phút.
- Rửa sạch rồi để trà xanh cho ráo nước.
- Giã nát lá trà rồi chắt lấy nước cốt.
- Thoa nước cốt này lên da bé 3 – 5 lần/ngày, chỉ rửa sạch khi tắm hoặc vệ sinh cá nhân.
- Nếu bé bị hắc lào toàn thân hoặc ở chân, cha mẹ có thể đun nước lá trà xanh rồi dùng nước này để tắm cho trẻ 2 – 3 lần/tuần.
Lá trầu không giảm ngứa do hắc lào
- Chuẩn bị 10 lá trầu không tươi và 5 quả bồ kết đập vỡ.
- Cho nguyên liệu vào nồi và đun sôi với 4 lít nước.
- Chờ nước bớt nóng rồi dùng để tắm cho bé.
- Để trị hắc lào ở háng và hắc lào ở mông, cha mẹ có thể cho bé ngâm bằng nước này trong 10 – 15 phút.
- Áp dụng 2 – 3 lần/tuần.
Mẹo trị hắc lào cho trẻ bằng củ riềng
- Rửa sạch 1/2 củ riềng tươi, cạo sạch vỏ.
- Đâp dập riềng rồi chà xát lên vùng da bị hắc lào.
- Massage nhẹ nhàng trong 1 – 2 phút để nước riềng thấm vào da.
- Rửa sạch sau 15 phút.
- Áp dụng 1 – 2 lần/ngày.
Cách chữa hắc lào ở trẻ sơ sinh bằng nghệ tươi
- Rửa sạch 1/3 củ nghệ tươi và cạo vỏ.
- Giã nhuyễn nghệ tươi rồi chắt lấy nước cốt.
- Thoa nước cốt nghệ tươi lên da bé 3 – 5 lần/ngày.
Chiết xuất hạt bưởi
- Trộn 1 – 2 giọt chiết xuất hạt bưởi với 2 thìa cà phê nước sạch.
- Thoa lên da bị hắc lào 2 lần/ngày.
- Tránh xa vùng mắt và miệng của trẻ.
- Không dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Bột cam thảo trị hắc lào ở trẻ sơ sinh
- Trộn khoảng 3 thìa canh canh bột cam thảo với lượng nước sạch vừa đủ. Đun sôi hỗn hợp này, khuấy dều để tạo thành hỗn hợp sền sệt.
- Thoa hỗn hợp này lên vùng da bị hắc lào 2 lần/ngày.
- Để khô tự nhiên rồi rửa sạch với nước mát.
Ngoài ra, cha mẹ có thể áp dụng các cách chữa hắc lào cho trẻ bằng những nguyên liệu như:
- Trị hắc lào bằng tỏi
- Cách chữa hắc lào bằng muối
- Trị hắc lào bằng chuối xanh
Lưu ý
- Các mẹo trị hắc lào dân gian tuy được đánh giá là lành tính hơn thuốc Tây, nhưng có thể vẫn gây dị ứng đối với những trẻ có làn da mỏng, sức đề kháng yếu. Bởi vậy, các mẹ nên tham vấn bác sĩ trước khi áp dụng.
- Ngừng áp dụng các mẹo kể trên nếu thấy bé bị phát ban, mẩn ngứa…
- Một số người cho thoa sữa mẹ lên da có thể điều trị các bệnh ngoài da. Mặc dù sữa mẹ rất giàu kháng thể, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể điều trị bệnh hắc lào. Bởi vậy, các mẹ không nên tự ý áp dụng cách này để chữa hắc lào ở trẻ sơ sinh.
Việc kết hợp các biện pháp tự điều trị tại nhà với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn cũng có thể tăng tốc độ chữa hắc lào cho trẻ hoặc ngăn ngừa bệnh tái phát. Tốt nhất, cha mẹ nên tham vấn bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ phương pháp điều trị nào cho trẻ.
Bé bị hắc lào bôi thuốc gì, dùng kem trị hắc lào cho bé thế nào?
Tùy vào mức độ bệnh và độ tuổi, trẻ sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng kem bôi chống nấm hoặc thuốc chống nấm đường uống.
Kem bôi chống nấm trị hắc lào ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
Nếu nấm da không quá nghiêm trọng, cha mẹ có thể sử dụng kem chống nấm không kê đơn cho trẻ, bao gồm:
- Clotrimazole
- Miconozale
- Terbinafine (tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi)
- Tolnaftate
Kem chống nấm được bán rộng rãi ở khắp các hiệu thuốc. Các sản phẩm nêu trên có thể được bán dưới các tên thương hiệu khác nhau. Bởi vậy, cha mẹ nên tìm sản phẩm dành riêng cho hắc lào được chấp thuận cho độ tuổi của bé và đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
Nên thoa kem lên vùng da bị hắc lào ít nhất 2 lần/ngày trong khoảng 1 tuần. Thông thường, cha mẹ chỉ cần bôi thuốc vào vùng da bị ảnh hưởng và bôi rộng ra xung quanh khoảng 1 – 2cm. Không nên thoa kem chống nấm ở các vùng da khỏe mạnh. Khi điều trị bằng kem chống nấm, bệnh hắc lào thường khỏi trong vài tuần. Ngứa và một số triệu chứng khác có xu hướng thuyên giảm chỉ sau vài ngày dùng thuốc. Bệnh hắc lào sẽ không lây sau 2 – 3 ngày điều trị.
Ngay cả khi các triệu chứng hắc lào đã biến mất, cha mẹ vẫn nên tiếp tục thoa kem lên vùng da bị hắc lào của trẻ thêm 7 – 10 ngày nữa để đảm bảo chữa hắc lào dứt điểm.
Thuốc chống nấm đường uống
Nếu trẻ bị hắc lào trên da đầu, thì việc điều trị bằng kem chống nấm có thể khó khăn hơn. Lúc này, các bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc chống nấm đường uống kết hợp với dầu gội chống nấm.
Mặt khác, nếu kem chống nấm không thể trị khỏi bệnh hắc lào, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc chống nấm đường uống. Những trẻ bị nấm da đầu nặng hoặc nấm móng là những đối tượng phải dùng thuốc này trong vòng 1 đến 3 tháng. Thuốc trị hắc lào ở trẻ sơ sinh dạng uống thường được sản xuất dưới dạng lỏng hoặc dạng bột, viên nén (nghiền nhỏ) trộn với sữa, nước lọc hoặc cháo để giúp bé dễ uống hơn.
Griseofulvin là một lựa chọn rất hiệu quả đối với bệnh hắc lào ở da đầu do tác nhân Trichophyton và Microsporum spp. Hai loại nấm da này đòi hỏi thời gian điều trị kéo dài để chữa khỏi hoàn toàn. Các tác dụng phụ phổ biến nhất liên quan đến Griseofulvin đường uống là đau nhức đầu, khó chịu ở đường tiêu hóa và phát ban.
Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ thường khuyến nghị dùng Griseofulvin công thức tinh thể siêu nhỏ để giảm khó chịu và tối ưu hóa sự hấp thụ. Loại Griseofulvin này được bán dưới dạng lỏng, thuận tiện sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với Driseofulvin đường uống, tỷ lệ chữa khỏi bệnh hắc lào được báo cáo là từ 80 – 95%. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị nên dùng liều 10 – 20mg/kg/ngày đối với Griseofulvin tinh thể siêu nhỏ, một liều duy nhất hàng ngày trong 4 – 6 tuần để điều trị hắc lào da đầu ở trẻ.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng Itraconazole là một lựa chọn thay thế tốt hơn cho Griseofulvin trong điều trị hắc lào ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Itraconazole có ở dạng viên nang và dung dịch uống có thể kết hợp tốt với thức ăn bán rắn, sữa của trẻ. Cha mẹ có thể tách viên nang để lấy vi hạt, trộn với cháo và cho trẻ ăn. Với dung dịch uống, nên dùng với liều thấp hơn 3mg/kg/ngày vì thuốc dạng lỏng được hấp thu tốt hơn dạng viên nang.
Đối với Terbinafine dạng uống, cần thận trọng sử dụng cho trẻ nhỏ, trẻ dưới 12 tuổi cần phải có sự chấp thuận của bác sĩ mới được sử dụng. Thuốc thường được chỉ định để điều trị nấm da đầu, nấm móng chân, nấm móng tay…
Ngoài ra, trẻ bị hắc lào da đầu có thể được chỉ định uống Fluconazole. Nếu trẻ bị bội nhiễm hoặc xuất hiện áp xe, bác sĩ sẽ chỉ định thêm thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống viêm steroid.
Có nên chữa hắc lào bằng Đông y cho bé?
Điều trị hắc lào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bằng Đông y không thể tùy tiện. Cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám tại bệnh viện, phòng khám Đông y uy tín để được bác sĩ chẩn bệnh, bốc thuốc phù hợp. Tuyệt đối không mua thuốc Đông y trôi nổi trên mạng để điều trị hắc lào cho con.
Một số bài thuốc trị hắc lào phổ biến có thể kể tới như:
- Bài thuốc 1 – thuốc đắp: Bao gồm 100gr hạt thảo quyết minh (hay hạt muồng), 10 lá trầu không tươi và 2 quả khế chua.
- Bài thuốc 2 – thuốc bôi: Bao gồm 20gr hạt muồng trâu tươi, 100ml cồn 70 độ và 12gr hạt bồ kết tươi.
- Bài thuốc 3 – thuốc ngâm: Bao gồm 50gr củ chút chít, 50gr vỏ cây đại tươi và 100ml cồn 70 độ.
Cha mẹ có thể tham khảo một số địa chỉ khám chữa bệnh ngoài da bằng Đông y dưới đây:
Trung tâm Da liễu Đông y Việt Nam
- Hà Nội: 123 Hoàng Ngân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Điện thoại/Zalo: 0972.196.616
- Hồ Chí Minh: 48B Đặng Dung, Tân Định, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Điện thoại/Zalo: 0964/129.962
- Fanpage: Trung tâm Da liễu Đông y Việt Nam |Website: trungtamdalieudongy.com
Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Thuốc dân tộc
- Hà Nội: Biệt thự B31 ngõ 70 Nguyễn Thị Định, Thanh Xuân. Điện thoại: (024)7109 6699
- Hồ Chí Minh: Số 145 Hoa Lan, phường 2, quận Phú Nhuận, TP. HCM. Điện thoại: (028)7109 6699
- Quảng Ninh: Số 116 Văn Lang, P. Hồng Gai, TP Hạ Long. Điện thoại: 0203 6570128
Lưu ý:
Các bài thuốc Đông y tuy an toàn, lành tính với mọi đối tượng và độ tuổi, nhưng vẫn nên thận trọng khi sử dụng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Nên dùng thuốc đúng theo hướng dẫn, liệu trình điều trị mà bác sĩ chỉ định.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị hắc lào
Khi bạn đã bắt đầu điều trị bệnh hắc lào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn không nhất thiết phải giữ trẻ tránh xa các hoạt động thường ngày hoặc bắt trẻ phải ngồi yên một chỗ.
Tuy vậy, cha mẹ nên lưu ý tới những điều sau khi chăm sóc trẻ bị hắc lào:
- Cha mẹ nên rửa tay sạch sẽ bằng nước ấm và xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với trẻ.
- Hãy tắm cho trẻ thường xuyên.
- Nhiễm nấm lây lan nhanh hơn ở những khu vực ẩm ướt. Hãy đảm bảo rằng cơ thể trẻ được lau khô đúng cách để giúp ngăn ngừa nấm phát triển. Nên chú ý các nếp gấp da, vì nước thường đọng ở đó.
- Nếu da trẻ bị chảy máu hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, hoặc nếu trẻ có tiền sử bị chàm hoặc dị ứng, hãy đưa trẻ đi khám ngay.
- Cho bé mặc quần áo rộng rãi làm từ sợi tự nhiên, như cotton.
- Cắt ngắn và mài nhẵn móng tay của bé.
- Khử trùng toàn bộ đồ dùng cá nhân của bé.
- Thói quen vệ sinh tốt giúp ngăn ngừa sự lây lan của nấm, cũng như hỗ trợ điều trị hắc lào hiệu quả. Bên cạnh đó, các cha mẹ cũng nên lưu ý tới chế độ ăn uống của trẻ để đẩy nhanh quá trình lành bệnh. Nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả tươi, tránh xa đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…
- Với những trẻ sơ sinh vẫn đang bú sữa mẹ, người mẹ nên chú ý tăng cường chất lượng sữa bằng cách chọn lựa đồ ăn thức uống thông minh, như:
- Hạn chế thực phẩm nhiều đường, thực phẩm gây dị ứng, chất kích thích.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu beta carotene (như cà rốt, khoai lang, rau lá xanh), vitamin E (đậu lăng, ngũ cốc nguyên hạt), vitamin C (cam, chanh, ớt chuông)…
Cách phòng ngừa hắc lào ở trẻ em
Phòng ngừa bệnh hắc lào ở trẻ sơ sinh không hề dễ dàng, vì trẻ thường xuyên phải tiếp xúc gần gũi với những người khác thông qua việc cho bú, thay tã, bế ẵm… Đối với trẻ lớn, việc ngăn ngừa hắc lào cũng vấp phải nhiều rào cản, vì trẻ thường hiếu động, đã đi học và chưa hình thành thói quen vệ sinh đúng cách.
Nhìn chung, không có chiến lược nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh hắc lào, nhưng một số việc làm có thể làm giảm nguy cơ này:
- Không để trẻ sơ sinh bò hoặc đi chân đất trên các bề mặt có nguy cơ nhiễm nấm cao, chẳng hạn như sàn nhà tắm, phòng thay đồ, sàn các khu vực công cộng, đất bẩn…
- Giữ trẻ tránh xa những người và thú cưng mắc bệnh hắc lào.
- Đi tất hoặc giày cho trẻ khi trẻ mới bắt đầu tập đi.
- Thay quần áo cho trẻ ngay khi bị ướt và thay tã thường xuyên. Nếu bé vẫn mặc bỉm hoặc tã, nên lựa chọn loại bỉm thấm hút tốt, làm bằng chất liệu thân thiện với làn da. Không nên cho bé mặc một chiếc bỉm quá 4 tiếng, nên thay thường xuyên ngay cả khi bỉm vẫn sạch.
- Không cho bé dùng chung gối hoặc giường với người thân bị bệnh hắc lào.
- Nên vệ sinh chăn, gối, nệm… thường xuyên để loại bỏ bào tử nấm.
- Nếu một thành viên trong gia đình bị bệnh hắc lào, hãy yêu cầu họ mặc quần áo dài để che các vết hắc lào hoặc băng chúng lại cho tới khi chúng không còn lây nhiễm.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn tới ít nhất 6 tháng tuổi để tăng sức đề kháng tự nhiên.
Đặc biệt, thú cưng không may có thể truyền bệnh hắc lào cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bởi vậy, cha mẹ nên cẩn thận quan sát tình trạng lông và da của thú cưng để kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu hắc lào. Cho thú cưng đi khám thú y ngay nếu nghi ngờ chúng bị hắc lào.
Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể thực hiện những điều sau:
- Giữ cho da luôn sạch và khô ráo bằng cách rửa tay thường xuyên, tắm rửa mỗi ngay và lau khô da hoàn toàn sau khi tiếp xúc với nước.
- Sử dụng khăn sạch và tránh dùng chung trang phục khăn tắm, lược, bàn chải đánh răng và mũ với người khác.
- Tránh mặc quần áo bó sát, đặc biệt là quần lót. Nên mặc đồ rộng rãi, thoáng mát, làm từ chất liệu cotton thấm hút mồ hôi tốt.
- Nên thay quần áo sạch mỗi ngày.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước ấm sau khi chơi với thú cưng.
- Điều trị triệu để bất kỳ bệnh nhiễm nấm nào khác, chẳng hạn như lang ben.
- Dặn trẻ không nên chia sẻ vật dụng cá nhân với các bạn khác, như mũ, khăn tay, kẹp tóc, giày, tất, bình nước…
Với những kiến thức hắc lào ở trẻ sơ sinh nêu trên, các bậc cha mẹ có thể phần nào ứng phó tốt khi phát hiện con trẻ bị bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng mà cha mẹ nên nhớ là nên cho con đi khám chuyên khoa da liễu sớm để có được cách điều trị hiệu quả, không biến chứng.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!