Phác đồ điều trị vảy nến: Lộ trình chữa bệnh hiệu quả nhất 2020

Vảy nến là căn bệnh da liễu mãn tính và khó có thể điều trị dứt điểm. Vì vậy, đi theo một lộ trình chữa trị khoa học sẽ mang lại kết quả khả quan hơn cho người bệnh. Bài viết dưới đây cung cấp một số phác đồ điều trị vảy nến được các cơ sở y tế, bác sĩ, chuyên gia da liễu hàng đầu áp dụng. Qua đó, phục vụ công tác chữa vảy nến cho bệnh nhân đạt hiệu quả tốt nhất. 

Chẩn đoán bệnh vảy nến

Vảy nến là căn bệnh da liễu mãn tính, dai dẳng và rất dễ tái phát. Cho tới nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị vảy nến dứt điểm. Người bệnh mắc vảy nến sẽ đối mặt với việc sống chung cùng bệnh trong thời gian dài, thậm chí đến hết cuộc đời.

Dấu hiệu của vảy nến bao gồm những tổn thương ngoài da như:

  • Da bong tróc thành vảy bạc, nhô lên trên bề mặt da, rìa vảy có màu hồng hoặc đỏ
  • Khô da, nứt nẻ, ngứa ngáy, nghiêm trọng hơn sẽ rớm máu, gây đau rát
  • Phần móng tay, chân, khớp xương, niêm mạc sẽ bị sưng, cứng tuỳ theo mức độ bệnh
Vùng da bị vảy nến khô rát, ửng đỏ và gây ngứa
Vùng da bị vảy nến khô rát, ửng đỏ và gây ngứa

Nguyên nhân gây ra vảy nến vẫn chưa được xác định. Các chẩn đoán lâm sàng ban đầu do cơ địa, thời tiết, môi trường, yếu tố di truyền và rối loạn miễn dịch.

Chuyên gia hoặc bác sĩ chuyên khoa sẽ căn cứ vào triệu chứng lâm sàng (dấu hiệu bệnh, vị trí, tiền sử bệnh, yếu tố di truyền…) để đưa ra kết luận. Sau đó, sẽ cạo vảy Brocq để phát hiện các dấu hiệu của bệnh (dấu hiệu vết nến, vết vỏ hành, giọt sương máu). Một số trường hợp sẽ tiến hành làm sinh thiết da, quan sát dưới kính hiển vi. 

Các dấu hiệu da liễu khác cần được phân biệt rõ ràng với vảy nến có thể kể đến: Sẩn giang mai II, á sừng liên cầu, á vảy nến, chàm khô, vảy phấn hồng gibert. 

Phác đồ điều trị vảy nến chi tiết 

Hiện nay, có một số phác đồ điều trị vảy nến phổ biến được áp dụng cho người mắc bệnh. Tuỳ thuộc vào mong muốn của người bệnh, theo Tây y hay Đông y,  có thể chọn cho mình lộ trình phù hợp. 

Phác đồ điều trị vảy nến Bộ Y tế  

Phác đồ chữa vảy nến của Bộ Y tế tổng hợp chi tiết từ chẩn đoán lâm sàng, tiến triển bệnh đến các phương pháp điều trị. Các trung tâm y tế và bác sĩ chuyên gia tin tưởng áp dụng phác đồ này để cải thiện vảy nến cho bệnh nhân.

Biểu hiện lâm sàng

Các dấu hiệu cơ bản của vảy nến đều dễ nhận biết ở ngoài da. Những khu vực dễ phát bệnh là da đầu, da tay, da chân. Một số bộ phận thường xuyên chịu ma sát như đầu gối, khuỷu tay. Bệnh nhân có thể bị vảy nến khu trú hoặc trên từng bộ phận khác nhau. 

Vảy nến có thể định hình ở 2 dạng: 

Vảy nến khu trú sẽ tập trung tại một khu vực trên cơ thể
Vảy nến khu trú sẽ tập trung tại một khu vực trên cơ thể

Cụ thể, vùng da phát bệnh sẽ có các vết, mảng đỏ từ vài mm đến vài cm, có thể lan trên diện rộng. Sờ vào sẽ thấy cộm, gồ cao. Các mảng da bị nhiều vảy, dày sừng, bong ra có thể tự rụng ra khỏi da. 

Tiến triển bệnh

Vảy nến tiến triển theo từng giai đoạn, tùy thuộc vào tình trạng và cơ địa của bệnh nhân. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết lạnh, hanh khô hoặc môi trường có độ ẩm cao, bệnh dễ khởi phát hoặc bùng nghiêm trọng. 

Mặc dù là căn bệnh mãn tính khó khỏi hẳn, vảy nến không gây ra nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Với 2 trường hợp vảy nến dạng toàn thân phát đỏ và thể khớp, nếu không điều trị cẩn thận sẽ dễ gặp biến chứng. 

Biến chứng

Các trường hợp vảy nến ở mức độ nặng và tái phát nhiều lần, sẽ để lại một số biến chứng trên da như nhiễm trùng da (da bị bội nhiễm), sừng hóa, chàm hóa da… Trong tình huống xấu nhất, người bệnh sẽ phải đối mặt với vảy nến lan rộng toàn thân phát đỏ và ung thư da. Riêng với vảy nến thể khớp, nghiêm trọng sẽ dẫn đến cứng khớp, viêm khớp, biến dạng khớp. 

Giai đoạn điều trị

Theo phác đồ điều trị vảy nến của bộ Y Tế, bệnh da liễu này sẽ được chia làm 2 giai đoạn điều trị. Bao gồm giai đoạn tấn công và giai đoạn duy trì. Mỗi giai đoạn sẽ kết hợp với các phương pháp điều trị khác nhau. 

  • Giai đoạn tấn công: Người bệnh sẽ tiếp nhận điều trị tại chỗ kèm các loại thuốc bôi, uống chuyên dụng. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại chỗ kết hợp toàn thân để nhằm mục đích cải thiện các thương tổn trên da. 
  • Giai đoạn duy trì: Đây là bước ổn định, duy trì trạng thái da phục hồi. Tránh bùng diện rộng hoặc tái phát sau khi cải thiện được triệu chứng ở giai đoạn tấn công. 

Phương pháp điều trị

Có 2 phương pháp chữa bệnh theo phác đồ điều trị vảy nến của Bộ Y tế. Tùy vào mức độ thương tổn trên da mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp nào cho bệnh nhân. 

  • Tổn thương trên da chiếm diện tích nhỏ hơn 30% sẽ theo phương pháp điều trị tại chỗ.
  • Tổn thương trên da chiếm diện tích lớn hơn 30%, hoặc khi đã điều trị tại chỗ không đem lại hiệu quả, người bệnh sẽ được áp dụng chữa trị vảy nến toàn thân. 

Điều trị tại chỗ

Phương pháp này sẽ sử dụng thuốc bôi tại chỗ, dưới đây là nhóm thuốc phổ biến được áp dụng cho người bệnh

Acid Salicylic là loại thuốc bôi phổ biến chữa vảy nến
Acid Salicylic là loại thuốc bôi phổ biến chữa vảy nến
  • Thuốc Acid Salicylic 5%: Tác dụng chính của Acid Salicylic là giúp sát khuẩn, làm bong vảy trên da tự nhiên và ức chế các vi nấm gây bệnh. Tần suất bôi từ 1-3 lần một ngày, thoa một lượng vừa đủ lên vùng da bị tổn thương, tránh các vết thương hở. Chống chỉ định với người bị vảy nến diện rộng, mẫn cảm với salicylat. 
  • Thuốc Dithranol & Anthralin: Tác dụng chính giúp kháng viêm, giảm tốc độ tăng sinh của tế bào da. Tần suất một ngày bôi 1 lần, trên các vùng vảy nến khu trú, sử dụng trong giai đoạn điều trị tấn công. Chống chỉ định với vảy nến đỏ da toàn thân và mụn mủ. 
  • Thuốc mỡ corticoid: Tác dụng chính giúp ức chế miễn dịch, chống viêm, chống dị ứng. Một số loại thuốc bôi chứa dẫn xuất corticoid như Synalar, Betnovate, Lorinden C 15g. Tần suất một ngày bôi từ 1-3 lần tuỳ vào chỉ dẫn từng loại. Tuy nhiên, chỉ nên dùng một lượng thuốc mỏng để tránh phồng rộp da. Các loại thuốc corticoid không sử dụng lâu quá 1 tháng.
  • Thuốc Calcipotriol (dẫn xuất vitamin D3): Tác dụng chính là làm ức chế tăng sinh tế bào, kích thích biệt hoá tế bào sừng. Tần suất một ngày bôi 1 lần, có thể kết hợp với corticoid tăng hiệu quả điều trị.  Thuốc dạng mỡ trị vảy nến trên cơ thể, dạng gel dùng cho vảy nến da đầu. 
  • Vitamin A: Tác dụng chính giảm các mảng bong tróc trên da. Tần suất bôi một lần trên ngày. Có thể kết hợp với corticoid khi được chỉ định. Áp dụng thuốc với các trường hợp vảy nến thể mảng. 
  • Kẽm oxit: Tác dụng chính làm giảm kích ứng da, cải thiện các vùng da bị tổn thương. Có thể kết hợp dùng kẽm oxit với thuốc bôi bạt sừng, bong vảy. 
  • Goudron: Tác dụng chính giúp làm lành các tổn thương trên da. Áp dụng thuốc với các trường hợp vảy nến và chàm da. 

Điều trị toàn thân 

Phương pháp này áp dụng cho những trong tình trạng nặng, điều trị tại chỗ không tác dụng hoặc bị vảy nến diện rộng toàn thân

Quang trị liệu 

Đây là phương pháp trị vảy nến nổi tiếng trên toàn thế giới, ra đời vào năm 1974 và có tên viết tắt là PUVA. Bệnh nhân sẽ được áp dụng một trong 3 phác đồ điều trị vảy nến bằng quang trị liệu như sau:

  • UVA: Chiếu tia cực tím sóng A, bước sóng 320-400 nm. Thực hiện với tần suất 3 lần/tuần hoặc 2 ngày 1 lần. 
  • UVB dải hẹp: Chiếu tia cực tím sóng B, bước sóng 311nm. 
  • PUVA: Phương pháp chiếu PUVA phối hợp với UVA, uống thuốc cảm ứng ánh sáng Psoralen. Sau đó khoảng 2 tiếng chiếu UVA, liều UVA tăng dần từ 0,5-1 J/cm2 

Giai đoạn tấn công tần suất trị liệu 3 lần chiếu/tuần trong 1 tháng. Tới giai đoạn duy trì thì 1 lần chiếu/tuần trong 2 tháng.

Quang trị liệu là thủ thuật hiện đại trị vảy nến hiện nay
Quang trị liệu là thủ thuật hiện đại trị vảy nến hiện nay

Phương pháp quang trị liệu có tác dụng chống phân bào, hiệu quả miễn dịch giảm số lượng, giảm hoạt hóa lympho T, ức chế tổng hợp AND của lympho và ức chế tế bào sừng. Qua đó các tổn thương sẽ dần phục hồi.

Ưu điểm của phác đồ điều trị vảy nến bằng quang trị liệu là thực hiện khá đơn giản, không phải bôi thuốc, ít độc hại, an toàn. Tuy nhiên, người bệnh cần thận trọng với Một số tác dụng phụ phồng rộp da, nổi mụn nước, đỏ da, buồn nôn, ngứa ngáy

Thuốc điều trị toàn thân

  • Retinoid: Tác dụng ngăn ngừa sừng hoá. Áp dụng thuốc cho bệnh nhân ở mức độ nặng. Tần suất uống 10mg/ngày với liều đầu tiên và dần tăng lên 20 – 25mg/ngày. Sau 1 – 2 tuần bác sĩ sẽ đánh giá kết quả điều trị để tăng hoặc giảm liều cho phù hợp. Thuốc được dùng kéo dài từ 1 tháng tới 1 năm.
  • Cyclosporin: Tác dụng chính làm ức chế miễn dịch mạnh. Loại thuốc này chỉ dùng cho vảy nến mức độ nặng. Tần suất uống 2,5 – 5mg/kg/ngày, chia thành 2 lần. Thuốc được dùng điều trị dài ngày. Sau 6 tháng dùng thuốc nếu không thấy tác dụng thì phải ngưng dùng
  • Methotrexate (MTX): Loại thuốc này dùng cho vảy nến mủ và vảy nến da đỏ toàn thân. Tần suất uống 2,5mg chia làm 3 lần 1 tuần, mỗi liều cách nhau ít nhất 12 giờ. Hoặc tiêm vào bắp 10mg/tuần. Trong quá trình dùng thuốc phải theo dõi gắt gao chức năng hoạt động của gan. 
  • Corticoid: Tác dụng kháng viêm mạnh, chỉ dùng khi được chỉ định hoặc thực sự cần thiết. Tác dụng phụ có thể gây ra vảy nến mủ. 
  • Các thuốc bổ sung (vitamin B12, vitamin C, vitamin A, Biotin, vitamin H3): Tác dụng tăng cường miễn dịch, cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa bùng phát bệnh 

Phác đồ điều trị vảy nến theo Đông y

Chữa vảy nến bằng Đông y là lựa chọn của nhiều người hiện nay. Phương pháp này đòi hỏi người bệnh phải kiên trì điều trị. Bởi nguyên liệu thuốc trong y học cổ truyền là các dược liệu lành tính, tác động từ từ, không tức thì như Tây y.

Nguyên nhân bùng phát vảy nến theo Đông y là do cảm phong hàn, huyết nhiệt. Tình trạng bệnh kéo dài sẽ dẫn đến huyết táo, da yếu và sinh bệnh.

Giai đoạn điều trị bắt đầu từ bước loại bỏ căn nguyên bên trong, tới phục hồi các triệu chứng viêm da bên ngoài. Sau đó là quá trình ổn định hiệu quả lâu dài.

Phương pháp điều trị

Dựa vào tình trạng của bệnh nhân, thầy thuốc sẽ đưa ra liệu trình thuốc điều trị phù hợp. Trong Đông có 2 phương pháp đặc thù chữa vảy nến là dùng thuốc uống và thuốc ngâm rửa.

Bài thuốc uống chữa vảy nến

Trong Đông y, vảy nến được chia làm 2 thể là vảy nến phong huyết nhiệt và vảy nến phong huyết táo.

Đối với vảy nến thể phong huyết nhiệt:

Người mắc vảy nến phong huyết nhiệt sẽ có các nốt chấm đỏ hoặc hồng trên da, có thể lan thành mảng theo thời gian, gây ngứa ngáy râm ran.

  • Bài thuốc 1: Kết hợp các dược liệu gồm hoè hoa sống (40g), sinh địa (40g), thạch cao (40g), ké đầu ngựa (20g), thổ phục linh (40g), tử thảo (12g), thăng ma (12g), chích thảo (4g), địa phu tử (12g). Sắc lên và lấy nước, sau đó chia ra ngày uống 3 lần.
  • Bài thuốc 2: Kết hợp các dược liệu gồm ké đầu ngựa (16g), hòe hoa (20g), sinh địa (20g), cây cứt lợn (12g), cam thảo đất (16g), thổ phục linh (16g), thạch cao (20g). Sắc lên, để âm ỉ cho thuốc kĩ. Lấy nước chia ra làm 3 lần uống trong ngày.

Đối với vảy nến thể phong huyết táo:

Người bệnh đã bị vảy nến trong thời gian dài. Trên da hầu hết là các vết tích cũ, ửng đỏ, ít xuất hiện các nốt vảy mới. Khi sờ vào vùng da tổn thương sẽ cảm thấy khô.

  • Bài thuốc 2: Dược liệu gồm hà thủ ô (20g), huyền sâm (12g), khương hoạt (16g), đương quy (20g), oai linh tiên (12g), thổ phục linh (40g), ké đầu ngựa (16g), sinh địa (16g). Đun hỗn hợp với nước. Sau đó để thuốc chín kĩ lấy phần nước còn lại chia làm 3 lần uống một ngày. Có thể uống kéo dài từ 1-2 tháng để cho kết quả tốt nhất.
  • Bài thuốc 3: Dược liệu gồm lá xích đồng (12g), kinh giới (12g), kim ngân hoa (12g), thổ phục linh (12g), bồ công anh (12g), rau má (12g), cây trinh nữ (12g), ké đầu ngựa (12g), bạc sau (12g), hạ khô thảo (12g), , đơn đỏ (12g), vỏ gạo (12g), khổ sâm (12g), xác ve sầu (12g). Sắc hỗn hợp cho chín kĩ và chia làm 2 lần uống một ngày. Tần suất 2 ngày uống 1 thang.

Bài thuốc ngâm rửa chữa vảy nến

Các bài thuốc ngâm rửa thường được kết hợp với thuốc uống để cải thiện triệu chứng ngoài da. Qua đó, đẩy nhanh quá trình chữa bệnh.

  • Bài thuốc 1: Các thành phần gồm hỏa tiêu, phác tiêu, khô phàn và dã hoa cúc mỗi loại 15g. Đối với bài thuốc này, người bệnh đun nước để ngâm rửa vùng da bị vảy nến hàng ngày. Lưu ý, nên thực hiện đều đặn hàng ngày để xoa dịu các biểu hiện của bệnh vảy nến.
  • Bài thuốc 2: Các thành phần gồm khô phàn (120g), xuyên tiêu (120g), cúc dại hoa (240g), mang tiêu (500g). Đun sôi hỗn hợp với khoảng 4 lít nước. Sau đó pha loãng cho nước ấm rồi dùng để ngâm rửa vùng da bệnh. Người bệnh lưu ý không nên dùng nước quá nóng để ngâm, việc này sẽ khiến tình trạng da bong tróc tồi tệ hơn.

Cách phòng tránh bệnh vảy nến

Vảy nến là căn bệnh ngoài da phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng nếu thuộc một trong các nhóm sau: 

  • Thành viên trong gia đình có tiền sử mắc vảy nến
  • Nhóm người nhiễm virus, vi khuẩn (bệnh HIV…) 
  • Mắc tiểu đường type 2
  • Người bị stress, béo phì, hệ miễn dịch yếu
  • Mắc bệnh tim mạch
  • Mắc một số bệnh tự miễn như celiac, xơ cứng…

Có nhiều nguyên nhân không xác định dẫn đến sự bùng phát bệnh vảy nến. Bên cạnh đó chưa có một phác đồ điều trị nào có thể đảm bảo bệnh nhân khỏi dứt điểm. Vậy nên, để giảm nguy cơ “sống chung” với bệnh, bạn đọc hãy ghi nhớ những điều sau đây: 

  • Hạn chế tiếp xúc với các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá…)
  • Người mẫn cảm nên tránh xa các dị nguyên dễ gây kích ứng da (phấn hoa, lông chó mèo, bụi bẩn, nấm mốc…) 
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn trên da và đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh
  • Xây dựng một chế độ sống lành mạnh, ngủ nghỉ đúng giờ
  • Ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm, vitamin B12, omega 3 giúp tăng cường hệ miễn dịch
  • Nếu có tiền sử mắc các bệnh về da trước đó, hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều protein, như thủy hải sản
  • Trong gia đình có người đã hoặc đang bị vảy nến, bạn nên theo dõi sức khoẻ và đi khám sức khỏe định kỳ

Phác đồ điều trị vảy nến nêu trên tương đối khách quan và khoa học. Thực tế, lộ trình điều trị có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Bác sĩ chuyên khoa và người bệnh đều cần lưu ý thông tin trên để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình điều trị.

Bạn đọc tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)
Cách chữa nhiệt miệng nhanh nhất
17 cách chữa nhiệt miệng nhanh nhất theo phương pháp dân gian
Nhiệt miệng là tình trạng bất cứ ai cũng từng trải qua, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Theo thời gian, tình trạng này khiến người bệnh bị cảm giác…

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *